Theo Thiếu tướng Phạm Thế Tùng – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 tỉnh cho biết: Công an tỉnh đang tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện toàn diện các giải pháp; tuy nhiên, để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra của Đề án 06, trong thời gian tới cần phải có sự chung tay vào cuộc, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, cần có sự đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Có như vậy, Đề án 06 mới có thể hoàn thành và mang lại hiệu quả, lợi ích trong thực tiễn.
Để Đề án 06 thực sự đi vào cuộc sống, ngoài lực lượng Công an các cấp đang tiếp tục ngày đêm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để hoàn tất việc cấp căn cước công dân, kích hoạt định danh điện tử, làm sạch dữ liệu dân cư… thì tại nhiều sở, ngành đã có những cách làm hay, sáng tạo trong tuyên truyền thực hiện Đề án 06 như: “Ngày thứ Ba không viết”, “Ngày thứ Bảy vì dân”, ngày hội chuyển đổi số; phong trào “Ngành Tư pháp với chuyển đổi số” và tổ chức các cuộc thi, đăng ký lưu động, phát động các đợt thi đua lấy tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến để trao thưởng…
Ông Lê Viết Thức – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An cho biết: Để đẩy nhanh số hồ sơ thuộc thủ tục hành chính thiết yếu đăng ký qua cổng Dịch vụ công Quốc gia và dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, khi người dân đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính tại trụ sở Bảo hiểm xã hội tỉnh, huyện, thị xã và Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để nộp hồ sơ trực tiếp, bộ phận Một cửa thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Giao chỉ tiêu phát sinh dịch vụ công thiết yếu cho các đơn vị hàng tháng. Đẩy mạnh tuyên truyền dịch vụ công trực tuyến bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp, rộng rãi đến người dân.
Cũng theo ông Thức, để thực hiện Đề án 06 một cách đồng bộ, Bảo hiểm xã hội tỉnh đề nghị Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành thị quyết liệt giao chỉ tiêu cho phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND các xã trong việc rà soát, bổ sung thông tin định danh cá nhân (ĐDCN), căn cước công dân, họ tên, ngày tháng năm sinh của người tham gia BHYT do ngành Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý và người tham gia BHXH, BHYT đang sinh sống trên địa bàn chưa được làm sạch dữ liệu; kịp thời hướng dẫn người tham gia bổ sung hồ sơ điều chỉnh thông tin do ngành Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý nếu có sai lệch với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.
Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng đề nghị Tổ công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh chỉ đạo cơ quan Công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ với BHXH các huyện, thị xã triển khai rà soát, cập nhật, xác thực thông tin số ĐDCN/CCCD của người tham gia BHXH, BHYT với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư nhằm để đảm bảo quyền lợi cho công dân khi thực hiện các TTHC nói chung, cũng như để thực hiện các giao dịch với cơ quan BHXH. Đẩy nhanh tiến độ đăng ký thường trú cho trẻ em; cập nhật, bổ sung thông tin trẻ em vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; xác định số ĐDCN đối với trẻ được cấp trên 2 số ĐDCN.
Với thực tế khó khăn mang tính đặc thù của một huyện miền núi, trao đổi của ông Đinh Hồng Vinh – Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: Ở miền núi, việc tuyên truyền thực hiện Đề án 06 là việc làm rất quan trọng. Huyện đã chỉ đạo xây dựng các bài tuyên truyền về lợi ích, quy định, cách thức thực hiện dịch vụ công trực tuyến; chỉ đạo UBND các cấp huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: sử dụng loa phát thanh phát tại các thôn, xóm; phát tờ rơi; tuyên truyền trong các cuộc họp các cấp… Cùng với đó, xác định 1 người sẽ tuyên truyền cho 10 người, 10 người tuyên truyền cho 100 người. Ngoài các thành viên trong các Tổ công tác triển khai Đề án 06, sẽ tiếp tục huy động đoàn viên, thanh niên kết hợp để tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện.
Còn theo Thượng tá Vi Văn Giang – Trưởng Công an thị xã Cửa Lò: Công tác cài đặt, kích hoạt định danh điện tử cho người dân gặp nhiều khó khăn đối với nhóm đối tượng người cao tuổi, không có điện thoại thông minh. Nhiều trường hợp không thể hướng dẫn kích hoạt qua điện thoại mà phải làm trực tiếp. Chưa kể, hiện còn hơn 4.000 công dân trên địa bàn thị xã đang làm việc ở nước ngoài chưa về làm CCCD… Trên cơ sở thống kê, Công an thị xã giao Công an các phường bám địa bàn để kịp thời thông tin đến người dân, chủ yếu là số công dân trẻ tuổi đang làm việc, học tập tại các nước khi trở về địa phương thì đến ngay trụ sở công an để làm căn cước và xác thực định danh điện tử.
Xác định Đề án 06 là đề án đặc biệt quan trọng của Chính phủ, có phạm vi và tầm ảnh hưởng rộng lớn tới đa ngành, đa lĩnh vực và tới tất cả các địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã, vì thế, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh Nghệ An đã tham mưu cho UBND tỉnh, Tỉnh uỷ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 771/KH-UBND ngày 7/11/2022 về triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Nghệ An; lựa chọn UBND thị xã Thái Hòa, UBND thị xã Hoàng Mai và UBND 6 phường: Trung Đô, Hà Huy Tập, Quán Bàu, Trường Thi, Hồng Sơn (thành phố Vinh), Nghi Thu (thị xã Cửa Lò) để xây dựng thí điểm đơn vị kiểu mẫu thực hiện Đề án 06 bắt đầu từ ngày 25/4/2023 đến ngày 30/9/2023. Đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có lời phát động kêu gọi toàn thể nhân dân tỉnh nhà đăng ký, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử…
Để phát huy hiệu quả của Đề án 06 và khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng thời tạo chuyển biến tích cực, đảm bảo lộ trình, tiến độ Chính phủ giao, vào ngày 27/5/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Chỉ thị số 23 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị nêu rõ: Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; chịu trách nhiệm về kết quả, tiến độ thực hiện Đề án; thường xuyên, trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, rà soát các nội dung, nhiệm vụ của Đề án 06, đối chiếu với tình hình, kết quả thực hiện tại đơn vị, địa phương mình, từ đó, chỉ rõ từng việc cần thực hiện, trách nhiệm đối với từng cấp, từng đơn vị, thời gian hoàn thành để tập trung đôn đốc thực hiện; xác định việc thực hiện Đề án 06 là một nội dung đột phá để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, cải cách thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội…
Bám sát sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và Chỉ thị số 23 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, mới đây nhất, tại báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung – Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh một lần nữa chỉ đạo:
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về triển khai Đề án 06/CP với các hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng; nội dung tuyên truyền tập trung vào những lợi ích thiết thực của việc giải quyết thủ tục hành chính toàn trình và một phần. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, có giải pháp nâng cao tỷ lệ tiếp nhận dịch vụ công trực tuyến, đưa Nghệ An là đơn vị thường xuyên duy trì ổn định vị trí tốp đầu dịch vụ công trực tuyến toàn quốc. Đẩy mạnh tiến độ số hóa dữ liệu hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định của Chính phủ, gắn việc số hóa với thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Chỉ đạo thực hiện hiệu quả việc ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Đẩy mạnh cung cấp, thanh toán trực tuyến, trong đó tập trung thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt việc “làm sạch” dữ liệu và bảo đảm dữ liệu luôn “đúng, đủ, sạch, sống”. Đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06/CP, nhất là tại cấp xã.
Tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức nâng cao kỹ năng số, kỹ năng bảo mật thông tin trên môi trường mạng, thành thạo sử dụng công nghệ thông tin, nghiệp vụ phục vụ cho yêu cầu công việc và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Ưu tiên bố trí ngân sách đối với việc triển khai Đề án 06 trên địa bàn…
Về một số khó khăn, bất cập, cụ thể như về công tác số hóa, chuẩn hóa dữ liệu, tại Công văn số 4078/UBND-KSTT, ngày 29/5/2023 UBND tỉnh Nghệ An giao giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử tại các cấp chính quyền. Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính để làm giàu kho dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp lại các thông tin đã có. Tiếp tục tham mưu việc kết nối, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh để đảm bảo đồng bộ, thực chất, hiệu quả…
Tin rằng, với sự chỉ đạo xuyên suốt, cùng sự chung tay vào cuộc quyết liệt, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tầng lớp nhân dân, việc triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ về đích đúng tiến độ, đảm bảo các mục tiêu đề ra, trở thành một trong những địa phương đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số của cả nước.