Trải qua mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, xứ Nghệ nơi có núi Hồng – sông Lam là vùng địa linh nhân kiệt với truyền thống văn hóa Lam – Hồng đặc sắc. Mảnh đất có khí hậu khắc nghiệt đã hun đúc nên tinh thần và ý chí của con người nơi đây. Từ ngày có Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, hàng vạn con người chân trần chí thép đã được cách mạng tôi luyện, phong trào Xô viết Nghệ – Tĩnh bùng lên như ngọn đuốc sáng rực, để một lần nữa minh chứng cho tinh thần đấu tranh anh dũng, quật cường của nhân dân xứ Nghệ.
Xứ Nghệ là mảnh đất sản sinh ra nhiều tướng lĩnh anh hùng. Từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công cho đến nay, quê hương Nghệ An đã có hàng trăm người con ưu tú được phong quân hàm cấp tướng. Nhiều vị tướng thuộc lớp cán bộ tiền bối, lão thành cách mạng, như các đồng chí: Trương Văn Lĩnh, Phùng Chí Kiên, Chu Huy Mân, Trần Văn Quang,… cho đến thế hệ tướng lĩnh sau này, có một vị tướng được nhiều người biết đến, kính trọng. Thời chiến ông xông pha trận mạc, thời bình ông là người đại biểu của nhân dân. Đó chính là Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, ông là Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước sinh ngày 3/2/1926, tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An trong một gia đình thuần nông. Người Nghệ An xưa có câu hò: “Quê tôi mía ngọt Nam Đàn, ngon khoai chợ Rộ, thơm cam Xã Đoài”. Vùng đất Xã Đoài (xã Nghi Diên) không chỉ nổi tiếng với đặc sản cam “giọt vàng như mật ong” mà đây là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều danh tướng trải qua nhiều đời. Nền tảng quê hương và gia đình đã hun đúc nên truyền thống hiếu học, trung thực, giữ đạo nghĩa, chẳng nề hà khó khăn, gian khổ trong Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.
Năm 1944, chàng thanh niên Nguyễn Quốc Thước học tại Trường Quốc học Vinh, rồi tốt nghiệp bằng đíp-lôm (diplôme). Ông tâm sự, thời bấy giờ học đến bằng đíp-lôm là cao lắm, sau đó sẽ học thêm để làm chốn quan trường, nhưng trong thời buổi bình minh của cách mạng, ông quyết định nghỉ học về nhà cày ruộng và chờ đợi thời cơ để đi theo cách mạng. Đến tháng 4/1945, ông được kết nạp bí mật vào Việt Minh, đến năm 1947 làm Bí thư Huyện đoàn Nghi Lộc. Từ đó, ông nhận nhiều công tác quan trọng tổ chức giao trong khởi nghĩa giành chính quyền và xây dựng chính quyền mới sau ngày độc lập.
Cuộc đời binh nghiệp của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước trải qua nhiều khó khăn, gian khổ, gắn liền với những cuộc chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Trong gần 50 năm công tác, ông tham gia chiến đấu khắp các mặt trận Bắc – Trung – Nam, ở cả 3 chiến trường Việt Nam – Lào – Campuchia; đánh hàng trăm trận lớn, nhỏ, trong đó, có những trận đánh do ông trực tiếp chỉ huy được Bác Hồ gửi thư khen ngợi, như trận Chư-Pa ở Tây Nguyên (tháng 1/1969) do ông làm Trung đoàn trưởng.
Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975 là chiến dịch then chốt làm thay đổi cục diện chiến trường toàn miền Nam để tiến tới ngày toàn thắng. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước là Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên, là người “kiến trúc sư trưởng” của tập thể cán bộ tham mưu đầy tài năng dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, đã xây dựng phương án tấn công địch không có phòng ngự, đỉnh cao của nghệ thuật nghi binh “dương Đông, kích Tây”, “tương kế, tựu kế”.
Quả thật, từ Hà Nội cho đến Sài Gòn chỉ chưa đầy “2 giờ” bay. Nhưng cũng con số 2 đó và trên quãng đường đó, biết bao người lính như ông đã phải đi hơn “20 năm” trên dải Trường Sơn tột cùng gian khổ để thực hiện cuộc trường chinh của dân tộc, tiến tới ngày non sông thu về một mối. Thế mới thấy, cái giá của độc lập, thống nhất to lớn biết chừng nào.
Là đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An các khóa VIII, IX, X, tên tuổi và những dấu ấn của ông trong suốt 3 nhiệm kỳ Quốc hội vẫn lưu giữ trong ký ức của nhiều người. Ông nổi tiếng với những phát biểu, chất vấn thẳng thắn, trách nhiệm và được nhiều người ví là “lò thuốc súng giữa nghị trường”... Về điều này, ông cho rằng: “là đại biểu của dân thì phải nói được ý dân và dù nói theo góc độ nào thì cũng trên tinh thần xây dựng, vì sự phát triển chứ không có nghĩa nói đụng chạm là “chọc phá”, là khích bác ai đó”.
Đánh giá về ông, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão từng nhận xét: “Tôi nghĩ rằng, người Nghệ An có nhiều tấm gương trong sáng từ các thế hệ trước cho đến nay. Nhưng mà thế hệ tôi được gặp gỡ, tiếp xúc thì tôi thấy Trung tướng Nguyễn Quốc Thước là một con người rất tiêu biểu cho tính cách của người Nghệ An, đó là sự kiên cường, tâm huyết, sống trung thực, chân thành và có nhiều ý kiến đóng góp sắc sảo cho Quốc hội. Ai cũng ca ngợi về sự thẳng thắn, chính trực của ông”.
Nói về thời gian làm đại biểu Quốc hội, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho biết: “Trong thời gian 15 năm làm Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, điều đọng lại lớn nhất đối với tôi trong quá trình làm Đại biểu Quốc hội đó là những gì Nghệ An làm được đối với Trung ương và Trung ương đối với Nghệ An. Là người con quê hương xứ Nghệ, là một đại biểu dân cử, tôi luôn mong muốn đưa tiếng nói, ý chí, nguyện vọng của cử tri tỉnh nhà đến với Quốc hội để thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của quê hương”.
Và khi nói về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên hiện nay, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho biết: “Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, để tập hợp được lực lượng, vận động được quần chúng; được quần chúng tin tưởng, sẵn sàng tham gia và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, thì người đảng viên, người cán bộ lãnh đạo phải nêu gương”. Người quan niệm: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”; “Nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”.
Kể cả sau này khi đã nghỉ hưu, trước những vấn đề nóng của đất nước, từ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hay tình hình Biển Đông, ông luôn có những góp ý, bình luận sắc sảo được dư luận cả nước đánh giá cao. Ông tâm niệm: “Tôi là một người lính. Tôi và rất nhiều đồng đội đã hy sinh xương máu và những người lính của tôi cũng đã nằm xuống để bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, trong thời bình, còn sức lực tôi còn chiến đấu để bảo vệ quyền lợi của người dân”. Hơn ai hết, vị tướng 96 năm tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng thấu hiểu giá trị của hai chữ “độc lập, tự do” mà biết bao thế hệ đã chiến đấu, hy sinh để có được như ngày hôm nay.
Mối tình giữa Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và người vợ của ông là mối tình son sắt, thủy chung, có thể đại diện cho một thế hệ thanh niên Việt Nam những năm kháng chiến với nhiều hy sinh, gian truân và cách trở.
Cuối năm 1974, ông được Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên cử ra Bắc gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp để báo cáo tình hình và nhận chỉ thị trực tiếp của Đại tướng. Khi biết tin đã hơn 10 năm vào chiến trường Tây Nguyên mà ông chưa ra được Bắc thăm vợ con lần nào, Đại tướng đã rất xúc động về tấm gương hy sinh “việc riêng” để vì việc nước như vậy. Đại tướng đã cử cán bộ để sắp xếp cho hai vợ chồng ở bên nhau sau thời gian đằng đẵng xa cách.
Ông từng tâm sự: “Vợ tôi không có một ngày thanh xuân hạnh phúc, chúng tôi lấy nhau mà chưa được một ngày đi chơi với nhau, như những lứa đôi khác”. Mười lăm ngày sau lần gặp đầu tiên thì ông bà tổ chức cưới. Ở bên vợ được một đêm thì đã phải trở lại đơn vị. Sau đó, ông đi B (vào Nam) gần 10 năm liền không có tin tức gì. Vợ chồng sống sum họp được 5 năm thì bà bị tai biến. Bởi vậy, sau khi ông nghỉ hưu, suốt nhiều năm bà ốm đau, bạo bệnh, ông luôn một mình tự tay chăm sóc, bởi đó là hạnh phúc lớn lao của ông để bù đắp phần nào những hy sinh mà bà đã dành cho ông cả thanh xuân.
Ông thường nghẹn ngào xúc động: “Bản thân tôi thường kể với mọi người rằng tôi có hai người mẹ. Tôi nhớ đến người mẹ đã sinh thành ra tôi, khó khăn, vất vả nuôi tôi khôn lớn, trưởng thành và trở thành người chiến sỹ cách mạng kiên trung của Đảng. Người mẹ thứ hai là người mẹ của các con tôi, người đã thay tôi nuôi dạy các con khôn lớn trở thành những người con có ích cho xã hội. Cả cuộc đời tôi dành trọn cho Đảng, cho đất nước, qua bao cuộc chiến đấu gian lao, khi tôi trở về từ chiến trường Campuchia thì mẹ tôi đã không còn nữa. Còn người vợ hiền của tôi thì cũng đã phải chịu bao thiệt thòi, không có tuổi thanh xuân bên chồng, đến lúc tuổi cao thì lại mắc bạo bệnh, tôi cũng không bù đắp lại được bao nhiêu…”.
Theo cách mạng từ những ngày tiền khởi nghĩa, qua khắp các chiến trường biên giới, Bình – Trị – Thiên, Tây Nguyên, đến Chiến dịch Hồ Chí Minh hay nghị trường Quốc hội nóng gắt phản biện, đấu tranh, dù ở cương vị nào, là thời chiến hay thời bình, ông vẫn không quên nhắc nhở, động viên đồng đội “sống trọn nghĩa, vẹn tình”, phát huy tinh thần “Bộ đội Cụ Hồ”, cống hiến vì Tổ quốc, vì Nhân dân.
Điều ông trăn trở nhất suốt đời binh nghiệp “là còn nhiều lắm những hài cốt liệt sĩ trong chiến tranh, kể cả trên đất mẹ cũng như đất khách vẫn còn chưa tìm lại được”. Ông tâm sự: “Đơn vị của tôi ở Tây Nguyên, cho đến khi tôi hoàn thành nhiệm vụ đã có trên 3,4 vạn liệt sĩ”. Bởi thế, mỗi dịp tháng Bảy tri ân, dù sức khỏe đã rất yếu nhưng vị tướng già vẫn luôn mong muốn có thể tự mình đến thắp hương cho đồng đội, những người đã cùng ông vượt qua mưa bom, bão đạn, vượt qua những gian nguy vì lý tưởng cao đẹp là giải phóng đất nước, giành độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân.
Những ngày đầu năm 2021, hàng trăm cựu chiến binh của Sư đoàn 320 – “Đại đoàn đồng bằng” đứng vây kín sân nhà để chúc mừng thủ trưởng của mình khi nghe tin ông được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Dù đã 96 tuổi, sức khỏe đang rất yếu, tướng Thước vẫn cố gắng nhờ mọi người dìu ra ban công để vẫy tay chào và nói lời cảm ơn với những người lính vào sinh, ra tử cùng mình. Cùng nhau trải qua “một thời hoa lửa”, vị tướng già cùng đồng đội xứng đáng là đại diện tiêu biểu cho một thế hệ thanh niên can trường, có hoài bão, có lý tưởng đã góp sức mình làm nên một Việt Nam anh hùng, một Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục trước gót giày xâm lăng của chủ nghĩa thực dân, đế quốc.