Tự do trong tình yêu và hôn nhân ở người Mông

Độ tuổi cụ thể không tồn tại trong văn hóa và ngôn ngữ của người Mông, thay vào đó, họ quan tâm đến các giai đoạn phát triển bản thân gắn liền với sự kiện cộng đồng. Một người Mông về cơ bản sẽ trải qua tiến trình phát triển về mặt sinh học như sau: thai nhi (me nyuam hauv plab), trẻ sơ sinh (me nyuam mos liab) tính từ khi đứa trẻ được sinh ra cho đến khi hết bú mẹ; trẻ em (me nyuam) tính từ khi đứa trẻ hết bú mẹ đến khi có dấu hiệu có khả năng sinh sản thông qua biểu hiện dậy thì; thanh thiếu niên độc thân (hluas nkauj hluas nraug) tính từ khi có dấu hiệu dậy thì đến lúc kết hôn; người lớn (neeg laus) tính từ khi kết hôn đến hết đời.

Là một nền văn hóa mang nặng tính cộng đồng, người Mông rất để ý đến trạng thái xã hội liên quan đến hôn nhân của một cá nhân. Những trạng thái xã hội này bao gồm: độc thân, đang đàm phán hôn nhân, đã kết hôn. Tùy vào từng trạng thái xã hội mà mỗi người Mông thể hiện tình cảm với đối phương là khác nhau. Tất cả những người Mông độc thân sẽ được tự do yêu đương với những người độc thân khác dòng họ và những người này không có trách nhiệm chung thủy. Nhất là những cô gái người Mông, những người được kỳ vọng phải cởi mở và thân thiện với tất cả mọi người. Ban ngày, những người này phải tham gia vào các công việc gia đình, ban đêm sẽ là thời gian để họ đi tìm kiếm bạn tình. Mus ua si nghĩa là đi chơi, gần như được hiểu mặc định để chỉ hành động đi tìm kiếm bạn tình vào ban đêm của những người độc thân. Theo cách này, những chàng trai sẽ đi đến nhà của cô gái, đứng ngoài vách còn cô gái ở bên trong buồng, qua đó tâm sự với nhau bằng những lời thì thầm.

Cơ hội để những người này tìm hiểu nhau thường chỉ đến ở trong những ngày Tết. Đó là lý do hội Tết từng kéo rất dài từ tận ngày mùng 2 đến 14 Tết trong văn hóa Mông. Trong khoảng thời gian diễn ra hội Tết này, ban ngày những người độc thân sẽ ra chơi hội, ở đó họ sẽ ném cho nhau những quả pao, tổ chức những trò chơi đánh yến để thông qua đó tìm hiểu về tính cách, con người đối phương. Ban đêm, họ lại tâm sự, hẹn hò nhau bên vách qua những lời thì thầm.

Cần phải nói thêm rằng, những cô gái người Mông không nhất thiết phải thụ động như những đóa hoa chờ con bướm đến đậu. Thay vào đó, họ được tự do thể hiện tình cảm cá nhân với bất cứ chàng trai nào họ thích. Tại hội Tết, những cô gái cầm trên tay quả pao tự thêu từ vải vụn như những quả bóng đại diện của tình yêu. Những quả pao được cô gái ném về phía chàng trai cô ưng, qua đó mở đầu cho việc tâm sự, chuyện trò lứa đôi.

Những người tham gia mus ua si hoàn toàn có thể có quan hệ tình dục trước hôn nhân. Việc này không bị cấm ở người Mông. Tuy vậy, việc có thai trước hôn nhân sẽ khiến những cô gái Mông bị trừng phạt rất nghiêm khắc, bao gồm cả kỳ thị xã hội và thụt giảm cơ hội kết hôn với các chàng trai trẻ độc thân trong tương lai.

Những cô gái Mông tuyệt đối không thể sinh con trong ngôi nhà gắn liền với hệ thống thần linh (tsev dab qhuas) của bố mẹ. Bởi những cô gái ngay từ khi sinh ra đã được xác định là khách trong nhà; một ngày không xa những cô gái sẽ kết hôn và trở thành thành viên gia đình chồng cô. Do đó, việc những cô gái sinh nở trong ngôi nhà của bố mẹ đẻ sẽ để lại hệ lụy lớn về tâm linh, khiến những ngôi nhà có thần mất thiêng, qua đó khiến những người trong nhà này bị thần linh bỏ qua mà không phù hộ, dễ dẫn đến tai họa. Do đó, những cô gái không chồng có thai sẽ phải sinh con ở ngoài nhà và những đứa con được sinh ra sẽ không được toàn bộ hệ thống thần linh của người Mông phù hộ. Như thế, việc có thai ngoài hôn nhân là một điều cấm kị cả trong cuộc sống xã hội và trong văn hóa tâm linh ở người Mông.

Trong khi đó, những người đang trong quá trình đàm phán hôn nhân và đã kết hôn được kỳ vọng phải chung thủy và không được hẹn hò với một người thứ ba. Nếu một người đang trong quá trình đàm phán hôn nhân và đã kết hôn bị phát hiện hẹn hò với người thứ ba, họ sẽ bị trừng phạt cộng đồng, bao gồm phạt tiền và của cải để “rửa mặt” cho gia đình và dòng họ người bị hại và sự kỳ thị xã hội của tất cả mọi người.

Trong xã hội của người Mông, một người thuộc giai đoạn thanh thiếu niên hluas nkauj hluas nraug và người lớn neeg laus, việc xác định trạng thái mối quan hệ là cực kỳ cấp thiết và nó sẽ được xác định bởi sự công nhận có tính cộng đồng. Những người chưa tổ chức một lễ cộng đồng nào để báo cáo trạng thái mối quan hệ được hiểu là “gái trẻ” hluas nkauj hoặc “trai trẻ” hluas nraug. Những người này được toàn quyền yêu đương, tán tỉnh bất cứ một cá nhân cũng trong trạng thái độc thân khác dòng họ.

Một người trong trạng thái không độc thân là người đã có lễ báo cáo cộng đồng, thường là một bữa ăn uống với sự chứng kiến của hàng xóm, các thành viên dòng họ. Lễ ăn uống này thường gắn với thịt gà, thịt lợn, do đó, trong dân gian hay có câu “gà đã chảy máu tai, lợn đã chảy máu mũi (qaib los ntshav ntses, npua los ntshav ntsws)” để chỉ người đã được xác định có trong mối quan hệ với một người khác được cộng đồng công nhận. Các trạng thái mối quan hệ này có thể bao gồm: đính hôn qhaib (thông qua ít nhất một bữa tiệc tổ chức tại nhà gái ngay tại thời điểm đính hôn), đang đàm phán hôn nhân tseem hais (thông qua những bữa tiệc thuộc tiến trình hôn nhân), đã kết hôn sib yuav (thông qua lễ cưới), đã ly hôn sib nrauj (thông qua một bữa tiệc tổ chức tại nhà của một trong các thành viên dòng họ nhà chồng, thường là ngay tại nhà chồng hoặc nhà của người phân xử cuối cùng).

Tư duy người độc thân được toàn quyền yêu đương này chính là nền tảng cho sự tồn tại của thực hành bắt vợ, bắt chồng trong văn hóa Mông. Những cô gái, chàng trai người Mông hoàn toàn có thể bị bắt phải kết hôn với một người họ không có tình yêu mà họ vẫn phải có trách nhiệm đối với cuộc hôn nhân đó. Tiếng Mông có một câu thành ngữ rất nổi tiếng: Leeg tws tes npab, yog tws nyab; Leej tws tes ntev, yog tws sev; nghĩa là “ai xuống tay trước là vợ người đó”.

Như vậy, tình yêu là một sự tự do trong văn hóa Mông; nhưng đó là một sự tự do có giới hạn, có khuôn khổ. Tất cả những người độc thân đều có toàn quyền tự do yêu đương với những người độc thân khác, bao gồm cả việc quan hệ tình dục. Tuy vậy, việc có con ngoài hôn nhân sẽ để lại nhiều hệ lụy cả trong cuộc sống xã hội và văn hóa tâm linh. Dù thế, người Mông lại không tập trung vào giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản cho con cái, đó là một khoảng trống cần các chương trình giáo dục như trường học, các tổ chức phát triển và cả xã hội chú tâm, qua đó hạn chế những đau khổ không đáng có trong tình yêu của người Mông.