Đặt chân xuống cầu cảng Nam Du, chúng tôi ghé vào đài tưởng niệm, thắp nén hương tưởng nhớ gần 500 ngư dân thiệt mạng trong cơn bão năm 1997. Ông Trần Văn Tuấn (xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) vẫn còn nhớ như in ký ức ngày hôm đó, khi những đau thương, mất mát quét qua vùng đảo xinh đẹp này. “Đến nay, người dân chúng tôi, những người may mắn thoát nạn, vẫn thường ghé đến thắp nén nhang an ủi những nạn nhân xấu số”, ông Tuấn tâm sự.
Nam Du là quần đảo xinh đẹp, được ví như vịnh Hạ Long trên vùng biển Tây Nam. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Nam Du có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế – xã hội, nhất là dịch vụ du lịch và xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh.
Sinh sống ở trên đảo gần 50 năm nay, ông Trần Văn Tuấn chứng kiến những đổi thay từng ngày trên hòn đảo xinh đẹp này. Ông chia sẻ: “Từ khi Nam Du được biết đến nhiều hơn, hòn đảo dường như thay áo mới, nhộn nhịp, tươi vui hơn hẳn. Du khách đến đây để ngắm cảnh biển tự nhiên, hòa vào dòng nước trong vắt, thưởng thức những đặc sản tươi sống. Ngày trước, tôi chủ yếu đi ghe, đi biển, nhưng từ khi Nam Du bắt đầu phát triển du lịch, tôi cũng tích cực tham gia. Gia đình tôi có một cơ sở lưu trú. Thỉnh thoảng những dịp cao điểm như mùa Hè, tôi cho khách mướn một vài chiếc xe, hoặc chạy xe ôm đón khách. Túc tắc như vậy cũng vui”, ông cười hiền.
Không chỉ ông Tuấn, những người dân đã sinh sống tại đây nhiều thập kỷ cũng vui mừng trước những đổi thay của Nam Du. Bà Quỳnh Thị Nết (59 tuổi) bám đảo đến nay đã hơn 40 năm, cũng háo hức vô cùng khi đón những du khách đến với Nam Du. Bà chia sẻ: “Mấy năm qua, dịp Tết vẫn có khách du lịch ghé thăm, vui như có khách đến chơi nhà vậy. Tôi cũng mong du lịch tại Nam Du sẽ phát triển hơn nữa, để diện mạo xã đảo ngày một đổi thay”.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cơ sở vật chất hạ tầng trên đảo Nam Du đã được đầu tư xây dựng. Hệ thống cầu cảng, đường giao thông, trường học, trạm y tế và các công trình an sinh xã hội đều đã hoàn tất, phục vụ đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Ông Trần Quốc Toản – Bí thư Đảng ủy xã An Sơn cho biết: Những năm gần đây, nhu cầu khách du lịch đến lưu trú dài ngày để tham quan, trải nghiệm du lịch xã đảo An Sơn nói riêng, quần đảo Nam Du nói chung ngày càng tăng. Chúng tôi cũng xác định du lịch là 1 trong 2 ngành kinh tế mũi nhọn để đưa xã đảo phát triển. Để đáp ứng nhu cầu của du khách, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hạ tầng, cơ sở lưu trú, đáp ứng khoảng 1.000 – 1.200 khách du lịch mỗi ngày. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền đến người dân, mở các lớp tập huấn đào tạo nguồn nhân lực để phát triển du lịch.
Đảo Hòn Đốc hay còn gọi là hòn Tre lớn, thuộc xã đảo Tiên Hải, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Đây là hòn đảo lớn nhất trong số 16 đảo nằm trong quần đảo Hải Tặc, cách đất liền khoảng 20 km. Trên đảo Hòn Đốc hiện có gần 450 hộ dân, với hơn 1.700 nhân khẩu.
Đảo Hòn Đốc có vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh. Từ thế kỷ trước, nơi đây đã được xác định là một trong những đảo vành đai then chốt của hệ thống các tuyến đảo ven bờ trên vùng biển Tây Nam. Hiện nay, trên đảo Hòn Đốc còn lưu giữ cột mốc chủ quyền được xây dựng tại phía Tây của đảo năm 1958. Đây là bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền quốc gia và biên giới biển, đảo của Tổ quốc ta.
Hơn 16 năm công tác trên đảo Hòn Đốc (thuộc xã đảo Tiên Hải, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang), Thượng uý Nguyễn Văn Muộn, Quân y Trạm Radar 625 vẫn thường được người dân nhớ đến bởi sự nhiệt tình và chuyên môn giỏi. Quê gốc ở Quảng Ninh, người bác sỹ quân y không ngờ mình lại có duyên với quần đảo Hải Tặc đến vậy.
“Tôi vào đây công tác từ năm 2008. Từ đó đến nay, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, tôi còn kết hợp với địa phương thực hiện mô hình quân – dân y kết hợp để chăm sóc, điều trị bệnh cho nhân dân trên xã đảo”, Thượng úy Nguyễn Văn Muộn tâm sự.
Những năm qua, Thượng úy Nguyễn Văn Muộn là địa chỉ tin cậy, nơi bà con thường tìm đến mỗi lúc ốm đau. Ngay trong khuôn viên trạm, Thượng úy Muộn đã xây dựng một vườn thuốc nam với 8 nhóm cây dược liệu, trị các bệnh như hô hấp, cảm cúm, xương khớp, bệnh ngoài da, rắn cắn, thận, tiết niệu, thậm chí cả ung thư.
“Vườn thuốc này đã có từ lâu, nhưng kể từ khi tôi về trạm công tác vẫn hay tìm hiểu, mày mò, mang về những loại cây mới. Bất cứ người dân nào ốm đau, cần thuốc chữa, tôi đều cấp phát miễn phí những loại thuốc trong vườn để về điều trị”, Thượng úy Muộn chia sẻ. Nhờ vậy, những người dân trên xã đảo luôn yêu quý, trân trọng người thầy thuốc của vùng. Để nâng cao tay nghề, Thượng úy Nguyễn Văn Muộn cũng thường tự tìm tòi, nghiên cứu, thậm chí đăng ký tham gia lớp tập huấn ngắn hạn ở Bệnh viện Bạch Mai, cập nhật những kiến thức mới trong quá trình điều trị.
Theo bà Cao Thị Thiên Kim – Phó Bí thư Đảng ủy xã Tiên Hải, xã có 2 ấp, 18 đảo, trong đó có 2 đảo chìm, tuy nhiên, dân cư chỉ sinh sống trên 6 đảo. Do điều kiện còn nhiều khó khăn, nên chính quyền địa phương rất cần sự phối hợp của các lực lượng đóng quân trên địa bàn, nhất là trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Hiện tại, xã Tiên Hải cũng đang nỗ lực, hoàn thiện các tiêu chí để xây dựng nông thôn mới nâng cao, dự kiến sẽ về đích vào năm 2025 tới.
Rời Hòn Đốc, kết thúc hải trình, nhưng tình quân – dân, tình đồng chí keo sơn gắn bó của những người lính đảo vẫn là những dấu ấn đặc biệt nhất đọng lại trong tôi. Phải chăng bởi vậy mà nơi hải đảo xa xôi, nơi trùng khơi sóng vỗ, vẫn sáng lên niềm tin về một tương lai đầy hy vọng, khẳng định chắc nịch chủ quyền biển, đảo quê hương.