Ông La Văn Chánh – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền địa phương, thì một bộ phận người dân là đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại nhà nước, nên chậm đổi mới, không chịu khó lao động, nên cái nghèo đeo đẳng, từ đó phong trào xây dựng NTM kém hiệu quả từ thôn, bản. Bởi thế, khi nhà nước thực hiện mô hình thì người dân tham gia, nhưng sau khi kết thúc mô hình thì không ai làm theo. Vì vậy việc mô hình không nhân rộng được, một phần do không phù hợp với điều kiện thực tế, nhưng phần nữa là ý thức người dân không chịu học hỏi.
Nghệ An là tỉnh có đường biên giới đất liền tiếp giáp với nước bạn Lào dài nhất cả nước, chiếm hơn 20% tổng chiều dài biên giới Việt Nam – Lào, có 27 xã thuộc 6 huyện nằm trên đường biên giới chung với 3 tỉnh Bô Ly Khăm Xay, Xiêng Khoảng, Hủa Phăn. 27 xã vùng biên trải dài ở các huyện gồm Kỳ Sơn (có 11 xã), Tương Dương (4 xã), Con Cuông (2 xã), Quế Phong (4 xã), Anh Sơn (1 xã), Thanh Chương (5 xã).
Những năm qua, Đảng và nhà nước đã dành nhiều quan tâm cho khu vực miền Tây Nghệ An, từ đó đã tạo nên sự thay đổi trong cuộc sống người dân và làm thay đổi diện mạo các bản làng. Tuy nhiên, nhìn chung bức tranh miền Tây Nghệ An, nhất là các xã vùng biên giới vẫn còn rất nhiều khó khăn, hạn chế, phát triển kinh tế thiếu bền vững, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao…
Bắc Lý là 1 trong 11 xã biên giới của huyện Kỳ Sơn, cách trung tâm huyện gần 40 km, với đồng bào dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú và Kinh cùng chung sống. Cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây chủ yếu trông chờ vào sản xuất nông nghiệp bằng trồng lúa rẫy là chính, do vậy tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm trên 60%.
Mở đầu câu chuyện về xây dựng NTM, Chủ tịch UBND xã Cụt Văn Long cho biết: Sau 10 năm xây dựng NTM, địa phương đã tự đánh giá hoàn thành 5 tiêu chí: Quốc phòng, an ninh trật tự; hệ thống chính trị; giáo dục; lao động việc làm và thủy lợi. Có được như vậy là nhờ nguồn lực từ các nguồn vốn của nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống trường học, trạm y tế xã và một số công trình thủy lợi. Còn 14 tiêu chí chưa hoàn thành, trong đó tiêu chí giao thông, điện, thu nhập, môi trường… là khó khăn nhất. Bởi địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, nhiều bản cách trung tâm xã hàng chục km đường đất, trong khi địa hình đồi núi, khe suối rất phức tạp nên hệ thống giao thông từ trung tâm xã đến các bản gần như chưa được đổ bê tông; 7 bản chưa làm được mét đường bê tông nào.
Đặc biệt, hiện có tới 11/13 bản của xã Bắc Lý chưa có điện lưới Quốc gia. Không có điện, đồng nghĩa với đời sống vật chất và tinh thần của bà con không thể cải thiện được, kìm hãm sự phát triển kinh tế của địa phương.
Trưởng bản Kẻo Nam, ông Lương Phò Than nói rằng, bản chưa có điện lưới Quốc gia, khiến đời sống của người dân thực sự thiếu thốn, lạc hậu. Ngoài ra, con đường từ trung tâm xã đến bản dài tới gần 20 km, là đất đá, đồi dốc, vào mùa mưa xe máy không thể đi lại được. Cuộc sống của bà con thiếu thốn trăm bề, không thể đóng góp tiền để làm đường được. Nông thôn mới còn xa vời lắm.
Tương tự ở xã Mỹ Lý, vấn đề cấp thiết đối với xã là đường giao thông, điện lưới Quốc gia và xử lý môi trường. Ông Lương Văn Bảy – Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý trao đổi: Đến năm 2019, Mỹ Lý tự đánh giá đã đạt 10/19 tiêu chí xây dựng NTM: Quy hoạch, thủy lợi, y tế, quốc phòng và an ninh xã hội, giáo dục đào tạo… Khó khăn nhất hiện nay ở địa phương là đường giao thông, vì vậy, bằng nguồn NTM tới đây, Mỹ Lý sẽ đề xuất làm 1 km đường khó khăn nhất trên tuyến đường dài 6 km nối từ bản Xằng Trên đến bản Xiềng Tắm và làm 1 công trình cầu thép bắc qua khe Xiểng nối với bản Xằng Trên. Tuy nhiên, theo nguyện vọng của người dân, trên địa bàn xã Mỹ Lý cần có 2 chiếc cầu thép bắc qua khe Xiểng, tạo thuận lợi cho bà con qua lại, nhất là vào mùa mưa lũ, các bản Xằng Trên và Xiềng Tắm thường bị cô lập bởi nước lũ.
Ngoài ra, xã Mỹ Lý cần được đầu tư xây dựng công trình thủy lợi ở bản Khe Vặt, Xốp Tụ, bởi người dân đã khai hoang được hơn 6 ha lúa nước, nhưng không có công trình thủy lợi nên khó khăn trong gieo cấy lúa nước hàng năm.
Ông Lương Thanh Hải -Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An chia sẻ: Hằng năm, Trung ương và địa phương đã có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ nhằm tạo động lực cho người dân có sinh kế làm ăn vươn lên thoát nghèo nhưng do điều kiện tự nhiên khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, nhiều thiên tai, bão lũ; phong tục và trình độ dân trí còn hạn chế nên quá trình thực hiện công tác giảm nghèo ở một số địa phương gặp nhiều khó khăn.
Nói chung, phần lớn các xã biên giới hiện nay đều nan giải về giao thông, điện lưới và các công trình hạ tầng khác. Trong đó giao thông là xương sống để khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế – xã hội, cần được quan tâm hàng đầu.
Một trong những tiêu chí khó, nhưng mang tính quyết định trong mục tiêu xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập cho người dân nhưng hiện nay, tất cả các xã vùng biên đều đang loay hoay với tiêu chí này.
Ông Lương Văn Bảy – Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) cho rằng: Trước đây Nhà nước đã thực hiện được một số mô hình chăn nuôi, trồng trọt như: Nuôi gà siêu đẻ, trồng chanh leo… nhưng đều không hiệu quả. Đối với Mỹ Lý diện tích tự nhiên phần lớn là đồi núi cao, do vậy theo ông Bảy, để giúp bà con phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cách làm phù hợp nhất là hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi bằng hình thức gia trại, trang trại; hoặc khoanh vùng để chăn nuôi trâu, bò tập trung theo từng bản.
Về xã Thông Thụ (Quế Phong), một số dân tái định cư chia sẻ: Từ khi ra nơi ở mới đến nay, tuy đã được nhà nước đầu tư làm đường giao thông, điện lưới… nhưng thực sự cuộc sống của bà con còn bấp bênh, vì chưa xác định được phương hướng phát triển kinh tế bền vững, còn dựa vào rừng là chính.
Ông Quang Văn Thủy – Phó Chủ tịch UBND xã Thông Thụ thì cho rằng, trên địa bàn xã, những năm qua Nhà nước đã xây dựng một số mô hình sản xuất nhưng không hiệu quả, không nhân được diện rộng. Hiện UBND huyện đang thực hiện mô hình trồng đẳng sâm dưới giàn chanh leo, nhưng nếu thành công cũng khó nhân rộng, bởi bà con không đủ điều kiện để làm theo.
Cũng như vậy, xã biên giới Hạnh Dịch của huyện Quế Phong, khi nói đến phát triển sản xuất, cả Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Việt và Chủ tịch UBND xã Lương Tiến Lê băn khoăn, hiện địa phương chưa chọn được cây trồng, vật nuôi gì mang tính đột phá, mặc dù nhiều năm trước huyện đã triển khai thực hiện một số mô hình sản xuất trên địa bàn xã, nhưng không nhân được diện rộng. Theo ông Lê Văn Việt, đối với Hạnh Dịch chỉ có cây lá dong phát triển tốt, có thể nhân rộng diện tích bằng cách trồng dưới tán rừng, hoặc vườn nhà.
Cũng phải nói rằng, nhận thức của một bộ phận người dân chưa thực sự tự mình vươn lên trong cuộc sống, còn nặng tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước.
Ông Nguyễn Hồ Lâm – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho rằng: Các xã vùng biên giữ vai trò vị trí quan trọng về quốc phòng – an ninh nhưng hiện nay cuộc sống của người dân vùng biên còn nhiều khó khăn: tỷ lệ hộ nghèo cao, hầu hết còn trên 50%, thậm chí có những nơi 60-65%, thu nhập bình quân đầu người đạt thấp. Đến nay, các xã biên giới mới chỉ có 2 xã là Hạnh Lâm (Thanh Chương) và Tam Quang (Tương Dương) về đích NTM; bình quân đạt 7,4 tiêu chí nông thôn mới/xã. Những khó khăn nơi vùng biên đang là lực cản lớn đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới, đòi hỏi có cú huých đủ mạnh để các địa phương nơi đây vươn lên.
Thực trạng khó khăn của các xã ở Quế Phong và Kỳ Sơn nêu trên cũng là hoàn cảnh chung của các xã vùng biên khác trong tỉnh Nghệ An. Để chung tay vào cuộc xây dựng NTM đòi hỏi giải pháp căn cơ, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, tạo lực đẩy giúp đồng bào thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống…
(Còn nữa)