Có thể nói, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều nông sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng bị ứ đọng, phải “giải cứu” là do bất cập trong cả chuỗi sản xuất, tiêu thụ và chế biến; quan hệ “cung – cầu” hàng hóa nông nghiệp bị động và chưa bền vững. Vấn đề là, để câu chuyện “giải cứu nông sản” hay “được mùa rớt giá” không lặp lại, cần phải làm gì?
Từ thực tế quan sát câu chuyện giải cứu nông sản hiện nay, chúng tôi nhận thấy một nghịch lý là trong khi ngoài đồng giá rẻ như cho, thì trong siêu thị giá rau vẫn cao ngất ngưởng. Từ sau tết Nguyên đán 2021, giá rau xanh trên địa bàn Nghệ An liên tục sụt giảm đến mức “chạm đáy”. Mỗi cân su hào, cải bắp, hành lá, cúc… tại các vùng rau trọng điểm như Quỳnh Lưu, Diễn Châu, TP.Vinh… chỉ từ 500 – 1.000 đồng tại vườn.
Mặc dù rau tại vườn giá rẻ như cho và người dân không muốn thu hoạch, nhưng tại các siêu thị rau sạch trên địa bàn TP.Vinh, giá các loại rau xanh vẫn nằm ở mức rất cao. Cụ thể, giá các loại rau trung bình tại siêu thị Tâm Nguyên hay chuỗi cửa hàng VinMart có giá trên 10.000 đồng/gói (mỗi gói dao động từ 300 – 500 gam).
Thậm chí, một số loại rau củ nhập về ngoại tỉnh có giá từ 20.000 – 50.000 đồng/kg, cao hơn so với tại các chợ hay các vùng rau trên địa bàn tỉnh. Trao đổi với chúng tôi, đại diện một siêu thị trên địa bàn TP. Vinh cho biết: có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giá rau xanh tại siêu thị vẫn nằm khá cao là do đa số các loại rau đều nhập về từ Đà Lạt hay nước ngoài, nên chi phí vận chuyển, bảo quản cao (nhất là trong mùa dịch).
Bên cạnh đó, những loại rau giá rẻ, buộc phải giải cứu ngoài đồng, đa phần là do người dân trồng tràn lan, chất lượng không được kiểm soát, trong khi rau bán tại siêu thị bắt buộc phải có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng, nên những loại rau này đương nhiên sẽ bán với giá cao hơn…
Như vậy có thể thấy, với trên 6.000 ha sản xuất rau màu, trong đó gần 1.600 ha sản xuất rau màu theo hướng an toàn, nên Nghệ An là tỉnh có tiềm năng sản xuất rau màu rất lớn. Với kinh nghiệm thâm canh của mình, một số sản phẩm rau, củ quả Nghệ An cũng đã có mặt tại thị trường lớn của cả nước. Nghệ An cũng là thị trường lớn với gần 3 triệu dân nên việc nông sản Nghệ An ế đọng và phải giải cứu đồng nghĩa với tỉnh đang “thua trên sân nhà”.
Mặc dù tỉnh đang phấn đấu phát triển công nghiệp nhưng với xuất phát điểm là tỉnh nông nghiệp và gần 3/4 dân số ở vùng nông thôn nên nông nghiệp đang là sinh kế góp phần ổn định xã hội. Để khẳng định chất lượng sản phẩm, trong bối cảnh mới, nhân tố con người là yếu tố quyết định, nên nông dân phải là chủ thể trong điều kiện mới, trong mối quan hệ liên kết “4 nhà” để hội nhập với thị trường lớn, khó tính.
Bản chất của câu chuyện rau, củ, quả ế ẩm là “cung vượt cầu” và không có sự liên kết tiêu thụ sản phẩm. Vậy người nông dân và chính quyền các cấp cần phải làm gì để cụm từ “giải cứu nông sản” không còn “vận” vào người nông dân.
Câu hỏi này, chính quyền địa phương cơ sở gần như không thể lý giải, trả lời. Xã Nghĩa Yên là địa phương có nhiều diện tích quýt nhất huyện Nghĩa Đàn, vì vậy số lượng quýt ế thừa cũng lớn nhất huyện. Tuy nhiên, khi nói về giải pháp tiêu thụ quýt cho bà con, ông Hoàng Văn Phúc – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Yên dù biết đây là vấn đề “nóng”, nhưng thực sự bó tay, vì không có cách gì hơn là ngồi chờ thương lái đến mua.
Ông Quế Văn Duyên – Giám đốc HTX Nông nghiệp Diễn Phong (Diễn Châu) thừa nhận: HTX có 95 xã viên, chuyên sản xuất rau màu trên diện tích 100 ha. Để ổn định đầu ra, HTX khuyến cáo bà con xã viên trồng các loại rau theo quy hoạch của HTX, nhưng phần lớn bà con không nghe, mà trồng theo cảm tính. Chỉ có 10 hộ xã viên sản xuất theo định hướng của HTX là sản xuất theo quy trình an toàn. Tuy nhiên, khi thị trường ế thừa, thì toàn bộ diện tích rau của HTX đều chung số phận.
Lý giải điều này, ông Duyên cho rằng, mặc dù HTX có liên hệ với các siêu thị để đưa cải bắp của 10 hộ nói trên vào bán, nhưng số lượng bán được tại các siêu thị rất ít, trong khi sản lượng lớn, nên bà con phải chấp nhận bán với giá giải cứu. “Trong sản xuất hiện nay, vấn đề liên kết là tất yếu trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Tuy nhiên trong liên kết có cái khó là sự chưa tin tưởng lẫn nhau giữa các đối tác” – ông Quế Văn Duyên trăn trở.
Kỹ sư Nguyễn Trọng Kỷ – Phó phòng Tổ chức hành chính, Sở Nông nghiệp và PTNT, người từng tham gia chắp bút dự thảo Nghị quyết “tam nông” Nghệ An cách đây 10 năm, cho rằng: bản chất của sản xuất nông hộ là mạnh ai nấy làm và sản phẩm nào lãi thì bà con tập trung sản xuất, mở rộng diện tích dẫn đến cơ sở dữ liệu về nguồn cung sản phẩm của các địa phương và bộ ngành không còn chính xác.
Vì vậy, từng địa phương phải xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn “cung” sản xuất hàng hóa nông sản chính xác từng vụ, từng năm, trên cơ sở đó Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng với Bộ Công thương mới có cơ sở hoạch định tìm “cầu” thị trường tiêu thụ. Trên cơ sở phân tích, nắm thông tin và xu hướng thị trường trong nước và xuất khẩu, cơ quan chức năng thấy mặt hàng nào thừa thì đưa vào “sách trắng” khuyến cáo bà con nông dân không sản xuất và hạn chế tình trạng đổ xô vào sản xuất thì may ra câu chuyện “giải cứu” mới không tái hiện.
Có thể khẳng định, nông nghiệp là ngành chủ lực của nền kinh tế Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng, có tác động lớn nhất đến người dân. Do vậy, các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, việc xây dựng phương án kinh doanh phải tính trước các kế hoạch dự phòng, nêu cao năng lực quản lý, để khi có rủi ro xảy ra thì sản xuất kinh doanh vẫn có thể phát triển bền vững, chủ động, không thể chỉ trông chờ vào việc giải cứu.
Nâng cao năng lực hệ thống thông tin thị trường; phát triển nghiên cứu và dự báo cung cầu, quy mô và đặc điểm của từng loại thị trường, cung cấp kịp thời cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân điều chỉnh sản xuất phù hợp; tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, kết nối giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối; kết nối giữa thị trường trong nước với quốc tế. Bên cạnh đó, người nông dân cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào sản xuất, luôn lắng nghe thị trường qua các kênh thông tin, nhằm đáp ứng “cung – cầu”, không thể sản xuất theo cảm tính, những gì mình có.
Đối với tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Tiến Đức – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, cho rằng: Nghệ An đã xác định được những vùng trọng điểm sản xuất rau, củ quả, lâu nay tỉnh đã có những giải pháp kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, năm nay thời tiết quá thuận lợi, rau vụ đông phát triển nhanh, mạnh, nên “cung vượt quá cầu”.
Vấn đề mấu chốt hiện nay là, sức mua thị trường nội tỉnh giảm, lại gặp dịch Covid tái phát ở một số tỉnh, khiến việc thông thương gặp khó khăn, nên rau củ quả lâm cảnh dư thừa.
Bên cạnh đó, theo ông Tạ Quang Sáng – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh: Để câu chuyện “giải cứu nông sản” không lặp lại, từng tỉnh và rộng hơn là các tỉnh cần có cơ chế khuyến khích xây dựng các vùng rau củ quả thương hiệu và an toàn theo hướng VietGAP hay mô hình hữu cơ Organic.
Trong quá trình xây dựng mô hình, các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra giám sát và hướng dẫn nông dân, gia trại sản xuất đúng quy trình, tạo điều kiện công nhận các vùng sản xuất rau củ quả an toàn theo mô hình sản xuất hữu cơ; tuyên truyền người tiêu dùng tin dùng các sản phẩm rau của quả sạch, an toàn, có nhãn mác tại siêu thị. Nói không với sản phẩm không an toàn để dần thay đổi thói quen sản xuất tùy tiện, thiếu an toàn.
Giải pháp lâu dài, theo ông Nguyễn Tiến Đức cho rằng, người nông dân vùng trồng rau chuyên canh phải sản xuất theo quy trình sinh học; cần có hợp đồng bao tiêu sản phẩm trước vụ sản xuất. Muốn làm được như vậy là phải có HTX và doanh nghiệp vào cuộc làm “bà đỡ” cho nông dân. Cùng đó, nông sản là phải đi đôi với chế biến hoặc xây dựng các kho lạnh để bảo quản lâu dài chờ khi nguồn cung thiếu sẽ bán ra. Hiện nay, một số doanh nghiệp ngoài tỉnh đã xây dựng kho lạnh, đến vụ thu hoạch, họ thu mua sông sản cho bà con, sau đó điều tiết ra thị trường.
Theo một kỹ sư nông nghiệp – Viện Giống cây Trung ương: giống cây cam hay quýt dù tốt cũng có chu kỳ khai thác nhất định, thời kỳ quả đẹp nhất là vài ba năm sau thời kỳ kiến thiết cơ bản. Các thị trường lớn và khó tính thường mua hàng thời điểm này. Từ năm thứ 10 trở đi, giống sẽ thoái hóa và sâu bệnh cũng thích nghi nên sản phẩm thì chất lượng cũng kém đi. Vì vậy, để có sản phẩm tốt nhất, bà con phải lộ trình cải tạo, chuyển đổi sang cây trồng mới để vừa đảm bảo chất lượng và sản lượng; nếu diện tích lớn nên bố trí cơ cấu các cây hợp lý và không vì tiếc mà để vườn cây quả quá lâu dẫn đến quả còi cọc, chất lượng xấu.
Hiện nay, để “giải cứu nông sản”, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã coi công tác quy hoạch là công cụ để quản lý, định hướng chỉ đạo sản xuất. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã nghiên cứu xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 (Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 2/2/2012).
Căn cứ vào các quy hoạch ngành đã được phê duyệt, Bộ đang chỉ đạo các tỉnh/thành phố rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng các quy hoạch chi tiết cho từng địa phương để phát huy các thế mạnh, sản xuất ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng và thực tiễn sản xuất của từng địa bàn.