ĐỪNG GIỮ THÁI ĐỘ “NHỊN CHO LÀNH”
Trong khi một phụ nữ ở Hà Nội bị chồng đánh ngã quỵ khi ôm con nhỏ hai tháng trong tay chỉ vì dám mang ti vi vào phòng con trai thì ở Bình Thuận, một phụ nữ phải trốn bệnh viện sau hai ngày chữa trị dù ở hoàn cảnh: mang bầu 24 tuần, bị chồng đánh gãy tay,… Nguyên nhân chị trốn viện vì nếu không bỏ về chồng chị sẽ giết. Và một người chồng dã tâm giết vợ chỉ vì vợ không giao chìa khóa xe cho để đi mua thuốc lá…
Có những thông tin khiến người ta chỉ biết kêu trời và tự hỏi, loài cầm thú có bao giờ dễ dàng giết, đánh con cái khi con mẹ đang mang trong mình dòng máu dòng dõi mình, khi ôm trong tay đứa con còn mềm mỏng… Hay chỉ ở thế giới con người, những thông tin ấy mới có?
Và, điều đáng buồn là thông tin ấy không hề cá biệt. Ở vùng sâu, vùng xa đã đành, những nơi trung tâm nhất, được xem là văn minh, hội nhập ở thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM vẫn dễ dàng gặp băng rôn căng lên nơi công cộng: “Phòng chống bạo lực gia đình”…
* * * * *
Lần đầu tiên tôi biết đến bạo lực gia đình khi còn là đứa trẻ. Bố đi xa, chỉ mẹ con ở với nhau. Nhà tập thể nhỏ, 20 mét vuông ngăn đôi cho hai gia đình sử dụng, cách nhau chỉ bằng đúng một tấm liếp. Cứ vài tối, đôi vợ chồng bên cạnh lại vang tiếng cãi vã, tiếng từng cú đấm, cú tát ám ảnh cả giấc ngủ con nít. Mẹ tôi se sẽ dỗ dành con bằng những câu ru quen thuộc. Sáng mai ra, bao giờ mẹ cũng lấy lọ rượu thuốc dúi cho cô T. xoa vào những vết thâm bầm. Câu cửa miệng mẹ khuyên cô mà đến giờ tôi vẫn nhớ là: Chú X. là người tốt, thôi đã lấy nhau rồi thì một sự nhịn chín sự lành… Cặp vợ chồng ấy may mắn và khá lạ lùng sau bao lần đánh nhau đến tím bầm thì cũng… khôn lớn, không đánh nhau nữa, tu chí làm ăn. Khi tôi đã lớn, gặp lại, vẫn thấy ánh mắt họ dành cho nhau nhiều yêu thương.
Mẹ tôi mang theo quan điểm một sự nhịn chín sự lành ấy lên cả môi trường mới gia đình tôi chuyển đến ở sau này. Khu Quang Trung, cạnh chợ khá phức tạp. Trong đó, gia đình chú T. phức tạp nhất nhì xóm khiến ai nấy đều phải dè chừng. Mẹ tôi phụ trách về hội phụ nữ cấp xóm, nửa đêm vẫn thấy cô H. chạy thẳng vào nhà tôi đập cửa khóc cầu cứu. Mẹ có chai rượu thuốc “gia truyền” (tôi vẫn hay gọi đùa như vậy vì thấy mẹ vẫn dùng bất cứ hoàn cảnh nào: trái gió trở trời nhức mỏi, xoa vết thương, vết thâm bầm…) lại mang ra xoa bóp cho cô. Hai chị em lại tỉ tê, cô H. văng tục chửi bậy khuất mặt ông chồng một lúc rồi cũng đỡ đau, đỡ tức, quay về. Ban ngày, cô H. quản lý chuỗi Karaoke to nhất xóm cùng chồng, chuyện cô bị chồng đánh lên bờ xuống ruộng nửa đêm chỉ mẹ con tôi biết. Trước khi về, cô vẫn dặn đi dặn lại mẹ đừng nói với ai vì sợ con cái xấu hổ, và sợ chồng tự ái “phang” tiếp.
* * * * *
Tôi từng nói chuyện với một cán bộ Hội bảo vệ phụ nữ và trẻ em, nghe chị kể nhiều chuyện dở khóc, dở cười về bạo lực gia đình. Không ít chị đến nghe chuyên viên khuyên giải với mặt mày thâm đen, sưng húp, nhưng vẫn một mực: “Em chỉ kể cho chị cho hả giận thôi chứ chị đừng kể cho ai, chị cũng đừng qua nhà em, nó biết em đi kể lung tung sẽ đánh chết em”. Các cơ quan chức năng muốn can thiệp cũng bị chính người bị hại “làm khó” đến mức không ít bận đi hòa giải lại bị… xùy chó ra đuổi. Khuyên tìm một lối thoát với những người phụ nữ “ở lâu trong khổ Mị cũng quen khổ rồi” là một điều cực khó. Có chị bị đánh đến đi cà nhắc, mất sức lao động vẫn phân bua: Những trận đòn roi dăm bữa rồi cũng lành, bỏ nhau rồi con cái được mẹ mất cha, thiệt thòi so với bè bạn. Mà bỏ nhau rồi, sức em vậy sao nuôi con?
Mẹ tôi làm vợ với tâm lý “một sự nhịn chín sự lành”. Câu ấy mẹ khuyên hết thảy những người phụ nữ xung quanh, khuyên cả những đứa con gái của mẹ từ khi còn rất nhỏ. Tôi không có thói quen cãi lại hay phản biện trực tiếp với mẹ nhưng vẫn luôn tự hỏi, vì sao lại phải nhịn? Vì sao phải cam chịu sống với những người chồng có thể đánh vợ lên bờ xuống ruộng? Nhất là khi, hạnh phúc là hành trình, chứ không chỉ ở đích đến.
Tâm lý “nhịn”, tâm lý sợ chồng như một cái gông vô hình, hoàn toàn đi ngược lại bình đẳng giới mà xã hội hướng tới. Nó khiến người phụ nữ mặc định luôn cho mình sự yếu thế, thua thiệt. Điều tôi dạy con gái mình khác mẹ ngày xưa, không hề có khái niệm “nhịn”. Mà là, thân thể của con là thứ đáng quý trọng nhất đối với bố mẹ và chính con. Chính vì thế, con không được để bất kì ai xâm phạm, bạo hành. Mặt khác, con phải cố gắng học hành, tập thể lực, ăn ngủ điều độ… mỗi ngày để mạnh mẽ lên. Khi con mạnh mẽ thì sẽ không ai dám bắt nạt hết. Xung quanh tôi, nhiều bạn bè có con gái đều cho con đi học võ từ rất sớm, dạy con biết mạnh mẽ trong tư duy, biết rạch ròi đúng – sai… chứ không dạy khái niệm “nhịn cho lành”.
Sáng nay, một cô bạn nhà báo đặt câu hỏi với bạn bè trên FB mình: Bạn đã bao giờ bị chồng đánh chưa? Bạn ấy không ngại chia sẻ rằng, bạn bị chồng bạt tai một lần. Sau cú bạt tai ấy, đường ai nấy đi. Và không ít bạn bè bạn ấy cũng kể, sau một lần duy nhất vợ chồng sử dụng bạo lực với nhau – dù chỉ một cái tát là đã đường ai nấy đi. Không bao giờ có cơ hội cho một cái tát thứ hai chứ không phải “nhiều lần đánh đập vợ lên bờ xuống ruộng” như nhiều người vợ đâu đó từ nông thôn đến thành thị vẫn đang phải hứng chịu trong chính gia đình mình.
Cũng cô bạn nhà báo của tôi, thắc mắc không hiểu được vì đâu cô nhà báo vợ của võ sư kia lại chịu để cho chồng nhiều lần đánh đập? Nhiều bạn trả lời: “Vì con”. (Những đứa con sẽ lớn lên thế nào trong cái nôi bạo hành? Hay lại có thể coi chuyện đó là bình thường và lặp lại lịch sử?). “Vì bị đánh thì đau đớn về thể xác nhưng thực sự phải thừa nhận với một ai đó, kể cả là người thân ruột thịt đi chăng nữa, rằng tôi bị người đầu ấp tay gối đánh, thì như là tận cùng của sự thảm hại, thấy mình không còn một chút tự tôn nào cả, con người sao mà không bằng con vật… Nỗi thống khổ ấy còn hơn gấp trăm gấp nghìn lần”…
Sẽ có vô vàn những lý do để biện minh cho việc phụ nữ chịu đòn. Nhưng chắc chắn, chẳng có lý do nào đúng.