Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Những cái Tết đặc biệt trong đời quân ngũ của tôi

Thời điểm cuối năm 1945, đầu năm 1946 là khoảnh khắc vô cùng đáng nhớ đối với bản thân tôi và trong ký ức của toàn thể người dân Việt Nam thời bấy giờ. Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước ta từ phải chịu ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân gần 1 thế kỷ thì nay đã giành được độc lập. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ, lần đầu tiên được làm một người dân của một nước tự do, dân chủ. Cái vui sướng nhất của Tết đầu tiên không phải là mâm cao cỗ đầy mà là bầu không khí hân hoan độc lập, tự do. Sau này, khi xem những hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập vẫn luôn khắc ghi trong tâm trí của tôi.

Ngày 6/1/1946, cả nước tiến hành bầu cử Quốc hội khóa I là thời điểm đấu tranh gay gắt giữa địch và ta. Mọi nguồn lực đều tập trung cho việc bầu cử Quốc hội. Ở quê hương tôi lúc bấy giờ, các đối tượng phản động tìm mọi cách chống phá quyết liệt. Tất cả mọi người mà trước hết là thanh niên như tôi đã tập trung đi vận động người dân để bỏ phiếu cho những đại biểu mà Việt Minh giới thiệu. Và cuối cùng thắng lợi đã về tay nhân dân. Cái Tết đầu tiên là cái Tết thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, là cái Tết của nước Việt Nam độc lập, đi kèm với đó là những lo âu, bộn bề khi chính quyền cách mạng còn non trẻ, phải đối phó với thù trong giặc ngoài.

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Ảnh tư liệu
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Ảnh tư liệu

Trước Tết Giáp Ngọ năm 1954, đơn vị của tôi là Trung đoàn 101, Đại đoàn 325 đã vượt biên giới Việt – Lào thực hiện chiến dịch Trung – Hạ Lào để phối hợp, hiệp đồng với chiến trường Điện Biên Phủ là chiến trường trọng yếu. Lúc đó, đơn vị của chúng tôi đang ào ào tấn công để tiêu diệt 2 tiểu đoàn Âu Phi của Pháp, giải phóng thị xã Thà Khẹt, rồi phát triển xuống Hạ Lào, giải phóng thị xã A-tô-pơ và cao nguyên Bô-lô-ven.

Người lính ăn Tết trên chiến trường bằng chiến thắng. Lúc ấy, mọi người trong đơn vị không nghĩ đến Tết nữa mà chỉ nghĩ đến chiến thắng, nghĩ làm sao phối hợp với chiến trường quan trọng số một tại Điện Biên Phủ. Một nét nổi bật trong Chiến dịch Trung – Hạ Lào là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cánh, các hướng; giữa nhân dân, bộ đội Việt Nam với nhân dân và quân giải phóng Pathet Lào. Ta đã thực hiện tốt yêu cầu chiến lược là buộc tướng Nava (Pháp) phải tiếp tục phân tán khối cơ động chủ lực trên chiến trường chính Bắc Bộ và các khu vực khác, buộc địch phải đánh theo cách mình đã cài sẵn thế trận. Ta đã từng bước chuyển hướng tiến công, đánh vào những vùng quan trọng về chiến lược nhưng mỏng, yếu của địch, nhằm chia cắt, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực của chúng, mở rộng vùng giải phóng và kéo căng địch ra. Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tổng kết rằng: “Trong thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ có công lao to lớn của mặt trận Bình – Trị – Thiên”.

Liên quân Lào - Việt trong kháng chiến chống Pháp, năm 1950. Ảnh: TTXVN
Liên quân Lào - Việt trong kháng chiến chống Pháp, năm 1950. Ảnh: TTXVN

Tết Mậu Thân 1968, việc tiếp tế từ hậu phương miền Bắc vào Tây Nguyên còn gặp nhiều khó khăn. Vậy nên Tết ấy cũng không có gì, thậm chí bộ đội còn phải nhường gạo cho Nhân dân ăn Tết, còn mình thì ăn sắn. Tôi nhớ, trước mùng Một Tết thì không có Tết theo đúng nghĩa, chỉ hy vọng sau thời điểm đó chúng ta sẽ chiến thắng, giải phóng các thành phố, thị xã để có thể đón Tết cùng nhân dân.

Vào đúng đêm Giao thừa, các lực lượng vũ trang quân Giải phóng bất ngờ tiến công rộng khắp tất cả các thành phố lớn, thị xã, quận lỵ, phát động quần chúng nổi dậy, đập tan bộ máy cơ sở của ngụy quyền ở nhiều vùng trên toàn miền Nam. Thực tế khi đó, tại Tây Nguyên, chúng ta đã tấn công, chiếm giữ được 3 thị xã lớn gồm Buôn Ma Thuột, Pleiku, Kon Tum. Ta đã bất ngờ đánh chiếm hầu hết các mục tiêu chủ yếu, phát triển được thế tiến công nhanh, sắc bén khiến cho địch trở tay không kịp. Năm 1968 được xem là năm mà cuộc tổng tấn công và nổi dậy thắng lợi chiến lược về chính trị, ngoại giao. Tết năm đó của bộ đội Tây Nguyên cũng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc.

Bộ đội hành quân trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968; Quân giải phóng, lực lượng biệt động, đặc công nhận nhiệm vụ và tuyên thệ trước giờ xuất kích; Sáng 2/1/1968, quân giải phóng tập kích vào cụm đóng quân của địch ở Bà Chiêm (Tây Ninh); Quân đội ta tiến vào thành nội Huế Tết Mậu Thân, ngày 2/2/1968. Ảnh: TTXVN
Bộ đội hành quân trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968; Quân giải phóng, lực lượng biệt động, đặc công nhận nhiệm vụ và tuyên thệ trước giờ xuất kích; Sáng 2/1/1968, quân giải phóng tập kích vào cụm đóng quân của địch ở Bà Chiêm (Tây Ninh); Quân đội ta tiến vào thành nội Huế Tết Mậu Thân, ngày 2/2/1968. Ảnh: TTXVN

Sau Tổng tiến công và nổi dậy, địch tập trung đánh phá nhằm phá hủy tuyến tiếp viện của quân ta. Đến đầu năm 1969, suốt mấy tháng trời, những chuyến xe của Bộ Tư lệnh 559 không thể vào được mặt trận Tây Nguyên. Việc tiếp tế gạo, đạn dược, thuốc men có lúc gần như tê liệt, mặt trận B3 gần như khánh kiệt. Bộ đội phải cắt bớt khẩu phần ăn, đói khổ vô cùng. Anh em thay nhau vào rừng, đào sâu để kiếm củ mài, đem xuống suối rửa sạch, rồi cắt lát nấu cháo, hái rau rừng làm canh… Cái Tết năm đó là cái Tết đầy khó khăn, thiếu thốn nhưng thắm đượm tình đồng chí, đồng đội giữa rừng sâu đại ngàn.

Có lẽ suốt 10 năm trên chiến trường Tây Nguyên đầy ác liệt, với đói rét, bệnh tật và biết bao gian khổ, hy sinh luôn cận kề, chúng tôi đã có một cái Tết trọn vẹn nhất cả về vật chất lẫn tinh thần. Chúng tôi được ăn Tết như miền Bắc và sau đó là thực hiện một chiến thắng vang dội làm đảo lộn hoàn toàn thế chiến lược trên chiến trường toàn miền Nam bằng Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3/1975, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Lúc bấy giờ, đường dây 559 đã thông suốt. Tất cả các căn cứ hậu cần của ta ở khu vực phía Tây Đắk Lắk đã tràn ngập lương thực, thuốc men, vũ khí, đạn dược… Cho nên trước khi vào chiến dịch, Bộ Tư lệnh mặt trận B3 đã tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ ăn Tết. Năm ấy có lẽ là năm có Tết hoàn toàn đúng nghĩa: có bánh chưng nhân thịt, có đậu xanh từ miền Bắc gửi vào, có thịt hộp, thuốc lá “Thăng Long”, “Điện Biên”. Bên hậu cần cho phép cất rượu bằng “sắn” để mỗi chiến sĩ có một chén rượu đón Tết. Mùa Xuân năm ấy, hoa phong lan nở khắp các cánh rừng Tây Nguyên, đủ các sắc hoa xanh, đỏ, tím, vàng khiến lòng người càng thêm rạo rực.

Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tham mưu trưởng chiến dịch Nguyễn Quốc Thước cùng các đồng chí lãnh đạo tại Sở chỉ huy mặt trận giải phóng Tây Nguyên tháng 3/1975.
Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tham mưu trưởng chiến dịch Nguyễn Quốc Thước cùng các đồng chí lãnh đạo tại Sở chỉ huy mặt trận giải phóng Tây Nguyên tháng 3/1975.

Giây phút Giao thừa Tết Ất Mão 1975, chúng tôi cảm thấy điều gì đó thiêng liêng lắm, đặc biệt lắm. Sau bao nhiêu năm chiến đấu đầy hy sinh gian khổ, tôi và đồng đội có cảm giác thắng lợi cuối cùng nay đã gần kề. Lúc đó ai cũng sục sôi, nung nấu ra trận, bởi ý chí thống nhất đã ngấm vào huyết quản mỗi người Việt Nam yêu Tổ quốc.

Chúng tôi luôn có một niềm tin sắt đá rằng, lịch sử đã được viết ra từ trước qua di chúc linh thiêng của Bác: “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Và sau đó, điểm hẹn của lịch sử đã gọi tên Buôn Ma Thuột – trận đột phá khẩu chiến lược. Đòn điểm huyệt tại Buôn Ma Thuột là một trong những trang đẹp nhất về nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Từ rừng núi về đồng bằng là bao nhiêu ao ước, khát khao. Các đơn vị của ta từ dãy Trường Sơn vượt đèo cao suối sâu đang xốc tới mặt trận. Đó là sức mạnh của dòng chảy đã dồn nén 30 năm của cuộc chiến giành tự do, độc lập. Những người lính trí dũng của Bác Hồ, bằng máu, mồ hôi, bằng quyết tâm không gì lay chuyển nổi tiếp tục tiến ra phía trước trong thế trận mới, thời cơ mới, để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc thân yêu.

Quân giải phóng miền Nam tấn công sân bay Tân Sơn Nhất; Xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc lập; Nhân dân Sài Gòn đón chào quân Giải phóng tiến vào thành phố ngày 30/4/1975. Ảnh: TTXVN - Life
Quân giải phóng miền Nam tấn công sân bay Tân Sơn Nhất; Xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc lập; Nhân dân Sài Gòn đón chào quân Giải phóng tiến vào thành phố ngày 30/4/1975. Ảnh: TTXVN - Life

Sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam chưa kịp khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, lại phải chịu thiệt hại, thương vong to lớn từ chính sách gây chiến của tập đoàn Pôn Pốt – Iêng Xari. Quân và dân Việt Nam đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng, chính nghĩa của mình, đồng thời đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của nhân dân Campuchia anh em, cứu giúp đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.

Những ngày đầu năm 1979, các đơn vị của tôi thuộc Quân đoàn 3 đã vượt sông Mê Kông đập tan tuyến phòng ngự của quân Pôn Pốt do Son Sen – Bộ trưởng Quốc phòng chỉ huy để giải phóng thị xã Công Pông Chàm, mở thông cánh cửa quan trọng tiến vào Phnôm Pênh. Bộ binh, tăng thiết giáp, pháo binh và không quân cùng phát triển tiến công, hiệp đồng binh chủng nhịp nhàng. Các đơn vị của quân ta nhanh chóng đập tan mắt xích phòng ngự phía Bắc Phnôm Pênh. Ngày 7/1/1979, Thủ đô Phnôm Pênh đã hoàn toàn giải phóng.

Thời điểm đó, chúng tôi không được đón Tết trên quê hương, nhưng điều quan trọng là Quân đội nhân dân Việt Nam đã chiến đấu vì chính nghĩa, nêu cao tinh thần quốc tế cao cả, mang lại sự hồi sinh cho đất nước và nhân dân Campuchia, sau đó tiếp tục lên đường bảo vệ biên giới phía Bắc.

Năm 1949, tôi đi bộ đội thì mãi đến năm 1984, tức sau 35 năm trời, tôi mới được về ăn Tết với gia đình một bữa. Thời điểm đó, tôi được phân công về công tác tại Quân khu 4. Đây là “Tết đoàn viên” trong cuộc đời tôi, cái Tết đầu tiên có cả 4 cha con mẹ con. Hồi đó còn khó khăn lắm, tiêu chuẩn chỉ có ít thịt, đậu, nếp nhưng là cái Tết đặc biệt nhất trong đời tôi.

Cả cuộc đời tôi dành trọn cho Đảng, cho đất nước, qua bao cuộc chiến đấu gian lao, khi tôi trở về từ chiến trường Campuchia thì mẹ tôi đã không còn nữa. Còn người vợ hiền của tôi thì cũng đã phải chịu nhiều thiệt thòi, không có tuổi thanh xuân bên chồng. Trong suốt 10 năm ở Tây Nguyên thì chỉ hai năm 1967-1968, tôi nhận được 2 lá thư của vợ tôi, nhưng khi mở ra thì không đọc được. Trời mưa gió trong suốt dọc đường nên khi thư đến tay thì đã ướt nhòe cả. Lúc bấy giờ tôi chỉ biết được rằng vợ con đang còn sống, còn từ năm 1969 đến năm 1975 thì biệt tăm không có một thư từ nào. Sự chia ly và mất mát đã khiến tôi đón nhiều cái Tết trong nỗi nhớ thương nhưng luôn tự động viên bản thân cố gắng vượt qua, gác lại việc riêng để tập trung chiến đấu.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và phu nhân trong bộ ảnh “Tướng trận thời bình” của nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn, đoạt Huy chương Vàng thể loại Chân dung tại cuộc thi nhiếp ảnh tại Paris (Pháp) năm 2014.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và phu nhân trong bộ ảnh “Tướng trận thời bình” của nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn, đoạt Huy chương Vàng thể loại Chân dung tại cuộc thi nhiếp ảnh tại Paris (Pháp) năm 2014.

Nay chiến tranh đã lùi xa, nhưng mỗi khi Tết đến luôn là dịp tôi thắp nén tâm hương tưởng nhớ đến công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện Đảng ta và Quân đội ta. Tưởng nhớ đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Anh cả của Quân đội ta cùng các bậc lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bậc chỉ huy, tướng lĩnh, các anh hùng, liệt sỹ, thanh niên xung phong,… đã cống hiến và hy sinh vì Tổ quốc. Tết năm nay là một cái Tết nhiều cảm xúc với những trăn trở của nhân dân cả nước nói chung và quê hương Nghệ An nói riêng, khi nhiều đồng bào và cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 năm vừa qua.

Trong thời gian tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, thế hệ chúng tôi – những người con của quê hương xứ Nghệ luôn mong muốn cán bộ và nhân dân tỉnh nhà tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng của quê hương Xô Viết anh hùng để đồng sức, đồng lòng trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nỗ lực phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ những việc đơn giản, dễ làm. Bên cạnh đó, cần phải luôn bảo đảm tốt công tác Quốc phòng – An ninh; quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nỗ lực phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người xứ Nghệ để tạo nên “kỳ tích sông Lam”, sớm trở thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc và cả nước như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn./.

Một góc thành phố Vinh nhìn từ núi Dũng Quyết. Ảnh: Sách Nguyễn
Một góc thành phố Vinh nhìn từ núi Dũng Quyết. Ảnh: Sách Nguyễn