Hiện Nghệ An có hơn 600 ha rừng ngập mặn, đóng vai trò rất quan trọng đối với đời sống người dân ven biển và hứa hẹn tạo ra những tiềm năng mới. Người dân cũng đã và đang chung tay bảo vệ, phát triển loại hình rừng này, góp phần chống biến đổi khí hậu đang ngày một diễn biến phức tạp.
Tại xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu không ai là không biết đến anh Vũ Xuân Tình – công an viên xã, người đã tình nguyện đứng ra trực tiếp bảo vệ rừng đước, bần ngập mặn của xã.
Dẫn chúng tôi ra cánh rừng bần xanh ngắt, anh Tình chia sẻ: “Trước đây rừng bần liên tục bị một số đối tượng vào chặt phá, cắt đọt về làm thức ăn cho dê, chặt cây, cành để làm củi, làm cho chim, cò sợ hãi bay đi nơi khác.
Năm 2007, tôi đứng ra xin nhận bảo vệ rừng. Thời gian đầu, một mình tôi phải đi tuần rừng chống chặt phá, vừa bảo vệ đàn cò, diệc để người dân không săn bắn. Có những đêm rình bắt được cả hàng chục chiếc bẫy cò giăng trên rừng ngập mặn. Vừa nghiêm túc xử lý, vừa vận động, tuyên truyền, dần dần bà con hiểu được ý nghĩa, vai trò của rừng ngập mặn nên không còn hiện tượng lén lút vào rừng chặt phá nữa”.
Đã 10 năm làm công tác bảo vệ rừng, anh Tình thuộc rừng như lòng bàn tay. Anh cho biết thêm: “Rừng ngập mặn Diễn Kim có 3 km, trong rừng trước đây cua biển nhiều lắm, nhất là tháng 10, tháng 11 nên nhiều người đi săn cua giống. Công tác bảo vệ rừng cần phải có phương tiện đi lại ven sông, ven biển nên cũng khó khăn. Tôi phải thuê xuồng con đi tuần tra, bảo vệ ban đêm những lúc cần thiết. Có những gia đình chặt rừng về làm củi nấu, khi chặt xong họ để đó vài chục ngày sau mới xuống thu gom đưa về nhà tôi cũng phát hiện được. Tôi tham mưu giải pháp bảo vệ rừng cho xã, tuyên truyền tới từng gia đình”.
Bây giờ, cánh rừng ngập mặn đã ngày càng xanh tốt, ôm ấp lấy cửa Lạch Vạn, nhưng theo lịch trình và đã thành thói quen, cứ buổi tối và sáng sớm tinh sương là anh Tình lại phóng xe máy theo dọc bờ đê để bảo vệ rừng. Hàng tháng anh tự bỏ chi phí 300.000 đồng để thuê thuyền đi men theo bờ sông để tuần tra.
Nhiều năm nay, gìn giữ và bảo vệ những cánh rừng ngập mặn đã trở thành thói quen, ý thức của người dân các vùng ven biển Nghệ An. Với gần 80 hộ dân sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản, tổng giá trị mỗi năm khoảng 1,5 tỷ đồng, nhưng người dân xóm Hoà Lam (cũ) của xã Hưng Hoà (TP Vinh) không mảy may xâm phạm đến rừng bần.
Có “thâm niên” cùng chồng đánh bắt cá trên sông từ hơn 30 năm nay, bà Nguyễn Thị Phúc – 58 tuổi chia sẻ: “Theo con nước lên xuống, mỗi tháng chỉ đánh bắt trên sông được 15 ngày. Trong rừng bần có cả tôm, cua, cá, nhưng ít ai vào tận rừng đánh bắt mà chỉ neo lưới ở ngoài hoặc mò ngao ốc quanh khu vực rừng bần.
Bà Hoàng Thị Thuyết – nguyên Bí thư Chi bộ xóm Hoàn Lam (cũ) cho biết: “78 hộ dân của xóm đều sống bằng nghề đi thuyền đánh bắt cá, tôm. Nhưng hầu như chỉ đánh ngoài sông bằng nghề chài lưới, thuyền lớn thì đi ra biển, bà con không vào rừng đánh bắt mà chỉ chờ thuỷ triều rút thì tháo nước cống, đặt lưới bắt cá thoát ra theo con nước chứ không vào rừng tránh làm gãy cây, hư rừng”.
Bà Nguyễn Lương Hồng – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An cho biết: Cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức phi Chính phủ Đan Mạch, dự án “Trồng rừng ngập mặn – Giảm thiểu rủi ro thảm họa” triển khai trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ năm 1997 là một trong những dự án góp phần quan trọng vào việc phát triển và bảo vệ diện tích rừng ngập mặn tại các địa phương vùng ven biển Nghệ An. Từ năm 2016, thời hạn tài trợ chương trình dự án bảo vệ trồng rừng ngập mặn của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản kết thúc, nên việc quản lý rừng ngập mặn đã bàn giao về cho chính quyền địa phương quản lý. Do ý thức được vai trò và ý nghĩa của rừng ngập mặn, nên người dân và chính quyền địa phương đã khá nỗ lực trong công tác bảo vệ rừng ngập mặn. Một số địa phương đã tự trích nguồn kinh phí để hỗ trợ công tác bảo vệ rừng, huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư tại địa phương, phát huy tối đa hiệu quả của rừng ngập mặn.
Xóm Tiền Tiến 2, xã Diễn Kim (Diễn Châu) có 182 hộ dân thì có 50% sống nhờ từ thu nhập rừng ngập mặn. Anh Bùi Thái Đồng ở xóm Tiền Tiến 2, xã Diễn Kim chia sẻ: Hàng ngày người dân đều chia nhau từng khu vực để thả đăng, thả đó bắt cua, tôm, mỗi ngày cho thu nhập từ 300.000 – 400.000 đồng. Ông Lê Văn Sơn – Trưởng xóm Tiền Tiến 2 cho biết thêm: Khi đã thấy được lợi ích của rừng ngập mặn thì mọi người dân ở đây đều có trách nhiệm bảo vệ, coi đó là tài sản chung của làng.
Các địa phương ven biển Nghệ An cũng đã và đang thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ rừng, chống chặt phá, chống khai thác hải sản tận diệt, đẩy mạnh công tác trồng rừng ngập mặn. Từ sự thay đổi nhận thức của người dân, những cánh rừng ngập mặn ngày càng được bảo vệ tốt hơn, tạo thành những “lá chắn xanh” bảo vệ hiệu quả cho những tuyến đê biển, cho làng mạc, dân cư và sinh kế cho nhân dân các vùng ven biển.
Không chỉ là lá chắn bảo vệ người dân ven biển, rừng ngập mặn Diễn Kim – Diễn Châu, rừng bần Hưng Hoà – TP. Vinh là những địa điểm du lịch sinh thái thu hút khá nhiều khách thập phương về tham quan, trải nghiệm. Mùa Xuân, rừng ngập mặn ở Diễn Kim bắt đầu trổ bông trắng, cả dải rừng xanh ngút mắt thu hút đàn cò trắng về đậu đầy trên tán cây.
Du khách đi tắm biển Diễn Thành, Hòn Câu (Diễn Châu) đều dành thời gian đến đây để du ngoạn, ngắm phong cảnh, bên này là rừng ngập mặn, bên kia là thấp thoáng những mái nhà thờ giữa thôn mạc trù phú, bên nương dâu xanh mướt.
Không khí trong lành, cảnh sắc tươi đẹp của rừng bần Hưng Hoà ven sông Lam của thành phố Vinh cũng là điểm đến nổi tiếng thu hút các bạn trẻ. Những gốc bần già – tài nguyên quý giá có đường kính cả một vòng ôm soi bóng xuống dòng Lam xanh ngát, dưới từng gốc bần là bao điều kỳ thú. Mỗi chiều hè, khi nước thủy triều dâng lên bao bọc những bãi bồi ven sông, du khách có thể xuôi thuyền xuống hạ lưu sông Lam, ngắm cảnh mây trời mênh mông, rực sáng.
Vào mùa tháng 8 trở đi, mỗi buổi chiều khi con nước lên cao, đàn cò trắng bay về đậu trắng cả rừng bần, đẹp đến ngỡ ngàng. Thành phố Vinh cũng đang xây dựng đề án phát triển du lịch, trong đó du lịch rừng bần Hưng Hoà là một điểm nhấn, kết nối với các điểm du lịch nghỉ dưỡng ở Cửa Hội, Cửa Lò lên núi Dũng Quyết, huyện Nam Đàn…
Những năm gần đây, Việt Nam chứng kiến nhiều sự thay đổi cực đoan của khí hậu, thời tiết. Điển hình như hiện nay miền Tây Việt Nam đang hạn nặng, nhiều nơi lũ xoáy, lũ ống. Tỉnh Nghệ An ngoài việc giữ được độ che phủ rừng cao nhất cả nước (58%), bảo vệ các khu dự trữ sinh quyển thế giới thì việc nhân rộng và bảo vệ được rừng ngập mặn là một thành công đáng ghi nhận. Từ rừng ngập mặn, nhân dân ven biển yên ổn làm ăn, kinh tế thuỷ sản phát triển mạnh, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế địa phương. Nghệ An cũng đang hướng phát triển mạnh tiềm năng du lịch sinh thái, trong đó các rừng ngập mặn ven biển là những điểm đến tuyệt vời trong tương lai.