Trong chỉ thị của người đứng đầu Chính phủ cũng như phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trong các cuộc họp về chống dịch Covid-19, thì không dưới một lần chúng ta được nghe nhắc đến thông điệp chống kỳ thị đối với người bệnh. Đây là một quan điểm nhân văn, đúng đắn, tình người và cũng rất khoa học. Kỳ thị với người bệnh chẳng những không ngăn được sự lây lan của dịch bệnh mà còn kéo theo sự hiểu biết sai lệch về dịch bệnh, làm méo mó và tổn thương quan hệ cộng đồng.
Tuy nhiên, cũng phải hiểu đúng để tránh nhầm lẫn giữa kỳ thị và khoảng cách an toàn giữa người bệnh và người lành. Tuyệt đối không kỳ thị, nhưng cũng tuyệt đối không để ai đó lợi dụng chữ kỳ thị để vô ý làm chia rẽ đoàn kết. Gần đây có một vài người lên mạng phàn nàn về thái độ “trở mặt” của cộng đồng với những người có nguy cơ lây nhiễm kiểu như “Năm xưa anh xuất ngoại về/ Đợi anh em đợi con đê đầu làng”. Còn mùa dịch Covid-19 thì “Năm nay anh xuất ngoại về/ Bồ đoàn thê tử ra đê trốn rồi”. Đành rằng đây là sự cường điệu có tính dí dỏm, tuy nhiên, kể cả “ra đê trốn” thì cũng không hẳn là kỳ thị nếu quả thực “anh xuất ngoại về” mà lại có nguy cơ… dương tính! Tránh tiếp xúc với người có nguy cơ mà bị cho là kỳ thị thì oan sai rồi.
Cách đây chưa lâu, trong một cuộc họp quan trọng giữa tâm dịch, khi Thủ tướng Đức chìa tay ra bắt thuộc cấp của mình nhưng Phó Thủ tướng Đức thụt tay lại từ chối một cách khá… phũ phàng. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức, bà Merkel lúc ấy không hề phật ý, thậm chí lại còn vui vẻ động viên “Hành động như vậy là rất tốt”. Chợt nghĩ, nếu bắt gặp hình ảnh tương tự ở chúng ta thì khả năng sứt đầu, mẻ trán vì gạch đá online là khó tránh khỏi. Mặc dù đã gọi chống dịch Covid-19 là một cuộc chiến, nhưng hình như một bộ phận trong chúng ta vẫn chưa rứt ra khỏi cái thói quen sinh hoạt của “thời bình”.
Bắt tay hay không bắt tay? Từ chối bắt tay có phải là kỳ thị? Thiết nghĩ, không có kỳ thị gì ở đây cả. Bạn ở vùng dịch về, sao tôi cứ phải vồ vập để làm cầu nối trung gian chở bệnh về cộng đồng? Không! Đánh đổi sự an nguy của cộng đồng với cái gọi là thân thiết cá nhân thì không đáng, thiếu hiểu biết và vô trách nhiệm. Càng thân thiết càng phải bảo vệ cho nhau mới phải đạo.
Nếu bạn ho một tiếng người ta quay mặt, thậm chí bỏ chạy cũng không có kỳ thị gì cả. Tôi không chạy bạn mà tôi chạy cái… Corona kìa. Trong cái thời đại có hàng trăm cách giao tiếp thay thế khác thì hà cớ gì tôi phải ngồi đó để hít hà cái “khí dung” mà rất có thể trong đó đã đầy đủ các thế hệ Corona sinh sống? Bổn phận người về từ vùng dịch nên hiểu điều đó, thừa nhận điều đó, chung sống với điều đó và thông cảm với điều đó. Còn bổn phận người “lành” là chủ động tạo ra khoảng cách an toàn cho mình. Thế thôi, có gì mà kỳ với chả thị!
Nhân đây cũng nói về các cuộc tụ tập đông người nữa. Không quá cần thiết thì bỏ đi, bớt đi, hạn chế đi. Đám cưới chẳng hạn. Đã có những đám cưới chủ động hủy để ngăn ngừa dịch bệnh. Nếu không thể chuyển lịch được thì làm nội bộ rồi gửi báo hỉ, thậm chí trên giấy báo hỉ có thể ghi “Tất cả vì sức khỏe cộng đồng, gia đình không tổ chức tiệc ăn. Quý vị chúc phúc cho hai cháu xin vui lòng chuyển vào Tk…”. Bà con thân quen hoặc là làm cái phong bì “truyền hình trực tiếp”, hoặc ngồi ở nhà chuyển khoản “xoẹt” kèm lời chúc mừng, có sao đâu. Hay nữa là khác! Chủ nhà ngại thì chính quyền, tổ dân phố, đoàn thể vào cuộc hỗ trợ. Đoàn thể giúp chủ hộ đứng ra mở “tài khoản hạnh phúc” vận động và còn hưởng ứng “mô hình” mừng cưới mới. Chợt nghĩ, cái này hoàn toàn nằm trong tầm tay của Đoàn Thanh niên hay Hội Phụ nữ chứ nhỉ. Ngồi ăn mà vừa ăn, vừa lo ngay ngáy thì ngon gì, vui gì.
Thấy trên “phây” một số bạn từ vùng dịch trở về có vẻ tủi thân vì thếu sự “săn đón” quen thuộc. Thôi thì cố lên nhé các bạn. Sức khỏe là tài sản lớn nhất của con người. Đừng để mất nó chỉ vì những điều không đáng. Các bạn là nạn nhân trực tiếp của thảm họa này. Cứ coi như chúng mình nợ các bạn một ngàn cái bắt tay, một triệu vòng ôm… qua dịch bệnh sẽ trả cho nhau trả cả gốc lẫn lãi.
Yêu thương ơi, cố lên, tránh nhau không phải là kỳ thị nhé!