So với mặt bằng chung du học sinh ở Paris nói riêng và ở Pháp nói chung, thực ra bọn mình sống khá “tươm”. Cơ bản là cả hai đứa đều con nhà khá giả, bố mẹ chu cấp tiền chứ không phải đi làm thêm gì. Thỉnh thoảng đi làm cũng chỉ để kiếm thêm tiền tiêu vặt hay để đi chơi mà thôi.
Bố mình một lần sang thăm có gọi điện về cho mẹ. Khi mẹ hỏi “Nhà cửa con mình ở bên đấy thế nào, có đàng hoàng không?” thì bố trả lời vẻ ái ngại “Rộng hơn nhà tắm nhà mình một tí”. Khiếp, mình thề là hội du học sinh mà nghe được câu đấy chắc chẳng ai thèm chơi với mình nữa. Vì cuộc sống “ăn trắng mặc trơn” ở nước ngoài như mình là cái gì đó quá xa vời với nhiều bạn du học sinh.
Mình không tiếp xúc với những người nhập cư nên không rõ, nhưng nhìn hội du học sinh đi làm thêm đã thấy vất vả lắm rồi. Mặc dù là sinh viên có giấy tờ lưu trú đàng hoàng nhưng phần lớn các bạn vẫn đi làm “chui”, tức là làm việc mà không có hợp đồng lao động. Lý do là sinh viên chỉ được làm bán thời gian và bị giới hạn về số giờ làm, nên nếu muốn làm nhiều hơn thì phải chấp nhận làm chui tại các nhà hàng của người Việt. Đồng lương tất nhiên là rẻ mạt hơn nhiều so với mức quy định nhưng bù lại về thời gian nên tổng thu nhập vẫn cao hơn. Ai chăm chỉ thì một mùa hè có thể kiếm được vài nghìn euro là chuyện bình thường. Tiền đó để trang trải tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền đi lại, tiền học phí trong năm học (nếu không đủ thì vào năm học lại vừa học vừa làm). Nếu ai có ý định về Việt Nam ăn Tết thì càng phải còng lưng ra mà làm gấp đôi, gấp ba.
Làm chui gần như đồng nghĩa với việc bị bóc lột, vì đồng lương rẻ mạt mà chủ thì lúc nào cũng nghĩ ra thêm việc cho nhân viên làm. Bạn xin nghỉ ốm? Trừ vào tiền lương chứ đừng mơ có ngày nghỉ phép. Thậm chí nếu bị quỵt tiền công, du học sinh cũng chỉ đành ngậm ngùi đi tìm việc mới chứ làm gì dám kiện cáo, vì bản thân họ cũng đang lao động bất hợp pháp mà thôi.
Kể cả khi không làm việc chui thì những công việc làm thêm vẫn mang theo vô số rủi ro. Một người bạn của mình làm nhân viên giao hàng cho quán pizza tại một khu vực tương đối phức tạp về an ninh. Có lần đi giao đơn lúc đêm muộn bị cướp chặn đường phải vứt xe máy lại, đi bộ về quán trình bày với quản lý. Nhưng nó vẫn chép miệng: “May mà bỏ của chạy được người, chứ lúc đấy nó mà bắn cho một phát thì cũng chịu chứ làm được gì”.
Với mức chi phí đắt đỏ ở nước ngoài, để có tiền về Việt Nam chơi đồng nghĩa với việc du học sinh phải thắt lưng buộc bụng một thời gian rất dài. Đừng tưởng du học sinh về nước mang vali to vali nhỏ quà cáp mà ham. Có khi cả vài tháng trời trước đó chỉ ăn mỳ tôm không, hoặc có đứa “sáng tạo” thì đi mua các đồ ăn sắp hết hạn mà siêu thị bán giá rẻ hều, hoặc mua thịt ở quầy hàng dành cho động vật để tiết kiệm tối đa chi phí sinh hoạt. Tất nhiên, chẳng có ai đi du học mà đăng những bức ảnh đó lên facebook, nên tất cả những gì người ở nhà nhìn thấy về cuộc sống ở nước ngoài chỉ toàn màu hồng.
Đi nước ngoài có sướng không? Mình mạnh dạn trả lời là không. Đi nước ngoài khổ lắm! Nhưng mình biết rằng nói thế chứ có nói thêm trăm nghìn lần nữa cũng chẳng ai tin. Chỉ khi nào tự bản thân họ nếm trải nghiệm thì mới vỡ lẽ rằng “Nước nào cũng giống nước ta, cái cửa là để đi ra đi vào”. Thậm chí, cái cửa ở nước ta còn đứng thẳng lưng lên mà đi được, chứ cái cửa ở nước ngoài lắm khi phải khom lưng cúi đầu mà vào. Còn đi ra được không thì chưa biết!
Kỹ thuật: Chôm Chôm