Mẹ của bạn tôi bị lẫn. Điều phiền toái ấy thực ra cũng không có gì đáng nói lắm vì bà cụ đã ngoài 85. Ngoài 85, thường gọi con trai là anh, con gái là chị, không nhớ tên được bất cứ đứa nào, có khi còn nhầm con mình là hàng xóm. Tuyệt đối không nhầm lẫn gọi nữ là anh, nam là chị bao giờ – chị hay nói vui với bè bạn như thế. Vui đấy, mà khóe mắt cứ long lanh, ươn ướt.
Có một điều cực kỳ lạ là mẹ chị, bao nhiêu năm, kiểu gì thì kiểu, cứ phải đợi chị về nhà, hỏi han mấy câu rồi mới chịu tắt đèn đi ngủ. Kể cả bây giờ, khi từ lâu mẹ đã quên tên chị – đứa con gái mẹ cưng chiều nhất trong nhà, thì đi đâu về, vẫn thấy bà nằm nơi chiếc võng kê trong phòng khách ngóng ra, nhìn mình cười cười rất hiền lành. Giờ thì vì lẫn, đến cả nhiều câu hỏi han mẹ cũng quên, nhưng bao giờ cũng vậy, bà không quên hỏi: “Chị ăn cơm chưa? Chị đói không để tôi pha sữa cho uống”. Dĩ nhiên, chẳng bao giờ chị để mẹ già đi pha sữa mà còn vội đi pha sữa nóng cho bà uống, giục bà lên giường đi ngủ… Bởi thế mà trừ khi vì công việc bất đắc dĩ, chị chẳng đi đâu về quá khuya.
Là chuyện tắt đèn đi ngủ, tôi quặn lòng khi nhớ một chi tiết liên quan trong phim “Không gia đình” – chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên, kể về cuộc sống của cậu bé Remi, ông lão Vitalis. Cụ vốn là nhạc sĩ, nghệ sĩ chơi dương cầm nổi tiếng, được coi là người truyền cảm hứng cho muôn người. Những đêm biểu diễn dưới ánh đèn màu sân khấu về khuya, sau những tràng pháo tay và sự ngưỡng mộ của bao người vẫn luôn có ngọn nến nhỏ sáng nơi căn nhà cuối phố do cậu con trai thắp lên để cha mình về khuya không bị vấp té. Một ngày kia, vì gió thổi, hoặc vì lý do nào đó, ngôi nhà bị cháy. Mãi mãi không còn ánh nến nào đợi, người đàn ông tài hoa mất một lúc cả vợ và con, xếp cả cây đàn violin, giấu kín thân phận tài hoa của mình để sống cuộc đời lang bạt. Trong cuộc đời đó ông coi con chó, con khỉ, cậu bé không gia đình Remi như những đứa con ruột thịt của mình. Ông xếp lại cả những hạnh phúc cuộc đời mình để tìm gia đình cho Remi, dù phải chết vì kiệt sức trong bão tuyết.
Có vẻ như ánh nến của cậu con trai ngày xưa đeo đẳng suốt đời cụ, ám ảnh về bất hạnh, ám ảnh vì sự vô tâm của mình giết đi vợ con, nhưng đẹp hơn hết, chính là tình yêu của cậu con trai nhỏ dành cho bố, sau hàng chục năm vẫn đánh thức sự quan tâm, sự hy sinh mà ông dành cho một cậu bé bằng tuổi con mình khi xưa, để có thể đến chết cũng giúp Remi tìm lại gia đình mình.
* * * * *
Tận những năm tôi 18, bố tôi vẫn thường đợi con về rồi mới yên tâm đi ngủ, dù tôi có chìa khóa riêng để vào nhà. Những ngày tôi mải chơi về muộn, bố chỉ hỏi: “Về khuya thế con?”. Nhẹ nhàng thế thôi, không trách móc, nhưng con tự biết ý mà không đi đâu về khuya nữa. Có khi ngủ quên sau một ngày lao động, tầm nửa đêm, bố sẽ rón rén lên gác, kiểm tra con đã về chưa rồi mới quay xuống ngủ tiếp. Bố là người lao động, tay chân lại vụng, bước chân và tiếng đẩy cửa có nhẹ mấy đi nữa cũng thường khiến tôi giật mình thức giấc, nhưng vẫn giả vờ ngủ say không biết để bố yên tâm.
Cô bạn tôi kể còn hài hước hơn. Vẫn là bố đợi cửa, nhưng là cửa ngách, chỗ sau nhà, nơi bố thường lùa vịt đi ra đồng ăn. Không biết bố đợi từ lúc nào, nhưng cứ về đến nhà là đã thấy bố đứng ngay cánh cổng ngách ấy. Để con gái khỏi áy náy, ông phân bua: “Vô đi, tau mới vừa ra thôi, mẹ mi không biết mô”. Vừa rón rén vào nhà, hai bố con vừa suỵt suỵt ra hiệu nhau nói nhỏ, y như ăn trộm, vì sợ mẹ nghe thấy. Là vì mẹ rất nghiêm. Giờ giới nghiêm của mẹ là 10 giờ, sau giờ ấy cứ ở ngoài đường hoặc chấp nhận ăn đòn nát đít để vào nhà. Bạn nói, lúc mỏi mệt, chán chường hết thảy, hay nhớ hình ảnh bố đợi cửa, dưới ánh trăng soi, thương sao mà thương. Thế là lại khăn gói xin nghỉ phép về nhà với bố. Lại được làm mới bản thân mình để quay lại chinh chiến với đời.
Chị bạn tôi là con gái một gia đình lễ giáo. Ngày chị đến với anh, bố mẹ cản ngăn, bố tuyên bố từ mặt. Chẳng phải khắt khe gì, chỉ là bố mẹ nhìn thấy sự bất ổn và tương lai đổ vỡ báo trước khi con gái gắn bó với người đàn ông đào hoa có tiếng. Chị vẫn quyết lấy, vì yêu. Những cuộc về thăm nhà thưa dần từ đó. Cho tới tận ngày chị sinh bé thứ hai, anh chồng ngang nhiên đưa người tình về nhà. Đó là giọt nước chấm dứt cuộc tình mù quáng của chị. Khi chị buồn đau tới trầm cảm mà không dám chia sẻ với ai về sự khờ dại thì mẹ gọi: “Về đi con, về với gia đình mình”. Sau tiếng gọi ấy, chị quay về nhà bố mẹ. Chị làm mẹ đơn thân – một bà mẹ đơn thân có tiếng trong làng văn. Chị nói, sau giông bão sẽ khiến mình vững vàng hơn bao giờ hết. Và dù hoàn cảnh nghiệt ngã đến thế nào thì gia đình, bố mẹ và các anh chị em vẫn là nơi để dựa nương và bước tiếp kiêu hãnh trong cuộc đời này…
* * * * *
Tôi vẫn thường xúc động khi nhìn những bức hình của những bạn bè lớn tuổi ngồi nơi bậc thềm hay bậu cửa một căn nhà cũ. Nhất là những bậc thềm gỗ cũ sờn cũ bóng hay bờ tường úa màu thời gian. Và họ sẽ nói về giàn hoa giấy trước nhà, nơi mẹ vẫn ngồi gội đầu bồ kết, chải mớ tóc dài, hoặc bố pha ấm trà, hơi nóng và làn hương tỏa ra trong những sáng mai tỉnh giấc. Ôi những hình ảnh ấy, có từ trong văn Thạch Lam, Nhất Linh… hoặc xưa xửa xừa xưa hơn thế rất nhiều lần mà chưa bao giờ thôi xúc động. Phải chăng là, với ai, ở thời nào thì hình ảnh một chốn về, hình ảnh bố chờ, mẹ đợi, con ngóng trông vẫn là hạnh phúc không bao giờ phai cũ trong tim?
Chúng ta rồi có thể sẽ có một, hoặc nhiều hơn một mái nhà – không còn ở trong nhà bố mẹ. Đời mỗi người chắc có nhiều cánh cửa để bước qua mỗi ngày. Nhưng mái nhà, nơi có ai đó đợi ta về vẫn luôn là một mái nhà đúng nghĩa nhất, găm sâu trong tim óc, để bất chợt khi nào cũng có thể nhớ về và yên tâm rằng ở đó vẫn luôn có một cánh cửa yêu thương đợi mình.