Người Mông thiết kế xã hội dựa trên dòng họ. Hôn nhân của người Mông phải diễn ra giữa những người khác dòng họ, tức là không có chung tên dòng tộc (xeem). Tất cả những người Mông chung dòng họ trong xã hội được coi là anh em có chung dòng máu (kwv tij – nkauj muam nraug nus) chắc chắn không thể lấy nhau. Những người chung dòng máu lấy nhau sẽ dẫn đến ốm đau, bệnh tật, vi phạm sự cân bằng của trật tự các vị thần, qua đó dẫn đến suy thoái giống nòi.
Hôn nhân ở người Mông không chỉ là việc cá nhân lấy cá nhân, mà còn là sự kết nối hai gia đình với nhau tạo thành liên minh “những người tương hỗ” (neej tsa: neej = con người, những con người; tsa = dựng, xây dựng). Liên minh này kết nối các họ tộc người Mông thành một khối thống nhất, xây dựng ra một nền tảng mà tất cả các cá nhân có mối quan hệ anh em kwv tij neej tsa chồng chéo, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau về mặt máu mủ và niềm tin khi tất cả người Mông đều là những người anh em, họ hàng (taag nro peb Hmoob yog ib pab kwv tij neej tsa) có trách nhiệm giúp đỡ, tương trợ nhau cả về cuộc sống xã hội và tinh thần, duy trì tín ngưỡng, văn hóa. Thêm nữa, hôn nhân của người Mông phải có một tiến trình nhất định được công nhận bởi cộng đồng thông qua các bữa tiệc để xác định rõ ràng trạng thái xã hội của một cá nhân trong cộng đồng. Việc này nhằm đảm bảo việc quản trị xã hội được dễ dàng hơn khi người Mông cho phép những người độc thân được toàn quyền tán tỉnh và phát sinh quan hệ với bất cứ những người độc thân nào khác không cùng dòng họ.
Các dòng họ người Mông thường cư trú độc lập trên những quả núi riêng. Do đó, để các dòng họ có tính kết nối với nhau, hôn nhân là một trong những hình thái trao đổi mang tính kết nối. Điều này được học giả Teng Moua giải thích: “Hôn nhân truyền thống của người Mông phục vụ hai chức năng quan trọng. Chức năng đầu tiên là hợp nhất một người nam và một người nữ thành một đơn vị xã hội vì mục đích sinh sản và sản xuất kinh tế. Chức năng thứ hai là tạo ra các mối quan hệ kinh tế, chính trị và nghi lễ có đi, có lại giữa những người bà con tương ứng của họ từ 18 dòng họ thị tộc”. (Moua, 2003:13-14).
Người Mông nói, kết hôn là để kết tình anh em, lối xóm. Khi kết hôn, những người thuộc hai dòng họ mặc định trở thành neej tsa của nhau. Tính liên kết neej tsa này được chuyển bắc cầu từ dòng họ này qua dòng họ khác. Ví dụ: Một thành viên dòng họ Khaab kết hôn với một thành viên dòng họ Hawj, tất cả các thành viên của dòng họ Khaab và dòng họ Hawj sẽ trở thành neej tsa của nhau. Một thành viên khác của dòng họ Khaab kết hôn với một thành viên dòng họ Lis và một thành viên khác của dòng họ Hawj kết hôn với một thành viên của dòng họ Yaj thì tất cả các dòng họ Khaab, Hawj, Lis, Yaj trở thành neej tsa của nhau. Việc trở thành neej tsa của nhau là cực kỳ cần thiết trong bối cảnh xã hội mang tính cấu trúc bản làng. Hãy hình dung những dòng họ người Mông định cư thành những nhóm ở các khu vực dãy núi khác nhau. Khi có một vấn đề xảy ra, bất cứ một thành viên nào của dòng họ cần sự trợ giúp, nhỏ thì là bữa cơm ăn, chén nước uống, lớn thì chuyện gia súc, gia cầm, hạt thóc, hạt ngô để làm giống hay thậm chí hỗ trợ công sức xây dựng nhà cửa, góp sức ma chay, cưới hỏi đều có thể yêu cầu sự giúp đỡ từ các thành viên neej tsa. Các thành viên này sẽ giúp đỡ theo tinh thần có đi, có lại.
Tính dòng họ của người Mông không chỉ được ứng dụng để lý giải cho thế giới sống trên cõi hữu hình, nó còn được ứng dụng cho thế giới linh hồn ở cõi vô hình của người Mông. Những người chết thuộc cùng một dòng họ được tin là sẽ có phần linh hồn trở về cùng một khu vực và gia nhập hệ thống gia tiên. Những người đàn ông còn sống của dòng họ có trách nhiệm nuôi dưỡng những linh hồn đã chết này bằng việc gọi cơm cúng mỗi dịp có lễ lớn như có mùa vụ cơm mới, ngô mới, có tiệc tết hay đón thành viên mới trong gia đình. Những linh hồn đã chết này sẽ phù hộ bình an, thịnh vượng và cân bằng cho thế giới của những người sống.
Những người sống không có dòng họ bởi bất cứ một lý do nào đó, như mồ côi cả cha mẹ và không có người nhận nuôi thì cần gia nhập vào một trong các dòng họ trong khu vực để được hệ thống thần linh và gia tiên phù hộ. Hệ thống này giữ cho xã hội Mông được cân bằng cả trên cõi hữu hình và cõi vô hình để không gây ra tình trạng ốm đau, bệnh tật, nghèo khổ.
Hôn nhân ở người Mông cần có một tiến trình được ghi nhận bởi cộng đồng thông qua các bữa tiệc và lễ. Cuộc hôn nhân của người Mông bắt đầu được tính khi người con gái được đưa về nhà trai một cách chính thức. Sự chính thức này được công nhận bởi những người sống thuộc cõi hữu hình là bà con lối xóm và các thành viên trong gia đình, dòng họ đến dự tiệc, chứng kiến các nghi lễ được tiến hành đầy đủ và cả sự chứng kiến của cõi vô hình là linh hồn của tổ tiên (yawg koob poj koob), các vị thần gắn chặt với ngôi nhà có thần (dab qhuas) của gia đình người chồng. Tiến trình này kết thúc bằng hôn lễ (rooj tshoob) nếu nó thành công.
Về cơ bản, ở người Mông có hai dạng hôn nhân lớn: Hôn nhân dựa trên nguyện vọng của cô dâu, chú rể hoặc ít nhất là chú rể, được gọi là “cô dâu lấy về” (nyab yuav); hôn nhân dựa trên sự sắp xếp của bố mẹ sẽ được gọi là “cô dâu đặt cưới” (nyab qhaib). Dù vậy, tùy thuộc vào sự tồn tại hay không của tình yêu và tính tự quyết của cô dâu và chú rể mà cách thức để lựa chọn đưa nhau về ra mắt gia đình nhà chồng và tổ chức tiến trình hôn nhân là khác nhau.
Có những trường hợp lựa chọn hôn nhân diễn ra theo hình thức đặt cưới nhưng vẫn dựa trên nguyện vọng của cô dâu và chú rể, dù số này ít gặp trên thực tế. Còn ở hình thái hôn nhân “cô dâu lấy về” sẽ tồn tại nhiều hình thái khác nữa: Nếu cô dâu và chú rể hoàn toàn chủ động kết hôn dựa trên tình yêu và nguyện vọng chung, thì họ thường lựa chọn theo nhau về nhà trai ra mắt rồi sau đó sẽ tổ chức quá trình đàm phán hôn nhân và hôn lễ. Hình thức này chiếm số lượng lớn trong xã hội Mông được gọi chung là “đón dâu” (coj nyab) hoặc “theo chồng” (lawv vauv). Nếu chú rể gượng ép một người con gái nào đó làm vợ, anh ta có thể lựa chọn tổ chức “kéo vợ” (hai nyab) với sự tham gia hỗ trợ của các thành viên trong dòng họ. Lằn ranh giữa “đón dâu”, “theo chồng” và “kéo vợ” là tương đối mong manh, đôi khi tùy vào từng trường hợp cụ thể và góc nhìn khác nhau mà khác nhau. Ngoài ra, gia đình nhà trai có thể tổ chức phái đoàn đến thẳng nhà gái hỏi cưới, được gọi là “đến nhà hỏi cưới” (nyaam/nqis tsev hais). Việc lựa chọn các hình thức hôn nhân khác nhau này nhiều khi là để hợp lý hóa thủ tục diễn ra hôn lễ sau đó và đảm bảo tối ưu hóa việc giảm tiền thách cưới cho nhà trai. Thường những cô dâu do “đến nhà hỏi cưới” và “đặt cưới” sẽ bị nhà gái thách cưới lớn hơn những cô dâu do “kéo vợ” về, còn những cô dâu do “kéo vợ” về sẽ thách cưới cao hơn những cô dâu do chủ động kết hôn thông qua “đón dâu” hoặc “theo chồng”.