Chuyện bắt đầu từ việc nhiều người phát hiện tờ nhật báo tiếng Anh China Daily của Trung Quốc đăng tải chùm ảnh về bộ sưu tập của Hổ Đông Bắc (Ne – Tiger) tại Tuần lễ Thời trang xuân hè ở Bắc Kinh. Các mẫu thiết kế đó giống gần như 100% áo dài của phụ nữ Việt Nam nhưng công ty này lại giới thiệu là thời trang “phong cách Trung Quốc”.
Khái niệm giao thoa văn hóa vốn dĩ đã được dùng từ lâu để chỉ quá trình giao lưu, tiếp biến giữa các nền văn hóa trên thế giới, nhất là các quốc gia, dân tộc có quan hệ gần gũi. Vấn đề này càng thể hiện rõ hơn trong bối cảnh hội nhập, hoạt động trao đổi, giao lưu văn hóa diễn ra thường xuyên hơn.
Tuy nhiên, giao thoa văn hóa không đồng nghĩa với copy nguyên mẫu, càng không thể chấp nhập được, nếu đó là hành vi ăn cắp trắng trợn của người khác rồi nhận vơ là của mình, dùng truyền thông để lấp liếm bằng các khái niệm “sáng tạo”, là “ phong cách “ này, “phong cách” kia…như kiểu bộ sưu tập của NTK Trung Quốc giống 100% áo dài Việt Nam, có thêm thắt một số phụ kiện như nón lá, thắt lưng, một số hoa văn mang màu sắc Đông Nam Á rồi phát biểu là “Chinese style” (Phong cách Trung Quốc)!
Từ lâu, cứ nói đến kimono là người ta nghĩ ngay trang phục truyền thống của Nhật Bản, hanbok của Hàn Quốc, sườn xám là của Trung Quốc… Còn nói đến áo dài, ai cũng nghĩ ngay là trang phục truyền thống của người Việt Nam. Dù trải qua bao tháng năm, chiếc áo dài có được cách tân kiểu gì thì nó vẫn là thứ trang phục gần gũi, thân thương với mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là với phụ nữ.
Áo dài Việt Nam xuất phát từ áo ngũ thân cổ đứng. Áo của đàn ông và phụ nữ khá giống nhau, chỉ khác nhau vài đặc điểm như: áo nữ thì cổ áo thấp hơn nam, ống tay áo dài nữ hẹp hơn ống tay áo dài nam… Chiếc áo dài được định hình từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765).
Sau khi Vua Gia Long thống nhất đất nước (1802), triều đình nhà Nguyễn đã có những cải tiến nhất định trang phục từ thời các Chúa Nguyễn, định hình lễ phục và trang phục chính thống của đất nước. Trang phục mới nhanh chóng được người dân từ miền Trung trở vào chấp nhận, trong khi ở miền Bắc, phụ nữ vẫn mặc áo tứ thân với váy và yếm, bọc tóc trong khăn hoặc đội khăn mỏ quạ. Đến thời Minh Mạng, sau chuyến tuần du Bắc Hà khoảng năm (1836 – 1837) Vua Minh Mạng đã tiến hành cải cách trang phục triệt để, cấm phụ nữ mặc váy. Từ đó áo dài mới được phổ biến rộng trong cả nước. Ca dao thời ấy từng ghi lại sự kiện này:
Những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ XX, chiếc áo dài truyền thống thân rộng đã được họa sĩ Cát Tường khởi xướng cách tân. Ông đã thiết kế áo dài gọn hơn, khoe vẻ đẹp người phụ nữ (trước đây áo dài che kín thân kín đáo) phù hợp với đời sống xã hội lúc bấy giờ. Họa sĩ Cát Tường đã thêm những yếu tố tạo hình mới vào áo dài như vai bồng, áo có cổ lá sen, tà áo hẹp hơn…
Cùng với thời gian, chiếc áo dài Việt Nam luôn được các họa sĩ, các nhà thiết kế cách tân, cải tiến cho phù hợp với gu thời trang của cuộc sống, Nhưng dù cách tân gì thì các nhà thiết kế vẫn tôn trọng vẻ đẹp của áo dài, giữ được các yếu tố tạo hình cơ bản tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà áo dài nữ đã được coi như Quốc phục. Nhiều người Việt Nam khi ra nước ngoài đều lấy áo dài làm biểu tượng khẳng định bản sắc văn hóa Việt với bạn bè quốc tế. Đại sứ Phạm Sanh Châu đã mặc áo dài khăn xếp trình quốc thư lên lên tổng thống Nepal – bà Bidhya Devi Bhandari.
Trở lại với câu chuyện áo dài Việt Nam bị nhà thiết kế Trung Quốc nhận vơ khiến dư luận và các nhà thiết kế, bảo tồn trang phục bức xúc thì có lẽ lỗ hổng cũng có một phần chủ quan từ những người làm văn hóa chúng ta. Đó là cho dù hình ảnh áo dài đã trở nên rất quen thuộc, gắn liền với Việt Nam, song cho tới nay áo dài vẫn chưa có “danh phận” trên các văn bản hành chính.
Cuộc thi thiết kế lễ phục được phát động từ 5 năm trước, đến nay vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng. Trong khi đại đa số ý kiến đồng ý giữ nguyên áo dài của nữ làm bộ Lễ phục (Quốc phục) thì với nam giới, chọn comple hay áo dài vẫn chưa có hồi kết. Điều đó khiến áo dài mất đi nhiều cơ hội quảng bá trên trường quốc tế…
Chính tình trạng “chưa có bản quyền” này khiến chúng ta gặp khó khi bị người ta đánh cắp ý tưởng. Nhất là với các nhà thiết kế thời trang Trung Quốc hoàn toàn có chủ ý khi lập lờ với giới truyền thông, cố ý đánh tráo khái niệm “giao thoa văn hóa” để biện hộ cho hành vi của mình, như ông Zhang Zhifeng, nhà sáng lập thương hiệu Ne Tiger tuyên bố: “Trong khi vẫn bảo lưu truyền thống, tôi đã luôn chú ý tới việc hòa quyện vào đó tính hiện đại và các yếu tố toàn cầu gần đây để được người tiêu dùng chấp nhận trên toàn thế giới”.
Liệu với cách lập luận “hòa quyện vào đó tính hiện đại và các yếu tố toàn cầu gần đây” của người sáng lập thương hiệu thời trang nội Ne Tiger của Trung Quốc có bao hàm việc bắt chước, sao chép quốc phục của một nước khác hay không, nhưng nhìn vào những hình ảnh trang phục được nhà thiết kế này gọi là “sản phẩm sáng tạo” của ông, ai cũng có thể cảm nhận điều đó.
Rõ ràng là một kiểu “ lập lờ đánh lận con đen”, sao chép của người khác rồi bảo là sáng tạo, cách tân của mình. Nhiều ý kiến trên các diễn đàn mạng cho rằng cách làm của Ne·Tiger với áo dài, quốc phục của Việt Nam chẳng khác nào một âm mưu “đường lưỡi bò” trong lĩnh vực văn hóa và thời trang của người Trung Quốc. Hay nói khác hơn là một kiểu xâm lăng về văn hóa.
Trong lời phát biểu nhân Ngày Di sản Việt Nam 23/11 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: ” Đánh mất văn hóa là mất tất cả. Giữ được văn hóa thì chúng ta giữ được sự trường tồn của dân tộc”, “đáng sợ hơn cả mọi sự xâm lăng, đó là xâm lăng văn hóa”.
Là một đất nước bị “nghìn năm đô hộ giặc Tàu”, “ trăm năm đô hộ giặc Tây”, nhưng dân tộc Việt Nam vẫn không đánh mất bản sắc của mình là nhờ ý thức được giá trị của văn hóa đối với sự trường tồn của giống nòi, sự độc lập, tự do của Tổ quốc. Chuyện chiếc áo dài – quốc phục của Việt Nam bị đánh cắp, tưởng nhỏ mà không nhỏ. Nó nhắc mỗi người Việt Nam phải luôn cảnh giác và không bao giờ khuất phục trước họa xâm lăng. Đặc biệt là xâm lăng văn hóa.
Kỹ thuật: Chôm Chôm