Một báo cáo của Sở NN&PTNT dịp cuối năm 2023 thể hiện: Huyện Kỳ Sơn chiếm đến 63% đất trống quy hoạch cho rừng phòng hộ, đặc dụng của cả tỉnh. Số liệu này cho thấy, nhiệm vụ trồng rừng ở huyện Kỳ Sơn là hết sức hệ trọng. Đồng nghĩa, nguồn lực trồng rừng sẽ được ưu tiên vào địa phương này, bao gồm cả nguồn trồng rừng thay thế từ các dự án phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh có liên quan đến đất rừng.
Vậy nhưng, trong năm 2023, đơn vị chủ công trồng rừng của huyện vùng biên này là Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn đã có 2 văn bản báo cáo về việc thực hiện trồng rừng thay thế, nêu lên những khó khăn, vướng mắc để xin tạm dừng không đăng ký!
Cụ thể, vào ngày 16/5/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chỉ đạo về việc đăng ký trồng rừng thay thế tại Văn bản số 1682/SNN-KL thì đến ngày 24/5/2023, Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn có Báo cáo số 115/ BC-BQL hồi đáp. Tại đây, Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn báo cáo qua các buổi tiếp xúc, họp dân tại các cộng đồng thôn, bản trong lâm phần để tuyên truyền các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong công tác trồng rừng thay thế, người dân có ý kiến đơn giá trồng rừng thay thế còn thấp so với các loại hình sản xuất kinh tế khác của địa phương, chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống hàng ngày, không tạo được động lực để thúc đẩy người dân trong việc trồng rừng. Mặt khác, phản ánh việc ban được giao quản lý đất đai nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa được cắm mốc ranh giới quản lý trên thực địa; diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao quản lý trên thực tế có nhiều biến động, sai khác so với diện tích giao theo quyết định nhưng không được điều chỉnh, không có ranh giới rõ ràng, không đủ cơ sở pháp lý. Do đó, dẫn đến công tác rà soát diện tích trồng rừng thay thế rất khó khăn.
Về phong tục, tập quán của người dân, đặc biệt là các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện là thả rông gia súc, gây khó khăn cho việc bảo vệ, chăm sóc các diện tích rừng mới trồng. Bên cạnh đó, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng các vùng trên địa bàn huyện Kỳ Sơn tương đối khắc nghiệt, phân chia thành nhiều vùng có các tiểu khí hậu khác nhau, nên việc lựa chọn cây trồng để sinh trưởng và phát triển phù hợp với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng gặp rất nhiều khó khăn.
Bởi các khó khăn, vướng mắc nêu trên, Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn “không đăng ký trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trong năm 2023 và chuyển việc đăng ký diện tích trồng rừng thay thế sang các năm tiếp theo”; “Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét và có ý kiến tăng đơn giá trồng rừng thay thế phù hợp với điều kiện chi phí thực tế tại địa phương”.
Đến ngày 18/10/2023, khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản đôn đốc, Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn tiếp tục có Báo cáo số 232 /BC-BQL. Tại đây, báo cáo qua rà soát thì có một số diện tích đất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để trồng rừng ở một số xã như Bắc Lý, Bảo Nam, Chiêu Lưu, Huồi Tụ, Keng Đu, Mỹ Lý, Nậm Càn, với diện tích hơn 159 ha. Nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn tiếp tục nhắc lại những khó khăn, vướng mắc đã nêu tại Báo cáo số 115/ BC-BQL ngày 24/5/2023; đồng thời, báo cáo việc “lực lượng bảo vệ rừng mỏng trong khi diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao quản lý lớn dẫn đến thiếu nhân lực để thực hiện công tác chỉ đạo, giám sát việc thực hiện trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng”. Qua đó đề xuất: “Xin phép không thực hiện trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trong năm 2023 và chuyển việc thực hiện trồng rừng thay thế sang các năm tiếp theo”.
Cũng trong năm 2023, hầu hết các đơn vị lâm nghiệp của tỉnh khi nhận được chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đăng ký trồng rừng thay thế thì đều có báo cáo về những khó khăn, vướng mắc để “xin tạm dừng đăng ký”. Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đứng chân trên địa bàn huyện Quế Phong, là nơi được xác định nắm giữ 14% diện tích đất trống quy hoạch cho rừng phòng hộ, đặc dụng của cả tỉnh. Vậy nhưng, trong năm 2023, đã 2 lượt báo cáo (Báo cáo số 51/BC-BQL-KH&HTQT ngày 22/5/2023 và số 94 /BC-BQL-KH&HTQT ngày 19/9/2023) trình bày rõ kết quả rà soát quỹ đất; những khó khăn, vướng mắc, và cũng “xin được tạm dừng đăng ký trồng rừng thay thế”.
Về kết quả rà soát quỹ đất, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đang quản lý 4.389,6 ha đất trống chưa có khả năng trồng rừng hoặc áp dụng các biện pháp lâm sinh khác để phục hồi rừng. Diện tích đất trống này tập trung hầu hết ở xã Tri Lễ, chủ yếu ở nơi cao từ 700 – 1.100m, gần khu vực đồng bào Mông sinh sống, điều kiện giao thông đi lại khó khăn, xa, địa hình đồi núi cao, hiểm trở. Những khó khăn mà Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt nêu ra gồm: “Đối với đồng bào Mông, có tập quán chăn thả gia súc số lượng lớn. Việc lựa chọn cây trồng bản địa phù hợp với điều kiện sinh thái đang hết sức khó khăn. Chi phí định mức đầu tư cho trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng hiện nay còn thấp. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực biên chế còn thiếu nhiều so với yêu cầu nhiệm vụ được giao nên không có đủ nguồn lực để tổ chức triển khai trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, dẫn đến nguy cơ cao có thể trâu, bò, gia súc, vật nuôi của nhân dân trên địa bàn vào phá hoại”.
“Với những lý do khó khăn như trên, việc tổ chức trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ gặp rất nhiều khó khăn, khả năng thành rừng thấp, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt xin được tạm dừng việc đăng ký, xây dựng kế hoạch trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Đối với diện tích đất trống thuộc quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đang tập trung bảo vệ để phục hồi lại rừng theo hướng tái sinh tự nhiên”.
Trao đổi với một số cán bộ lão thành của ngành Lâm nghiệp về những khó khăn hiện hữu trong công tác trồng rừng thay thế, theo họ đó là thực tế. Vì rằng, quỹ đất lâm nghiệp ở những vùng trung du, vùng đồng bằng, có thể thuận lợi để trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thì đã trồng từ nhiều năm trước đây. Quỹ đất trống còn lại của tỉnh quy hoạch trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ tập trung chủ yếu ở các huyện núi cao, nhưng những khu vực này để thực hiện được lại vô cùng khó khăn. Khó khăn không chỉ vì đơn giá thấp dù đã có thay đổi, mà vì từ địa hình, địa mạo, đất đai thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu, việc lựa chọn giống cây bản địa, quá trình vận chuyển, chăm sóc, bảo vệ… Và còn vì việc xử lý mâu thuẫn giữa nghề rừng với nghề chăn nuôi hết sức phức tạp, do nghề chăn nuôi gia súc của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng núi cao đã từ lâu đời là chăn thả rông ở các vùng rừng núi; trong khi ranh giới đất đai của các đơn vị lâm nghiệp lại chưa được rõ ràng, dù trên giấy tờ là thuộc phạm vi quản lý.
Một cán bộ lão thành tâm sự: “Với cán bộ, nhân viên, người lao động ngành Lâm nghiệp, công tác trồng rừng và phát triển rừng là những nhiệm vụ chính yếu. Thế nên, khi xin tạm dừng không đăng ký trồng rừng, có thể hiểu là họ đang gặp khó khăn lớn, rơi vào tình thế bất khả kháng. Nếu đăng ký trồng rừng, sử dụng kinh phí trồng rừng từ ngân sách thì phải tạo được công trình lâm sinh, diện tích trồng phải thành rừng. Nếu kết quả ngược lại, tức là không có rừng thì vừa không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì còn phải hoàn trả kinh phí về ngân sách và có thể bị xem xét trách nhiệm…”.
Ở các huyện núi cao của tỉnh, duy nhất Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương “mạnh dạn” với công tác trồng rừng thay thế. Riêng năm 2023 đã đăng ký trồng rừng với diện tích 140 ha, trên địa bàn 2 xã Mai Sơn, Nhôn Mai; sau đó, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ hơn 73 ha. Sở dĩ “mạnh dạn”, như Trưởng ban Nguyễn Thành Dũng trao đổi vì trồng rừng thay thế là một công tác quan trọng của tỉnh, là nhiệm vụ chính trị của đơn vị, và vì “nghề lâm nghiệp nếu không trồng rừng thì không thể khá lên được”. Trao đổi với ông về những gì đã thấy, đã nghe tại điểm trồng rừng trên đỉnh dốc Càng Hèm, xã Yên Thắng, vị trưởng ban không ngại nhìn nhận sự thất bại có phần cay đắng; đồng thời, cũng thẳng thắn về việc đã động viên cán bộ, nhân viên trong đơn vị nhận khoán trồng rừng, đứng ra vay vốn để họ có kinh phí đầu tư trồng rừng.
Không thoái chí trước những kết quả không vui ở vùng núi Yên Thắng, Lượng Minh…, ông Nguyễn Thành Dũng cho biết, đã đánh giá kỹ các nguyên nhân và có các giải pháp mới: “Chúng tôi đã lựa chọn cây xoan để thay thế cho cây mét, và tổ chức thiết lập lại hệ thống hào, rào chắn ngăn trâu, bò phá hoại. Ban sẽ lập trạm dã chiến, bố trí nhân lực túc trực thường xuyên để hướng dẫn kỹ thuật dưỡng cây giống, đào hố, bón phân trồng, chăm sóc bảo vệ… Sẽ làm quy mô, bài bản nhất có thể để nếu vẫn không thành công thì bản thân cũng tự thấy rằng đã cố gắng hết sức…”.