Nghệ An nằm ở Trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, có hơn 300.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh có 22.281 ha cây ăn quả, sản lượng hàng năm đạt 184.315 tấn, giá trị ước đạt 2.677 tỷ đồng. Trong đó, diện tích cây có múi là gần 10.500 ha, chủ yếu tập trung ở các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Con Cuông Nam Đàn, Hưng Nguyên, Yên Thành, Thanh Chương, thị xã Thái Hòa…
Ngoài ra, có một số loại cây trồng đáng chú ý khác như chuối hiện chiếm gần 20% diện tích cây ăn quả của tỉnh, với gần 4.300 ha, có giá trị kinh tế cao, dễ trồng, dễ thích ứng trên các chân đất khác nhau, có nhiều tiềm năng để phát triển; nhiều loại cây ăn quả giá trị khác như cây chanh leo 400 ha, bơ 66 ha, ổi 326 ha, nhãn 874 ha, gần 1.000 ha vải…
Tiềm năng lớn nhưng công tác chế biến các loại trái cây trên địa bàn tỉnh chưa phát triển. Nghệ An hiện mới chỉ có sản phẩm chanh leo do Công ty CP Nafoods Group bao tiêu sản phẩm để sản xuất nước hoa quả cô đặc xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Các sản phẩm còn lại như cam, bưởi, dứa, chuối… chủ yếu là bán quả tươi, bán trực tiếp hoặc qua tư thương. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội địa. Một số loại cây trồng rất có tiềm năng nhưng lại chưa phát triển tương xứng như dứa, chuối…
Thực tế, điều kiện đất đai và khí hậu ở Nghệ An rất phù hợp để mở rộng diện tích trồng dứa, đặc biệt ở các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, và thực tế có những thời điểm Nghệ An đã phát triển tới trên 4.000 ha dứa. Tiềm năng chế biến dứa thành các sản phẩm xuất khẩu là rất lớn, tuy nhiên, do nhà máy chế biến dứa không đảm bảo công tác thu mua sản phẩm cho người dân nên diện tích dứa ngày càng giảm, hiện toàn tỉnh có 1.273 ha dứa, sản phẩm nông dân tự tiêu thụ là chủ yếu. Bên cạnh đó, tuy là loại cây trồng cho hiệu quả cao, dễ trồng, dễ chế biến, nhưng diện tích trồng chuối hiện nay vẫn đang nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, ít diện tích trồng tập trung.
Theo ông Nguyễn Văn Đệ – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tiềm năng đất đai của Nghệ An còn nhiều, các vùng đất bãi ven sông, đất đồi, đất chuyển đổi từ cây lâm nghiệp, cây lúa kém hiệu quả rất thuận lợi phát triển diện tích cây ăn quả. Công tác bảo vệ thực vật ngày càng tốt và đáp ứng yêu cầu, nhất là việc phát hiện và xử lý các loại sâu bệnh trên cây ăn quả hiện được thực hiện tốt, giúp cây trồng an toàn, hiệu quả, đạt năng suất, chất lượng cao. Đặc biệt, nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng nhanh vào sản xuất như kỹ thuật sản xuất giống sạch bệnh, tưới tiết kiệm, bệnh Greening được khống chế… Trong khi đó, đây là loại cây mang lại giá trị kinh tế khá cao, nhận được nhiều sự đồng thuận, hưởng ứng của chính quyền địa phương và người dân.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay để phát triển cây ăn quả một cách bền vững trên địa bàn tỉnh, đó là hầu như chưa có doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến, nên đầu ra của sản phẩm còn bấp bênh, sản phẩm chủ yếu là bán tươi, thời gian bảo quản ngắn nên phụ thuộc rất nhiều vào thị trường; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ còn ít, quy mô nhỏ; công tác chế biến, bảo quản còn yếu và hạn chế…
Những năm qua, Nghệ An đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó, có lĩnh vực trồng và chế biến cây ăn quả. Trong định hướng phát triển, tỉnh xác định đưa tổng diện tích cây ăn quả đạt khoảng 30.000 ha vào năm 2025; giai đoạn 2026-2030, tổng diện tích cây ăn quả đạt khoảng 50.000 ha. Trong đó, nhóm cây ăn quả chủ lực là 28.550 ha, tăng so với hiện nay là 17.470 ha, gồm 26.500 ha cây có múi, còn lại là dứa, chuối, chanh leo, bơ và 10.450 ha nhóm các loại cây ăn quả còn lại.
Thời gian tới, Nghệ An chủ trương tiếp tục thu hút đầu tư trong lĩnh vực chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm cây ăn quả để ổn định đầu ra và nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, đặc biệt là các loại cây có tiềm năng xuất khẩu như dứa, chuối… Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã làm việc và đi đến thống nhất ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hoa quả tại tỉnh Nghệ An.
Theo đó, hai bên sẽ hợp tác, trình cấp có thẩm quyền chủ trương đầu tư nhà máy chế biến hoa quả công nghệ hiện đại tại Nghệ An gắn với phát triển vùng nguyên liệu, thu mua và chế biến hoa quả, qua đó nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp nói chung, hoa quả nói riêng của Nghệ An. Trong thời gian 3-6 tháng kể từ ngày biên bản được ký kết, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao sẽ hoàn thành các thủ tục trình cấp có thẩm quyền của tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy chế biến hoa quả quy mô công suất 40.000 – 60.000 tấn quả tươi/năm. Đầu tư nhà máy công nghệ chế biến hiện đại, thực hiện nghiêm túc việc phát triển vùng nguyên liệu, ký kết hợp đồng và bao tiêu 100% sản phẩm cho bà con nông dân. Hiện nay, phía doanh nghiệp đang khảo sát địa điểm và dự kiến nhà máy sẽ được khởi công xây dựng vào quý 3 năm 2021.
“Hiện một số doanh nghiệp đã đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả và chế biến nước hoa quả tại Nghệ An và đạt được những kết quả ban đầu khá khả quan. Đây cũng là lĩnh vực mà Nghệ An rất có tiềm năng cả về diện tích đất đai tập trung, điều kiện khí hậu và khả năng canh tác của người nông dân”, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết tại cuộc làm việc với Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.
Cùng với việc xây dựng đề án phát triển cây ăn quả tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030, tỉnh cũng đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng người dân trồng tự phát, nhỏ lẻ, ngoài vùng định hướng, vùng không phù hợp. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất như công nghệ tự động hóa về tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân, thuốc bảo vệ thực vật nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; làm tốt công tác quản lý giống, xây dựng trung tâm, hình thành các điểm sản xuất giống cây ăn quả đảm bảo chất lượng để phục vụ công tác trồng mới, trồng lại. Đặc biệt, thúc đẩy quá trình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân. Tăng cường công tác đầu tư thâm canh, nâng cao chất lượng, mở rộng diện tích sản xuất đạt theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, VietGAP. Rà soát và bổ sung các chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, chú trọng các hỗ trợ sản xuất theo công nghệ cao, sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm. Tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu… để mở rộng thị trường trong nước tiến tới xuất khẩu, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất cây ăn quả.