Cá mát, chè hoa vàng, xoài Tương Dương… là những đặc sản nức tiếng của các huyện miền Tây Nghệ An. Đã có lúc, những loài cây, con bản địa này đứng trước nguy cơ cạn kiệt, mất giống… Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân địa phương, đã có nhiều cách nghĩ, cách làm sáng tạo để bảo tồn nguồn gen quý, đưa những sản phẩm này trở thành hàng hóa.
Một ngày trung tuần tháng 3, chúng tôi ngược đường vào xã biên giới Tam Hợp (Tương Dương). Vừa đặt chân đến địa bàn xã đã nhìn thấy tấm biển “cấm người dân ngoài xã vào đánh bắt cá dưới khe suối”.
Ông Nguyễn Anh Minh – Phó Chủ tịch HĐND xã, người có sáng kiến bảo tồn cá mát tại địa phương này hồ hởi cho biết: Cá mát được sinh trưởng tự nhiên dưới khe suối, nên mạnh ai nấy bắt, ban đầu là sử dụng các dụng cụ thô sơ, sau này người ta dùng cả lưới bát quái, kích điện rà đi rà lại, đến mức cạn kiệt. Bản thân ông đã trăn trở làm thế nào để bảo tồn cá mát, nhưng nghĩ không ra giải pháp nào.
“Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, cách đây 3 năm, trong một lần sang nước bạn Lào công tác, ông tìm hiểu được cách bảo tồn cá mát dưới khe suối từ nước bạn.
“Tại cuộc họp HĐND xã cuối năm 2018, tôi nêu ý kiến về vấn đề bức thiết và giải pháp bảo tồn cá mát và được mọi người nhất trí cao”, ông Minh nhớ lại.
Đầu năm 2019, xã giao cho 5 bản: Xốp Nặm, bản Phồng, Văng Môn, Huồi Sơn và Phá Lỏm, mỗi bản tự bảo vệ 800 – 1.000 m dài khe suối chảy qua địa bàn của bản. “Từ quy định chung của xã, các bản đều có quy ước riêng. Theo đó, nếu phát hiện người nào tự tiện đánh bắt cá trên những đoạn suối cấm, sẽ bị bản xử phạt hành chính, tịch thu dụng cụ.
Mới rồi xã huy động nguồn xã hội hóa được gần 20 triệu đồng, đầu tư lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng và camera trên đoạn suối gần trung tâm xã, nhằm đề phòng các đối tượng từ địa phương khác vào đánh bắt trộm” – ông Minh cho hay.
Được biết, ngoài xã Tam Hợp, trên địa bàn huyện Tương Dương còn có nhiều xã đang triển khai công tác bảo tồn, phát triển cá mát như: Tam Quang, Lưu Kiền…
Huyện Con Cuông từ lâu nổi tiếng với đặc sản cá mát sông Giăng. Từ năm 2015, UBND huyện đã ban hành đề án phát triển nguồn lợi thủy sản, gắn với du lịch, trong đó chú trọng đến cá mát. Nhờ đó, nạn đánh bắt cá vô tội vạ trên các sông suối giảm dần, lượng cá mát ngày càng nhiều hơn.
Đi đôi với đó, huyện Con Cuông còn đang bảo tồn giống lúa khấu hin. Giống lúa dẻo, thơm này trước đây được đồng bào các dân tộc nơi đây gieo cấy trên các cánh đồng của xã Môn Sơn, Lục Dạ. Bởi thế, từ xa xưa người Con Cuông mới có câu nổi tiếng “cơm Mường Quạ, cá sông Giăng”, ý nói cơm được nấu từ hạt gạo khấu hin, gieo cấy tại địa phương, ăn với món cá mát bắt từ sông Giăng lên thơm ngon nức tiếng…
Tại Nghệ An chè hoa vàng được bà con đồng bào dân tộc gọi là cây “tắp quái”, có tên khoa học là Camellia quephongensis Hakoda et Ninh, được hai nhà khoa học người Nhật Bản và Việt Nam phát hiện năm 2012 tại các khu vực rừng ở các xã Đồng Văn, Thông Thụ, Hạnh Dịch, Tiền Phong, Mường Nọc, Châu Kim của huyện Quế Phong.
Thời điểm đó, số lượng chè hoa vàng tương đối lớn. Tuy nhiên, trong những năm qua, tư thương thu mua, gom hoa rất nhiều với giá “khủng” từ 2 đến 2,5 triệu đồng/kg hoa khô, nên đến mùa ra hoa người dân bản địa kéo nhau vào rừng thu hái. Để thu được nhiều “chiến lợi phẩm” có những người chặt hạ cả thân cây to xuống để lấy hoa, khiến số lượng cây chè hoa vàng trong rừng hiếm dần.
Trước thực trạng đó, có những người dân đã trăn trở, bảo tồn được vườn cây chè hoa vàng mang lại giá trị cao. Ở bản Hủa Na 1, xã Thông Thụ, ai cũng tấm tắc với vườn cây chè hoa vàng hàng nghìn cây của gia đình ông Lô Văn Sinh.
Ông Sinh thổ lộ, năm 2012 gia đình ông cùng 46 hộ trong bản được đưa đi tái định cư, để xây dựng Nhà máy Thủy điện Hủa Na, đây cũng là lúc thông tin về cây chè hoa vàng được công bố. Ông không ngờ cái cây thấp lè tè có hoa vàng ánh kim mà mình đi rừng hay gặp lại có giá trị đến vậy. Thế rồi cứ mỗi khi rảnh rỗi, ông lại vào rừng, lùng tìm những cây con đào lên đem về trồng trong vườn nhà mình. Sau mấy năm ròng rã leo núi, xẻ rừng tìm kiếm, đến nay vườn chè hoa vàng của ông đã có hơn 1.000 gốc, bước đầu đã cho hoa.
Người lâu nay trăn trở với cây chè hoa vàng là ông Hà Minh Tuấn – Bí thư Đảng uỷ xã Châu Kim, hiện ông đã có hơn 1,5ha rẫy trồng chè hoa vàng. Để có ngần ấy diện tích cây chè hoa vàng, bản thân ông Tuấn ngoài tìm cây trên rừng về, còn miệt mài nghiên cứu cách nhân giống bằng cách ghép cành với cây sở hoặc giâm hom trong bầu đất. Khi đã thành công trong việc nhân cây giống, ngoài cung cấp cây con để trồng trên nương, ông Tuấn còn bán cho các hộ dân có nhu cầu trồng.
Hiện tại toàn xã Châu Kim có 5 hộ tham gia trồng chè hoa vàng, được khoảng 5ha. Theo số liệu của UBND huyện Quế Phong, đến nay địa phương đã bảo tồn được hơn 81 ha cây chè hoa vàng.
Có một đặc sản nức tiếng ở miền Tây xứ Nghệ nữa, đó là xoài Tương Dương. Khác với các giống xoài khác, xoài Tương Dương có đặc điểm quả nhỏ gọn, vỏ sần sùi, không trơn bóng như các loại xoài khác, khi ăn có vị ngọt thanh và mùi thơm đặc trưng.
Hiện nay xoài Tương Dương được trồng tập trung tại các xã: Xá Lượng, Tam Quang, Tam Thái, Lưu Kiền và thị trấn Thạch Giám với diện tích gần 50 ha. Ở vùng đất này, có những cây xoài cổ thụ hàng chục năm tuổi, thân cây lớn đến mức 1 đến 2 người ôm không xuể.
Tuy nhiên, nếu không bảo vệ nguồn gen quý này, không lâu nữa, giống xoài đặc sản này sẽ mai một. Do vậy, hiện nay Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tương Dương thực hiện một số mô hình nhân rộng xoài bản địa, nhằm bảo tồn và phát triển giống xoài đặc sản này.
Mô hình được thực hiện tại khu vườn của hộ ông Trần Công Chính ở bản Cửa Rào 2, xã Xá Lượng đã thực hiện sang năm thứ 2, cho thấy cây phát triển tốt, một số cây đã ra hoa.
Câu chuyện về bảo tồn và phát triển cá mát, xoài Tương Dương, chè hoa vàng… đã đặt ra một câu hỏi lớn cho công tác bảo tồn các nguồn gen động, thực vật quý hiếm tại tỉnh ta. Tuy nhiên, nếu như chỉ dừng lại ở việc thu thập, phục tráng nguồn gen mà không kết hợp nhiều giải pháp song hành khác trong tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu thì hiệu quả của công tác bảo tồn khó được phát huy.