Nhiệm kỳ 2015 – 2020, nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu ở cấp cơ sở bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền, thậm chí có nhiều cán bộ từng một thời là những đầu tàu, tấm gương lãnh đạo xông xáo, tâm huyết, nhưng vẫn vướng vòng lao lý, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân và phong trào chung ở cơ sở.
Xã Nam Giang là một trong những điển hình xây dựng nông thôn mới của huyện Nam Đàn. Không phủ nhận những nỗ lực, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và những người đứng đầu của xã để có được kết quả trên. Tuy nhiên, phía sau những thành tích đó, có những khoảng lặng, nốt trầm mà cả Đảng bộ phải nghiêm túc tự phê bình và phê bình; đó là toàn bộ Ban Thường vụ Đảng ủy và một loạt cán bộ cốt cán của xã bị kỷ luật bằng nhiều hình thức khác nhau vào năm 2018.
Việc phải kỷ luật ở xã Nam Giang xuất phát từ những vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, sử dụng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; không phát hiện ngăn chặn kịp thời để cho đơn vị thi công đào múc lấy đất vượt độ sâu lòng hồ 1,05m khi cải tạo hồ trồng sen trước Công ty Haivina Kim Liên, sau đó Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện phát hiện lập biên bản và yêu cầu UBND xã đình chỉ thi công, chỉ đạo hoàn trả lại những vị trí đã vi phạm, nhưng UBND xã thực hiện không đúng theo yêu cầu… Theo đó, Thường vụ Huyện ủy Nam Đàn đã thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy xã Nam Giang nhiệm kỳ 2015 – 2020 bằng hình thức Khiển trách; kỷ luật đồng chí Trần Hữu Vạn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã Nam Giang, nhiệm kỳ 2015 – 2020; các đồng chí: Trần Mạnh Hồng – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã và Phan Trọng Hải – Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND xã đều bị xử lý kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo.
Tương tự, xã Thịnh Sơn là địa phương về đích nông thôn mới đầu tiên của huyện Đô Lương từ năm 2015. Thế nhưng, ít ai ngờ chỉ 1 năm sau, Đảng ủy xã này bị Ban Thường vụ Huyện ủy kiểm tra về những dấu hiệu vi phạm. Kết quả kiểm tra nêu rõ, tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy xã Thịnh Sơn thiếu nghiêm túc trong việc thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy; thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn đến các sai phạm trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn, làm giảm uy tín trong Đảng bộ và nhân dân địa phương.
Với những vi phạm ấy, tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy xã Thịnh Sơn bị Khiển trách; 9 cá nhân cũng bị xử lý kỷ luật, trong đó hình thức Cảnh cáo là cao nhất thuộc về đồng chí Nguyễn Hữu An – nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, nhiệm kỳ 2010 – 2015; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã, nhiệm kỳ 2015 – 2020. Cùng nhận hình thức Khiển trách là 8 cá nhân còn lại, gồm các đồng chí: Nguyễn Xuân Bình – nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã nhiệm kỳ 2010 – 2015; Hoàng Ngọc Nga – nguyên Phó Bí thư, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy nhiệm kỳ 2010 – 20215 và là Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã nhiệm kỳ 2015 – 2020; Thái Văn Hoan – Phó Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy; Thái Khắc Mão – Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND xã; cùng 2 công chức tài chính – kế toán; 2 thủ quỹ ở 2 giai đoạn, trước năm 2015 và sau năm 2015.
Vi phạm của những cán bộ, đảng viên là người đứng đầu, cán bộ cốt cán không chỉ được phát hiện ở 2 địa phương nêu trên, mà còn ở không ít các địa phương khác ở các huyện, thành, thị trong tỉnh như Nam Đàn, Yên Thành, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu, Quế Phong…, đặc biệt liên quan đến đất đai, quản lý tài chính… Điều đau lòng là nhiều lãnh đạo xã từng là điển hình trong xây dựng nông thôn mới như ở Sơn Thành, Phúc Thành (huyện Yên Thành), Nghĩa Đồng (huyện Tân Kỳ)… cũng bị các hình thức xử lý kỷ luật.
Sáng 16/1/2015, Đảng bộ, nhân dân xã Phúc Thành (huyện Yên Thành) trống dong, cờ mở đón lãnh đạo tỉnh, huyện về dự lễ công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong không khí hân hoan ấy, không ai nghĩ rằng cuối năm 2017, hàng loạt sai phạm của lãnh đạo địa phương được công bố liên quan đến việc giao đất không đúng thẩm quyền cho một số hộ gia đình và cá nhân diễn ra trong thời gian dài.
Lúc này, “mặt sau của tấm huy chương” mới lộ ra. Hậu quả là Ban Thường vụ Đảng ủy xã Phúc Thành nhiệm kỳ 2010 – 2015 và nhiệm kỳ 2015 – 2020 đều bị Ban Thường vụ Huyện ủy xử lý kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo; hàng loạt lãnh đạo cốt cán của xã bị kỷ luật, trong đó 3 đồng chí: Đinh Văn Dương – Bí thư Đảng ủy, nhiệm kỳ 2015 – 2020, kiêm Chủ tịch UBND xã, nhiệm kỳ 2016 – 2021, nguyên Chủ tịch UBND xã nhiệm kỳ 2011 – 2016; Nguyễn Văn Quyết – Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020, Phó Chủ tịch UBND xã nhiệm kỳ 2016 – 2021, nguyên công chức tài chính – kế toán, giai đoạn 2012 – 2013; Tống Văn Tình – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã, công chức địa chính – xây dựng xã đều bị thi hành kỷ luật bằng hình thức Cách chức đảng ủy viên. Bên cạnh đó, 3 lãnh đạo, cán bộ khác bị xử kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo, 2 đồng chí khác bị xử lý kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.
Ngay đầu năm 2018, Yên Thành đã phải điều động 2 cán bộ từ huyện về đảm nhận 2 chức danh Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã Phúc Thành, trong đó có đồng chí Nguyễn Trọng Dũng – Chánh Thanh tra UBND huyện được chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Đảng ủy xã. Nhớ lại lúc về nhận nhiệm vụ, đồng chí Dũng cho biết: Bộ máy của xã bị thiếu hụt cán bộ, trong khi người dân hoang mang không biết đất được bán trái thẩm quyền sẽ bị xử lý như thế nào? Vấn đề này, đến bây giờ đội ngũ lãnh đạo, cán bộ xã Phúc Thành vẫn đang phải tiếp tục giải quyết.
Mọi thành quả tiên phong trong xây dựng nông thôn mới của xã Phúc Thành bỗng chốc bị lu mờ bởi những án kỷ luật dành cho những con người từng là đầu tàu. Cái giá phải trả là sự suy giảm uy tín trong nhân dân, hệ thống chính trị mất đi một đội ngũ cán bộ và nguy hại hơn là hệ quả hành vi bán đất trái thẩm quyền của lãnh đạo xã để lại chưa biết bao giờ mới khắc phục xong.
Phía sau bài học đau lòng, nhiều từ “nếu” được thốt ra khi đã quá muộn. Song, nghiên cứu kỹ tình tiết, có nghịch lý là trước khi phát hiện ra sai phạm kéo dài, Đảng bộ xã Phúc Thành (Yên Thành) 8 năm liền đạt Trong sạch, vững mạnh tiêu biểu (2009 – 2016); xã Phúc Thành cũng là địa phương được Huyện ủy Yên Thành tặng Giấy khen Đảng bộ có thành tích xuất sắc trong Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011- 2015. Riêng đồng chí Đinh Văn Dương – Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020, Chủ tịch UBND xã các nhiệm kỳ 2011 – 2016, 2016 – 2021 đều xếp loại đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong cả nhiệm kỳ 2010 -2015 và cả năm 2016 cũng được xếp loại xuất sắc. Hay đồng chí Thạch Kim Lợi – Phó Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ 2010 – 2015 và nhiệm kỳ 2015 -2020, trước khi bị kỷ luật thì từ năm 2010 đến năm 2016 cũng đều được xếp loại đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Tại xã Thịnh Sơn (Đô Lương), như đã đề cập ở trên, cũng bị xử lý kỷ luật cả Ban Thường vụ Đảng ủy và nhiều cán bộ cốt cán. Nhưng trước khi bị phát hiện sai phạm, từ năm 2015 trở về trước, nhiều năm Đảng bộ được công nhận Trong sạch, vững mạnh và cá nhân nhiều đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã đều được xếp loại đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Việc tổ chức Đảng và lãnh đạo cốt cán cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị đều được xếp loại, đánh giá cao trước khi những sai phạm, khuất tất bị phát hiện không phải là hiện tượng đơn lẻ, mà là thực tế ở nhiều nơi.
Điểm chung ở đây là các sai phạm trên đều diễn ra trong thời gian dài, liên quan đến cả tập thể và cá nhân. Câu hỏi đặt ra là tại sao vi phạm kéo dài nhiều năm mà không bị phát hiện, chấn chỉnh kịp thời, trong khi có cấp ủy, UBKT cùng cấp và cả một hệ thống chính trị ngay tại cơ sở, cũng như cấp ủy cấp trên trực tiếp đều kiểm tra, giám sát thường xuyên? Phải chăng vẫn còn buông lỏng, nể nang với tổ chức, đồng chí của mình, thỏa hiệp với việc làm sai?