Hồi trước tôi vẫn hay bôi bác bạn tôi – Bí thư Đoàn thanh niên ở cơ quan nó là Bí thư Đoàn quét rác. Chẳng là cứ lần nào tôi gọi điện rủ nó đi chơi vào cuối tuần, nó lại viện lý do đang bận đi lao động Đoàn. Bị nó từ chối nhiều lần tôi cũng sinh nghi, có hôm phóng xe chạy qua trước cổng cơ quan thì thấy nó đang chổng mông quét sân, nhổ cỏ thật.
Có lần tôi hỏi nó: Sao mày cứ đẩy Đoàn viên thanh niên vào bãi rác thế? Thiếu gì việc khác không làm, không phải hoạt động xã hội thì làm kinh tế, gây quỹ rồi thuê nhân viên vệ sinh. Thế là một mũi tên trúng hai con chim: vừa tập hợp được lực lượng thanh niên vừa tạo thêm thu nhập cho người lao động. Nghe xong nó im lặng không nói gì, còn tôi thì hả hê vì thấy mình nói đúng quá. Nhưng mấy hôm nay khi trên mạng rộ lên phong trào dọn rác ở nơi bạn đến, với những người tham dự toàn là các youtuber tên tuổi trên thế giới và hầu hết đều ở độ tuổi thanh niên thì tôi lại cảm thấy mình hơi sai sai.
Thử thách dọn rác nói trên đã đến Việt Nam nhưng người tham gia thử thách không phải là các Youtuber người Việt. Đó là những bạn trẻ người nước ngoài, thậm chí có những người còn “đấu tố” là “tụi nó lừa rủ tui qua Việt Nam đi du lịch chơi, ai dè bị đẩy vào bãi rác như này đây”. Nói xong, chàng trai người nước ngoài lại tất bật gom rác và cười vui vẻ như thể đó chỉ là một trò đùa tức cười. Tôi nhìn những hình ảnh đó và tự hỏi, nếu gặp phải tình huống như anh ta, liệu tôi sẽ làm gì? Quay lưng bỏ mặc lũ bạn ngớ ngẩn lội trong bãi rác nhìn thôi đã ngán hay không ngại ngần mà góp một tay vào dọn dẹp bãi rác không phải của mình?
Vấn đề của tôi, và của nhiều bạn trẻ, và của nhiều bạn không trẻ khác chính là việc chúng ta chỉ đứng ra chịu trách nhiệm cho những gì mình gây ra, hoặc những gì liên quan trực tiếp đến lợi ích của mình. Đôi khi chúng ta lảng tránh cả những trách nhiệm thuộc về mình. Rất thường xuyên, chúng ta nhắm mắt làm ngơ bởi “có phải chuyện của mình đâu”, “chắc ai đó khác sẽ làm”. Nhưng ai đó khác là ai, nếu tất cả chúng ta cùng chờ đợi một người nào khác đứng ra nhận trách nhiệm. Ai cũng được, miễn không phải mình.
Có lẽ ấy chính là lúc cần đến Đoàn thanh niên, bởi chẳng phải tôn chỉ của Đoàn là “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” đấy ư? Bởi lý do tồn tại của tổ chức Đoàn chẳng phải là để rèn cho thanh niên cách sống có trách nhiệm với bản thân và với xã hội đấy ư? Đến khi nào ô nhiễm môi trường vẫn còn là vấn nạn của xã hội, thì vẫn cần thanh niên nhảy vào bãi rác. Nhưng sẽ còn tốt hơn nếu chúng ta khơi dậy được lương tâm và trách nhiệm có lẽ đang ngủ quên của cộng đồng. Để không chỉ thanh niên mà cả xã hội cùng nhảy vào bãi rác. Để chúng ta chỉ phải nhảy vào đó một lần thôi. Chứ nhảy rồi lại nhảy nữa, nhảy mãi thì cũng mệt lắm…