Tết xưa, không khí làng quê rộn ràng nhờ tiếng pháo tép râm ran ngõ xóm. Bên giếng làng, ao làng các bà, chị rộn rịp rửa lá dong chuẩn bị gói bánh chưng. Đám trẻ háo hức với chiếc áo mới. Tết nay, vật chất đã đủ đầy hơn. Song ít nhiều các tập tục, ít nhiều giá trị truyền thống phai nhạt...
Báo Nghệ An có cuộc trao đổi cùng nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lê Tài Hòe, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An.
PV: Bây giờ, thời điểm Xuân cũng đã về và Tết Nguyên đán đã cận kề. Mọi người vẫn mong chờ đến thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, được vui như Tết. Ai cũng nói về Tết nhưng nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu Tết là gì? Tết có vai trò như thế nào trong đời sống người Việt? – Ông có thể cho mọi người hiểu thêm về Tết ?
Ông Lê Tài Hòe: Hết chu kỳ 1 năm, nhân dân khắp nơi trong nước lại đón Tết, ăn Tết. Theo quan niệm của người Việt – những cư dân của nền văn minh lúa nước xưa thì Tết được xem như mốc của tiết khí trong bốn mùa. Mỗi năm được chia làm 24 tiết theo nông vụ. Như vậy, khi gặp lại tiết khí trong năm, dân gian xưa vẫn ăn nhiều Tết to, cỗ bàn phong phú sản vật như Tết Thượng Nguyên, Tết Trung Nguyên, Tết Trung Thu, Tết Hạ Nguyên và Tết Nguyên Đán.
Tết Nguyên Đán khác biệt so với các Tết khác khi các hoạt động không chỉ diễn ra trong 1 ngày mà kéo dài nhiều ngày. Tết Nguyên Đán diễn ra trong thời điểm một mùa vụ kết thúc và một mùa vụ khác bắt đầu. Chính vì vậy, Tết Nguyên Đán chính là một loại hội mùa, là một lễ lạt, sinh hoạt văn hóa theo mùa. Và sở dĩ, Tết Nguyên Đán được coi trọng hơn tất cả các Tết khác bởi theo Âm lịch – tính theo chu kỳ hoạt động của mặt trăng thì đây chính là thời điểm bắt đầu của năm mới, chưa đựng nhiều kỳ vọng, mong mỏi lớn lao.
Ở Nghệ An có nhiều dân tộc, mỗi dân tộc lại có những Tết riêng, quan niệm và cách tổ chức ăn Tết cũng có nhiều khác biệt. Ví dụ với Tết Sấm ra của người Thái. Khi nghe tiếng sấm đầu mùa Xuân, người Thái vui vẻ làm lễ cúng đón tổ tiên đi vắng lâu ngày, nay được trở về với con cháu trong gia đình. Với người H’Mông, trước đây việc đón Tết theo mùa vụ sản xuất chứ không theo lịch âm hay lịch dương. Hàng năm khi mùa vụ xong (khoảng tháng 10 Âm lịch), thì họ ăn Tết. Ngày nay, với sự cố gắng tổ chức một cái Tết thống nhất, tất cả các dân tộc trong tỉnh đều đã chọn Tết Nguyên Đán là cái Tết chung, lớn nhất của mình.
Là một Tết lớn nhất trong năm cả về quy mô lẫn thời gian ăn Tết nên Tết Nguyên Đán còn được gọi là Tết Cả. Tết được kéo dài từ ngày 23 Tháng Chạp đến mùng 7 Tháng Giêng. Trong khoảng thời gian này, có rất nhiều lễ nghi, lễ tục chứa đựng những tri nhận, quan niệm của dân gian về nhân sinh, tín ngưỡng.
PV: Trong ký ức tuổi thơ của ông thì người xưa thường tổ chức Tết Nguyên Đán ra sao và có những lễ tục, tín ngưỡng đặc sắc và đáng nhớ nào?
Ông Lê Tài Hòe: Tôi sinh ra ở xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên. Quê tôi nằm trong một tiểu vùng văn hóa của vùng văn hóa Xứ Nghệ. Tết Nguyên Đán ở quê tôi vừa có những đặc trưng riêng, vừa có những đặc điểm chung. Nói chung: Tết xưa rất đáng nhớ. Ở quê tôi, Tết Nguyên Đán bắt đầu từ ngày tiễn Táo quân lên trời và kết thúc vào ngày Khai Hạ. Đây chính là khoảng thời gian “ngưng lặng và chuyển sinh” với 11 tập tục kết thúc năm cũ và 9 tập tục chào đón năm mới.
Những tập tục trước Tết Nguyên đán xưa bao gồm: Lễ cúng ông Công ông Táo diễn ra vào tối 23 Tháng Chạp, mở đầu cho nghi thức chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán, các gia đình đều có lễ cúng tiễn ông Táo – thần bếp, thần chủ lên Thiên đình báo cáo và xin cho gia chủ năm mới được an khang thịnh vượng. Sau lễ cúng, các gia đình thường thay cái bếp mới xem như thay áo cho ông Táo; hóa chân hương trên bàn thờ.
Những lễ tục sau ngày 23 Tháng Chạp là: Dọn dẹp sửa sang chuẩn bị đón Tết, mang ý nghĩa rũ bỏ cái cũ để tiếp nhận cái mới; Trồng cây nêu yếm quỷ đón Tết an lành; Đòi nợ – kiêng kỵ hết năm chưa lấy được nợ, không trả hết nợ vì để kéo dài năm sau sẽ bị “duông”; Sắm Tết và Chợ Tết; Đi Tết – Con rể có lễ đi Tết bên ông bà ngoại; học trò lễ Tết đến Thầy giáo; Trang trí nhà cửa ngày Tết; Thăm mộ gia tiên; Góp Tết – Các gia đình cử con cháu mang lễ vật sang nhà ông ngoại, cố ngoại để góp Tết; Bữa cơm tất niên chiều 30 Tết; Cúng Tết – cúng giao thừa, đón ông Công ông Táo trở về.
Những tập tục trong dịp Tết Nguyên Đán là: Hái Lộc và múc ấm nước đầu năm lấy khước dâng lên tổ tiên lễ phẩm đầu năm; Lễ khai canh nghề nghiệp (lễ khai bút – lễ khai kim – lễ khai đục – lễ khai ấn…); Chúc Tết – tục xông đất lấy vía làm ăn; Tục múa sắc bùa – hát mừng năm mới; Tục cúng bánh chưng; Yến Lão – mừng thọ; Tết trâu bò – cúng Thần ràn để cầu mong cho trâu bò, lợn gà béo tốt, không dịch bệnh; Tục đưa ông Vải – tiễn đưa ông bà tổ tiên; Tục Khai Hạ – hạ nêu, xuống đồng mở ra niềm vui mới
Tôi vẫn nhớ những Tết xưa: Sau lễ cúng ông Công ông Táo, vị thần chủ bảo hộ đi rồi thì bố mẹ dặn dò các con đi đâu, làm gì cũng phải cẩn thận, cửa ngõ phải chắc chắn, bếp núc gọn gàng tránh hỏa hoạn. Ngày cận Tết, đám trẻ xúm xít bên cây nêu mới trồng và được các cụ kể cho sự tích cây nêu. Không khí làng quê rộn ràng nhờ tiếng pháo tép râm ran các ngõ xóm. Bên giếng làng, ao làng các bà, chị rộn rịp rửa lá dong chuẩn bị gói bánh chưng. Những câu chuyện giá cả rẻ đắt, chợ nào rau cỏ, thịt cá khó mua hay dễ mua được trao đổi rôm rả. Lời hẹn hò rủ nhau đi chợ bán, mua không bao giờ dứt. Trên đê, ngoài dăm, đám trẻ thả trâu bò tự do làm cỏ, say sưa kể chuyện quần mới, áo đẹp, dép đẹp..
Bữa cơm tất niên ở nhà tộc trưởng quy tụ đầy đủ con cháu, ấm áp, thiêng liêng. Thời khắc giao thừa đến, chuông ở các đền, chùa, trống chiêng ở các nhà thờ họ, tiếng trống tiểu cổ, trống bỏi ở các gia đình đều khua vang. Tết về, người già lại nhắc con trẻ không được trêu ghẹo, mắng chửi nhau; không được để tắt lửa trong bếp và không được sang nhà hàng xóm xin lửa. Ngày mồng một Tết thì kiêng quét nhà, không đổ rác vì sợ thần tài đi mất…
PV: Rõ ràng so với những lời ông kể thì Tết hôm nay cũng đã khác xưa đi ít nhiều. Ông nghĩ gì về Tết nay và Tết xưa? Bản chất của sự thay đổi này là gì? Và thế hệ hôm nay, mai sau nên có những ứng xử như thế nào với Tết?
Ông Lê Tài Hòe: Phải nói rằng Tết nay đã khác Tết xưa khá nhiều. Trước hết, Tết nay đã đủ đầy hơn về mặt vật chất. Chiếc bánh chưng, cân thịt, con cá, tấm áo mới đã không còn là sự khó khăn, ám ảnh của nhiểu gia đình. Thứ đến, về mặt tinh thần, nhiều lễ tục đã bớt ít đi. Thứ ba, nhiều thói quen ăn Tết mới xuất hiện, ví dụ như là đi du lịch chơi Tết… Sự thay đổi giữa Tết nay so với Tết xưa có nhiều điểm đáng mừng song cũng chứa đựng nỗi lo.
Tập tục là một phần văn hóa lưu truyền ngàn đời, mang tính cố kết cộng đồng cao; mất đi một phần tập tục – văn hóa ấy dần dà con người sẽ trở nên vị kỷ hơn, ít quan tâm đến các giá trị xã hội và xa rời thiên nhiên, nhạt đi một phần tình cảm họ tộc, quê hương, đất nước. Chính văn hóa chứ không phải chỉ riêng những con số mới làm cho một đất nước, dân tộc giàu mạnh. Chúng ta nhìn sang đất nước Nhật Bản sẽ thấy rõ điều này. Nhật Bản phát triển bao nhiêu thì người ta lại càng coi trọng những giá trị văn hóa truyền thống bấy nhiêu.
Tết nay thay đổi so với Tết xưa có nguyên nhân chính là việc chúng ta “thoát thai” ra khỏi nền kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp. Xưa nhà nhà làm nông, làm thợ, bán buôn… nên người xưa có những hội mùa, nông vụ và thời gian chăm lo cho Tết. Nay, vô vàn ngành nghề mới xuất hiện. Với những ngành nghề này, thời gian biểu, lịch làm việc khác với nông vụ xưa. Nhiều người tận 29-30 Tết mới được nghỉ tay lo Tết. Vậy nên, sự thay đổi này có tính hợp lý, hợp với quy luật phát triển. Có những tập tục lạc hậu sẽ mất đi, giá trị mới tiến bộ xuất hiện. Ví dụ như việc đốt pháo trong ngày Tết nay chúng ta đã bỏ đi vì mất an toàn, an sinh xã hội. Đó là điều rất hợp lý.
Nỗi lo là vậy nhưng những năm gần đây, sau những “hậu quả” do sự tác động của con người đến thiên nhiên, cũng như hậu quả của lối sống hiện đại, thì có những tín hiệu đáng mừng là chúng ta đã và đang tìm về lại các giá trị xưa cũ trong đó có các nét đẹp của tập tục ngày Tết. Mừng là vậy nhưng lại cũng có nỗi lo khi mà xuất hiện ý thức “cực hữu” đó là lễ lạt quá nặng, cúng xin quá nhiều. Người ta đến đền, chùa không tìm sự bình yên tâm hồn hay tri ân các bậc tiên tổ, hiền nhân mà lại xin thần thánh phù hộ độ trì tiền đầy nhà, vàng đầy kho, thăng quan tiến chức. Từ sự “cực hữu” này đã nảy sinh ra chuyện kinh doanh chùa chiền, buôn thần bán thánh…
Tết chính là niềm vui, mang giá trị gia đình, cộng đồng cao độ. Ngày hôm nay chúng ta cần tìm về, trả lại những giá trị đích thực cho nó. Việc làm này đồng nghĩa với việc cần trao truyền những tập tục, những “đất lề quê thói” tốt đẹp. Chính những người đang sống hôm nay có biết về những tập tục, nghi lễ tốt đẹp trong cái Tết xưa thì phải nên bày dạy cháu con. Còn những người trẻ, thế hệ mai sau cũng nên tự có ý thức học hỏi, tìm hiểu những giá trị của Tết xưa để chắt lọc, thực hành và truyền đời sau nữa.
PV: Tết sắp đến, năm mới sắp sang. Ở thời khắc này, người ta thường vẫn chúc nhau những điều tốt đẹp nhất. Người xưa họ chúc nhau như thế nào thưa ông? Và bây giờ chúng ta nên chúc điều gì để hợp thế, hợp thời?
Ông Lê Tài Hòe: Lời chúc Tết là biểu hiện tinh thần thân ái, biểu hiện ý thức trách nhiệm đến người mình tôn trọng, mong cho mọi người năm mới đạt được “mọi điều như ý”. Thời trước người ta vẫn thường chúc nhau những lời thuộc về nội hàm 3 chữ “Phúc – Lộc – Thọ”. Có thể nói 3 chữ này đã gắn kết tất cả ước mong của con người trong đó. Khi con người đạt được 3 điều này thì chính đó là niềm vui không gì sánh bằng.
Ngày nay, theo tôi nghĩ lời chúc Tết cũng tương tự lời của cổ nhân xưa song để hợp thế, hợp thời thì theo thiển ý của bản thân lời chúc nên là “Sức khỏe, bình an, vui vẻ và phát triển”. Năm mới về, xin chúc độc giả của Báo Nghệ An đều được như thế.
PV: Xin cảm ơn ông!