“Vụn vặt” quanh Hào Thành cổ

Hào Thành cổ – công trình được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn vay hàng trăm tỷ đồng từ Ngân hàng Thế giới không chỉ bị rác thải, nước thải vây hãm mà thậm chí đã bị hành vi thiếu ý thức gây hại. “Của bền tại người”, câu thành ngữ cha ông đúc kết ngàn đời đã bị quên lãng?

Nguyên Trưởng phòng Văn hóa TP. Vinh, nay là Bí thư Đảng ủy phường Cửa Nam, anh Bùi Quang Phương nói với tôi rằng, dịp đại biểu HĐND thành phố về gặp gỡ cử tri đầu tháng 11/2019, người dân 4 khối trong vùng Thành cổ “kêu” khá nhiều. Và trong những cái sự “kêu”, có vấn đề ô nhiễm môi trường ở Hào Thành cổ. Anh Phương cũng cho hay, bản thân anh dù về phường Cửa Nam công tác với thời gian chưa lâu, nhưng đã “mục sở thị” vùng Hào Thành cổ, để xác định được nguyên nhân chính yếu dẫn đến nước trong hào thành bị ô nhiễm.

“Nguyên nhân chính là do tuyến kênh cấp 1 dẫn nước thải từ một số phường, chạy theo đường Nguyễn Thị Định đổ vào Hào Thành cổ. Dịp tháng 10 vừa qua, sau mấy trận mưa lớn, rác thải, bùn thải đổ vào khiến nước trong hồ ô nhiễm nặng. Đoạn tiếp giáp mương với hồ, bùn đã ùn ứ trồi lên bề mặt hồ… Chúng tôi đang dự định lên kế hoạch mời đơn vị quản lý hạ tầng của thành phố về làm việc, tìm giải pháp xử lý chứ để kéo dài tình trạng này thì không thể được…”, anh Phương trao đổi.

Nghe anh Phương tâm sự, lại nhớ việc anh Đặng Quốc Lành – Phó Bí thư Đảng ủy phường Cửa Nam lên facebook để kêu gọi người dân ý thức hơn với công tác bảo vệ môi trường khu vực Hào Thành cổ vào một ngày đầu tháng 11/2019. Trên facebook cá nhân, anh Lành đăng loạt hình ảnh Hào Thành cổ với nhiều những “hiện vật” thải trôi nổi trên hồ, cùng với dòng status: “Sáng Chủ nhật toàn thể anh, chị em cơ quan phường Cửa Nam lao động ngày “Chủ nhật xanh” cùng bà con sinh sống ở các khối xung quanh Hào Thành cổ Vinh, vệ sinh sạch sẽ lòng hào, trên các bờ… rất sạch sẽ. Sáng hôm sau, thứ Hai quay lại đã như thế này. Cần lắm sự vào cuộc của mọi người, mọi nhà để đảm bảo vệ sinh Hào Thành”. Dịp ấy, vì tò mò nên tôi đã hỏi chuyện anh Đặng Quốc Lành. Anh cho biết, sở dĩ đăng status này là bởi có một số người dân trong khu vực còn thiếu ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan Hào Thành cổ. Những người này, phần lớn có nhà ở sát với Hào Thành cổ. Họ tận dụng tuyến mương quanh hào thành, đặt bừa bãi, lộn xộn các vật dụng gia đình, chậu cây, thùng xốp trồng rau… dẫn đến ảnh hưởng cảnh quan chung. UBND phường Cửa Nam đã có văn bản, chỉ đạo khối phố thông báo, đề nghị người dân thu dọn nhưng họ không tự giác thực hiện. Hôm tổ chức lao động “Ngày Chủ nhật xanh”, cán bộ phường cùng người dân đã quét dọn, thu nhặt rác thải, và thu dọn đổ đất trong những thùng xốp, chậu đá trồng cây, rau ven bờ hồ thì những người này biểu thị sự không đồng tình. Sau đó, để phản ứng, qua ngày Chủ nhật họ đã vứt thùng xốp, rác xuống lòng hồ…

Thực tế cho thấy những “vấn đề” của Hào Thành cổ không chỉ được cán bộ phường Cửa Nam quan tâm, mà có không ít người dân cũng thể hiện sự băn khoăn, lo lắng, chuyển thông tin đến Báo Nghệ An mỗi khi phát hiện hành vi gây hại. Như trong ngày 14/11/2019, một công dân khối 10, phường Quang Trung đã báo “có một đoạn mương tiêu thoát nước trên đường bao Hào Thành cổ bị ai đó đập vỡ mất một đoạn nắp đậy dài khoảng 4 – 5m”. Người dân này nói rõ vị trí đoạn mương bị phá là phía sau Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Vinh Vietcombank, và bức xúc trao đổi: “Thật không thể hiểu nổi tại sao người ta lại có hành vi như vậy. Đây không thể gọi là thiếu ý thức, mà là hành vi phá hoại…”.

Dự án Nâng cấp và cải tạo Hào Thành cổ Vinh, hợp phần 2 của Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh được phê duyệt năm 2014 với mục tiêu chính yếu là nhằm cải thiện vệ sinh môi trường, làm đẹp cảnh quan… Để thực hiện dự án này, địa phương phải vay hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Thế giới. Bên cạnh đó, phải thực hiện bồi thường, hỗ trợ, di dời tái định cư giải phóng mặt bằng gần 350 hộ dân bị ảnh hưởng. Đã có vô vàn những khó khăn diễn ra, nhưng rồi đến năm 2018, công trình nâng cấp và cải tạo Hào Thành cổ được hoàn thành, thực sự đáp ứng những mục tiêu đề ra. Nhưng đáng buồn là có quá nhiều thứ bất cập đã hiển hiện ngay sau đó bởi sự thiếu đồng bộ của hạ tầng cơ sở, của công tác quản lý; trong khi người dân thì mặc nhiên xem đó là tài sản công “cha chung không ai khóc”, thậm chí có những việc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Về thực trạng nước trong Hào Thành cổ, từ rất nhiều ngày tháng qua đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Điển hình như dịp tháng 1/2019, vì tình trạng nước bị ô nhiễm, cùng với sự thiếu ổn định về thời tiết, toàn bộ cá trong Hào Thành cổ đã chết. Tháng 10 vừa qua, nhờ những trận mưa lớn, nước trong hồ có được cải thiện. Nhưng rồi cũng chỉ “bình ổn” được hơn 1 tuần, sau đó lại vẹn nguyên tình trạng ô nhiễm. Dạo quanh Hào Thành cổ ngày 17/11, mặt hồ một màu đen kịt, váng bọt bẩn cùng rác thải nổi kín bề mặt, bốc mùi hôi thối, khắm lặm. Ở vị trí đấu nối tuyến mương số 1, cuối đường Nguyễn Thị Định vào hồ, nước thải cùng bùn thải ở các nơi vẫn tuôn vào hồ. Cũng tại đây, bùn thải đã dâng cao quá bề mặt nước như Bí thư Đảng ủy phường Cửa Nam, anh Bùi Quang Phương cho biết…

Trên 2 tuyến đường bao, tình trạng xả trộm rác thải là có thật. Ở bất cứ đoạn đường nào cũng có thể thấy sự hiện diện của rác thải. Có đoạn, nhiều bao bì ken cứng chất thải chất thành đống, qua thời gian không được thu dọn, mủn mục, vương vãi bề mặt đường. Tình trạng sử dụng bề mặt mương để đặt bừa bãi các vật dụng gia đình, các chậu cây, thùng xốp trồng rau vẫn y nguyên; không chỉ vậy, người ta khai thác công năng lan can Hào Thành cổ vào việc dựng bạt tránh nắng, phơi phong vật dụng gia đình…

Để chứng thực điều người dân khối 10, phường Quang Trung báo tin, chúng tôi cũng đã tìm đến tuyến đường bao Hào Thành cổ, đoạn sau chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Vinh. Tin người dân báo là chính xác. Có khoảng hơn 3m mương bị vỡ toác; toàn bộ nắp mương đã vỡ vụn. Báo tin đến các cơ quan liên quan, khoảng dăm tiếng đồng hồ sau thì được trả lời: “Mương bị vỡ có nguyên nhân từ một chiếc xe bồn chở bê tông tươi đi vào tuyến đường bao. Gia đình liên quan đến chiếc xe đã nhận trách nhiệm, cam kết sẽ sửa chữa trả lại nguyên trạng”. Cán bộ báo tin cũng khẳng định, 2 tuyến đường bao quanh Hào Thành cổ, chỉ phục vụ cho công tác quản lý và đi lại cho người dân trong khu vực, đặc biệt nghiêm cấm những loại xe có trọng tải lớn…

Thực tế cho thấy, ngay sau khi Hào Thành cổ được cải tạo, nâng cấp hoàn thành, thì việc bảo vệ môi trường đã được tính đến. Thể hiện điều này qua việc chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý Tiểu dự án PTĐT Vinh đã từng đề nghị chính quyền các phường liên quan, gồm Cửa Nam, Quang Trung, Đội Cung quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể như vào ngày 11/7/2019, có Văn bản số 189/BDA nêu rõ thực trạng: “Qua kiểm tra thực tế hiện trường công trình, Ban Quản lý Tiểu dự án PTĐT Vinh thấy lượng rác thải (bao túi ni lông, các mảnh xốp, rác thải sinh hoạt và rác thải xây dựng…) do người dân tiếp tục xả vào lòng Hào Thành cổ rất nhiều. Các loại rác thải gây mất mỹ quan, gây mất vệ sinh và ô nhiễm nguồn nước, làm ách tắc dòng chảy trong hệ thống mương, cống thoát nước mùa mưa bão…”. Và đề nghị: “Để giảm thiểu ô nhiễm, đảm bảo mỹ quan đô thị và dòng chảy của Hào Thành cổ, Ban Quản lý tiểu Dự án PTĐT Vinh kính đề nghị UBND các phường Cửa Nam, Đội Cung, Quang Trung quản lý, tuyên truyền đến khối xóm, các hộ gia đình không xả rác thải xuống Hào Thành cổ”.

Còn thời điểm hiện tại, trách nhiệm quản lý công trình Hào Thành cổ được UBND TP. Vinh chuyển giao cho Công ty CP Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh. Công trình hào thành dài 2.400m, chiều rộng 10-30m, độ sâu trung bình 1.7m; tuyến đường quản lý có tổng chiều dài 2.829m; bên cạnh đó, còn có các công trình phụ trợ như hệ thống cống, hố ga, tuyến mương thoát nước bên trong và bên ngoài hào thành… Để quản lý, Công ty CP Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh sẽ phải tổ chức đội ngũ cán bộ, công nhân thường xuyên theo dõi công trình để phát hiện, thống kê các trường hợp vi phạm lấn chiếm, các công trình trái phép, lập biên bản đề nghị cơ quan chức năng xử lý; phối hợp với chính quyền địa phương, thanh tra đô thị giải tỏa các điểm bị lấn chiếm, điểm đổ phế thải; phát hiện và khôi phục lại vị trí mốc giới bị mất, bị lấn chiếm; giám sát các đơn vị thi công về biện pháp dẫn dòng hoặc các công trình xả nước ra mương; phát hiện các điểm kè sông bị sụt lở, rạn nứt, các vị trí cửa xả bị đắp chặn… Đồng thời, phải thường xuyên kiểm tra phát hiện phế thải, thực hiện nhặt hết rác, các loại phế thải trên bờ, mái của mương, sông thuộc hành lang quản lý và vun thành đống nhỏ xúc đưa lên phương tiện trung chuyển; nhặt, gom rác, phế thải và rau bèo trên mặt nước đưa vào bờ, xúc chuyển phế thải về địa điểm tập kết…

Vậy nhưng tại sao Hào Thành cổ vẫn tình trạng ô nhiễm trầm trọng? Hành vi phá hại một đoạn mương chậm được phát hiện, xử lý? Một lãnh đạo Công ty CP Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh trao đổi: “Để phát huy giá trị sử dụng công trình Hào Thành cổ thì còn cần phải đấu nối đồng bộ các công trình tiêu thoát nước của thành phố. Còn để quản lý thì phải có kinh phí. Chúng tôi đã xây dựng quy trình quản lý Hào Thành cổ, trong đó, nêu rõ những nội dung công việc cần làm, số lượng nhân lực lao động tham gia, kinh phí cần có hàng năm… trình lên UBND TP. Vinh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại còn chưa được phê duyệt…”.

Thực tế cho thấy, để chỉ ra giải pháp cải thiện môi trường ở Hào Thành cổ là hoàn toàn không khó, đã được nhiều người nói ra. Như Bí thư Đảng ủy phường Cửa Nam Bùi Quang Phương trao đổi, dừng tuyệt đối việc xả nước thải, bùn thải từ các tuyến mương mà chỉ tiếp nhận nước mặt vào Hào Thành cổ; giao cho đơn vị hạ tầng quản lý, tổ chức lực lượng lao động thường xuyên kiểm tra, phát hiện vi phạm, thu dọn rác thải, bùn thải… Các phường liên quan như Cửa Nam, Đội Cung, Quang Trung thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân ý thức, trách nhiệm với công tác bảo vệ môi trường, không xả rác thải vào Hào Thành cổ, tham gia dọn dẹp vệ sinh trong những “Ngày Chủ nhật xanh”… Tất cả những giải pháp này đều đúng, đều cần và đều phải thực hiện. Bởi rõ ràng, chỉ có sự cộng đồng trách nhiệm thì môi trường Hào Thành cổ mới có được sự đảm bảo vững bền. Còn nếu không, hàng trăm tỷ đồng vốn vay cùng những nỗ lực trong mấy năm qua thành vô nghĩa. Và liệu khi ấy, Ngân hàng Thế giới có còn “mặn” với các dự án cải tạo hạ tầng đô thị Vinh?