Triển vọng từ Dự án chăn nuôi bò sữa công nghệ cao quy mô lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long của tập đoàn TH

Cuối tháng 2/2021, tại An Giang, Tập đoàn TH phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ khởi công Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại xã Vĩnh Gia và Vĩnh Phước, huyện biên giới Tri Tôn. Với tổng mức đầu tư 2.655 tỷ đồng, khi đi vào vận hành, đây là dự án chăn nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao, quy trình khép kín lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Là tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, trung tâm kinh tế thương mại, cửa ngõ giao thương có từ lâu đời giữa vùng ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh với các nước tiểu vùng Sông Mê Kông, giao thông chính của tỉnh An Giang là một phần của mạng lưới giao thông liên vùng quan trọng của quốc gia và quốc tế, có cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Vĩnh Xương – Tân Châu và Long Bình – An Phú.

Có lợi thế để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, dư địa cho phát triển kinh tế của An Giang còn rất lớn, vấn đề làm thế nào để hiện thực hóa tiềm năng của vùng đất này? Đó là trăn trở của lãnh đạo tỉnh, cũng như những người tâm huyết với vùng đất này.

Với quy mô đàn bò nuôi tập trung là 10.000 con, nhà máy chế biến sữa tươi sạch công suất 135 tấn/ngày, mô hình chăn nuôi bò sữa của TH sẽ trở thành mô hình điển hình, có quy mô lớn nhất ĐBSCL. “Về hình mẫu, mô hình này sẽ thành công, góp phần, đồng hành với Chính phủ hoàn thành Mục tiêu 500.000 con bò sữa trên cả nước sớm hơn 5 năm so với Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành Nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Dự án sau khi đi vào hoạt động sẽ tạo ra việc làm cho lao động địa phương, xây dựng lộ trình cụ thể cho ngành chế biến, xuất khẩu trong tương lai”- Phó Thủ tướng ghi nhận.

Ngân hàng BAC A BANK tư vấn cho Tập đoàn TH mở rộng dự án chăn nuôi bò sữa khắp các tỉnh thành trong cả nước. (Ảnh: Khởi công dự án tại An Giang).
Ngân hàng BAC A BANK tư vấn cho Tập đoàn TH mở rộng dự án chăn nuôi bò sữa khắp các tỉnh thành trong cả nước. (Ảnh: Khởi công dự án tại An Giang).

Dự án là bước đi tiếp theo của TH trong chiến lược phát triển đàn bò sữa, giữ vững vị thế doanh nghiệp đứng đầu trong phân khúc sữa tươi, phát triển chăn nuôi bò sữa công nghệ cao ở ngay vùng biên giới Tây Nam.

Tại đây, mô hình chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 và tinh hoa khoa học quản trị từ Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa đạt kỷ lục thế giới của TH tại Nghệ An tiếp tục được ứng dụng với quy trình khép kín và sự chăm chút tỉ mỉ để tạo ra những ly sữa đạt chuẩn quốc tế.

Cụm trang trại của TH tại An Giang cũng sẽ được thiết kế và vận hành với công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới như Quy trình chăn nuôi, quản lý đàn bò, chuồng trại sử dụng hệ thống quản lý bò sữa tiên tiến Afimilk (Israel); Quy trình quản lý dịch bệnh, thú y của New Zealand; Quy trình, thiết bị xử lý nước, chất thải của Nhật, Israel, Hà Lan…

Một số hình ảnh tại lễ khởi công dự án.
Một số hình ảnh tại lễ khởi công dự án.

Ngoài mô hình chăn nuôi bò sữa khép kín, tập trung, ứng dụng công nghệ cao, tại An Giang, tập đoàn TH dự kiến phát triển thêm Mô hình chăn nuôi bò sữa liên kết với người dân thông qua HTX công nghệ cao – tương tự mô hình mà TH đã triển khai tại Đà Lạt với thương hiệu Dalatmilk.

Dòng sữa tươi sạch từ trang trại TH tại An Giang sẽ góp phần tăng số lượng, chất lượng nguồn cung sữa tươi cho khu vực ĐBSCL và hướng tới xuất khẩu; thể hiện các giá trị cốt lõi của Tập đoàn TH: Vì hạnh phúc đích thực; Vì sức khỏe cộng đồng; Hoàn toàn từ thiên nhiên; Thân thiện với môi trường- Tư duy vượt trội; Hài hòa lợi ích.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang – ông Nguyễn Thanh Bình phấn khởi: Dự án sẽ giúp nâng cao đời sống của người dân và khi đi vào hoạt động, sẽ mang lại một nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh; đặc biệt là sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần ổn định an ninh – chính trị – xã hội trên địa bàn.

Trong 10 năm qua, TH đã có những đóng góp nổi bật cho nền nông nghiệp Việt Nam với tư cách là doanh nghiệp tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, đánh thức tiềm năng của đồng đất quê hương, đặc biệt là các vùng đất còn nhiều khó khăn, các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, trở thành một thương hiệu quốc gia, một niềm tự hào của nông nghiệp Việt Nam khi bước ra thị trường thế giới, với dự án đầu tư 2,7 tỷ USD vào Liên Bang Nga, và là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất tới thời điểm này được cấp mã số để xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm sữa tươi Việt Nam vào  thị trường lớn nhất thế giới là Trung Quốc, xuất khẩu các sản phẩm đồ uống tốt cho sức khỏe tới thị trường Mỹ, dự án nông nghiệp lớn tại Úc…

Các đại biểu tham gia Tết trồng cây.
Các đại biểu tham gia Tết trồng cây.

Từ thành công của Dự án sữa tươi sạch được triển khai từ năm 2009 tại Nghệ An, đến nay Tập đoàn TH đã phát triển hệ thống trang trại bò sữa ra các tỉnh thành. Với sự xuất hiện của TH, sau 10 năm, tổng đàn bò sữa Việt Nam đã tăng từ 41.000 con lên hơn 335.000 con vào năm 2020. Tổng sản lượng sữa tươi sản xuất hàng năm tăng hơn 17 lần, từ 64.000 tấn năm 2011 lên trên 1,1 triệu tấn năm 2020. Tỷ lệ sữa bột nhập khẩu từ 92% tại thời điểm sự cố Melamine được phát hiện năm 2008 đã giảm xuống chỉ còn 60% năm 2018.

Trong tương lai, Việt Nam sẽ xuất khẩu sữa, sản phẩm sữa khi tận dụng tốt các hiệp định tự do thương mại với các đối tác trên thế giới, đặc biệt là 3 hiệp định tự do thương mại thế hệ mới gồm CPTPP, EVFTA, RCEP, và đặc biệt là Nghị định thư xuất khẩu sữa giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Thành công của TH đã giúp các doanh nghiệp khác nhận ra sự tất yếu của con đường sữa tươi sạch, có cái nhìn để tái cấu trúc với xu thế, tạo ra sự cạnh tranh về sản phẩm công nghệ cao; đầu tư nghiêm túc để tạo ra dòng sữa tươi thật; người tiêu dùng đã phân biệt giá trị thực sự của sữa tươi sạch và được hưởng thụ sản phẩm thực sự chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, bên cạnh thành công của các Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao, TH sẽ khởi xướng một xu hướng mới theo mô hình HTX công nghệ cao để đưa người nông dân đi cùng.