Trung du Thanh Chương và dấu ấn nổi bật qua nửa nhiệm kỳ

Thanh Chương là mảnh đất có bề dày lịch sử văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng; truyền thống hiếu học và khoa bảng. Từ khi chưa có Đảng, ở Thanh Chương đã có tổ chức tiền thân của Đảng. Ngay khi Đảng ta ra đời, Đảng bộ huyện Thanh Chương là một trong những đảng bộ huyện được thành lập sớm nhất trong cả nước, đã trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng của Nhân dân với khí thế sục sôi. Điển hình là cuộc tổng biểu tình của 2 vạn nông dân Thanh Chương với khí thế “triều dâng, thác đổ” vào ngày 01/9/1930, lập nên chính quyền Xô Viết điển hình ở hầu khắp các làng xã trong huyện.

Cuộc biểu tình lịch sử 01/9/1930 ở Thanh Chương được coi là mốc mở đầu đánh dấu sự ra đời của chính quyền Xô Viết ở Nghệ – Tĩnh, trở thành đỉnh cao của Cao trào cách mạng 1930-1931 trong toàn quốc. Trong Văn kiện Đảng từng ghi: “Cuộc biểu tình dữ dội này chưa từng thấy có ở An Nam bao giờ đã đưa anh em công nông đến một thời kỳ mới, thời kỳ đầu tranh kịch liệt chống lại tư bản đế quốc và địa chủ phong kiến, thời kỳ công nông phải hy sinh cho cách mạng để đòi quyền sống và quyền  tự do”. Ngày 01/9 được Đảng bộ và nhân dân Thanh Chương tự hào chọn làm ngày truyền thống huyện.

Đình Võ Liệt thuộc xã Võ Liệt (Thanh Chương) là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931). Ảnh tư liệu: Huy Thư
Đình Võ Liệt thuộc xã Võ Liệt (Thanh Chương) là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931). Ảnh tư liệu: Huy Thư

Tròn 93 năm, kể từ ngày diễn ra “Cuộc biểu tình dữ dội chưa từng thấy ở An Nam bao giờ”, cán bộ và Nhân dân Thanh Chương, thế hệ này, nối tiếp thế hệ khác nỗ lực  vượt lên gian khổ, khó khăn để xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp và xây dựng quê hương phát triển.

Nhìn lại nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện khoá XXXI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Thanh Chương tiếp tục tạo ra nhiều dấu ấn trong bức tranh kinh tế – xã hội và diện mạo quê hương “thay da, đổi thịt” rõ rệt. Hiện Thanh Chương đã có khá nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả nhờ sự kiên trì tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền, nêu gương làm “mô hình” trước của cán bộ. Thành công nhất là chuyển đổi đất, tính lũy kế đến nay là hơn 480 ha đất lúa, đất màu, đất ngập nước kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn quả, trồng sen, nuôi cá, làm trang trại, gia trại tổng hợp. Điển hình như mô hình bí xanh quy mô trên 50 ha tại các xã Thanh Hòa, Thanh Lĩnh, Thanh Xuân, Thanh Yên, Thanh Chi, Thanh Khê, Đại Đồng…; mô hình khoai tây quy mô 6,5 ha tại các xã Thanh Yên, Phong Thịnh, Thanh Liên; mô hình trồng tỏi quy mô 1,3 ha tại xã Thanh Lĩnh.

Xã Thanh Liên chuyển đổi diện tích sâu trũng bỏ hoang sang trồng sen, đem lại giá trị kinh tế. Ảnh: Mai Hoa
Xã Thanh Liên chuyển đổi diện tích sâu trũng bỏ hoang sang trồng sen, đem lại giá trị kinh tế. Ảnh: Mai Hoa

Trong quá trình sản xuất, người dân đã từng bước nhận thức được việc sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bao gồm hơn 10 ha cam sản xuất theo hướng hữu cơ tại xã Thanh Đức; mô hình trồng tỏi tía tại xã Thanh Lĩnh, trồng cam bù tại xã Phong Thịnh, nuôi ong mật tại xã Thanh Ngọc theo tiêu chuẩn VietGAP.

Nhiều mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, như: Mô hình chăn nuôi gà quy mô 10.000 con/lứa tại xã Thanh Liên; mô hình chăn nuôi vịt quy mô 6.500 con/lứa tại xã Thanh Lâm; mô hình chăn nuôi lợn quy mô 3.000 con/năm tại xã Thanh Lâm và quy mô 1.500 con/năm tại xã Thanh Hương…

Trên địa bàn huyện hiện không còn hiếm nông dân có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Như hộ gia đình ông Trần Điển Vi trồng 5 ha cam theo hướng hữu cơ, 2 ha chè, kết hợp chăn nuôi lớn, mỗi năm đem về doanh thu khoảng 2 tỷ đồng; mô hình nuôi gà 40.000 con/năm của Hợp tác xã Hồng Cường tại xã Thanh Liên có doanh thu khoảng 4,8 tỷ đồng/năm…

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả cao ở các xã Thanh Hà, Thanh Xuân, Thanh Lương và Thanh Lĩnh. Ảnh: Mai Hoa
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả cao ở các xã Thanh Hà, Thanh Xuân, Thanh Lương và Thanh Lĩnh. Ảnh: Mai Hoa

Nửa đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Thanh Chương tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường công tác dân vận trong cán bộ, đảng viên, tập trung thu hút, tạo sự đồng thuận để triển khai, đưa vào sử dụng 4 công trình, dự án trọng điểm được xác định trong nghị quyết đại hội; gồm nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 46C, đoạn Phong Thịnh đi Cát Văn và Quốc lộ 46C tại ngã ba Thanh Liên đi đường Hồ Chí Minh; đường nối Quốc lộ 46C tại Cầu Mồng đi Sơn Tiến (Hà Tĩnh); kè chống sạt lở đảm bảo dân sinh dọc sông Lam, đoạn đi qua các xã: Võ Liệt, Thanh Chi, Phong Thịnh, Thanh Liên, Cát Văn.

Theo chia sẻ của đồng chí Trình Văn Nhã – Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện: Dù trong quá trình xây dựng báo cáo chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, trên cơ sở tính toán nguồn lực đảm bảo, huyện Thanh Chương chưa dám đặt ra việc đầu tư đối với một số công trình, dự án; song nhờ sự quan tâm của tỉnh, sự vào cuộc đồng lòng của Nhân dân, một số công trình, dự án có ý nghĩa đột phát về hạ tầng giao thông của huyện được đầu tư, đưa vào sử dụng. Điển hình là cầu Đò Cung bắc qua sông Lam nối hai huyện Thanh Chương và Đô Lương; đường từ Quốc lộ 46 – xã Ngọc Sơn (huyện Thanh Chương) đi xã Nam Hưng (huyện Nam Đàn), nối Quốc lộ 15A đi Di tích lịch sử Truông Bồn (Đô Lương).

Đồng chí Trình Văn Nhã - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Thanh Lĩnh. Ảnh: Mai Hoa
Đồng chí Trình Văn Nhã - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Thanh Lĩnh. Ảnh: Mai Hoa

Xây dựng nông thôn mới và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – OCOP cũng được coi là dấu ấn của nửa đầu nhiệm kỳ ở Thanh Chương. Ngoài 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới thời điểm cuối năm 2020, trong 2 năm qua, huyện có thêm 5 đạt chuẩn nông thôn mới và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Sản phẩm OCOP lũy kế đến nay là 20 sản phẩm 3 và 4 sao.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Trình Văn Nhã cho rằng: Để có được kết quả đó, trong nửa nhiệm kỳ qua, từ huyện đến cơ sở tập trung dồn sức lực, trí lực và nguồn lực tài chính để thực hiện toàn bộ hệ thống các chỉ tiêu kinh tế – xã hội; triển khai các đề án trọng tâm, trọng điểm của nhiệm kỳ, trong đó tập trung phát triển nông nghiệp, hướng đến nông nghiệp hàng hoá, nông nghiệp công nghệ cao.

Làm đường giao thông tại xã Hạnh Lâm. Ảnh: Mai Hoa
Làm đường giao thông tại xã Hạnh Lâm. Ảnh: Mai Hoa

Chuyển động ở huyện Thanh Chương nửa đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025 không chỉ với những dấu ấn phát triển mới về hệ thống hạ tầng giao thông, trường học, công trình dân sinh, nhiều mảng sáng trong phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, công nghệ cao; mà đó còn là sự chuyển động về tinh thần quyết liệt, sáng tạo, đổi mới trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội từ huyện đến cơ sở.

Đồng chí Nguyễn Hải Dương - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Chương tìm hiểu mô hình trồng cam theo hướng hữu cơ tại xã Thanh Đức. Ảnh: Hữu Thịnh
Đồng chí Nguyễn Hải Dương - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Chương tìm hiểu mô hình trồng cam theo hướng hữu cơ tại xã Thanh Đức. Ảnh: Hữu Thịnh

Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Hải Dương – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Chương cho rằng: Cấp ủy từ huyện đến cơ sở quan tâm đổi mới toàn diện công tác xây dựng Đảng trên các mặt chính trị, tư tưởng; tổ chức và cán bộ; kiểm tra, giám sát; dân vận. Bám sát các nghị quyết của cấp trên và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXXI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, cấp ủy đã cụ thể hóa thành chương trình hành động, nghị quyết, đề án vừa mang tính toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm để tạo bứt phá. Gắn với đó là tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền được huyện chú trọng yếu tố bài bản, chất lượng và rộng khắp; bởi muốn chủ trương, nghị quyết, đề án đi vào cuộc sống thì trước hết mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần phải biết, phải hiểu để từ đó đồng thuận thực hiện.

Lãnh đạo các ban Đảng, Huyện ủy Thanh Chương kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức tại xã Thanh Phong. Ảnh: Mai Hoa
Lãnh đạo các ban Đảng, Huyện ủy Thanh Chương kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức tại xã Thanh Phong. Ảnh: Mai Hoa

Cũng theo đồng chí Nguyễn Hải Dương, trong lãnh đạo, chỉ đạo, cấp ủy phân công rõ việc, rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp cho từng tập thể, cá nhân; lấy kết quả, hiệu quả công việc làm thước đo đánh giá cán bộ; đây cũng là “kênh” để sắp xếp, điều động, luân chuyển cán bộ. Đặc biệt, phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu các cấp, cơ quan, đơn vị, truyền cảm hứng, tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân vì mục tiêu chung là xây dựng quê hương phát triển, cải thiện đời sống người dân. Mặt khác, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo đã tăng cường kiểm tra tiến độ, khi vướng mắc hoặc phát sinh vấn đề, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải trực tiếp cùng với các phòng, ban chuyên môn, cơ quan, đơn vị tìm hiểu nguyên nhân để tháo gỡ.

Từ kết quả và bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo nửa đầu nhiệm kỳ sẽ là động lực quan trọng để Đảng bộ và Nhân dân huyện Thanh Chương tiếp tục nỗ lực tạo ra nhiều kết quả mới trong nửa cuối nhiệm kỳ 2020 – 2025, đưa Thanh Chương trở thành huyện khá tỉnh.

Hệ thống giao thông được tập trung đầu tư, tạo diện mạo mới cho Thanh Chương. Ảnh: Mai Hoa
Hệ thống giao thông được tập trung đầu tư, tạo diện mạo mới cho Thanh Chương. Ảnh: Mai Hoa