Anh đồng nghiệp của tôi có vợ mới đẻ đợt ra Tết. Mấy hôm trước vẫn thấy anh tíu tít khoe ảnh con gái suốt ngày, thế mà hôm nay chẳng hiểu sao mặt buồn như bánh bao thiu. Tôi hỏi thì anh rầu rĩ trả lời: “Trước đọc báo người ta nói trong vài thập kỷ tới cơ cấu giới tính dân số nước ta sẽ bị chênh lệch do tỷ lệ sinh con trai nhiều hơn sinh con gái. Anh đẻ con gái thì sau này sẽ không sợ nó ế, thậm chí bọn con trai phải đến xếp hàng xin ở rể như Vua Hùng kén chồng cho con. Nhưng mới đây có vụ cưỡng hôn phụ nữ trong thang máy chỉ bị phạt 200 nghìn đồng. Rớt giá mạnh như vậy, anh không lo sao được?”. Nghe anh nói xong tôi cũng thấy lo, vì vợ tôi ở nhà đang bầu mà chưa biết con trai hay con gái. Nhà tôi đang ở lại là nhà chung cư, sau này con tôi sẽ phải đi thang máy mỗi ngày. Tôi vội vàng viết đơn xin về sớm để bàn với vợ bán nhà chung cư, chuyển xuống nhà đất ở để giữ giá cho con.
Chẳng phải đến bây giờ việc quấy rối phụ nữ mới xuất hiện ở Việt Nam. Nhiều người quan niệm rằng phải có hành vi động chạm, xâm phạm đến thân thể thì mới là quấy rối, trong khi khái niệm quấy rối được phân ra làm nhiều mức độ và cách thức. Dâm ô hay cưỡng hiếp là mức độ nghiêm trọng nhất của hành vi quấy rối, có thể để lại hậu quả về tinh thần và thể chất cho nạn nhân. Nhưng những lời nói hay, thậm chí ánh nhìn cũng có thể được liệt vào hành vi quấy rối, dù không để lại dấu vết mà mắt thường có thể nhìn thấy được trên da thịt.
Theo một thống kê của CNN năm 2017, 87% phụ nữ tại Việt Nam bị quấy rối, nhiều người trong số đó thậm chí còn không nhận thức được mình là nạn nhân của hành vi quấy rối. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn Ấn Độ, quốc gia mà hiện tượng phụ nữ bị xâm hại tình dục luôn là vấn đề gây nhức nhối ở phạm vi quốc tế. Tôi nghĩ tất cả chúng ta nên cảm thấy xấu hổ vì điều này và nhìn nhận lại cái cách mà chúng ta đối xử với phụ nữ. Không cứ phải sờ mó hay hiếp dâm, có phải chúng ta vẫn đang quấy rối các đồng nghiệp nữ của mình hàng ngày với những câu nói mà ta cho là bông đùa hài hước về hình thể của họ? Có ông nào dám khẳng định như chém đinh, chặt sắt là chưa từng nhìn chằm chằm vào vòng 1, vòng 2, vòng 3 của đồng nghiệp nữ với những suy nghĩ không trong sáng? Cùng công ty tôi có một cô dáng người đậm đà và vòng 1 khá nảy nở. Mỗi lần nhìn thấy cô, mấy ông đồng nghiệp lại hỏi “Ánh hôm nào cũng ôm tạ đi làm có mệt không em?”. Đồng nghiệp nữ lúc đầu còn khó chịu và xấu hổ, lâu dần thành quen, quen rồi thành trơ, mỗi lần bị hỏi lại trả lời tỉnh bơ như thể đó là một câu chào hỏi xã giao thông thường.
Nhưng nguy hiểm là ở chỗ đó, là khi chúng ta quen thuộc và cho rằng những hành vi quấy rối đó cũng giống như mọi lời ăn tiếng nói, hành vi ứng xử khác. Là khi chúng ta mặc định rằng phụ nữ sinh ra là để làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu. Từ trêu chọc đến động chạm rồi từ động chạm đến xâm hại đôi khi chỉ cách nhau một ranh giới mong manh mà không ai trong chúng ta biết chắc lúc nào bản thân mình sẽ bước qua ranh giới đó để trở thành thủ phạm hoặc nạn nhân.
Mới đây, vụ scandal của Seungri – một ca sỹ thần tượng nổi tiếng tại Hàn Quốc liên quan đến các hành vi môi giới mại dâm đã khui ra hàng loạt bê bối bẩn thỉu khác của ngành công nghiệp giải trí nhiều góc khuất. Ngay giữa đất nước nổi tiếng là tôn sùng cái đẹp đến mức ám ảnh, nơi những nữ ca sỹ, diễn viên, thần tượng được tôn vinh là quốc bảo nhan sắc, là niềm tự hào của Hàn Quốc, giá trị của người phụ nữ lại bị chà đạp và hạ thấp đến mức phải mang uất ức chôn theo xuống mồ. Tôi nghĩ đó không chỉ là một tin tức như bao tin tức chúng ta vẫn đọc nhan nhản trên báo chí hàng ngày. Nó là cái gì đó hơn thế nhiều, một tấm gương mà chúng ta có thể soi thấy một hay nhiều phần của mình trong đó. Rằng tôi, rằng bạn, chúng ta đang định giá phụ nữ là bao nhiêu? Rằng đến bao giờ chúng ta mới tống khứ khỏi đầu cái suy nghĩ đáng khinh rằng phụ nữ là vật phẩm cho chúng ta định giá?