Những thương binh nặng ân tình Bài 2: Tiếp bước hành trình

Thời gian qua, nhiều cựu chiến binh (CCB) ở Nghệ An, trong đó nhiều người là thương binh đã vào chiến trường xưa tìm đồng đội. Gần đây, Bộ Chỉ huy Quân sự và Hội CCB tỉnh thực hiện Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động cung cấp thông tin, nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cột liệt sỹ bước đầu đã mang lại hiệu quả, có thêm nhiều CCB hăng hái lên đường…

Ông Lê Tiến Quang ở khối 5, thị trấn Anh Sơn (huyện Anh Sơn) là thương binh với tỉ lệ thương tật 41%, là đảng viên với 45 năm tuổi Đảng. Bên cạnh sự nhiệt tình trong cuộc sống hàng ngày, ông Quang còn được ghi nhận ở cách sống nghĩa tình, thủy chung với đồng đội. Đặc biệt, ông đã hai lần dành số tiền tặng thưởng huy hiệu (40 năm và 45 năm tuổi Đảng) để đi tìm mộ và hỗ trợ thân nhân liệt sỹ.

Năm 2013, qua một người đồng đội, ông Quang biết tin thân nhân liệt sỹ Hoàng Văn Nam ở huyện Qùy Châu đang mong muốn tìm được mộ người thân. Là đồng đội cùng đơn vị, ông Quang nắm rõ sơ đồ mộ chí của liệt sỹ Nam và chủ động liên lạc với gia đình, sắp xếp thời gian vào Quảng Nam tìm mộ.

Thời điểm ấy, vừa nhận được số tiền tặng thưởng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, ông Quang dành lại làm lộ phí đi tìm mộ đồng đội, kết quả là tìm thấy được mộ của liệt sỹ Hoàng Văn Nam đã được quy tập về nghĩa trang xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc (Quảng Nam).

Chuẩn bị Lễ cầu siêu cho đồng đội tại chiến trường Quảng Trị
Chuẩn bị Lễ cầu siêu cho đồng đội tại chiến trường Quảng Trị

Đầu năm 2018, ông Lê Tiến Quang được tặng Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng, số tiền tặng thưởng ông dành lại để làm lộ phí vào Quảng Trị xác minh 11 ngôi mộ đồng đội năm xưa được mai táng bên một thửa ruộng. Đến nơi, ông được người dân địa phương cho biết 11 ngôi mộ liệt sỹ đã được quy tập về nghĩa trang huyện Hải Lăng nhưng đáng tiếc là tất cả đều không xác định được danh tính.

Ngoài hai lần đích thân vào chiến trường tìm mộ đồng đội, ông Lê Tiến Quang còn nhiều lần vẽ sơ đồ, chỉ đường cho thân nhân vào vùng chiến trường xưa ở Quảng Trị và Quảng Nam tìm mộ liệt sỹ. Nhờ đó, nhiều liệt sỹ đã được gia đình tìm thấy hài cốt như: Nguyễn Như Hà, Nguyễn Cảnh Các, Ngô Vinh…

Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng trị tỉnh Nghệ An viếng Nghĩa trang Thành cổ
Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng trị tỉnh Nghệ An viếng Nghĩa trang Thành cổ

Ông Từ Viết Thư (SN 1948) ở xóm 2, xã Nam Cường (Nam Đàn) là thương binh với tỉ lệ thương tật 81%, cuộc sống còn khó khăn nhưng vẫn mong muốn làm một điều gì đó để lòng mình thanh thản, để xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội. Mấy năm trước, ông Thư cùng thân nhân liệt sỹ Nguyễn Văn Phương – người bạn đồng ngũ, chung đơn vị, bị hy sinh và do chính tay ông Thư chôn cất.

Chuyến đi vào xã Phước Lãnh, huyện Tiên Phước (Quảng Nam) hết sức vất vả, gian nan vì địa hình, địa vật đã thay đổi. Sau gần một ngày lần tìm từng dấu vết, huy động tất cả các sợi dây liên hệ, được sự giúp đỡ của chính quyền và nhân dân địa phương, cuối cùng ngôi mộ năm xưa đã được tìm thấy.

Sau chuyến đi tìm mộ liệt sỹ Nguyễn Văn Phương, ông Từ Viết Thư đã có thêm hai chuyến vào mặt trận Quảng- Đà xưa, men theo con sông Thu Bồn để tìm mộ đồng đội. Và trong hai chuyến đi ấy, ông Thư đã tìm được hai ngôi mộ của của những người đồng chí, đồng hương đã ngã xuống hơn 40 năm trước.

Thắp hương tưởng nhớ và tri ân đồng đội
Thắp hương tưởng nhớ và tri ân đồng đội

Đó là liệt sỹ Nguyễn Văn Lộc (Phường Hưng Bình- Thành phố Vinh) và giúp gia đình đưa hài cốt về quê hương an táng. Còn liệt sỹ Huỳnh Văn Lang quê ở huyện Nghĩa Đàn đến nay ông Thư vẫn chưa tìm được thân nhân, dù ông đã nhiều lần cất công lên vùng đất đỏ Phủ Qùy dò tìm nhưng vẫn chưa có tin tức gì về người thân của liệt sỹ này.

Tương tự, ông Lê Văn Thuyết ở xóm Phong Phú, xã Hưng Hòa (thành phố Vinh) là thương binh tỉ lệ 71%, tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút nhưng vẫn tìm đến chốn rừng hoang, núi thẳm để tìm hài cốt đồng đội. Từ sự đau đáu và nhớ thương đồng đội, ông Thuyết chủ động tìm thân nhân liệt sỹ Vũ Hồng Lực (thành phố Vinh) để bàn kế hoạch tìm kiếm hài cốt.

Sau hai chuyến vào vùng rừng núi Hải Lăng (Quảng Trị), ông Thuyết nhận ra nơi chôn cất đồng đội. Và trong dịp ấy, ông còn tìm thấy 40 ngôi mộ của đồng đội nằm xung quanh mộ liệt sỹ Lực, báo cho các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đến xác nhận và khai quật về an táng tại nghĩa trang.

Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng trị tỉnh Nghệ An về thăm lại căn cứ Tà Cơn (Quảng Trị)
Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng trị tỉnh Nghệ An về thăm lại căn cứ Tà Cơn (Quảng Trị)

Hay chúng ta từng biết đến bệnh binh Đặng Quang Huynh (SN 1958) ở xóm 4, xã Diễn Thọ (Diễn Châu) – người từng khoác chiếc ba lô và chiếc máy ảnh cơ vào Quảng Trị tìm mộ người cậu ruột. Đi hết hàng chục nghĩa trang nhưng không tìm thấy mộ người thân, đến đâu thấy tên, tuổi liệt sỹ quê Nghệ An ông đều chụp ảnh mộ chí.

Sau hai cuộc hành trình vào Quảng Trị, có hơn 700 bức ảnh được ông Huynh in tráng và gửi đường bưu điện đến các địa chỉ trên bia mộ với mong muốn người thân liệt sỹ biết được nơi con, em mình yên nghỉ. Những khi sắp xếp được công việc, ông tìm đến các huyện Đô Lương, Thanh Chương, Nghi Lộc… để tìm thân nhân và trao những bức ảnh.

Đến nay, ông Huynh đã chuyển được gần 500 bức anh về theo địa chỉ, nhờ đó, nhiều gia đình đã tìm được mộ người thân, những lá thư cảm ơn ngày một dày thêm. Đồng thời, trong ngôi nhà của mình, ông Huynh còn dành một vị trí để thờ những chiến sỹ quê Nghệ An ngã xuống ở “đất lửa” Quảng Trị. Ngày rằm, lễ, tết, ông đều có nén hương dâng lên hương hồn những người lính chưa có dịp trở về với gia đình, quê hương.

Được biết, năm 2017 Bộ Chỉ huy Quân sự và Hội CCB tỉnh triển khai Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động cung cấp thông tin, nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cột liệt sỹ. Mục đích của chương trình nhằm phát huy vai trò của CCB và tổ chức Hội CCB các cấp tích cực tham gia cung cấp thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ để nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ.

Tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào
Tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào

Trên cơ sở đó, góp phần hoàn thành mục tiêu Đề án 1237 và kế hoạch BCĐ 1237 tỉnh Nghệ An về việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Đến nay, sau gần hai năm triển khai thực hiện, có nhiều CCB đã phối hợp hoàn thiện hồ sơ, cung cấp danh tính, danh sách, quy tập hài cốt, dẫn đường giúp gia đình hoàn thành thủ tục đưa hài cốt liệt sỹ về an tang tại quê nhà. Hội CCB các cấp đã tổ chức an táng 27 hài cốt liệt sỹ và tiến hành nhiều lượt kiểm tra, xác minh việc cung cấp thông tin về phần mộ liệt sỹ.

Đại tá Nguyễn Ngọc Trân – Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Nghệ An cho biết: “Việc tìm kiếm phần mộ và hài cốt liệt sỹ đang ngày càng khó khăn hơn vì địa hình, địa vật đã thay đổi nhiều, hội viên CCB lại ngày càng già yếu. Vì thế, trước mắt phải đẩy mạnh công tác phối hợp, động viên anh em hội viên tích cực tham gia cung cấp thông tin và vào cuộc tìm kiếm. Với việc thực hiện Đề án 1237, hy vọng sẽ có thêm nhiều phần mộ được tìm thấy, nhiều liệt sỹ được đưa hài cốt về quê hương”.