PV: Trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn nhưng thời gian qua có thể khẳng định du lịch Nghệ An đã trở thành điểm đến an toàn cho du khách trong nước, quốc tế. Vậy xin ông cho biết, ngành du lịch đã có những hành động gì để xây dựng “thương hiệu” cho du lịch Nghệ An?
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Đúng là thời gian qua, du lịch Nghệ An đã dần khẳng định được vị thế, thương hiệu trong bản đồ du lịch Việt Nam. Điều đó được minh chứng cụ thể: doanh thu dịch vụ du lịch giai đoạn 2016 – 2019 tăng trưởng khá, đạt bình quân 13,1%/năm. Riêng năm 2019, toàn tỉnh đón và phục vụ 6.591.000 lượt khách du lịch, tăng 9% so với năm 2018, trong đó, khách lưu trú đạt 4.722.000 lượt, tăng 10% so với cùng kỳ 2018, khách quốc tế đạt 146.170 lượt tăng 13% so với năm 2018; tổng thu từ khách du lịch đạt 8.890 tỉ đồng, trong đó, doanh thu du lịch ước đạt 4.581 tỉ đồng, tăng 22% so với năm 2018.
Đạt được kết quả đó là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng cục Du lịch, của BTV Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các ban, ngành liên quan cùng với sự nỗ lực của CBCNV toàn ngành. Trong đó với trách nhiệm là cơ quan chuyên môn của tỉnh, Sở Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh nhiều giải pháp thiết thực để cùng tháo gỡ, đồng hành với các công ty lữ hành, các đơn vị du lịch, các huyện có điểm du lịch…Cụ thể:
– Ngành Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 55-CTr/TU ngày 04/01/2018 về thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017-2030; cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển du lịch đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII và Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 thành các chương trình, kế hoạch về phát triển du lịch, kế hoạch xúc tiến du lịch hàng năm, kế hoạch triển khai thực hiện các Quyết định số 1685/QĐ-TTg ngày 05/12/2018 và Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 30/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực du lịch; kế hoạch về việc tuyên truyền, phổ biến Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An, kế hoạch nâng cao chất lượng dịch vụ trong các cơ sở lưu trú du lịch, các điểm đến du lịch và tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành và hướng dẫn trên địa bàn tỉnh Nghệ An,…
– Tham mưu cho UBND tỉnh ký kết nhiều chương trình hợp tác phát triển du lịch với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bắc – Nam Trung Bộ, 4 tỉnh Bắc miền Trung và các tập đoàn như: Thoả thuận hợp tác chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2019-2025 với Tổng công ty Saigontourist và Công ty cổ phần tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel), với Tập đoàn TH, Công ty Masan về triển khai xây dựng Đường Hoa Tết, Phố đi bộ, tổ chức Festival Ẩm thực du lịch quốc tế tại thành phố Vinh, tổ chức Lễ hội hoa Hướng Dương tại huyện Nghĩa Đàn nhằm thu hút khách du lịch, tăng chi tiêu của khách du lịch. Bên cạnh đó, Sở cũng đã thực hiện việc ký kết chương trình, kế hoạch phối hợp với các hãng hàng không VietnamAirlines, Vietjet Air, Bamboo Airway, Tổng Công ty Đường sắt tạo điều kiện cho việc kết nối đưa đón khách du lịch đến Nghệ An.
– Tham mưu chỉ đạo tổ chức thành công một số hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong nước nổi bật, như: Hội nghị xúc tiến, giới thiệu du lịch Nghệ An và các tỉnh Bắc miền Trung tại Trung Quốc, Lào và Thái Lan, các nước Tây Âu, Nga, tổ chức thành công Festival ẩm thực du lịch quốc tế Nghệ An 2019; tham gia có hiệu quả nhiều hoạt động quảng bá du lịch tại các sự kiện du lịch trong và ngoài nước.
– Triển khai tích cực công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, qua đó tạo bước chuyển biến mới về chất lượng đội ngũ lao động, trong đó đã tổ chức bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch, văn hóa giao tiếp ứng xử cho 1.300 cán bộ, công chức, lãnh đạo, quản lý, người lao động các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn; tổ chức tốt các hội thi nghiệp vụ du lịch cấp tỉnh (buồng, lễ tân, chế biến món ăn, hướng dẫn viên du lịch…).
– Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, trong đó công tác kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ trong các cơ sở lưu trú du lịch, hoạt động lữ hành và hướng dẫn viên… được duy trì thường xuyên. Mối quan hệ phối hợp trong bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông đường bộ và đường thủy nội địa tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn có bước chuyển biến tích cực, nhiều chương trình, kế hoạch phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh được ký kết và triển khai thực hiện. Trong giai đoạn 2017-2019, Sở đã thực hiện việc thẩm định, xếp hạng và phối hợp thẩm định, xếp hạng cho gần 50 cơ sở lưu trú du lịch từ 1-5 sao, cấp mới và cấp đổi 113 thẻ hướng dẫn viên; thẩm định 06 hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế; thẩm định và trình UBND tỉnh công nhận 14 điểm du lịch trên địa bàn.
PV: Năm 2020 là năm cực kỳ khó khăn cho ngành du lịch Nghệ An nói riêng, du lịch cả nước, thế giới nói chung. Để phục hồi sau Covid – 19, ngành đã có những hoạt động cụ thể nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Đúng là năm 2020 là một năm mà ngành Du lịch đứng trước rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, nhiều tỉnh, thành trong cả nước có người dương tính nhưng Nghệ An là một trong những tỉnh không có người dân lây nhiễm Covid – 19, đó cũng là 1 thuận lợi để ngành du lịch tỉnh nhà có thể triển khai những hoạt động tuyên truyền, quảng bá đồng thời đó cũng chính là điểm cộng của du lịch Nghệ An trong sự lựa chọn của khách du lịch.
Với mục đích xây dựng Nghệ An là điểm đến an toàn sau Covid – 19, ngành Du lịch Nghệ An đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 238/KH-UBND về đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch Nghệ An hậu dịch Covid-19, đồng thời triển khai Chương trình Kích cầu du lịch năm 2020 với chủ đề “Nghệ An – Điểm đến an toàn và khác biệt”. Chương trình nhằm vận động, khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia hưởng ứng Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động.
Một trong những điểm nhấn của Chương trình là Hội thảo “Bàn giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19 tỉnh Nghệ An năm 2020” do Tổng Cục Du lịch, Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia và UBND tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức vào cuối tháng 5; đón Đoàn Famtrip của các báo chí và Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội đến khảo sát du lịch Nghệ An.
Đặc biệt, ngay sau hội thảo, lãnh đạo ngành Du lịch đã tích cực, chủ động xúc tiến nhiều hoạt động khác nhằm quảng bá “Nghệ An điểm đến an toàn” như tổ chức khảo sát, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hợp tác phát triển du lịch giữa Nghệ An và các tỉnh Tây Nguyên; phối hợp với Vietnam Airlines triển khai các tour du lịch theo các đường bay từ Vinh đến Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc; ký kết thỏa thuận hợp tác quảng bá, xúc tiến du lịch gắn với hãng hàng không Vietjet Air (giai đoạn 2020 – 2025), kết nối VTV để quảng bá, xúc tiến du lịch; chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn trong các cơ sở du lịch theo hướng dẫn của Tổng cục Du lịch tại Quyết định 473/QĐ-TCDL và 474/QĐ-TCDL; tích cực triển khai mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho người lao động trong các doanh nghiệp để góp phần duy trì và nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch.
…Nhờ những hoạt động đó, trong tháng 6/2020, tổng lượt khách du lịch đến Nghệ An đạt 620.000 lượt, tăng 258% so với tháng 5. Trong đó, khách lưu trú đạt 420.000 lượt, tăng 420% so với tháng 5; doanh thu từ khách du lịch đạt 850 tỷ đồng, tăng 39% so với tháng 5. Dự ước trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đón gần 1,2 triệu lượt khách lưu trú (bằng 46% so với cùng kỳ năm 2019), đạt kế hoạch theo kịch bản tăng trưởng đã điều chỉnh. Trong đó, có 16.970 lượt khách quốc tế (bằng 22% so với cùng kỳ năm 2019). Doanh thu dịch vụ du lịch ước đạt 1.119 tỷ đồng (bằng 45% so với cùng kỳ năm 2019).
Để đạt mục tiêu, thời gian tới, ngành Du lịch sẽ tập trung chỉ đạo triển khai các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch. Kịp thời triển khai các giải pháp kích thích nhằm phục hồi các hoạt động kinh doanh lưu trú, dịch vụ phục vụ khách du lịch, xây dựng các chương trình kích cầu du lịch hấp dẫn, giá cả hợp lý, chủ yếu là làm tăng giá trị điểm đến.
PV: Mục tiêu năm 2030, Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ và là điểm đến hấp dẫn của cả nước. Để đạt mục tiêu đó, ngành du lịch Nghệ An sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ cụ thể nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Nghị quyết BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đã xác định phát triển du lịch, dịch vụ là một trong những mũi trọng điểm trong phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2015 – 2020. Để Du lịch phát triển bền vững, tạo ra bước đột phá mới đưa Nghệ An trở thành điểm đến hấp dẫn, có vị trí xứng đáng trên bản đồ Du lịch Việt Nam, Ngành du lịch Nghệ An sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ sau:
Thứ nhất: Triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đồng thời tổ chức thực hiện tốt Luật Du lịch 2017 và văn bản hướng dẫn của Chính phủ và các ngành.
Thứ hai: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch, chương trình, đề án phát triển du lịch, trong đó: hoàn thành các dự án Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030 để trình phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.
Thứ ba: Triển khai thực hiện đầu tư các Tiểu dự án hạ tầng du lịch do ADB tài trợ và các dự án hạ tầng du lịch trong chương trình đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025, 2026 – 2030; phối hợp triển khai các dự án phát triển các sản phẩm du lịch: Dự án GEF, dự án phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm…
Thứ tư: Đẩy mạnh quảng bá xúc tiến hình ảnh du lịch Nghệ An ở trong nước và quốc tế qua các sự kiện hội chợ du lịch, tập trung ứng dụng Công nghệ thông tin vào công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.
Thứ năm: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nghề du lịch trong tỉnh.
Thứ sáu: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, đảm bảo an ninh, bảo vệ môi trường và an toàn cho khách du lịch. Tham mưu xây dựng các quy định, cơ chế chính sách, nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch cho du khách và cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng môi trường du lịch Nghệ An an toàn, văn minh, thân thiện và chất lượng, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
Với sự đoàn kết, nỗ lực, Ngành Du lịch Nghệ An hy vọng sẽ đạt được mục tiêu: “…đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ và là điểm đến hấp dẫn của cả nước với các sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa Nghệ An, có môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện và chất lượng” như đã được xác định rõ trong Chương trình hành động số 55-CTr/TU ngày 4/1/2018 về việc thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!