Đồng chí Nguyễn Bá Tân - Bác sỹ CKII, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An.
P.V: Thưa đồng chí, năm 2020 bên cạnh những khó khăn chung thì toàn ngành cũng đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận. Đồng chí hãy chia sẻ về những kết quả nổi bật của ngành trong năm vừa qua?.
Đồng chí Nguyễn Bá Tân: Năm 2020, lĩnh vực dân số nói riêng và lĩnh vực y tế nói chung gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, dịch bệnh Covid -19 hạn chế tập trung đông người đã khiến cho các hoạt động tuyên truyền, tư vấn gặp nhiều hạn chế và gần như “đóng băng” đến đầu tháng 5. Đây cũng là năm khó khăn về kinh tế, nên lượng kinh phí đầu tư cho công tác dân số chỉ đạt khoảng 40% so với yêu cầu, nhiệm vụ… Việc phải sáp nhập dân số tuyến huyện, tuyến xã vào năm 2020 cũng phần nào tác động đến những người làm công tác dân số. Mặt khác, nhiệm vụ công tác dân số năm 2020 vẫn rất nặng nề khi các chỉ số về dân số của tỉnh vẫn còn cao so với cả nước, như tổng tỷ suất sinh của Nghệ An là 2,76 con (cao thứ 2 toàn quốc), tỷ lệ mất cân bằng giới tính là 114 bé trai/100 bé gái và tình trạng trẻ em bị dị tật bẩm sinh vẫn chiếm tỷ lệ cao. Ngoài ra, tỷ lệ sinh con thứ 3 vẫn còn ở mức rất cao với 24,9%…
Trước khó khăn như vậy, nhưng được sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự chỉ đạo kịp thời của Sở Y tế, ngành đã từng bước tháo gỡ và đến cuối năm 2020 thu được những kết quả đáng ghi nhận. Thứ nhất, ngành đã tập trung tham mưu Sở Y tế trình UBND tỉnh ký ban hành Đề án “Đào tạo cán bộ dân số các cấp giai đoạn 2021 – 2025”, xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng truyền thông dân số giai đoạn 2021 – 2025”; tham mưu Kế hoạch “Thực hiện Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh”. Đặc biệt, đã tham mưu ban hành Nghị quyết số 15/NQ-HĐND tỉnh, ngày 13/11/2020 quy định một số chính sách về công tác dân số trên địa bàn tỉnh.
Trên lĩnh vực truyền thông, sau khi hết quy định giãn cách, ngành đã tiến hành động bộ, mạnh mẽ nhiều hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, phối hợp với nhiều ban, ngành như Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn, Hội Người cao tuổi, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức nhiều hoạt động như Hội thi “Rung chuông vàng”, Hội thi “Người cao tuổi sống vui, sống khỏe”, Hội thi “Phụ nữ với công tác dân số”.
Ngành cũng đã tổ chức hàng chục buổi truyền thông, cung cấp dịch vụ dân số cho công nhân ở các khu công nghiệp, các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và các xã vùng ven biển theo Đề án 52; các xã vùng đặc thù… Thực hiện đề án sáp nhập, đến ngày 1/8/2020, việc sáp nhập các trung tâm Dân số – KHHGĐ ở 21 huyện, thành, thị đã hoàn thành và đã đi vào hoạt động cơ bản ổn định.
P.V: Sau nhiều lần góp ý và cho ý kiến, cuối năm 2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách về công tác dân số trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2020. Điều này có ý nghĩa như thế nào với công tác dân số của tỉnh nhà trong những năm tới, thưa đồng chí?.
Đồng chí Nguyễn Bá Tân: Sau khi Nghị quyết số 21 của Trung ương ra đời năm 2017 chuyển đổi trọng tâm công tác dân số từ Dân số – KHHGĐ sang Dân số và Phát triển thì Nghị quyết 170 của tỉnh ra đời năm 2015 đã không còn phù hợp và đòi hỏi phải có nghị quyết thay thế để phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới.
Nghị quyết số 15/NQ-HĐND tỉnh quy định một số chính sách về công tác dân số trên địa bàn tỉnh Nghệ An vừa ban hành ngày 13/11/2020 thay thế Nghị quyết 170 và đã mở ra nhiều chính sách mới cho công tác dân số trong thời gian tới và phù hợp với nhiệm vụ hiện nay của tỉnh nhà. Nghị quyết mới vẫn thực hiện tốt công tác Dân số – KHHGĐ để đảm bảo đến năm 2030 Nghệ An tiệm cận được mức sinh thay thế (mỗi người phụ nữ trung bình có 2,1 con). Cùng với đó, xây dựng những chính sách để nâng cao chất lượng dân số và mở rộng đối tượng được khen thưởng như người cao tuổi, cộng tác viên làm công tác dân số… Việc thay đổi một số chính sách dân số sẽ định hướng cho công tác dân số trong những năm tới và sẽ kịp thời động viên, khuyến khích cho nhiều đối tượng, nhiều địa phương làm tốt công tác dân số.
Tuy nhiên, chính sách mới cũng sẽ làm thay đổi một số hoạt động ở cơ sở. Ví dụ, trong đó quy định cán bộ y tế thôn, bản sẽ đồng thời làm cộng tác viên dân số cơ sở. Đây là một bất cập, vì lâu nay đội ngũ cán bộ y tế thôn, bản thường là nam giới và ở độ tuổi khá cao. Vì thế, sẽ rất khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động trong thực hiện các dịch vụ KHHGĐ; khó khăn trong cập nhật thông tin và làm báo cáo chuyên ngành theo phần mềm Tin học.
P.V: Đến thời điểm này, ngành Dân số Nghệ An vẫn đang phải thực hiện song song 2 nhiệm vụ, đó là làm tốt công tác Dân số – KHHGĐ và Dân số và Phát triển. Vậy, bước sang năm 2021, trong bối cảnh toàn ngành đã kiện toàn xong bộ máy thì ngành sẽ có những định hướng và giải pháp nào để thực hiện các mục tiêu đề ra?.
Đồng chí Nguyễn Bá Tân: Mặc dù hiện nay Nghệ An được Tổng cục Dân số – KHHGĐ và Bộ Y tế đánh giá rất cao trong việc triển khai các hoạt động, nhưng các chỉ số hiện nay của Nghệ An vẫn còn ở mức báo động, đặc biệt, trong năm 2020, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng 3,9% so với cùng kỳ.
Với thực tế này, trong những năm tới chúng ta tiếp tục phải có những giải pháp căn cơ thì mới có thể cải thiện tốt các chỉ số. Trước mắt, phải phát huy được lợi thế của “dân số vàng” và đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, tiếp tục ổn định tư tưởng cho cán bộ làm công tác dân số các cấp sau sáp nhập… Tôi cũng mong rằng, thời gian tới các cấp ủy Đảng, các chính quyền phải vào cuộc hơn nữa với công tác dân số, đưa chỉ tiêu về dân số vào việc thực hiện chỉ tiêu và đánh giá nhiệm vụ hàng năm.
Tuy nhiên, chúng ta cũng xác định với đặc thù của ngành Dân số, việc triển khai và hoàn thành các chỉ tiêu không thể trong ngày một, ngày hai, mà là một quá trình lâu dài và quan trọng nhất là phải kiên trì, nỗ lực. Mặc dù vậy, tôi hy vọng rằng, với nhiều thay đổi về chính sách dân số và triển khai các đề án thì các hoạt động nâng cao chất lượng dân số và Dân số – KHHGĐ sẽ khả quan trong thời gian tới.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!.