Tướng Cương nhận định về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 tại Việt Nam

Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an trả lời PV Báo Nghệ An về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 sẽ tổ chức tại Việt Nam.

P.V: Ngày 5/2/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đọc Thông điệp Liên bang, trong Thông điệp này, ông Trump đề cập đến cuộc gặp thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên. Theo Thiếu tướng, đâu là nguyên nhân khiến Tổng thống Trump thúc đẩy cuộc gặp lần thứ 2 với ông Kim Jong-un?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Để hiểu rõ về vấn đề này, chúng ta cần điểm qua lịch sử mối quan hệ Mỹ – Triều. Sau kết thúc chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953), suốt 64 năm, Mỹ và Triều Tiên coi nhau là “kẻ thù không đội trời chung”. Cuối những năm 80 của thế kỷ XX, tổ chức năng lượng nguyên tử quốc tế đã công bố Triều Tiên chế tạo thành công bom nguyên tử. Chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên trở thành một điểm nóng bỏng của thế giới. Đẩy quan hệ Washington – Bình Nhưỡng lâm vào cuộc đối đầu ngày càng căng thẳng.

Chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên trở thành một điểm nóng của thế giới.
Chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên trở thành một điểm nóng của thế giới.

Đỉnh điểm cuộc đối đầu Mỹ – Triều là ngày 25/9/2017, tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Trump đe dọa hủy diệt 25 triệu người Triều Tiên bằng vũ khí hạt nhân, nếu Triều Tiên không từ bỏ vũ khí hạt nhân và đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Đáp trả lời đe dọa của ông Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng tuyên bố sẽ hủy diệt Mỹ và các đồng minh Đông Á của Mỹ (ý nói là Hàn Quốc và Nhật Bản) bằng vũ khí hạt nhân. Và nhà lãnh đạo Triều Tiên đã không nói suông, trong 3 tháng cuối năm 2017, Triều Tiên liên tiếp thử hạt nhân và thử thành công tên lửa đạn đạo có thể bắn tới Mỹ. Đẩy quan hệ Mỹ – Triều vào trạng thái đối đầu bên miệng hố chiến tranh.

Đầu năm 2018, thế giới thở phào nhẹ nhõm khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vui vẻ bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore. Sau cuộc gặp lịch sử này, họ ra Tuyên bố chung Mỹ – Triều với cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Tổng Thống Trump tuyên bố rằng ông đã hoàn thành một sứ mệnh vượt quá khả năng của tất cả những người tiền nhiệm của ông. Rằng ông tin tưởng Kim Jong-un chắc chắn sẽ dỡ bỏ các cơ sở hạt nhân, từ bỏ chương trình tên lửa cũng như vũ khí hạt nhân mà Triều Tiên theo đuổi nhiều năm qua. Tổng thống Trump còn cao hứng tuyên bố, mối đe dọa hạt nhân ở Triều Tiên đã biến mất.

Các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn thường gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn thường gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Để hiện thực hóa tuyên bố  Mỹ – Triều vào ngày 12/6/2018 tại Singapore, Tổng thống Trump quyết định hủy các cuộc tập trận chung thường niên với Hàn Quốc, và đề cập đến việc có thể giảm số quân Mỹ ở Hàn Quốc, nhưng vẫn siết chặt bao vây cấm vận Triều Tiên. Đáp lại động thái tích cực của Mỹ, Triều Tiên đã dừng toàn bộ các cuộc thử tên lửa đạn đạo, đặc biệt cho nổ tung cơ sở thử hạt nhân, đồng thời trao 55 bộ hài cốt binh sỹ Mỹ bị mất tích trong chiến tranh Triều Tiên.

Cả Mỹ và Triều Tiên đã có những bước đi thận trọng, làm dịu mối quan hệ Mỹ – Triều.

Cho dù những việc làm của Mỹ và Triều Tiên là tích cực, nhưng quá trình phi hạt nhân hóa  bán đảo Triều Tiên vẫn rất trì trệ và dậm chân tại chỗ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 12/6/2018 ở Singapore.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 12/6/2018 ở Singapore.

Tuyên bố ngày 12/6/2018 tại Singapore là một thắng lợi 100% của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Nhưng với Tổng thống Trump, theo dư luận Mỹ thì thắng lợi chỉ là 50%, thậm chí nhiều người Mỹ, kể cả các quan chức Chính phủ Mỹ vẫn cho rằng đó là một thất bại của Tổng thống Trump.

Nếu để tuyên bố chung ngày 12/6/2018 chết yểu, thì uy tín của Tổng thống Trump sẽ giảm sút nghiêm trọng và ông ta sẽ ít có cơ hội đắc cử trong cuộc bầu cử vào năm 2020. Do đó, Tổng thống Trump quyết định gặp lại nhà lãnh đạo Kim Jong-un để thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đó là động cơ thúc đẩy họ gặp nhau.

P.V: Được biết, trong Thông điệp liên bang, ông Trump có nói là cuộc gặp lần thứ 2 này sẽ diễn ra tại Việt Nam. Theo Thiếu tướng, tại sao Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lại chọn Việt Nam làm nơi gặp gỡ?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Chúng ta nên nhớ rằng, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều là vấn đề cực kỳ hệ trọng, đây không chỉ là việc của hai nhà lãnh đạo cấp cao, mà đây là vấn đề của một siêu cường Mỹ với một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, được cả thế giới theo dõi hết sức chặt chẽ.

Cho nên việc lựa chọn địa điểm gặp nhau được lựa chọn hết sức cẩn thận. Trong 3 tháng vừa qua, sau khi Tổng thống Trump ngỏ lời gặp lại nhà lãnh đạo Kim Jong-un, thì các đoàn chuyên gia Mỹ và Triều Tiên đã gặp nhau nhiều lần để trao đổi, thỏa thuận lựa chọn điểm cũng như những vấn đề đưa ra bàn thảo trong cuộc gặp lần thứ 2 này. Điểm được lựa chọn làm cuộc gặp lần thứ 2 này phải thỏa mãn 3 điều kiện. Đó là quốc gia được lựa chọn là quốc gia phải đảm bảo an ninh tuyệt đối cho hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong-un, đây là ưu tiên số 1, quan trọng nhất. Tất nhiên, trong 216 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, thì cũng có nhiều quốc gia có thể đảm bảo an ninh cho cuộc gặp này. Nhưng thực tế Việt Nam là một trong những quốc gia đảm bảo an ninh an toàn quan trọng nhất và thực tế đã chứng minh điều này. Hội nghị thượng đỉnh APEC cuối năm 2017 diễn ra tại Đà Nẵng với sự có mặt của các nguyên thủ hàng đầu thế giới như Donald Trump, Putin, Tập Cận Bình, Abe,… cùng các nguyên thủ của 21 quốc gia thuộc thành viên APEC.

Việt Nam đã tổ chức thành công các các sự kiện quan trọng quốc tế như Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2017, Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2018.
Việt Nam đã tổ chức thành công các các sự kiện quan trọng quốc tế như Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2017, Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2018.

Việc bảo vệ thành công tuyệt đối APEC 2017 là một chứng tỏ hùng hồn rằng Việt Nam là nơi có thể bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện quan trọng quốc tế. Tiếp theo, năm 2018, Diễn đàn kinh tế thế giới diễn ra tại Hà Nội thành công tốt đẹp. Người sáng lập và điều hành diễn đàn này đã tuyên bố rằng trong 27 năm qua,  Diễn đàn kinh tế thế giới tại Hà Nội thành công nhất trên cả 3 phương diện, an toàn nhất, nội dung phong phú và hợp, kết thúc diễn đàn bằng một tuyên bố chung. Như vậy, trong năm 2017 và 2018 Việt Nam chứng tỏ cho thế giới thấy rằng đây là điểm đến an toàn nhất, thân thiện nhất và đây là điều kiện để đáp ứng được yêu cầu quan trọng nhất mà cả Mỹ và Triều Tiên đặt lên hàng đầu.

Nguyên nhân thứ 2 là quốc gia được lựa chọn làm phải thân thiện với cả Mỹ và Triều Tiên. Điều này ai cũng rõ, Việt Nam có quan hệ truyền thống với Triều Tiên; bên cạnh đó, trong những năm gần đây mối quan hệ Việt Nam – Mỹ cũng đang phát triển tốt đẹp. Mối quan hệ của Việt Nam với Triều Tiên và Mỹ trong quá khứ, hiện tại và tương lai đã thúc đẩy cả Mỹ và Triều Tiên chọn Việt Nam – một quốc gia thân thiện với cả Mỹ và Triều Tiên.

Nguyên nhân thứ 3, là vị trí địa lý. Mỹ và Triều Tiên có thể gặp nhau ở một số nước châu Âu, nhưng Việt Nam ở châu Á rất thuận lợi cho nhà lãnh đạo Triều Tiên có một cung đường vừa phải, không có gì khó khăn. Ngược lại về phía Mỹ họ vượt qua Thái Bình Dương là đến Việt Nam.

P.V: Thưa Thiếu tướng, vậy tại cuộc gặp lần thứ 2 này, các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên sẽ bàn về vấn đề gì?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đây là một vấn đề đang bí mật, Mỹ và Triều Tiên chưa đưa ra. Nhưng căn cứ chung mối quan hệ Mỹ – Triều và quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Chúng ta có thể đưa ra một số nhận định chung sau:

Tuyên bố chung của Mỹ và Triều Tiên ở Singapore vào năm 2018, hai bên thống nhất phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đây là tuyên bố mang tính chính trị. Nhưng tuyên bố ngày 12/6/2018 ở Singapore không đưa ra bất kỳ một vấn đề cụ thể nào, cả hàng loạt vấn đề đều chưa rõ ràng. Thế nào là phi hạt nhân hóa, lộ trình như thế nào? Hai bên thực hiện song song, hay Triều Tiên làm trước, Mỹ làm sau… đều vắng bóng trong tuyên bố chung 6/2018, nên qua hơn 8 tháng rồi, quá trình phi hạt nhân hóa ở bán đảo Triều Tiên vẫn trì trệ, dậm chân tại chỗ. Do đó, chúng ta có thể suy đoán rằng, tại cuộc gặp tại Việt Nam vào các ngày 27 – 28/2/2019, hai bên sẽ bàn thảo những vấn đề cụ thể về quá trình phi hạt nhân hóa. Hai nhà lãnh đạo sẽ thống nhất nhận thức, thế nào là phi hạt nhân hóa ở bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump với bản tài liệu có chữ ký của ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump với bản tài liệu có chữ ký của ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều Tiên.

Theo Triều Tiên, Mỹ sẽ không tàng trữ vũ khí hạt nhân, bom nguyên tử, hệ thống phòng thủ tên ở Hàn Quốc cùng với đó là Mỹ phải triệt thoái các căn cứ vũ khí quan trọng ở Hàn Quốc. Song song với đó, Triều Tiên cũng sẽ triệt thoái vũ khí hạt nhân. Về phía Mỹ lại muốn Triều Tiên triệt thoái vũ khí hạt nhân toàn diện, có kiểm chứng, quan điểm này của Mỹ là mang tính áp đặt, còn theo Triều Tiên là hai bên sẽ cùng làm. Đây sẽ là vấn đề bàn cãi gay gắt nhất. Trên cơ sở đưa ra nhận thức chung, họ sẽ bàn về lộ trình, bước đi trong quá trình phi hạt nhân hóa.

Tiếp theo, có thể Triều Tiên sẽ yêu cầu Mỹ bãi bỏ cấm vận và ký hiệp định hòa bình Mỹ – Triều thay vì hiệp định đình chiến đã ký năm 1953.

Trong cuộc gặp lần thứ 2 này, Triều Tiên sẽ có nhiều công cụ, yêu sách hợp lý hơn. Nếu như phía Mỹ đơn phương yêu cầu Triều Tiên triệt thoái toàn bộ vũ khí hạt nhân có kiểm chứng và không đảo ngược, cuộc thảo luận sẽ bế tắc.

Theo tôi, khi đã bàn những vấn đề cụ thể thì sẽ hết sức khó khăn, bởi người ta dễ dàng thống nhất trong tuyên bố chung mang tính chính trị, nhưng sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi đi vào những vấn đề cụ thể như bước đi, lộ trình, vì sẽ đụng chạm đến lợi ích quốc gia của các bên.

Với tư cách là người nghiên cứu quan hệ Mỹ – Triều, tôi cho rằng cuộc gặp lần thứ 2 của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Việt Nam sẽ ít có khả năng tạo ra sự đột phá, nhưng sẽ có những cam kết để tiếp tục trao đổi ở mức thấp hơn như Bộ trưởng Ngoại giao. Nhưng một điều chắc chắn rằng quá trình phi hạt nhân hóa ở bán đảo Triều Tiên sẽ có bước tiến quan trọng sau cuộc gặp này. Hai bên sẽ đặt nền móng nuôi dưỡng ngọn lửa đàm phán, giải quyết vấn đề Triều Tiên một cách hòa bình, trên cơ sở hai bên có sự hiểu biết, có sự nhân nhượng tương ứng để từng bước một đi đến triệt thoái toàn bộ vũ khí hạt nhân.

P.V: Thiếu tướng có thể đánh giá vai trò, vị thế của Việt Nam qua cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần này, và Việt Nam cần làm gì để cuộc gặp gỡ này thành công?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Mọi người đều biết rằng, nửa đầu năm 2019 này, sẽ có hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn bài báo công bố trên các phương tiện truyền thông thế giới về cuộc gặp Mỹ – Triều. Tên Việt Nam sẽ được xướng lên trên tất cả các hệ thống truyền thông lớn nhất thế giới, đặc biệt là ở Mỹ – một hệ thống truyền thông khổng lồ của Mỹ sẽ đưa tin về Việt Nam. Riêng việc này đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việc Việt Nam được lựa chọn làm nơi gặp gỡ thượng đỉnh Mỹ – Triều là điều khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn, tin cậy, hấp dẫn.

Thủ đô Hà Nội, Việt Nam.
Thủ đô Hà Nội, Việt Nam.

Để đảm bảo vào việc thành công của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ 2, Việt Nam phải tiến hành 3 việc. Đó là đảm bảo an toàn cho Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Chúng ta đã có kinh nghiệm trong bảo vệ các cuộc gặp quan trọng như diễn đàn APEC 2017, Diễn đàn kinh tế thế giới 2018. Nhưng để cuộc gặp diễn ra thành công, không chỉ các lực lượng chức năng mà chúng ta cần sự hợp tác chặt chẽ của tất cả các ngành, các cấp, người dân Việt Nam, nhất là người dân tại thành phố diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh cũng cần phải ý thức trách nhiệm của mình, bảo đảm an toàn cho cuộc gặp thượng đỉnh là bảo đảm danh dự, uy tín của Việt Nam trước thế giới cho Việt Nam. Thứ hai là Việt Nam phải đảm bảo an toàn, và điều kiện hoạt động tác nghiệp tốt nhất cho các phóng viên nước ngoài đến tác nghiệp,  đưa tin cuộc gặp thượng đỉnh này.

Thứ ba là tại thành phố diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều, chúng ta cần tạo môi trường hết sức thân thiện, cởi mở, sẵn sàng đón nhận và có thái độ hữu nghị với tất cả những người nước ngoài, để lan tỏa hình ảnh thân thiện, mến khách của Việt Nam.

P.V: Xin cảm ơn Thiếu tướng !