Xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm – Bài 3: Hậu quả xem nhẹ nguyên tắc tập trung dân chủ

Qua tìm hiểu, dù mức độ và lĩnh vực vi phạm có khác nhau thì nguyên nhân chính vẫn là do tập thể cấp ủy ở đó buông lỏng lãnh đạo; còn cá nhân được giao trực tiếp phụ trách lại lạm quyền hoặc không sâu sát. Trong khi đó, cấp trên lãnh đạo trực tiếp lại chưa nắm vững tình hình thực tế để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời, nên từ khuyết điểm nhỏ dẫn đến sai phạm lớn, nghiêm trọng.

Quy chế làm việc của cấp ủy là văn bản quan trọng, cụ thể hóa các nguyên tắc quy định của Đảng. Do đó, việc chấp hành thực hiện quy chế cấp ủy có ý nghĩa quyết định đối với quá trình nâng cao chất lượng hoạt động của một tổ chức Đảng, nhằm thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, đảm bảo vai trò lãnh đạo tập thể của cấp ủy, phát huy tốt trách nhiệm cá nhân cấp ủy viên, nhất là người đứng đầu và giải quyết tốt các mối quan hệ công tác. Tuy nhiên, để các sai phạm diễn ra, phần lớn nguyên nhân là do cấp ủy không thực hiện tốt quy chế làm việc dẫn đến buông lỏng vai trò lãnh đạo, xuôi chiều, dân chủ còn hình thức, phụ thuộc vào ý chí của người đứng đầu.

Như tại xã Sơn Thành (Yên Thành) – đơn vị đầu tiên của tỉnh Nghệ An đạt chuẩn nông thôn mới; qua kết quả kiểm tra, thanh tra, Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Thành nhận thấy, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Sơn Thành nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã buông lỏng vai trò lãnh đạo trong quản lý đất đai trên địa bàn xã, đồng ý chủ trương để UBND xã triển khai cho phép các xóm hợp đồng thuê khoán đất nông nghiệp thu tiền một lần như đất Nghị định 64-NĐ/CP, vi phạm này kéo dài nhiều năm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tháng 12/2018, Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Thành đã thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy xã Sơn Thành nhiệm kỳ 2010 – 2015 bằng hình thức Cảnh cáo và một loạt cán bộ lãnh đạo của xã bị xử lý kỷ luật, trong đó có cả những cán bộ đầu tàu, từng là điển hình xây dựng nông thôn mới, như cách chức Bí thư Đảng ủy xã nhiệm kỳ 2010 – 2015.

Vấn đề ở Sơn Thành là có biểu hiện “xuôi chiều” của cả tập thể, không căn cứ vào các quy định của pháp luật để bàn bạc, thông qua chủ trương. Nếu không có đơn tố cáo của một đảng viên để huyện vào cuộc thanh tra, xác minh, liệu ai dám chắc “góc khuất” phía sau điển hình nông thôn mới của cả tỉnh, cả nước như Sơn Thành sẽ được đưa ra ánh sáng?

Hay như tại xã Hiến Sơn (Đô Lương), qua kiểm tra dấu hiệu vi phạm năm 2017, Ban Thường vụ Huyện ủy đã kết luận tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy xã và 7 cá nhân có vi phạm trong việc chấp hành quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ xã; thiếu lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời và thực hiện nhiệm vụ, dẫn đến những vi phạm của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp liên quan đến công tác quản lý, sử dụng tài chính. Ban Thường vụ Đảng ủy xã Hiến Sơn và 6 cá nhân liên quan được Huyện ủy Đô Lương yêu cầu rút kinh nghiệm và 1 cá nhân phải xử lý kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo, đồng thời cho thôi Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã.

Một cuộc họp của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Đô Lương để tham mưu cho cấp ủy ra quyết định xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng và đảng viên sau kiểm tra. Ảnh tư liệu
Một cuộc họp của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Đô Lương để tham mưu cho cấp ủy ra quyết định xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng và đảng viên sau kiểm tra. Ảnh tư liệu

Không chấp hành tốt quy chế làm việc của cấp ủy cũng dẫn đến vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách, mà hệ quả là hành vi lạm quyền, hoặc lơ là lãnh đạo của người có chức vụ nhưng không được nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời.

Như vụ việc xảy ra tại xã Nam Thượng (Nam Đàn), qua kiểm tra dấu hiệu vi phạm, UBKT Huyện ủy Nam Đàn kết luận: đồng chí Ngô Võ Hóa – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nam Thượng, trong thời gian giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã đã tham mưu, chỉ đạo, thực hiện việc đấu thầu, thu tiền sử dụng đất của một số đối tượng tham gia dự án xây dựng làng kinh tế – sinh thái Thượng Cồn trái thẩm quyền và ký xác nhận trái quy định 7 bộ hồ sơ nhằm hợp pháp hóa để đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng. Do đó, UBKT Huyện ủy Nam Đàn đã thi hành kỷ luật đồng chí Ngô Võ Hóa bằng hình thức Cảnh cáo.

Việc xem nhẹ, hạ thấp cũng như nhận thức không thấu đáo, thực hiện không đến nơi đến chốn nguyên tắc tập trung dân chủ dẫn đến đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức trong cả tập thể; lãnh đạo độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành, chi phối toàn bộ ý chí của tập thể, chỉ khi cấp trên có kiểm tra mới bị phát hiện.

Theo đồng chí Trình Văn Nhã – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương, một số cán bộ cơ sở có năng lực, trình độ, có bề dày thành tích, quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ làm hăng hái, tạo ra phong trào bề nổi thật sự. Trong hoàn cảnh đó lại không có tổ chức, cá nhân nào có ý kiến phản biện thì chính họ cũng không biết mình sai. Có trường hợp cán bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ đã chủ quan, duy ý chí, độc đoán, chuyên quyền, cho rằng cái gì mình cũng biết, không chịu lắng nghe ý kiến cán bộ, đảng viên góp ý cho mình, thậm chí còn gây khó khăn, trù dập người góp ý.

Quá trình tiếp cận cơ sở, chúng tôi cũng đã ghi nhận một thực tế, đó là vai trò, “sức nặng” của cấp ủy, UBKT cơ sở trong công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế do còn tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm, nhất là vào cuộc kiểm tra các đồng chí ủy viên ban chấp hành. Mặt khác, UBKT đảng ủy cơ sở là cơ quan có trách nhiệm tham mưu cho cấp ủy và trực tiếp tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát chỉ có ít người, lại kiêm nhiệm, năng lực, trình độ còn hạn chế.

Quy chế làm việc của cấp ủy các cấp đều quy định rõ các ủy viên đều phải chủ động bố trí, sắp xếp công việc, dành thời gian để đi cơ sở nắm bắt tình hình, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của nhân dân, qua đó giúp cơ sở kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Theo nguyên tắc, các đồng chí ủy viên ban thường vụ, ủy viên ban chấp hành đảng bộ của cấp ủy cấp trên đều được giao phụ trách cấp ủy cấp dưới, chưa kể các cán bộ chuyên quản dự họp hàng tháng và theo dõi thường xuyên. Vậy vai trò, trách nhiệm những cán bộ được giao phụ trách này ở đâu phía sau những sai phạm kéo dài này ở cơ sở?

Đồng chí Nguyễn Trọng Dũng (phải) - Bí thư Đảng ủy xã Phúc Thành (Yên Thành) trao đổi về những khó khăn, công tác khắc phục sau khi một loạt lãnh đạo xã bị kỷ luật.
Đồng chí Nguyễn Trọng Dũng (phải) - Bí thư Đảng ủy xã Phúc Thành (Yên Thành) trao đổi về những khó khăn, công tác khắc phục sau khi một loạt lãnh đạo xã bị kỷ luật.

Trong khi những sai phạm vừa qua ở cấp cơ sở, chủ yếu liên quan đến quản lý tài nguyên… Đặc biệt là liên quan đến đất đai thì sai phạm diễn ra sờ sờ trước mắt chứ không phải “cây kim trong bọc” nên không thể nói là không phát hiện ra. Ở đây, dư luận đặt câu hỏi, liệu có phải do bệnh thành tích nên các sai phạm ở cơ sở được lờ đi?

Vì thực tế, nhiều sai phạm diễn ra ở cơ sở liên quan đến đất đai một phần là do lãnh đạo xã đó nôn nóng, tìm cách huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng nông thôn mới. Lúc đó, người ta nghĩ rằng, đất thì bán cho dân, tiền thì xây dựng nông thôn mới, không tư túi thì sẽ không sai phạm.

Liên đới trách nhiệm do để xảy ra sai phạm ở cấp xã, cán bộ cấp huyện ở nhiều địa phương cũng đã bị xử lý. Liên quan đến các sai phạm tại xã Sơn Thành và Phúc Thành (Yên Thành), ngày 2/5/2019, UBKT Huyện ủy đã kỷ luật các đồng chí tại một loạt phòng của UBND huyện: Khiển trách đồng chí Đậu Trọng Tý – phó Trưởng phòng, đảng viên Chi bộ Phòng Tài chính – Kế hoạch; Cảnh cáo đồng chí Phan Văn Minh – Phó Trưởng Phòng Tài Nguyên và Môi trường, đảng viên Chi bộ Phòng Tài Nguyên và Môi trường. Đồng chí Nguyễn Đức Thiện – Bí thư Chi bộ phòng Tư pháp – Y tế, Trưởng phòng Tư pháp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo do những sai phạm trong thời gian giữ chức vụ Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường.

Liên quan đến các sai phạm tại xã Sơn Thành và Phúc Thành (Yên Thành), 3 cán bộ UBND huyện Yên Thành bị xử lý kỷ luật.
Liên quan đến các sai phạm tại xã Sơn Thành và Phúc Thành (Yên Thành), 3 cán bộ UBND huyện Yên Thành bị xử lý kỷ luật.

Từ thực tiễn ở địa phương, đồng chí Nguyễn Viết Hưng – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Thành đúc kết: Cấp ủy cấp trên và cấp ủy cơ sở hàng năm đều có chương trình kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra, giám sát đang bỏ sót lĩnh vực và ở chừng mực nào đó đang buông lỏng. Nếu được kiểm tra, giám sát tốt thì ngăn chặn được sai phạm hoặc khi phát hiện mà cấp ủy đảng, UBKT, HĐND, MTTQ và các đoàn thể quyết liệt đấu tranh thì ngăn chặn được sai phạm khi còn manh nha. Đơn cử tại xã Phúc Thành, qua giám sát của HĐND xã đã phát hiện sai phạm và kiến nghị UBND xã khắc phục nhưng chưa quyết liệt nên để xảy ra tình trạng kéo dài.

Trên bình diện chung, theo đánh giá của Tỉnh ủy Nghệ An trong nhiệm kỳ này, việc thực hiện toàn diện nhiệm vụ, kiểm tra, giám sát chưa đồng đều ở các cấp, có nơi chưa coi trọng kiểm tra phòng ngừa và phát huy nhân tố tích cực. Các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát chưa rõ, còn lúng túng. Kiểm tra, giám sát đảng viên, nhất là đảng viên đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị chưa được chú trọng đúng mức.

Lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Quỳnh Lưu trao đổi công việc với cán bộ trong ban.
Lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Quỳnh Lưu trao đổi công việc với cán bộ trong ban.