Đến bây giờ tôi vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi đi lễ chùa vào Rằm tháng Giêng. Hàng loạt cái bàng hoàng này nối tiếp cái bàng hoàng khác, bàng hoàng từ cổng vào đến trong chùa, bàng hoàng từ đầu buổi đến cuối buổi. Thế mà nhiều người vẫn đi lễ chùa đều đặn quanh năm suốt tháng, không biết do thần kinh người ta vững hay là tôi mong manh yếu đuối quá?
Đầu tiên, chưa kịp đặt chân qua cổng, đập ngay vào mắt quan khách là một cảnh tượng hết sức “phàm phu tục tử”: hai người phụ nữ tự xưng là nhân viên trông xe tay cầm nắm vé, tay cầm nắm tiền lẻ bô bô báo giá “Ô tô 20 nghìn, xe máy 10 nghìn”. Cảnh “tiền trao cháo múc” thản nhiên ngay tại cổng vào nơi linh thiêng, chưa kể xe cộ, người ngợm chen nhau ra vào khiến tôi khựng lại hồi lâu để chắc chắn mình đang đi chùa chứ không phải là đi hội chợ. Bàng hoàng nhè nhẹ tập một.
Nhưng chưa hết, thoát được đám “tắc đường” ở cổng, vào trong sân không gian cũng không dễ thở hơn là bao vì nghi ngút khói hương. Thay vì thắp mỗi nơi một hoặc ba nén hương, nhiều người quyết định “một lần chơi lớn để xem thần Phật có trầm trồ”, thắp hẳn mỗi nơi một bó. Người nào người nấy tay ôm bó hương bốc khói mù mịt như bó đuốc, không ai chịu thua kém ai, khiến tôi có cảm giác mình vừa nhảy vào một đám cháy. Thắp vào lư, vào bát chưa đủ, nhiều người đi cắm hương ở các gốc cây, cột nhà, chân tường… đúng kiểu điền vào chỗ trống. Không hiểu họ sợ thắp vào lư đông người quá nên thần Phật tính sót mất mình hay sao mà phải đi cửa phụ với các đấng bề trên như thế? Bàng hoàng tập hai.
Đến tập ba thì sự bàng hoàng của tôi không thể kìm nén được nữa, phải thốt lên thành tiếng kêu ai oán khi tôi phát hiện đôi giày mình vừa tháo ra để vào điện làm lễ lúc quay ra đã bốc hơi mất dạng. Nhưng so với cái bà làm lễ cạnh tôi thì vẫn còn may chán, vì ngay sau khi tôi quay ra tìm giày đã nghe bà ấy kêu ré lên bên trong vì bị đứa nào rạch túi xách thó mất ví tiền và điện thoại. Ít ra thằng kẻ cướp nó vẫn thương tình để lại cho tôi đôi dép tổ ong xấu xấu bẩn bẩn mà đi, chứ bà kia thì hình như mất sạch. Của đáng tội cũng tại bà ấy viết cái sớ dài quá, đọc mãi không xong nên mới tạo cơ hội cho bọn ăn cắp vặt đấy chứ? Tôi nghi chính bà ấy đọc xong cũng chẳng nhớ hết mình đã cầu những cái gì, huống hồ các bậc thần Phật. Nếu có ai ghi chép lại hết những ước nguyện của người đi lễ chùa thì tôi tin chắc đấy sẽ là bài toán big data mà ngay cả Facebook hay Youtube cũng phải bó tay đầu hàng.
Nói thì lại bảo bất kính nhưng thú thực là đi lễ chùa về tôi thấy ngao ngán hết cả người. Tất nhiên không phải chùa nào cũng thế, nhưng cứ nghĩ đến một vài chốn linh thiêng bị bóp méo thành nơi bon chen tranh giành ân huệ bề trên mà buồn. Nếu các ngài có thật, tôi nghĩ các ngài cũng chẳng mù lòa để cho người trần mắt thịt chúng ta lừa gạt bằng bó hương và vài tờ sớ. Kẻ gian ác sao xin được bình an? Kẻ ăn cướp của thiên hạ thì làm sao xin được giàu sang truyền đời truyền kiếp? Lễ bái mà không tu thân cũng như cây không có rễ, làm sao xin cầu quả ngọt được? Chẳng dám nhận mình đã tu thân đến nơi đến chốn nên tôi cũng không xin cầu gì, thắp nén hương rồi chúc mừng năm mới các ngài vậy thôi!