Xứng đáng là người đại biểu dân cử – Kỳ 4: Tiên phong chuyển đổi số, nâng cao chất lượng các kỳ họp

Trước đây, để chuẩn bị cho mỗi kỳ họp, cán bộ Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Nghệ An đều phải làm ngày, làm đêm để chuẩn bị các khâu in ấn, phô-tô hàng trăm bộ tài liệu để cung cấp đến các đại biểu và khách mời tham dự kỳ họp. “Mỗi lần chuyển tài liệu đến nơi họp để phát cho đại biểu đều phải dùng ô tô, vừa tốn kém kinh phí, vừa mất thời gian, vừa cồng kềnh”, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Nghệ An Bùi Duy Sơn nói.

Trên cơ sở tham khảo cách thức, mô hình tổ chức các kỳ họp không giấy của Quốc hội, sau một thời gian chuẩn bị, từ kỳ họp thứ 5 (tháng 3/2022), HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII đã vận hành “Kỳ họp không giấy”, đánh dấu bước tiến mới về hình thức tổ chức các kỳ họp. Các đại biểu HĐND tỉnh được cấp một tài khoản riêng để khai thác tài liệu, sử dụng phần mềm “Kỳ họp không giấy” gồm các tiện ích: Chương trình họp, tài liệu họp, kết nối hệ thống biểu quyết, danh sách đại biểu, ghi chú, thông báo và xin ý kiến, đăng ký phát biểu, tranh luận. Còn các vị khách mời tham khảo tài liệu kỳ họp tại Trang thông tin điện tử “Đại biểu nhân dân tỉnh Nghệ An” tại địa chỉ http://dbndnghean.vn hoặc khai thác qua quét mã QR được dán sẵn trên bàn ở vị trí ngồi họp.

Giao diện Trang thông tin điện tử
Giao diện Trang thông tin điện tử "Đại biểu nhân dân tỉnh Nghệ An".

Ông Hoàng Mạnh Hà – Tổ đại biểu huyện Nghi Lộc cho rằng: Việc chuyển tải toàn bộ chương trình, tài liệu kỳ họp lên hệ thống dữ liệu và được sắp xếp khoa học theo kịch bản điều hành kỳ họp giúp đại biểu dễ dàng theo dõi nội dung điều hành của chủ tọa kỳ họp cũng như tài liệu trong hệ thống. Hệ thống phần mềm được kết nối với internet, nên quá trình nghiên cứu tài liệu và diễn biến tại kỳ họp, đại biểu có thể ngay lập tức tra cứu những thông tin, chẳng hạn các quy định của pháp luật liên quan đến căn cứ ban hành nghị quyết để nắm sâu, nắm chắc vấn đề mà mình sẽ tham gia, vừa tăng tính công khai, minh bạch về các hoạt động, tạo không khí nghiêm túc, hiện đại, chuyên nghiệp tại kỳ họp.

Mặt khác, theo lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Nghệ An, việc ứng dụng phần mềm “Kỳ họp không giấy” cũng là hình thức giám sát hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp thông qua điểm danh bằng một động tác nhấp chuột trên hệ thống và việc tham gia góp ý tại kỳ họp bằng hình thức góp ý vào văn bản hoặc phát biểu trực tiếp đều được lưu giữ lại, thuận tiện cho Văn phòng trong việc theo dõi, đánh giá, xếp loại chất lượng đại biểu trong năm. Ngoài ra, việc theo dõi, chỉnh sửa dự thảo báo cáo, nghị quyết trình tại kỳ họp của thư ký kỳ họp và Văn phòng nhanh, thuận tiện và chính xác cao.

Bắt đầu từ Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII áp dụng Kỳ họp không giấy.
Bắt đầu từ Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII áp dụng Kỳ họp không giấy.

Chuyển đổi số đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ở phạm vi cấp tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An cũng đã xác định chuyển đổi số là giải pháp đột phá trong cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030. Trước yêu cầu đó, Thường trực HĐND tỉnh xác định, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên nhiều hoạt động của cơ quan dân cử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 và cả nhiệm kỳ 2021-2026. Đến nay, HĐND tỉnh được đánh giá là một trong những đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số ở Nghệ An. Bên cạnh “Kỳ họp không giấy”, chuyển đổi số được triển khai trong các hoạt động của cơ quan dân cử, như: 100% tài liệu kỳ họp HĐND tỉnh được số hóa, chuyển vào hệ thống cơ sở dữ liệu; ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và chữ ký số; thường xuyên cập nhật nội dung trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri từ các cấp, các ngành và hoạt động của Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh trên trang thông tin điện tử “Đại biểu nhân dân tỉnh Nghệ An”.

Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An cũng đang tích cực chỉ đạo xây dựng phần mềm và hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi tổng hợp và kết quả giải quyết các kiến nghị sau giám sát, kết luận chất vấn và giải trình của HĐND tỉnh; kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; theo dõi việc đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh.

Đại biểu HĐND tỉnh trực tiếp nghiên cứu các tài liệu và biểu quyết trên máy tính bảng; Sau khi biểu quyết, các đại biểu có thể theo dõi kết quả ngay lập tức trên các màn hình lớn.
Đại biểu HĐND tỉnh trực tiếp nghiên cứu các tài liệu và biểu quyết trên máy tính bảng; Sau khi biểu quyết, các đại biểu có thể theo dõi kết quả ngay lập tức trên các màn hình lớn.

Trong mỗi kỳ họp HĐND tỉnh, phần chất vấn và trả lời chất vấn được Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An chỉ đạo chuẩn bị rất kỹ trong việc lựa chọn nội dung, hình thức chất vấn và trả lời chất vấn, nhất là những vấn đề nóng, bức xúc, cử tri tỉnh nhà đang quan tâm.

Đơn cử tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII tổ chức vào trung tuần tháng 12/2022, với quan điểm “An toàn tính mạng và bảo vệ tài sản của nhân dân là trên hết, trước hết”, một lần nữa công tác quản lý, vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong mùa mưa lũ; công tác phòng ngừa, khắc phục hậu quả do thiên tai được lựa chọn chất vấn. Bởi nhìn lại năm 2022, thiên tai tác động vô cùng nặng nề đến tỉnh Nghệ An với 9 đợt nắng nóng; 23 đợt mưa đá, mưa lớn cục bộ; 5 đợt mưa lớn diện rộng; riêng cơn bão số 4, lũ quét đầu tháng 10/2022 làm thiệt mạng 8 người; thiệt hại chung ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng, chiếm hơn 1/20 thu ngân sách cả năm của Nghệ An.

Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII.
Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII.

Tại kỳ họp nói trên, dưới sự điều hành của chủ tọa, theo nguyên tắc “hỏi 1 phút, trả lời 3 phút”, đã có 12 đại biểu HĐND tỉnh đặt câu hỏi, tập trung trên nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ phụ trách. Qua chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều vấn đề bức bách đã được mổ xẻ, làm rõ như: Số lượng công trình hồ, đập thủy lợi bị xuống cấp nhiều, nguy cơ mất an toàn cao. Thiếu các thiết bị quan trắc, thiếu thiết bị dự báo hiện đại; chưa đầy đủ hệ thống giám sát vận hành hồ chứa và hệ thống thông tin cảnh báo an toàn cho hồ, đập và vùng hạ du; chưa xây dựng bản đồ ngập lụt; thiếu hệ thống lưu trữ hồ sơ, cơ sở dữ liệu… Việc vận hành xả lũ tại một số hồ chứa thủy điện, thủy lợi lớn thiếu sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương sở tại, công tác thông tin tuyên truyền cho người dân chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến vẫn còn tình trạng người dân bị động, không nắm được thông tin; nguồn kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai còn hạn chế…

Các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII.

Với quan điểm “vấn đề được lựa chọn chất vấn phải đúng và trúng, vừa có tính thời sự, gắn với đề cao trách nhiệm giải trình của cơ quan chức năng”, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2206 đến nay, HĐND tỉnh Nghệ An đã tổ chức 6 phiên chất vấn về những vấn đề bức xúc, nổi cộm được cử tri và xã hội quan tâm, gồm: Công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội và công tác an sinh xã hội; Công tác lập, quản lý quy hoạch xây dựng và quản lý trật tự xây dựng; Công tác phòng ngừa, khắc phục hậu quả do thiên tai, đặc biệt là ảnh hưởng của lũ, lụt; công tác quản lý, vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong mùa mưa lũ; Việc bố trí nguồn vốn đối ứng của tỉnh thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo cơ cấu quy định của từng chương trình, dự án, chính sách nhằm phát huy mọi nguồn lực để đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển nhanh và bền vững.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình và đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19; Điều trị cho bệnh nhân Covid-19; Toàn cảnh bản La Ngan, xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn).
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình và đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19; Điều trị cho bệnh nhân Covid-19; Toàn cảnh bản La Ngan, xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn).

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An Nguyễn Nam Đình cho biết: Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thảo luận, lựa chọn và thống nhất nội dung chất vấn, chuyển đến UBND tỉnh, trên cơ sở đó, UBND tỉnh phân công tổ chức, cá nhân chuẩn bị, trực tiếp trả lời; ban hành thông báo kết luận để UBND tỉnh và tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện, báo cáo kết quả để Thường trực HĐND tỉnh theo dõi, giám sát. Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn được đổi mới theo hướng tăng cường đối thoại, tranh luận, không né tránh các vấn đề phức tạp; câu hỏi chất vấn ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, sát với thực tiễn, đời sống của nhân dân và nguyện vọng của cử tri. Các cơ quan trả lời chất vấn cầu thị, nghiêm túc nhìn nhận thực trạng hạn chế, yếu kém và trách nhiệm trong công tác quản lý đối với ngành, lĩnh vực do mình phụ trách, đồng thời, đã đề ra lộ trình khắc phục, sửa chữa, hoàn thiện. Đối với những vấn đề, nội dung liên quan đến trách nhiệm của nhiều ngành, chủ tọa cho phép trả lời bằng văn bản và gửi đến Thường trực HĐND sau khi kết thúc kỳ họp để tổng hợp và tiếp tục giám sát việc thực hiện lời hứa trước cử tri.

Qua theo dõi các kỳ họp được tường thuật trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội và các ấn phẩm của Báo Nghệ An cũng như của Đài Truyền hình Nghệ An, cử tri Lô Văn Thanh ở xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu đánh giá cao cách điều hành dứt khoát, linh hoạt, đặc biệt là rất khoa học của chủ tọa các kỳ họp, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu khách mời là các sở, ban, ngành cấp tỉnh tại kỳ họp.

Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri xã Nam Thanh (Nam Đàn). Ảnh: Phạm Bằng
Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri xã Nam Thanh (Nam Đàn). Ảnh: Phạm Bằng

Tại mỗi kỳ họp thường lệ, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An đều công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh các số điện thoại “Đường dây nóng” để tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh của cử tri. Các ý kiến phản ánh trực tiếp đến “Đường dây nóng” đều được công bố ngay tại kỳ họp. Những nội dung bức bách có thể trả lời ngay, đều được chủ tọa kỳ họp yêu cầu các sở, ngành liên quan trả lời ngay, để cử tri có thể theo dõi qua các kênh tường thuật trực tiếp, các ý kiến còn lại được tổng hợp gửi đến các cơ quan chức năng giải quyết và yêu cầu trả lời cụ thể.

Qua 4 kỳ họp thường lệ của nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận 233 ý kiến phản ánh, kiến nghị, đề xuất của cử triphản ánh qua “Đường dây nóng” tại kỳ họp. Trên cơ sở các ý kiến của cử tri, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành văn bản gửi các sở, ngành, địa phương giải quyết theo thẩm quyền, với kết quả giải quyết và trả lời đạt 100%.

Báo Nghệ An tuyên truyền các kỳ họp, cuộc họp của HĐND tỉnh.
Báo Nghệ An tuyên truyền các kỳ họp, cuộc họp của HĐND tỉnh.

Bày tỏ niềm vui khi vấn đề mình phản ánh đến “Đường dây nóng” đã được giải quyết kịp thời, bà Trần Thị Thanh, ở khối Tân Phúc, phường Hưng Phúc (TP. Vinh) cho biết, khi bà gọi đến “Đường dây nóng” phản ánh tại khu đất của Công ty Công viên cây xanh cũ trở thành địa điểm tập kết rác thải, gây ô nhiễm môi trường, ngay sau đó UBND phường Hưng Phúc đã làm việc với Công ty Môi trường đô thị Nghệ An để xử lý.

Cử tri Nguyễn Văn Đức – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Hoàng Mai nhận xét: “Chủ tọa kỳ họp thông tin công khai các ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp và được chuyển tải lên các phương tiện thông tin đại chúng rất có ý nghĩa. Từ sự công khai đó, các cấp, các ngành nắm được các vấn đề cử tri nêu; đồng thời, đây cũng là một “kênh” để cử tri, nhân dân thực hiện vai trò giám sát đối với hoạt động của cơ quan dân cử cũng như các cơ quan chức năng”.

Bộ phận tiếp nhận ý kiến phản ánh của cử tri, Nhân dân qua đường dây điện thoại trực tuyến.
Bộ phận tiếp nhận ý kiến phản ánh của cử tri, Nhân dân qua đường dây điện thoại trực tuyến.

Có thể nói, với các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng các kỳ họp của HĐND tỉnh Nghệ An đã mang đến “luồng gió mới”, sự sinh động của các kỳ họp thường lệ và chuyên đề, góp phần để các HĐND tỉnh và các vị đại biểu HĐND tỉnh phát huy được vai trò đại biểu dân cử, đồng thời, tăng tính giải trình, minh bạch, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, qua đó, nâng cao hiệu quả quản trị địa phương.