Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An công khai việc có hút nước sông Đào để sản xuất nước sạch sinh hoạt, trong khi chất lượng nguồn nước còn có vấn đề, và UBND tỉnh từng có một số văn bản yêu cầu doanh nghiệp này không sử dụng nước sông Đào ô nhiễm. Nguyên nhân sâu xa, dẫn đến việc làm này xuất phát từ lợi ích doanh nghiệp…
Trạm bơm nước thô của Công ty TNHH MTV Cấp nước sông Lam đặt bên bờ sông Lam, thuộc khối Đan Nhiệm, thị trấn Nam Đàn. Trong quá trình vận hành hàng ngày, cán bộ, công nhân trạm bơm của Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam đều có nhật ký ghi lại giờ giấc hoạt động, số liệu nước chuyển đi… Theo nhật ký các tháng 5, 6/2019, trạm bơm vận hành từ 6h sáng đến 10h đêm để chuyển nước thô đến Nhà máy sản xuất nước Hưng Vĩnh thuộc Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An. Bình quân tính từ tháng 5/2019 đến nay, mỗi ngày bơm chuyển đi khoảng trên 60.000m3 nước thô.
Trong khi đó, theo số liệu ghi trong nhật ký các tháng 5 – 6/2018, trạm bơm này xuất đi từ 85.000 đến 90.000m3 nước/ngày đêm. Đặt ra câu hỏi, tại sao số liệu của năm 2018 và năm 2019 lại có sự chênh lệch lớn như vậy? Theo giải thích của cán bộ Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam, trạm bơm của họ trước đây cung ứng nước thô cho các Nhà máy sản xuất nước Cầu Bạch và Nhà máy sản xuất nước Hưng Vĩnh của Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An. Tuy nhiên, từ ngày 26/4/2019 đến nay, Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam dừng việc cung ứng nước cho Nhà máy sản xuất nước Cầu Bạch. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An cũng yêu cầu dừng cung ứng nước từ 24h đến 6h sáng đối với Nhà máy sản xuất nước Hưng Vĩnh!
Để chứng thực các nội dung này, cán bộ của Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam đưa ra Văn bản số 389/CV-CTCN ngày 26/4/2019 của Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An về việc “Phối hợp vận hành cung cấp nước thô”. Tại văn bản này thể hiện, Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An ngừng nhận nguồn nước thô do Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam cung ứng từ 0h ngày 27/4/2019. Lý do được đưa ra là, yêu cầu về quy trình công nghệ xử lý ở Nhà máy nước Cầu Bạch là nước thô phải qua hồ sơ lắng để giảm bớt cặn lơ lửng, giảm lượng vi trùng do các điều kiện môi trường, thực hiện các phản ứng ô xy hóa do tác dụng của ô xy hòa tan trong nước… Trong khi nguồn nước thô do Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam cung cấp lại bơm thẳng vào hệ thống xử lý, không loại bỏ được cặn lơ lửng và không giảm lượng vi trùng, dẫn đến công suất của Nhà máy nước Cầu Bạch chỉ đạt 60 – 70% công suất thiết kế. Đồng thời tại văn bản này cũng nêu rõ, đối với Nhà máy nước Hưng Vĩnh cũng chỉ tiếp nhận nguồn nước thô do Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam cung ứng từ 6h đến 24h hàng ngày.
Như vậy, với việc ngừng hoàn toàn tiếp nhận nước thô ở Nhà máy nước Cầu Bạch, và giảm 6h/ngày đối với Nhà máy nước Hưng Vĩnh từ ngày 27/4/2019, công suất hoạt động của Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam giảm khoảng trên 30% so với trước đây!
Có mặt tại Nhà máy nước Cầu Bạch, cán bộ Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An cũng xác nhận việc ngừng tiếp nhận nước thô do Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam cung ứng bởi lý do đã nêu tại Văn bản số 389/CV-CTCN ngày 26/4/2019. Còn tại Trạm bơm cầu Mượu, dù có những hoạt động bơm hút nước trong đêm khuya, nhưng theo các cán bộ, công nhân ở đây thì đó là các hoạt động bảo dưỡng, bảo trì thiết bị máy móc chứ không hoạt động bơm hút nước thô để sản xuất nước sinh hoạt. “Vẫn phải duy trì trạm bơm này. Phải đảm bảo vận hành ổn định vì ngoài chức năng bơm hút nước thô, còn chống hạn, phòng chống cháy…” – một cán bộ giải thích.
Vậy Nhà máy nước Hưng Vĩnh mỗi ngày tiếp nhận bao nhiêu m3 nước thô từ Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam? Theo số liệu của bộ phận kinh doanh Nhà máy nước Hưng Vĩnh cung cấp (từ đầu tháng 6/2019 đến nay) thì lượng nước thô mà đơn vị này tiếp nhận là xấp xỉ 60.000m3/ngày.
Trái với thông tin chúng tôi ghi nhận được tại Trạm bơm cầu Mượu, ông Hoàng Văn Hải – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An lại công khai việc bơm hút nước sông Đào tại điểm Trạm bơm cầu Mượu.
Trước khi đề cập vấn đề này, ông Hoàng Văn Hải nói rằng đối với sản xuất nước sạch, chất lượng là yếu tố hàng đầu. Chất lượng nước sạch của Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An được Trung tâm Y tế dự phòng – đơn vị được tỉnh giao nhiệm vụ theo dõi, giám sát trực tiếp và thông tin chất lượng nước được cập nhật đầy đủ. Nếu như không đạt thì “bên đó” họ sẽ đình chỉ và có động tác khác để quản lý.
Về việc sử dụng nguồn nước sông Đào thông qua bơm hút nước tại Trạm bơm Cầu Mượu, ông Hải trao đổi rằng theo quy trình vận hành, từ 10h đêm trở đi đến 6h sáng thì khách hàng không sử dụng nhiều. Thời điểm đó, Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An chỉ nuôi mạng đường ống để duy trì đủ áp lực đường ống, tránh xâm nhập từ bên ngoài vào và cũng để súc rửa, lọc, vệ sinh hệ thống đường ống. Những thời điểm như thế, Công ty yêu cầu Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam cung cấp với lưu lượng 500m3/giờ. Nhưng bên phía công ty này không cấp được, do số lượng nhỏ nên máy bơm họ không vận hành được. “Bên phía sông Lam (Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam – PV) trả lời rằng ít quá nên họ không bơm. Kiểu như máy bơm công suất 1.000 nên bơm 500 không bơm được…” – ông Hoàng Văn Hải nói.
Và ông Hải khẳng định việc hút nước tại Trạm bơm cầu Mượu gồm 2 lý do: Thứ nhất, Trạm bơm Cầu Mượu nằm trong lưu vực Nam Đàn và chất lượng nước được đảm bảo. Thứ hai, là do bên sông Lam (Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam – PV) không đảm bảo được nguồn cung cấp của nhà máy. Đồng thời cho biết: “Tỉnh cũng nói rõ ràng khi nào nguồn nước sông Đào ô nhiễm thì không được lấy. Chứ không nói là không lấy nguồn nước sông Đào. Sở TN&MT cũng có văn bản 1302 cho rằng nguồn nước sông Đào đủ tiêu chuẩn, yêu cầu theo quy định…”.
Với Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam, tại Văn bản số 3/CNSL ngày 21/1/2019 về việc báo cáo dự án và dịch vụ cấp nước thô gửi UBND tỉnh và Sở TN&MT đã nêu thẳng ra việc, từ ngày 21/12/2018 Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An ngừng lấy nước thô do họ cung cấp từ 22h hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau. Vì vậy, khiến “lượng nước tiêu thụ trung bình giảm từ 86.000m3/ngày đêm còn khoảng 58.000m3/ngày đêm, ảnh hưởng đến tính cam kết về sản lượng giữa hai công ty, đến tài chính của Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam”.
Chưa hết, ngày 18/5/2019, Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam có Văn bản số 13/CNSL hồi đáp Văn bản 389/CV-CTCN ngày 26/4/2019 của Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An. Tại đây, Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam dẫn ra nhiều văn bản của tỉnh trong đó có thể hiện nội dung “Không sử dụng nguồn nước sông Đào bị ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh để sản xuất nước sạch”. Qua đó khẳng định việc Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An ngừng tiếp nhận cung cấp nước thô từ Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam trong khung giờ từ 22h đến 6h đối với Nhà máy nước Hưng Vĩnh; ngừng hoàn toàn đối với Nhà máy nước Cầu Bạch từ ngày 27/4/2019 để sử dụng nguồn nước sông Đào bị ô nhiễm để thay thế là thể hiện việc xem thường sức khỏe của nhân dân khu vực thành phố Vinh và vùng phụ cận… Qua đó đề nghị Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An không tiếp tục ngừng việc tiếp nhận nguồn nước thô từ sông Lam trong khung giờ từ 24h đến 6h sáng hôm sau ở Nhà máy nước Hưng Vĩnh; thực hiện đúng theo hợp đồng cấp nước thô đã ký kết đối với Nhà máy nước Cầu Bạch và có sự phối hợp khảo sát, lắp đặt đường ống bơm nước thô vào hồ sơ lắng…
Trong khi đó, theo ông Hoàng Văn Hải – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An thì từ tháng 1/2019, tất cả quan hệ hợp đồng giữa công ty ông và Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam theo một Thỏa thuận được ký giữa UBND tỉnh và Công ty TNHH MTV Cấp nước sông Lam trước đây đã bị hủy (thời điểm ký thỏa thuận, Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An là công ty 100% vốn Nhà nước). Trong hợp đồng cấp nước giữa Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An và Công ty TNHH MTV Cấp nước sông Lam có Điều 7 nói rõ rằng khi thỏa thuận này có thay đổi thì phải làm lại phụ lục hợp đồng và hợp đồng. Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An đã đề nghị về vấn đề này nhưng Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam chưa chịu thực hiện.
Ông Hải nói: “Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An chỉ quan tâm đến 2 vấn đề: Thứ nhất là giá nước thô là bao nhiêu, thứ hai chất lượng nước thô như thế nào. Nếu theo dõi có thể thấy, Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam chỉ bơm nước trực tiếp từ sông Lam vào chứ không qua một quy trình xử lý nào cả. Nước ở ngoài sông Lam thế nào thì bơm vào cho các nhà máy của Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An như thế. Mùa lũ lụt hoặc những thời điểm thủy điện xả như năm ngoái chẳng hạn thì đều bơm trực tiếp cung cấp cho chúng tôi, gây khó khăn trong việc xử lý. Trong khi, tại Nhà máy nước Cầu Bạch có hồ sơ lắng theo công nghệ của Phần Lan. Công nghệ của Nhà máy Cầu Bạch là nước thô phải qua hồ lắng, nhưng Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam lại thực hiện cấp thẳng, trực tiếp lên hệ thống xử lý luôn. Điều này sai quy trình vận hành”.
Theo tính toán của Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An, với tổng mức đầu tư xây dựng của Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam là 496 tỷ đồng thì đúng ra giá một m3 nước thô là 925 đồng. Giá này đã tính cả khấu hao, tiền lãi ngân hàng. Trong khi hiện nay giá nước thô mà Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An đang mua là 1.950 đồng. Nếu như giá nước thô điều chỉnh xuống thì giá nước sạch cũng điều chỉnh xuống và người dân được hưởng lợi. “Chứ không phải điều chỉnh giá nước thô giảm thì chúng tôi hưởng số tiền chênh lệch này. Trước đây công ty là 100% vốn Nhà nước, nhưng khi đã cổ phần rồi thì các cổ đông không đồng tình…” – ông Hoàng Văn Hải cho biết thêm.