Bài cuối: Cần giải “bài toán” thuê, mượn đất nông nghiệp

Như đã đề cập, thực trạng hiện nay người nông dân đang có xu hướng bỏ vụ canh tác trên đồng đất của mình nhưng vẫn giữ đất; đồng thời doanh nghiệp (DN), cá nhân muốn thuê, mượn đất nông nghiệp của nông dân cũng khó thống nhất được các điều kiện đi kèm bởi gần như chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng… Vậy đâu là lời giải cho “bài toán” khó này?

Trở lại câu chuyện của ông Trịnh Xuân Giáo – chủ trang trại cam ở xã Đồng Thành (Yên Thành). Sau khi thành công mô hình này, ông tiếp tục “tiến quân “lên khai phá vùng đất núi ở huyện Con Cuông. Bỏ ra 9 tỷ đồng, bình quân 150 triệu đồng/ha để đền bù cho người dân trong vùng xong, DN của ông Giáo lại làm thủ tục thuê 60 ha đất có thời hạn 30 năm với huyện.

Thu hoạch cam ở vườn cam Thiên Sơn, xã Đồng Thành, Yên Thành.
Thu hoạch cam ở vườn cam Thiên Sơn, xã Đồng Thành, Yên Thành.

Nhưng dù sao ông Giáo cũng đã có đủ đất sản xuất và đến nay đã có một vùng cam khá quy mô và hứa hẹn hiệu quả kinh tế ở huyện miền núi Con Cuông với sự quan tâm giúp đỡ của huyện. Còn ở xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, dù đã cố gắng hết sức, mong muốn khôi phục thương hiệu Cam xã Đoài, đến nay ông Trịnh Xuân Giáo vẫn chưa thuê được đất.

Ông Đồng Thanh Bình – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nghi Lộc cho biết: Để cho ra được sản phẩm cam Xã Đoài “chuẩn”, đòi hỏi có nguồn nước và chất đất phù hợp, và chỉ có vùng đồng của các xóm 1,2 và 8 của xã Nghi Diên đáp ứng được yêu cầu này. Thế nhưng, việc tập trung đất cực kỳ khó khăn dù chính quyền huyện, xã đã nỗ lực hết sức…

Ông Võ Văn Hòa ở xóm 1, xã Nghi Diên, người có 3 sào đất lúa nơi DN muốn thuê đất, nói kiên quyết: “Nếu DN mua hẳn thì tôi bán chứ không cho thuê. Họ trả tiền thuê 15 năm một lần, mỗi sào tính ra cũng có khoảng gần 50 triệu đồng, nhưng lỡ sau này không đòi lại được đất, mất đất thì sao? Hay khi trả lại mặt bằng, DN có trả lại nguyên trạng để tiếp tục sản xuất được lúa hay không? Vì vậy, trong xóm, ngoài nhà tôi ra, có những gia đình để hoang ruộng hoặc cho người khác mượn đất làm lúa không lấy tiền nhưng vẫn không muốn cho DN thuê”.

Năm 2018, ông Trần Văn Thắng – Công ty TNHH Thắng Hoa thuê 2,5ha đất của người dân xã Nam Trung, huyện Nam Đàn để trồng hoa, phục vụ khách du lịch. “Ý tưởng của tôi là biến vùng bãi soi thành vườn hoa bãi bồi ven sông Lam, phát triển du lịch sinh thái.

Tuy nhiên, dù đất bỏ hoang hoặc trồng ngô, đậu hiệu quả thấp, nhưng sau một thời gian thương lượng một cách kiên nhẫn, tôi mới thỏa thuận được với các hộ dân để thuê 2,5 ha đất với mức giá 11 triệu đồng/năm trong thời hạn 5 năm. Hiện tôi đang muốn mở rộng diện tích lên khoảng 12 ha để trồng hoa luân phiên theo mùa và trồng cây ăn quả thu hút khách du lịch quanh năm, song chưa thương lượng được với các hộ dân”, ông Trần Văn Thắng cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Phượng – Chủ tịch UBND xã Nam Trung thì: “Tuy nông dân ngày càng ít mặn mà với đồng ruộng, diện tích đất bỏ hoang ngày càng nhiều, nhưng nhiều người vẫn nhất quyết không trả ruộng, không cho mượn, cho thuê. Một phần là tâm lý giữ ruộng để chờ được đền bù đất với giá cao nếu có dự án vào quy hoạch; phần nữa, đất nông nghiệp lại đang được người dân coi như một nguồn tài sản để dành cho con cháu phòng khi sa cơ, lỡ vận.

Những hộ chấp nhận cho thuê thì lại ra giá cao, với nhiều điều kiện đi kèm “làm khó” bên muốn thuê. Nhiều hộ lại sợ DN sẽ sử dụng đất theo kiểu “tận thu, tận diệt “làm đất bạc màu, hoang hóa. Chính những lý do này khiến người dân không hưởng ứng, hoặc hưởng ứng không nhiệt tình với chủ trương của chính quyền là tích tụ ruộng đất để cho DN thuê”.

Đó cũng là thực trạng chung ở hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tâm lý “giữ ruộng” dù không làm ruộng là nguyên nhân chính yếu làm cho DN, cá nhân khó thuê được đất trong khi diện tích đất bỏ hoang ngày càng nhiều.

Nếu như vụ Xuân nông dân Nghi Long khép kín diện tích trồng rau màu thì vụ Hè thu lại đành bỏ hoang.
Nếu như vụ Xuân nông dân Nghi Long khép kín diện tích trồng rau màu thì vụ Hè thu lại đành bỏ hoang.

Ông Đồng Thanh Bình – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nghi Lộc, cho biết: Không chỉ đối với Công ty Thiên Sơn, trên địa bàn huyện những năm qua cũng có nhiều cá nhân, DN có nhu cầu thuê đất làm nhà lưới, nhà màng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng rất khó để gom đủ đất theo nhu cầu.

Đầu năm 2019, ông Đinh Quang Hoàng ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc thuê 10 ha của người dân, đầu tư hơn 600 triệu đồng làm 3.000 m2 nhà màng trồng dưa lưới. Ông Hoàng cho biết: Khoảng 1 tháng nữa, 5.000 gốc dưa sẽ cho thu hoạch, nếu thuận lợi sẽ có thể thu về khoảng 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Tuy nhiên, đất cũng chỉ thuê được trong 5 năm, sau đó sẽ tiếp tục thoả thuận có thuê được tiếp hay không và sẽ có điều chỉnh mức giá nên hướng phát triển rất bấp bênh.

Những năm qua, tuy đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng việc cho thuê, mượn đất để DN đầu tư sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Hoặc DN muốn thuê lâu dài nhưng người dân chỉ cho thuê một vụ hè thu; hoặc DN, cá nhân chấp nhận thuê trong một vụ; nhưng như thế, vấn đề là nếu giá thuê đất cao quá thì người làm không có lãi, mà thấp quá thì nông dân không muốn cho thuê.

Thực tế, để tập trung được một vùng đất từ 20 – 30 ha là cực kỳ khó khăn vì người thuê phải làm việc, thống nhất được mọi điều kiện với khoảng 300 – 400 hộ dân.

Nếu giải quyết tốt vấn đề thuê, mượn đất nông nghiệp, ngoài cái lợi chung là hạn chế tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên, tăng giá trị sử dụng đất, thì cả DN và nông dân đều được lợi.

Trong khi DN có đất để sản xuất hàng hoá tập trung, ứng dụng các tiến bộ KHKT đem lại giá trị kinh tế cao, thì nông dân vừa có thu nhập từ tiền cho thuê, vừa giải phóng được lao động nông nghiệp đi làm nghề khác có thu nhập cao hơn, chuyển đổi ngành nghề theo hướng tích cực. Thế nhưng xung quanh vấn đề này còn nhiều rào cản không nhỏ.

Cây ớt cay đêm lại hiệu quả kinh té cao được trồng tập trung tại HTX Nông nghiệp xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu.
Cây ớt cay đêm lại hiệu quả kinh té cao được trồng tập trung tại HTX Nông nghiệp xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu.

Đó là ý kiến chung của nhiều DN khi bàn về phương cách nhằm giải quyết nghịch lý trong sử dụng đất nông nghiệp hiện nay.

Ông Trần Văn Thắng, Công ty TNHH Thắng Hoa bày tỏ: Chúng tôi rất mong muốn địa phương đứng ra vận động người dân bàn giao lại đất, xã đứng ra làm chủ ký hợp đồng cho thuê với thời hạn dài hơn (10-20 năm); có như vậy DN mới yên tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tạo đất, phát triển sản xuất.

Như vùng bãi bồi đó, để trồng được hoa, chúng tôi đã phải bỏ vào đó hàng tỷ đồng để cải tạo đất, lắp đặt hệ thống tưới, mương máng… Mất mấy năm đầu thử nghiệm mới đi vào hoạt động ổn định, nếu hết thời hạn thuê đất 5 năm mà không tiếp tục thỏa thuận được thì làm gì đã thu hồi được vốn, chưa nói đến chuyện lãi!”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: “Không chỉ có nguồn vốn dồi dào để đáp ứng được cho cả nhu cầu thuê đất và đầu tư sản xuất, DN cần thực sự đam mê và kiên trì, có tinh thần “cầu thị”, làm sao để hai bên cùng có lợi, nghiêm túc thực hiện các cam kết đã được thống nhất để nông dân yên tâm cho thuê ruộng trong điều kiện Nhà nước chưa có các quy định cụ thể về vấn đề này.

Theo ông Hồ Xuân Hùng – nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam thì trước hết Nhà nước, chính quyền địa phương cần có cơ chế thông thoáng, thống nhất từ trên xuống dưới để thu hút DN thuê đất đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Thứ hai, cần đẩy mạnh tuyên truyền vì hiện nay nhận thức của nông dân về sự cần thiết phải tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất hàng hóa quy mô lớn còn chưa đầy đủ, thống nhất.

Thứ ba, phải giám sát, quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất sau khi cho thuê để đảm bảo đất không bị bỏ hoang, ngăn ngừa tình trạng sử dụng đất nông nghiệp để đầu cơ, không vì mục đích sản xuất.

Thứ tư, xây dựng chế tài đảm bảo quyền bình đẳng giữa người dân với DN trong quá trình tích tụ ruộng đất cũng như tổ chức sản xuất nông nghiệp. Về phía DN, khi thuê đất, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp phải thực hiện đúng mục đích sử dụng đất, không làm sai, không nhận đất để đầu cơ, bỏ hoang gây bất bình, mất niềm tin trong nhân dân.

Đồng thời phải đảm bảo sinh kế cho người dân như hỗ trợ học nghề, chuyển đổi việc làm hoặc tạo việc làm cho nông dân ngay trên chính đồng đất quê hương. Riêng về phía nông dân, phải ý thức được rằng, việc tích tụ ruộng đất là tất yếu của sự phát triển, để từ đó có ý thức đồng thuận, cho DN thuê đất; học nghề để đáp ứng nhu cầu, tiếp cận KHKT để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của một lao động nông nghiệp công nghệ cao.