Nhìn lại một số vụ việc vi phạm của đảng viên, mà cụ thể là của những người đứng đầu, ủy viên cấp ủy tức là những đảng viên có chức, có quyền để thấy rằng, để xảy ra vi phạm do công tác kiểm tra, giám sát chưa được quan tâm đúng mức. Trong bối cảnh đó, ở Nghệ An công tác trên tiếp tục quán triệt và quyết liệt thực hiện với tinh thần “giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm” và đặc biệt đề cao vai trò của người đứng đầu, huy động sức mạnh tổng hợp, chứ không riêng ngành kiểm tra Đảng.
Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, Nam Đàn là địa phương được đánh giá thực hiện mạnh mẽ, có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có 2 tổ chức đảng bị kỷ luật với hình thức Khiển trách và 266 đảng viên bị kỷ luật, trong đó khai trừ 17 người.
Đặc biệt, thông qua tiếp nhận các kênh thông tin, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Huyện ủy Nam Đàn đã trực tiếp vào cuộc hoặc tham mưu cho cấp ủy kiểm tra dấu hiệu vi phạm của một loạt lãnh đạo tập thể ban thường vụ cấp ủy và lãnh đạo cấp xã nói chung, qua đó phát hiện ra nhiều sai phạm của lãnh đạo, ủy viên cấp ủy như tại thị trấn Nam Đàn năm 2016, xã Nam Xuân năm 2017, xã Nam Thượng năm 2018, xã Nam Lĩnh năm 2019. Thậm chí có những lãnh đạo cấp xã “mất ghế” do sai phạm như bí thư đảng ủy các xã Vân Diên (năm 2016) và Xuân Lâm (năm 2017) nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Đồng chí Phạm Văn Ái – Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Nam Đàn chia sẻ: Để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, đội ngũ cán bộ làm công tác này phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng. Đặc biệt, chất lượng thể hiện ở bản lĩnh chính trị, đạo đức tư cách tốt, trình độ chuyên môn đảm bảo, có dũng khí.
Bên cạnh đó, phải quan tâm đến chất lượng của đội ngũ làm công tác kiểm tra ở cơ sở. Huyện Nam Đàn là địa phương hiếm hoi trong tỉnh có chính sách hỗ trợ 3 – 4 triệu đồng cho UBKT 24 đảng ủy xã, thị trấn tùy thuộc vào số lượng đảng viên trong đảng bộ để phục vụ công tác; 32 đồng chí phó chủ nhiệm UBKT cơ sở cũng đều là cấp ủy viên, cao hơn tiêu chuẩn cần cho chức danh này là đảng viên.
Đồng tình với quan điểm trên, đồng chí Lê Văn Lương – Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Quỳnh Lưu cho rằng, việc khó nhất trong kiểm tra dấu hiệu vi phạm là phát hiện nhưng phát hiện được rồi thì tính cương quyết, trách nhiệm cũng là cái khó cần phải vượt qua, khắc phục khi thực thi nhiệm vụ. Phát hiện rồi thì có dám làm không? Do vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ này đòi hỏi quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ các cấp phải vừa cương quyết, vừa sát với thực tế. Đây là yếu tố hàng đầu, quan trọng nhất.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng khẳng định, muốn hiệu quả người đứng đầu cấp ủy phải xác định trách nhiệm của mình, trực tiếp, thường xuyên lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Từ thực tiễn công việc, đồng chí Trần Thị Cẩm Tú – Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Vinh cho rằng, công tác kiểm tra, giám sát muốn làm tốt thì vai trò của người đứng đầu cấp uỷ, các ủy viên ban thường vụ, ban chấp hành đảng bộ cấp ủy cùng cấp rất quan trọng.
Khi phát hiện ra dấu hiệu vi phạm phải tích cực vào cuộc, xác minh và có kết luận xử lý đúng người, đúng tội là quan điểm nhất quán, có tác dụng để răn đe, cảnh tỉnh. Tuy nhiên, không ai muốn danh sách cán bộ, đảng viên vi phạm dài thêm. Đó cũng là cái đích hướng đến của cả hệ thống chính trị, trong đó có ngành Kiểm tra Đảng.
Muốn vậy, công tác kiểm tra, giám sát phải chủ động, cần tiến hành một cách thường xuyên, toàn diện, khách quan, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ; coi trọng phòng ngừa, lấy xây là chính. Kết hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên với kiểm tra dấu hiệu vi phạm, đột xuất theo chuyên đề; đề cao trách nhiệm tự kiểm tra, tự soi, tự uốn nắn, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm của tổ chức đảng và đảng viên. Các cấp ủy, tổ chức đảng chủ động xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát của nhiệm kỳ và hằng năm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị; cần xác định lĩnh vực, địa bàn trọng tâm, trọng điểm; chú ý các khâu, các lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực…
Giải pháp trước tiên là cần phải thực hiện tốt dân chủ trong Đảng để đảm bảo thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, thúc đẩy ý thức tự phê bình và phê bình trong tổ chức đảng và đảng viên. Theo đồng chí Trình Văn Nhã – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương, cần tăng cường đấu tranh phê bình và tự phê bình trong cán bộ, đảng viên; khắc phục tư tưởng nể nang, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý trong sinh hoạt đảng.
Khi cán bộ, đảng viên thờ ơ với sai phạm của đồng chí mình và bản thân cán bộ, đảng viên không tự đấu tranh và tự phê thì dễ tha hóa do bệnh quyền lực. Kể cả vai trò của cấp ủy các cấp cũng phải làm tròn vai, tránh trường hợp đảng viên là người đứng đầu cấp ủy hoặc chính quyền chi phối toàn bộ ý chí của tập thể, độc đoán, gia trưởng, duy ý chí, áp đặt, lấn lướt thế “thượng phong”, trong khi cấp ủy, đảng viên cùng cấp ở không ít cơ quan, đơn vị có năng lực non kém, hoặc có tư tưởng ngại va chạm, đấu tranh, nhất là đối với lãnh đạo trực tiếp cùng cấp.
Trong công tác xây dựng Đảng nói chung, trong đó có công tác kiểm tra Đảng cần phải thực sự thấm nhuần nguyên tắc tập trung dân chủ. Đây là cũng là điều mà đồng chí Bùi Thanh An – Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy nhấn mạnh khi đề cập đến giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên và chuyên đề của Đảng. “Công tác giám sát phải đi đôi với tự phê bình và phê bình, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, đặc biệt là dân chủ. Trong sinh hoạt chi bộ phải mở rộng dân chủ, anh em mới góp ý cho người đứng đầu”, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy nói, đồng thời khẳng định, phải mở rộng giám sát càng nhiều càng tốt, có như vậy mới kịp thời phát hiện, nhắc nhở, yêu cầu tổ chức đảng, đảng viên sửa chữa, khắc phục khi mới manh nha xuất hiện việc làm chưa đúng.
Bên cạnh đó, cấp ủy, UBKT các cấp cần tăng cường nắm bắt các vụ việc từ các kênh như: tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, Quốc hội; tiếp dân của bí thư cấp ủy, phản ánh của MTTQ các cấp, giao ban khối Nội chính, thực hiện quy chế phối hợp với các đơn vị trong khối Nội chính, đơn thư, báo chí… Đó là kênh thông tin để đi sâu vào xác minh vụ việc và xử lý kịp thời. Đặc biệt, hiện nay trong thời gian chuẩn bị đại hội đảng các cấp cần tăng cường giám sát thường xuyên, nhất là công tác nhân sự, các đồng chí trong quy hoạch.
“Giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm” và xử lý nghiêm minh khi phát hiện ra sai phạm là giải pháp để giúp đồng chí, tổ chức của mình thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, bảo đảm cho vai trò lãnh đạo và sức mạnh của Đảng được thống nhất, xuyên suốt, xứng đáng với kỳ vọng, niềm tin của nhân dân.
Tại hội nghị giao ban của Thường trực Tỉnh ủy với ban thường vụ các thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc vào tháng 10/2019, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã nhắc nhở một số địa phương, mặc dù đã có kết luận thanh tra, kiểm tra chỉ rõ sai phạm nhưng không xử lý kịp thời, nghiêm túc nên có tình trạng cán bộ ở dưới “nhờn”. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu chấn chỉnh việc này, nơi nào phát hiện, kết luận có sai phạm thì phải xử lý nghiêm minh, đến nơi đến chốn, không để kéo dài, không để tình trạng trên lặp lại.
Đó cũng là tinh thần mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng quán triệt: “Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không phải chỉ cốt xử lý cho thật nặng mới là tốt, cái chính là răn đe, ngăn ngừa để không xảy ra sai phạm; bần cùng bất đắc dĩ mới phải áp dụng biện pháp không ai mong muốn. “Chống” là quan trọng, cấp bách, phải kiên quyết làm để răn đe, cảnh tỉnh, nhưng “xây” mới là cơ bản, lâu dài”.