Nhắc đến những dự án khởi nghiệp ĐMST thành công của thanh niên ở Nghệ An, không thể không nói đến Công ty cổ phần Công nghệ GoStream, với ứng dụng GoStudio – đài truyền hình 4.0. Đây là ứng dụng đầu tiên ở Việt Nam chuyên về livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter. Ra đời năm 2017, đến nay GoStream đã có đối tác tại Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Pakistan, Arap Saud. Chia sẻ về sự ra đời của GoStream, anh Nghiêm Tiến Viễn – đồng sáng lập kiêm CEO công ty cho biết, năm 2016, anh từ chối nhiều lời mời làm việc hấp dẫn, rời Thủ đô Hà Nội trở về quê nhà Nghệ An để đầu quân cho một cơ quan báo chí. “Dù có công việc ổn định nhưng trong tôi luôn ấp ủ mong muốn khởi nghiệp. Lúc đó, dù chưa hình dung được mình sẽ làm gì nhưng tôi biết, tôi khởi nghiệp ở Nghệ An” – Viễn nói.
Tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội cùng tính năng livestream nở rộ, cuối năm 2017, Viễn cùng với 2 người bạn thành lập Công ty cổ phần Công nghệ GoStream nhằm cung cấp công cụ livestream hỗ trợ cho công việc kinh doanh online. Với số vốn ít ỏi, bài toán đầu tiên đặt ra là phải giải quyết, đó là đặt văn phòng ở đâu khi có 2 founder ở Hà Nội và 1 ở TP. Hồ Chí Minh. Sau khi bàn bạc, Gostream quyết định sẽ đặt văn phòng chính tại Nghệ An – nơi quê hương CEO – đồng thời mở văn phòng đại diện ở TP. Hồ Chí Minh. Đến năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, chàng trai trẻ Nghiêm Tiến Viễn đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội tung ra thị trường sản phẩm livestream tương tác GoStudio, với nhiều tính năng ưu việt nhằm phục vụ các hình thức: thương mại điện tử, đào tạo, hội họp, giải trí trực tuyến…
“Bắt đúng mạch” nhu cầu thị trường, ngay từ khi ra đời, GoStudio nhanh chóng được đón nhận và có sự phát triển vượt bậc. Đặc biệt, GoStream ghi dấu ấn với việc trở thành quán quân cuộc thi khởi nghiệp quốc gia Techfest 2020 và đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi khởi nghiệp thế giới – Startup WordCup 2021, tại Mỹ. Chỉ sau một thời gian ngắn từ khi ra đời, GoStream nhanh chóng được đón nhận và có sự phát triển vượt bậc và nhận được 1 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A từ Quỹ VinaCapital Ventures. Hiện nay, GoStream đang là ứng dụng top 1 ở Việt Nam trong lĩnh vực này với khoảng 600.000 người dùng, với khoảng 100.000 người dùng thường xuyên – trong đó, có 8.000 người chấp nhận trả phí hàng tháng cho Startup này. Tận dụng thời điểm vàng trong dịch Covid-19, khi thị trường số có nhiều cơ hội bứt phá, trong năm 2021, GoStream tập trung phát triển thị trường trong nước và đẩy mạnh phát triển ra thế giới, đặc biệt là châu Âu và châu Mỹ.
Chia sẻ về hành trình của bản thân, Nghiêm Tiến Viễn cho biết, khởi nghiệp ở quê cũng có những khó khăn riêng. Thời gian đầu, tuy cả 3 co-founder đều “làm việc không lương”, nhưng chúng tôi vẫn rất lạc quan vào tương lai của GoStream. Chìa khóa khởi nghiệp thành công cần: Ý tưởng đột phá – Không ngại sai lầm – Đồng đội mạnh. “Ở thời điểm khởi nghiệp, tôi chỉ nghĩ mình đang còn trẻ, nếu sai lầm ở thời điểm này sẽ để lại ít hậu quả hơn so với việc sau này lớn tuổi hơn mới bắt đầu mà sai lầm. Những bạn trẻ, những nhà khởi nghiệp trong tương lai hãy cứ cho mình được sai lầm, cứ mạnh dạn sai lầm và sai lầm càng nhanh càng tốt để mình không gặp phải sai lầm đấy trong tương lai” – CEO Nghiêm Tiến Viễn chia sẻ.
Cách trung tâm TP. Vinh 200 km về phía Tây Bắc, con đường về mảnh đất Khe Choăng, xã Châu Khê, huyện Con Cuông trải dài bên vực, bên suối theo những khúc cua tay áo. Mảnh đất khó nhọc ấy lại nuôi dưỡng một mô hình khởi nghiệp sáng tạo của chàng thanh niên trẻ đạt giải Nhất Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” tỉnh Nghệ An năm 2021. Trên con đường dẫn về mô hình của chàng thanh niên ấy, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An Lê Văn Lương kể cho chúng tôi nghe về hành trình đồng hành, tiếp sức cho khát vọng khởi nghiệp nơi sơn cùng thủy tận của chàng thanh niên Thái Đăng Tiến (SN 1987).
Tiến sinh ra, lớn lên giữa mảnh đất Khe Choăng, nơi được thiên nhiên ưu đãi nguồn tài nguyên tre, trúc, nứa bạt ngàn vô tận. Thế nhưng, người dân nơi đây trồng tre cũng chỉ để bán làm cốt pha, giàn giáo…, thu nhập chẳng đáng bao nhiêu. Nhiều đêm Tiến nằm suy nghĩ, vì sao người dân quê mình mãi cứ nghèo khó trên chính mảnh đất được thiên nhiên ưu ái như vậy. Và rồi, anh lóe lên ý tưởng, biến những cây tre trở thành các mặt hàng thủ công mỹ nghệ để nâng tầm giá trị. Nghĩ là làm, anh dùng toàn bộ số tiền tích góp được trong thời gian đi xuất lao động để xây dựng mô hình chế biến, sản xuất các mặt hàng mỹ nghệ từ cây tre. Để nâng cao giá trị sản phẩm, anh mạnh dạn đầu tư máy luộc, máy sấy lạnh và một số máy chuyên dụng cầm tay nhằm nâng độ bền và tuổi thọ cho nguyên liệu.
Đó là tiền đề quan trọng để Tiến mở rộng sản xuất, thành lập Công ty Trà Lân BAMBOO (Tre Trà Lân). Sau thành công bước đầu, sản phẩm từ cây tre của Tiến được nhiều người khen ngợi vì ý tưởng độc đáo, tính thẩm mỹ tinh tế và hữu dụng. Với mong muốn tạo việc làm cho người dân bản địa, Tiến mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức lương 3-5 triệu đồng/tháng và 10 lao động thời vụ. Mỗi tháng, công ty của Tiến thu mua hơn 10 tấn nguyên liệu thô tre, mét của người dân, sau đó sản xuất và đưa ra thị trường. Sản phẩm của công ty khá đa dạng, từ những bộ ly uống trà xinh xắn, thìa gỗ, hộp đựng bút, thân bút bi, cốc uống nước cho đến bình hoa hay những bộ ấm chén tinh xảo, cầu kỳ.
Hiện nay, các sản phẩm mỹ nghệ từ cây tre của Công ty Trà Lân BAMBOO được bán rộng rãi tại nhiều địa phương, thông qua hình thức như bán tại các hội chợ, triển lãm, online. Ông Nguyễn Đình Hùng – Bí thư Huyện ủy Con Cuông đánh giá, dự án khởi nghiệp của thanh niên Thái Đăng Tiến không chỉ nâng cao giá trị kinh tế của cây tre vốn rất sẵn, rất nhiều ở huyện Con Cuông mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần bảo vệ môi trường. Ý tưởng táo bạo này sẽ là một bước đột phá trong khởi nghiệp của thanh niên miền núi huyện Con Cuông, qua đó, động viên các thanh niên khác mạnh dạn làm giàu chính đáng trên quê hương mình.
Nghiêm Tiến Viễn và Thái Đăng Tiến chỉ là 2 trong rất nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn, táo bạo thực hiện giấc mơ, khát vọng khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Ngoài ra, còn có nhiều dự án khởi nghiệp thành công bước đầu như: Dự án phát triển ngành sợi chuối bằng công nghệ ABACA của anh Hồ Xuân Vinh; Dự án Vitamin D2 – nước ép nguyên dưỡng chất từ rau, củ, quả, bữa ăn Healthy Eatclean và sữa hạt xanh D2 của chị Phạm Thị Kim Dung; Dự án sản phẩm Chanh Thiên Nhẫn của anh Đặng Văn Hóa; Các sản phẩm chế biến từ cây sen của anh Phạm Kim Tiến… Đây là những “hạt nhân” quan trọng, góp phần khẳng định, tạo dấu ấn rõ nét trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo trên địa bàn tỉnh Nghệ An.