Tròn việc Đảng, trọn việc dân

Ấn tượng đầu tiên khi đến thăm làng Lung Thượng - ngôi làng có lịch sử hàng trăm năm của đồng bào dân tộc Thổ ở xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Đàn) là khung cảnh yên bình với quy hoạch ô bàn cờ độc đáo, hệ thống đường ngang, lối lại rộng rãi, hai bên trồng đủ loại hoa khoe sắc. Để giữ được nhịp sống vừa truyền thống vừa mang dáng vóc nông thôn mới ấy, ngoài sự chung sức, đồng lòng của người dân còn có vai trò “đứng mũi chịu sào” của Bí thư chi bộ kiêm Xóm trưởng Lê Trọng Mừng.

Dẫn chúng tôi đi một vòng tham quan địa thế và cảnh sắc độc đáo ở làng Lung Thượng, Bí thư chi bộ kiêm Xóm trưởng Lê Trọng Mừng tự hào giới thiệu: Mảnh đất này không chỉ có cảnh quan tươi đẹp, 3 mặt tựa núi, địa hình bằng phẳng (ô bàn cờ vuông vức) mà còn có truyền thống cách mạng, văn hóa lâu đời. Làng Lung vốn là tên gọi chung để chỉ 3 xóm Lung Thượng, Lung Bình và Lung Hạ, nay Lung Bình và Lung Thượng đã được sáp nhập với tên chung là Lung Thượng.

Một góc làng Lung Thượng, xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: KL
Một góc làng Lung Thượng, xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: KL

Theo các bậc cao niên trong làng: Lung theo tiếng Mường là vùng thung lũng, sở dĩ xưa kia ông bà, tổ tiên chọn nơi này để an cư, lạc nghiệp vì địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ. Trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, đồng bào dân tộc Thổ ở làng Lung Thượng vẫn cố gắng lưu giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống như dệt võng gai, may váy áo dân tộc, đánh cồng chiêng, làm bánh gai, bánh kiến… Ngay đầu làng, đối diện sân vận động, dưới bóng cây to râm mát là nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số – nơi tổ chức các sinh hoạt cộng đồng và lưu giữ các kỷ vật truyền thống của đồng bào dân tộc Thổ do người dân hiến tặng. Từ năm 2019, xóm Lung Thượng đã được Đảng ủy, UBND xã Nghĩa Lợi chọn xây dựng thí điểm xóm đồng bào dân tộc thiểu số kiểu mẫu.

Là người gánh “hai vai”, Bí thư kiêm xóm trưởng, ông Lê Trọng Mừng cùng chi ủy, ban cán sự xóm luôn trăn trở tìm giải pháp “dân vận khéo” động viên, khuyến khích nhân dân lưu giữ những nét đặc trưng riêng của người Thổ. Ví như việc thành lập và duy trì CLB cồng chiêng của làng thu hút gần 50 thành viên tham gia ở đủ lứa tuổi. Bà Lê Thị Thiết – Phó Chủ nhiệm CLB cho hay: “Tôi biết đánh cồng chiêng từ năm 13 tuổi. Cồng chiêng là một nét văn hóa độc đáo trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Thổ ở miền Tây xứ Nghệ. Những người đi trước đã nâng niu, trân trọng lưu truyền lại, thì thế hệ con cháu chúng tôi phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn. Bình thường, khi chưa có dịch Covid-19, CLB sinh hoạt 3 tháng/lần. Ngoài ra, chúng tôi thường đánh cồng chiêng vào dịp lễ, tết, đám cưới, đám họ…, tạo không khí vui vẻ, đoàn kết, gắn bó tình làng nghĩa xóm”.

Bà Lê Thị Thiết - Phó Chủ nhiệm CLB Cồng chiêng cho hay cồng chiêng là một nét văn hóa độc đáo trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Thổ ở miền Tây xứ Nghệ; Bí thư, xóm trưởng Lê Trọng Mừng ̣giới thiệu về những đồ vật được trưng bày tại Nhà Văn hóa sinh hoạt cộng đồng. Ảnh: K.L
Bà Lê Thị Thiết - Phó Chủ nhiệm CLB Cồng chiêng cho hay cồng chiêng là một nét văn hóa độc đáo trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Thổ ở miền Tây xứ Nghệ; Bí thư, xóm trưởng Lê Trọng Mừng ̣giới thiệu về những đồ vật được trưng bày tại Nhà Văn hóa sinh hoạt cộng đồng. Ảnh: K.L

Bên cạnh phát triển các ngành nghề khác thì nghề đan võng gai không chỉ mang lại thu nhập cho bà con mà còn là một di sản văn hóa phi vật thể đáng quý của người Thổ ở Lung Thượng. Bởi vậy, xóm Lung Thượng đã chỉ đạo thành lập CLB võng gai với mong muốn duy trì và lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Bà Nguyễn Thị Nội, 61 tuổi, thành viên CLB võng gai cho hay: “Trong làng có nhiều người biết làm võng gai vì đây là nghề truyền thống của cha ông để lại, bình thường phải mất 3 tháng mới đan xong 1 võng để bán cho người địa phương với giá từ 1,5 – 1,8 triệu đồng. Mong ước lớn nhất của tôi là được trao truyền nghề cho con cháu…”.

Bên cạnh đời sống tinh thần, nhờ sự quan tâm của huyện và xã, sự nỗ lực của tập thể đảng viên và nhân dân, Lung Thượng đã có những bước chuyển mình tích cực trong xây dựng nông thôn mới. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” và tinh thần “dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân bàn, dân quản lý, dân hưởng lợi”, cùng với nguồn xi măng do huyện hỗ trợ, cấp ủy, ban cán sự xóm Lung Thượng đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động người dân hiến đất và tài sản để mở rộng và bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Nhờ ý Đảng, lòng dân đồng thuận, với sự đi đầu, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, xóm Lung Thượng đã giải tỏa 500m đường giao thông, 300m tường rào xây, 1.000 cây các loại mở rộng tuyến chính rộng 9m, tuyến phụ rộng 7m. Bên cạnh đó, huy động sức dân trên 1.067.000.000 đồng và trên 700 ngày công hoàn thành được 2.740m đường bê tông với chiều rộng 4,5m (tuyến chính), 3,5m (tuyến phụ).

Theo Bí thư kiêm Xóm trưởng Lê Trọng Mừng, quy hoạch ô bàn cờ đã có từ lâu nhưng lúc bấy giờ đường còn rất nhỏ, để có được những đường ngang dọc, tạo thành những ô vuông vắn, mỗi ô lớn có chiều dài 100m và rộng 60m, trong mỗi ô lớn lại có những ô nhỏ dài 50m và rộng 30m, các tuyến đường đã qua 3 – 4 lần mở rộng và trong những lần đó, nhiều người dân trong làng đã tự nguyện hiến đất, hiến tài sản. Như gia đình anh Lê Trọng Hoàng phá tới 26 cây lát, 2 cây nhãn, hầu như nhà nào ở 2 bên tuyến đều lùi vào 2 – 3m đất. Sau sáp nhập, làng Lung Thượng đã làm thêm được 1km đường bê tông, hiện đang thi công 3,8km.

Bên cạnh đó, để hướng tới xây dựng xóm nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2020 – 2022, ông Lê Trọng Mừng cùng chi ủy, ban cán sự xóm đã vận động người dân kéo điện chiếu sáng gần 1km tuyến đường chính và trồng các loại hoa khoe sắc 4 mùa trên các tuyến chính, tuyến phụ, tạo cảnh quan đẹp làng, đẹp xóm.

Sinh ra và lớn lên ở ngôi làng của đồng bào Thổ có lịch sử hàng trăm năm ẩn mình dưới trùng điệp núi non giáp ranh giữa Nghệ An và Thanh Hóa, ông Lê Trọng Mừng có tình yêu đặc biệt với mảnh đất quê hương. Học xong cấp 3, mẹ bị tai biến phải nằm một chỗ, là con trai một nên ông Mừng phải gác lại giấc mơ học hành ở nhà chăm sóc cha mẹ, vừa phát triển kinh tế vừa tham gia phong trào tại địa phường. Năm 2002 ông được tín nhiệm bầu làm xóm trưởng, đến năm 2004 bắt đầu làm xóm trưởng và từ năm 2019 đến nay sau khi sáp nhập hai xóm Lung Bình và Lung Thượng thì ông trở thành Bí thư kiêm xóm trưởng.

Đảm nhận “hai vai” ở xóm sau sáp nhập với 235 hộ, 980 khẩu đồng bào dân tộc Thổ không phải là chuyện dễ dàng. Từ chuyện nước nôi đồng áng, sâu bệnh hại mùa đến mâu thuẫn gia đình, xóm giềng dân đều kêu đến bí thư, xóm trưởng. Vì vậy, ngoài việc phải “nhanh tay, nhanh mắt, nhanh chân”, biết tách bạch, không lẫn lộn giữa “việc Đảng, việc dân”, ông Mừng cho rằng, còn phải nhờ đến sự giúp sức của cấp ủy, chính quyền cấp trên, sự đồng lòng, đoàn kết của chi bộ, ban cán sự xóm và sự ủng hộ của người dân đã tiếp sức cho ông tự tin gánh “hai vai” ở xóm kiểu mẫu.

Bên cạnh đó, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ muốn dân nghe, dân tin thì cán bộ trước hết “phải làm mực thước cho người ta bắt chước”, trong mọi phong trào, hoạt động của địa phương Bí thư kiêm Xóm trưởng Lê Trọng Mừng và gia đình đều tiên phong đi trước. Ví như trong việc giải tỏa mở rộng đường giao thông nông thôn, gia đình ông Lê Trọng Mừng hai lần phá tường rào, lùi vào 2m. Hay trong việc triển khai cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới, gia đình ông Mừng cũng là 1 trong 5 hộ đầu tiên xung phong thực hiện.

Trăn trở trước việc hộ nghèo, cận nghèo của xóm còn chiếm trên 56%, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền xã Nghĩa Lợi, Bí thư kiêm Xóm trưởng Lê Trọng Mừng đã cùng với chi ủy, ban cán sự xóm tập trung hướng dẫn người dân xóa vườn tạp, chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao, lấy cây mía làm chủ lục, đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò, dê và tăng cường phát triển lâm nghiệp bằng keo nguyên liệu. Gia đình thủ lĩnh làng Lung Thượng cũng là một điển hình phát triển kinh tế, ngoài trồng keo, trồng mía còn có vườn mẫu rộng 6 sào trồng bưởi, ổi lê Đài Loan, cam, chanh, đu đủ, mít, lát, đậu leo, cà tím, các loại cây thuốc Nam và nhiều loại rau, mùa nào thức nấy… “Mình là cán bộ, đảng viên không thể đi sau, nếu mình không chăm chỉ lao động, phát triển kinh tế thì làm sao dân tin, dân nghe”, ông Mừng bày tỏ.

Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng bởi sự ghé thăm của cụ Lê Trọng Kỷ, 80 tuổi. Cụ cho hay: “Ông Lê Trọng Mừng là Bí thư, xóm trưởng “kiểu mẫu” của làng Lung Thượng chúng tôi. Sâu sát dân, tận tụy với mọi việc của làng từ chuyện mất mùa – được mùa, đến chuyện làm đường giao thông, trồng hoa, lắp điện chiếu sáng vào ban đêm… việc gì ông cũng có mặt, động viên, kêu gọi mọi người hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng triển khai khiến người dân rất phấn khởi. Hay như đến mùa thu hoạch mía nhà máy phát lệnh cho các hộ chặt xong, nhà máy thanh toán cho dân qua xóm trưởng, 1 năm giải ngân trên tỷ đồng nhưng hầu như ông Mừng không để xảy ra sai sót gì”.

Nhận xét về thủ lĩnh “hai vai” làng Lung Thượng, ông Lô Văn Cường – Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Đàn) cho hay: Ông Lê Trọng Mừng là Bí thư, xóm trưởng năng động, gương mẫu, gần dân, trọng dân. Nhờ những đóng góp lặng thầm với “việc dân, việc Đảng”, ông đã nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen của huyện, của xã.

Năm 2020, ông Lê Trọng Mừng được Trung ương MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; năm 2021 ông được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ấy thế nhưng ông vẫn khiêm tốn cho rằng “sinh ra từ làng phải có trách nhiệm với xóm làng, những kết quả đạt được hôm nay đều là do sự góp sức của tập thể chi bộ, ban cán sự xóm và sự ủng hộ của nhân dân mà có”.

Chia tay chúng tôi, ông Mừng lại tất bật đi thăm đồng, bóng dáng cao gầy, nhanh nhẹn của người cán bộ “vác tù và” thôn xóm khuất dần trong những cánh đồng mía bạt ngàn màu xanh ở làng Lung Thượng…