Vẽ lại “bom nước” tạo nên lũ dữ ở Kỳ Sơn

Hòa Sơn là bản hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất của đợt lũ ống lũ quét đổ xuống địa bàn xã Tà Cạ huyện Kỳ Sơn đêm 1/10 và sáng 2/10. Hòa Sơn có đến 36 căn nhà bị trôi, hơn 100 nhà bị sập đổ hư hỏng nặng.

Ghé vào nhà bà Lương Thị Hồng (bản Hòa Sơn), giữa ngổn ngang đất đá, bà đang cố bòn lấy mấy nắm lá trầu không tấp dày bùn đất còn sót lại sau lũ. Bà nói: “72 tuổi rồi, chưa khi mô gặp cơn lũ kinh khiếp như ri. Nhà con trai bà bị sập hoàn toàn. Nhà sàn của bà ở phía sau cao hơn thì lút hết tầng một. Lúc lũ đến, nếu không có con kéo tay bỏ chạy thì giờ này bà đã trôi theo đất đá…”.

Ngã ba nơi hợp lưu của các dòng lũ dữ trước khi đổ về bản Hòa Sơn.
Ngã ba nơi hợp lưu của các dòng lũ dữ trước khi đổ về bản Hòa Sơn.
Bản Hòa Sơn bị thiệt hại nặng nề sau lũ quét; Phần sót lại của một ngôi nhà sau trận lũ.
Bản Hòa Sơn bị thiệt hại nặng nề sau lũ quét; Phần sót lại của một ngôi nhà sau trận lũ.

Đến bản Sơn Hà thăm vùng ruộng bậc thang nổi tiếng trù phú nhất vùng, nay ngổn ngang những khối đá tảng nặng hàng chục tấn cùng bùn nhão, cây bụi, cỏ rác… Nhà ông Vi Văn Nhúi vừa mới xây chưa ở được bao lâu, nay chỉ còn lại bờ tường chông chênh giữa ngã ba dòng nước chảy. Nhà ông Vi Văn Xuân,  rồi khu vực chòi canh nương rẫy và ao cá của ông Vi Văn Thoong, trước đây là địa điểm đẹp nhất bản với ruộng lúa bậc thang xanh mướt xen cùng hệ thống ao cá, nay cũng đã bị các khối đá khổng lồ và đất cát vùi lấp hoàn toàn. Nhà của chị Mùa Y Dở nằm ở vị trí “đón” dòng lũ quét nên không chỉ mất nhà, mà con gái 4 tháng tuổi còn chưa biết cất tiếng “mẹ ơi” cũng bị lũ cướp mất. Nước mắt, tiếng khóc ai oán của người mẹ mất con, của những người bị trôi nhà trôi cửa khiến vùng tâm lũ Sơn Hà, Hòa Sơn bao trùm cảnh tang thương.

Nơi hai dòng lũ dữ gặp nhau tại bản Sơn Hà đã cuốn phăng 3 nhà dân và làm 1 cháu 4 tháng tuổi thiệt mạng; Sạt lở ở bản Sơn Hà nên người dân phải đi ở nhờ.
Nơi hai dòng lũ dữ gặp nhau tại bản Sơn Hà đã cuốn phăng 3 nhà dân và làm 1 cháu 4 tháng tuổi thiệt mạng; Sạt lở ở bản Sơn Hà nên người dân phải đi ở nhờ.

Hỏi người dân, cơn lũ dữ xuất phát từ đâu? Ông Mùa Dua Tồng (bản Sơn Hà) cho hay, lũ xuất phát từ khu vực rẫy của các hộ dân Sơn Hà, đối diện với khu sản xuất của bản Huồi Giảng, xã Tây Sơn. Vùng này có nhiều con khe quanh khu vực núi giáp giữa xã Tây Sơn và xã Tà Cạ chạy xuyên đến địa phận bản Sơn Hà, Hòa Sơn, Bình Sơn 1, Bình Sơn 2 có 2 con khe Huồi Loong và Huồi Cạn. “Lũ lần này về theo các con khe nhỏ. Con khe lớn Huồi Giảng từ xã Tây Sơn về Sơn Hà và Hòa Sơn không dữ tợn như lũ ở 2 con khe nhỏ kia” – ông Tồng cho biết.

Ông Mùa Dua Tồng (bản Sơn Hà, xã Tà Cạ).

Từ lời người dân, tìm đến cuối bản Sơn Hà. Ở đây, đi bộ men theo lòng suối được tạo thành sau lũ quét ngược núi tầm 500m, gặp nhiều tốp người dân đến từ xã Tây Sơn. Hỏi thăm, họ cho biết, lũ quét đổ xuống xã Tà Cạ khiến tuyến đường Tây Sơn – Mường Xén đổ sập nhiều nơi, xe máy không thể đi, các bản ở Tây Sơn đều bị cô lập hai ngày nay. Vì thế phải cắt núi, men theo khe suối ra thị trấn Mường Xén để mua lương thực. Cũng dọc cung đường này, cứ vài chục mét lại có một điểm sạt lở. Đất đá, cây bụi, dây leo… từ trên cao đổ ập xuống mặt đường, chắn ngang lối đi, để lại những sườn núi trơ trụi đá.

Các con đường bị sạt lở, đất đá vùi lấp.
Các con đường bị sạt lở, đất đá vùi lấp.

Cũng ở đây, chị Lầu Y Xò (bản Sơn Hà) vừa trở ra từ khu canh tác của gia đình cho biết: “Bản ta trước giờ nguồn nước uống khó khăn, hiếm hoi, quanh năm không đủ nước uống, phải dẫn đường ống từ trên khe gần xã Tây Sơn xuống. Không hiểu tại sao mà lần này trên núi lại về nhiều nước như vậy…”. Còn ông Moong Văn Hùng – Bí thư Chi bộ bản Bình Sơn 1 cũng khẳng định: “Khe lớn từ các bản Huồi Giảng của xã Tây Sơn khoảng từ tháng 3, tháng 4 là không còn nước, nên gọi là khe Cạn. Còn khe nhỏ nơi cơn lũ chọn làm đường đi, trước đây càng hiếm nước, chúng tôi phải lấy nước sinh hoạt từ nguồn trên cao phía gần Tây Sơn. Đó cũng là vùng C5 sản xuất của bà con…”.

Chị Lầu Y Xò (bản Sơn Hà, xã Tà Cạ)

Tiếp tục men theo lòng suối ngược núi đến vị trí giáp bản Hòa Sơn, chúng tôi không thể đi tiếp. Do nơi này hình thành một hố sâu hoắm giữa lòng khe. Một bên miệng hố có 2 ngôi nhà nằm trên tuyến đường Tây Sơn – Mường Xén đã bị mất một nửa. Phía bên kia, một đoạn dài đường nhựa dẫn vào trung tâm bản Sơn Hà cũng đã bị xoá sổ. Điều người dân thắc mắc đã được giải đáp. Việc tạo thành hồ sâu giữa lòng khe này, chính là do mưa dài ngày khiến đất đá tụt từ các vách núi, đổ sập xuống ách tắc lại, tạo thành đập chắn hình thành hồ nước. Và khi mưa lớn dồn dập, thì hình thành “bom nước” treo trên đầu 2 bản Sơn Hà, Hòa Sơn.

Tìm lối đi tiếp tục cuốc bộ dọc đoạn đường nhựa còn sót lại, cắt qua một quả đồi, chúng tôi đến được điểm mà người dân bản Hòa Sơn cho biết có chiếc cầu tràn bị vùi lấp nhiều năm qua. Hiện trường là con khe lớn có độ sâu hàng chục mét với lổn nhổn những tảng đá lớn hình dáng khá tròn nằm rải rác, chặn đường các dòng nước đục ngầu vẫn tiếp tục chảy mạnh. Xác định, đây chính là “quả bom nước” thứ hai. Như vậy, hai con khe nằm hai bên quả đồi nằm phía trên bản Sơn Hà và Hòa Sơn vì mưa kéo dài đã hình thành 2 quả “bom nước”. Khi mưa lớn dồn dập đổ xuống, hai quả “bom nước” quá sức chịu đựng, những “con đập đất” thiên tạo ngấm nước nhiều giờ bị nhão, đã vỡ tung tạo thành cơn lũ quét, tống xuống khu vực ruộng lúa phía Nam của bản Sơn Hà, rồi cùng với nước từ khe Huồi Giảng tống xuống bản Hòa Sơn, tạo nên sức tàn phá khủng khiếp chưa từng thấy.

Vị trí hình thành bom nước trên lòng khe Huồi Loong.
Vị trí hình thành bom nước trên lòng khe Huồi Loong.

Ngày thứ ba sau khi cơn lũ đổ xuống các bản ở xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn cũng đã thành lập một tổ khảo sát thực địa để nhìn nhận nguồn cơn của lũ quét. Đoàn do ông Lỳ Bá Thái – Phó bí thư Huyện uỷ làm trưởng đoàn, thực hiện men theo các khe suối để đến các bản đầu nguồn, gồm bản Cánh, Bình Sơn 1, Bình Sơn 2. Sau chuyến khảo sát, ông Lỳ Bá Thái cũng nhận định: “Nơi xuất phát của cơn lũ dữ bắt nguồn từ vùng nương rẫy sản xuất của người dân, theo các khe nhỏ đổ về. Vùng này giáp với vùng rẫy sản xuất của người dân xã Tây Sơn, cũng là nơi người dân các bản Bình Sơn 1, Bình Sơn 2, Sơn Hà, Hoà Sơn sản xuất và lấy nước sinh hoạt. Đồi núi vùng này ngoài nương rẫy của người dân, diện tích còn lại hầu hết tầng cây mỏng, chủ yếu là cây bụi nhỏ nên hầu như không có khả năng giữ nước, ngăn sạt lở”.

“Đêm 1/10, chính quyền các bản báo cáo cho biết vùng Sơn Hà, bản Bình Sơn 1, Bình Sơn 2 và bản Cánh mưa lớn liên tục. Vùng mưa này đổ xuống các nương rẫy của người dân bản Sơn Hà, Bình Sơn 1, Bình Sơn 2 và 1 phần nương rẫy của xã Tây Sơn. Bởi thế nước lũ hình thành và theo các khe nhỏ đỏ về hạ nguồn. Quá trình mưa đã gây sạt ở núi, cuốn theo đất đá, cây cối trước khi tống xuống bản Sơn Hà và Hoà Sơn. Đến ngày 10/10, sau hơn 1 tuần lũ đổ về, người dân ở Sơn Hà và Hoà Sơn tiếp tục phải di dời vì đe doạ sạt lở núi rất cao” – ông Lỳ Bá Thái cho biết.

Khe Huồi Cạn đoạn qua bản Sơn Hà (xã Tà Cạ); Đất trống đồi núi trọc nơi đầu nguồn các con khe ở xã Tà Cạ; Hố sâu hình thành trên khe chảy vào bản Sơn Hà sau cơn lũ.
Khe Huồi Cạn đoạn qua bản Sơn Hà (xã Tà Cạ); Đất trống đồi núi trọc nơi đầu nguồn các con khe ở xã Tà Cạ; Hố sâu hình thành trên khe chảy vào bản Sơn Hà sau cơn lũ.

Từ thực trạng thấy được, băn khoăn hỏi tại sao vùng núi nơi đây hầu như không còn rừng tự nhiên phòng hộ? Theo ông Moong Văn Thi (bản Bình Sơn 1), khoảng năm 1990, Nhà nước vận động các hộ dân xuống vùng khe suối thấp hơn để thuận tiện cho đời sống, người dân bản Bình Sơn 1 và 2 đã di dời xuống nơi cư trú hiện tại. Bản làng của ông ngày xa xưa cũng sinh sống trên núi cao, nơi đầu nguồn phía Tây Sơn vẫn có nhiều rừng…

Còn nhiều hộ dân bản Sơn Hà thì cho biết, trước đây họ là dân cư xã Tây Sơn, sau đó được chuyển sang xã Tà Cạ để định cư tại khu vực thấp hơn, gần nguồn nước, thuận tiện hơn trong mưu sinh. Nhưng dù chuyển chỗ ở thì họ vẫn giữ địa điểm canh tác, làm rẫy ở nơi núi xa phía thượng nguồn. Vì mưu sinh và nhiều lý do khác, những vùng rừng đầu nguồn có tác dụng giữ đất, giữ nước, ngăn sạt lở lũ quét dần bị chặt phá, để thay thế bằng rừng sản xuất, nương rẫy.

Kỳ Sơn là địa phương có đặc điểm địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn, quỹ đất hẹp, việc bố trí dân cư tại các khu vực ven khe suối, đường giao thông là điều hiển nhiên. Hay nói cách khác, là không có sự lựa chọn nào hơn thế! Nhưng không có rừng phòng hộ, tức là không có gì giữ nước, không có gì ngăn lũ quét, sạt lở. Hậu quả tất yếu của quy luật thiên nhiên đã xảy ra. Vì vậy, vấn đề cấp bách cần làm là nhanh chóng đánh giá lại các vùng ách yếu đầu nguồn huyện Kỳ Sơn, nơi có các cụm dân cư sinh sống, để khơi thông dòng chảy; và tính đến việc tái tạo rừng phòng hộ.

Những hộ dân bản Sơn Hà nằm gần địa điểm nước lũ đổ về đang trong diện nguy cơ đe doạ sạt lở.
Những hộ dân bản Sơn Hà nằm gần địa điểm nước lũ đổ về đang trong diện nguy cơ đe doạ sạt lở.

Đồng ý với nhận định này, đại diện Đoàn khảo sát của huyện Kỳ Sơn khẳng định, trước mắt huyện thực hiện khảo sát để kiểm tra tình hình các vết sạt lở, vết đe dọa nứt gãy ở các sườn núi, kịp thời cảnh báo và di dời người dân đến nơi an toàn. Đồng thời cũng là bước chuẩn bị cho công tác đánh giá, khắc phục hậu quả và ứng phó với thảm họa thiên nhiên sau này. Theo đó, giải pháp bền vững, lâu dài vẫn là bảo vệ rừng đầu nguồn, tạo được tấm lá chắn thiên nhiên che chở cho con người trước thiên tai bất ngờ. Đồng thời cũng phải vừa có giải pháp không để đất trống đồi núi trọc, vừa đảm bảo sản xuất và đời sống cho người dân.

Cùng với sự vào cuộc của chính quyền, các cấp ngành, đối với người dân, cũng phải trang bị cho họ những kiến thức kỹ năng ứng phó với thiên tai bão lũ, và ý nghĩa của việc trồng rừng, giữ rừng phòng hộ đầu nguồn. Để họ thấy, kỹ năng ứng phó với thiên tai và việc phát triển, bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ sự sống của gia đình mình, sự sống của bà con nhân dân thôn bản.

Kỳ Sơn không chỉ có những Tây Sơn, Tà Cạ đang thiếu vắng rừng phòng hộ đầu nguồn, trong khi mùa bão lũ vẫn tiếp tục kéo dài. Thế nên, cùng với việc khắc phục thảm họa thiên tai, cần phải thực hiện các giải pháp ngăn ngừa để giảm thiểu thiệt hại!