Đã gần 1 tháng trôi qua kể từ khi phát hiện xác con voi rừng nhưng người dân xã Châu Phong (Quỳ Châu), vẫn chưa thôi bàn tán về nó. Trong những câu chuyện xung quanh ấm nước chè ở bản Đôm 1, ai nấy đều bày tỏ sự nuối tiếc, hụt hẫng khi nhắc đến việc con voi già gắn bó với nhiều thế hệ dân làng đã bị chết. “Giá như đêm hôm đó chúng ta không xua đuổi, cứ để mặc vậy xem nó đi đâu”, chị Bùi Thị Phúc (39 tuổi, bản Đôm 1), tặc lưỡi nói.
Xác con voi này được người đi rừng phát hiện ngày 16/2 khi nó đã bị phân hủy nặng, chỉ còn phần da với xương. Hiện trường phát hiện xác voi cách khu dân cư bản Đôm 1 chừng 3 km. Dựa vào quá trình phân hủy, cơ quan chức năng nhận định con voi này đã chết từ hơn 1 tháng trước. Trong khi đó, ngày 10/12/2022, con voi này vẫn còn về khu dân cư, “đại náo” suốt đêm. Đó cũng là lần cuối cùng con voi già được ghi nhận ở bản Đôm 1.
“Nó hiền lắm chú ạ. Chúng tôi lớn lên đã thấy nó. Nó về khu dân cư suốt nhưng chẳng bao giờ đe dọa người cả, chỉ là đi tìm thức ăn thôi. Bây giờ thấy nó chết, ai nấy đều buồn”, chị Phúc nói thêm. Theo các bậc bô lão ở đây, từ xưa những cánh rừng già thuộc xã Châu Phong và Châu Hạnh, là địa bàn sinh sống của đàn voi hàng chục con. Chúng chung sống hòa bình với con người, dù thi thoảng vẫn ra khỏi bìa rừng để tìm thức ăn. Tuy nhiên, đàn voi thưa thớt dần do bị con người sát hại. Đặc biệt là khoảng 30 năm trước, có lần người dân phát hiện xác 2 con voi đực bị sát hại cùng lúc để lấy ngà. Kể từ đó, đàn chỉ còn 2 con voi cái mà người dân cho rằng, là 2 mẹ con. Trong đó, con voi mẹ đã bị chột 1 mắt sau lần bị kẻ xấu săn bắn hụt.
“Sau khi chỉ còn 2 con, chúng thường xuyên xuất hiện ở khu dân cư hơn. Mẹ đi đâu thì con theo đó, lần nào cũng vậy”, anh Vi Hải Dương – Tổ phó Tổ xua đuổi voi của xã Châu Phong nói. Nhưng kể từ những ngày đầu tháng 12/2022, người dân nhận thấy sự bất thường khi chỉ còn chứng kiến con voi mẹ thường về bản tìm thức ăn một mình. Không còn ai nhìn thấy voi con ở đâu.
Khoảng 2h sáng 8/12, vợ chồng bà Vi Thị Hùng (65 tuổi), đang ngủ trong căn lán trên rẫy gần bìa rừng thì giật mình thức giấc bởi con voi mẹ này. Bà Hùng lập tức điện thoại rồi hô hoán người dân đến trợ giúp. Tuy nhiên, dù hàng chục người dân tìm đủ mọi cách xua đuổi nhưng con voi này vẫn không chịu bỏ đi. Người dân vì thế đành phải để mặc chúng lục lọi trong căn lán. Đến sáng 8/12, nó còn táo bạo hơn khi di chuyển xuống Tỉnh lộ 544 đoạn qua dốc Pù Xen (xã Châu Phong), để “chặn xe”. Voi rừng đứng thong dong giữa tỉnh lộ khá lâu, khiến mọi phương tiện qua đây đều phải dừng lại.
Đến khoảng 0h ngày 10/12, gia đình chị Lương Thị Thái (47 tuổi, bản Đôm 1) đang ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng động lạ. Vội bật dậy, chị Thái hốt hoảng khi thấy con voi rừng đang dùng vòi cố giật tung cửa sổ. Quá hoảng sợ, vợ chồng chị Thái không dám mở cửa ra bên ngoài để hô hoán bà con. Hai vợ chồng chỉ còn cách chắp tay, cầu xin voi rừng. “Nó cứ đứng thừng thững ngoài cửa sổ nhìn vào. Chồng tôi thì chắp tay cầu xin liên tục. Và thật kỳ lạ, có vẻ như nó nghe được hay sao mà sau đó nó quay đầu rời đi”, chị Thái kể.
Sau khi phá cửa sổ nhà chị Thái, con voi này tiếp tục qua nhà của anh Lương Văn Mai (46 tuổi). Tại đây, nó ngang nhiên vào khu vực bếp lục lọi rồi dùng vòi quật vỡ hũ hèm dùng để nấu rượu. Lúc này, vợ chồng anh Mai mới hô hoán. Người dân trong bản nhanh chóng kéo đến. Ngay sau đó, lực lượng của Chi cục Kiểm lâm Quỳ Châu, Tổ xua đuổi voi của xã Châu Phong cũng nhanh chóng có mặt ở bản Đôm 1. Lực lượng chức năng cùng hàng trăm người dân bản Đôm 1 đã dùng nhiều biện pháp để xua đuổi voi. Người thì gom củi đốt lửa, người gõ chiêng, người dùng loa để hò hét, thậm chí dùng cả còi hụ nhưng vẫn bất lực. Sau khi ăn no nê hèm của nhà anh Mai, con voi tiếp tục thong dong qua nhà bên cạnh để lục lọi và ăn chuối ngay bên hiên nhà, bất chấp sự xua đuổi của con người. Đoàn người cứ xua đuổi, còn nó vẫn cứ bình tĩnh ghé thăm từng nhà. Trong cái đêm cuối cùng ấy, nó ghé đến gần 10 nhà dân trong bản.
“Bây giờ nó chết rồi chúng tôi mới nghĩ lại cái đêm cuối cùng nó về bản thật lạ, nhiều biểu hiện rất bất thường, như một lời kêu cứu với người dân vậy”, anh Vi Hải Dương nói. Theo anh Dương, lần cuối cùng con voi mẹ này xuất hiện, khuôn mặt nó rất buồn. Thường hướng ánh mắt nhìn con người như đang cầu xin điều gì đó. Lần này, dù anh Dương và nhiều người dân tiến lại rất sát, nhưng con voi cũng không bỏ chạy. Cơ thể con voi cũng gầy gò đi rất nhiều so với trước đây, phản ứng cũng rất chậm chạp…. “Lúc đó chúng tôi thấy vậy không nghĩ là nó sắp chết, mà cứ nghĩ là nó đang thất lạc con và cầu xin chúng tôi tìm con cho nó”, anh Dương kể thêm.
Bị hàng trăm người dân và lực lượng chức năng xua đuổi suốt đêm, mãi đến gần sáng, con voi này lững thững quay trở lại rừng. Theo như video mà người dân quay lại được, dù phía sau là hàng trăm người đốt lửa, khua chiêng cùng với còi hụ nhưng con voi vẫn di chuyển khá chậm chạp. Không như trước đây, vẫn thường bỏ chạy rất nhanh mỗi lần bị xua đuổi như thế.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, chiều 16/2, lãnh đạo huyện Quỳ Châu nhận được thông tin từ người dân trên địa bàn xã Châu Phong, phát hiện xác động vật chết nghi là voi rừng. Lập tức, ngay trong buổi chiều, địa phương này đã thành lập đoàn kiểm tra.
Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm cũng đã thành lập đoàn công tác do Phó Chi cục trưởng làm trưởng đoàn, cùng với các phòng chuyên môn liên quan đến huyện Quỳ Châu để vào xác minh tại hiện trường. Qua kiểm tra cho thấy, hiện trường là một khu vực rừng tự nhiên, thuộc rừng sản xuất ở bản Đôm 1, xã Châu Phong. Xác voi đã phân hủy hết phần thịt, chỉ còn lại một phần da và xương; phần xương không bị gãy. Kiểm tra khu vực xung quanh thấy cây cối không có hiện tượng bị gãy đổ, không phát hiện thấy dấu hiệu bị mắc bẫy; không phát hiện thấy dấu hiệu bị săn bắn. Căn cứ dấu hiệu hiện trường, đoàn kiểm tra ước tính voi đã chết khoảng 30 ngày trước, chưa xác định được nguyên nhân.
“Con voi bị chết có tuổi đời đã cao, có dấu hiệu bị lão hóa, ốm yếu, gầy gò, đi lại chậm chạp, khí hậu tại địa phương thời gian qua thường xảy ra rét đậm, rét hại, nên có thể nguyên nhân con voi này chết là do già yếu, sức đề kháng với thời tiết rét đậm bị hạn chế”, bà Võ Thị Nhung – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định trong báo cáo gửi UBND tỉnh.
Sau khi kiểm tra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất với UBND huyện Quỳ Châu giao Công an huyện và Viện Kiểm sát nhân dân huyện lấy mẫu bệnh phẩm của cá thể voi chết gửi Bộ Công an giám định nguyên nhân chết, từ đó có biện pháp xử lý tiếp theo. Xương của voi được giao Hạt Kiểm lâm huyện Quỳ Châu chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn trên địa bàn huyện thu giữ và bảo quản bằng hình thức cấp đông, chờ kết quả giám định và xử lý tang vật, vật chứng (nếu có). Sau khi xử lý vụ việc xong, UBND huyện Quỳ Châu sẽ chỉ đạo các phòng, ban liên quan hoàn thiện các thủ tục pháp lý để tiếp nhận bộ xương cá thể voi chết nói trên chế tác làm tiêu bản trưng bày tại nhà Bảo tàng Dân tộc học miền Tây xứ Nghệ, huyện Quỳ Châu theo đúng quy định. Các bộ phận còn lại (ngoài xương voi), đoàn đã chỉ đạo địa phương phun hóa chất tiêu độc, khử trùng và tiêu hủy tại chỗ bằng hình thức chôn lấp ngay tại hiện trường.
Là người trực tiếp dẫn đầu đoàn công tác vào hiện trường kiểm tra, ông Phạm Đức Thành – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho rằng, voi chết có thể do tự nhiên. “Qua tìm hiểu, dù nó rất hay về khu dân cư nhưng người dân cơ bản rất quý voi, vì nó cũng không phá hoại nhiều hay tấn công người, nên không có lý do gì để sát hại. Chúng tôi cũng không thấy dấu vết gì cho thấy nó bị săn bắn hay hạ độc. Dù vậy, chúng tôi vẫn lấy mẫu gửi ra Bộ Công an giám định xem có chất độc không, nếu trong xương không có chất độc thì sẽ làm tiêu bản để trưng bày trong bảo tàng”. Cùng quan điểm này, ông Lê Hải Lý – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho rằng, voi chết là do quá già yếu, kèm với nguồn thức ăn khan hiếm.