Theo vết dầu loang: Kỳ cuối: Xử lý dứt điểm – đang “để ngỏ” thời hạn

Cây xăng dầu, tàu dầu hoạt động “chui” không giấy phép kinh doanh, nên không có căn cứ thu thuế. Tàu dầu cũ kỹ, cây dầu đặt góc nhà, bể chứa dầu chôn nền nhà... tiềm ẩn tai nạn, nguy cơ cháy nổ. Thực trạng đó cần giải quyết rốt ráo. Nhưng, “trước khi xử lý dứt điểm việc kinh doanh dầu trái phép này, chính quyền cần có giải pháp cung ứng xăng, dầu phục vụ nghề đánh bắt hải sản của ngư dân” - bà Trần Thị Mỹ Hà - Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương nói.

Chi cục Thuế thị xã Hoàng Mai cho biết, để thu được thuế các cây dầu, tàu dầu kinh doanh không phép ven biển thì các cơ sở này phải có giấy phép kinh doanh và lập bộ, đưa vào quản lý thuế, nhưng hiện nay mới chỉ quản lý được các cơ sở của 5 hộ ở xã Quỳnh Lập là Nguyễn Xuân Sanh (xóm Đồng Tiến), Lê Văn Minh (xóm Đồng Lập), Trần Thị Hà (xóm Vực Rồng), Lê Thị Thủy (xóm Vực Rồng), Lê Thị Lam

(xóm Vực Rồng) là có giấy phép kinh doanh và đã quản lý thuế… Trong khi đó, cũng ở phường Quỳnh Phương có 7 hộ bán dầu trên tàu không có trong lập bộ thuế.

Góc độ khác, theo trao đổi của ông Ngô Gia Tinh – Chi cục trưởng Chi cục Thuế Hoàng Mai cho rằng, kinh doanh xăng, dầu là kinh doanh có điều kiện, nhất là về mặt bằng; phòng, chống cháy nổ…; các tàu thuyền bán xăng, dầu hầu hết không đảm bảo các điều kiện nên không thể cấp giấy phép kinh doanh. Mặt khác, đối với các hộ kinh doanh xăng, dầu “chui” để thu thuế phải do cơ sở kê khai lên, có hội đồng tư vấn thuế xã xác nhận rồi chi cục thuế mới lập bộ; đối với các tàu dầu như đã phản ánh, rất khó thu thuế do cơ chế ủy nhiệm cho xã thu, công văn thu thuế văn thư không gửi ra tàu thuyền khi đang ở trên biển được…

Kinh doanh xăng, dầu ven biển Nghệ An bất cập ở tình trạng hoạt động “chui” không phép, nhưng do có “cầu” nên cứ có “cung”. Có nhiều ngư dân bày tỏ băn khoăn, mỗi chuyến ra khơi, mỗi tàu cá phải bơm hàng nghìn lít dầu mới đủ hành trình 5 – 10 ngày đánh bắt trên biển. Số lượng dầu đó mua hết hàng chục triệu đồng. Nếu các cây dầu trên tàu dầu bơm không đảm bảo số lượng thì chủ tàu thiệt thòi, có khi phải về sớm so với lịch trình. Chưa nói đến chất lượng dầu.

Một chiếc tàu dầu đang bơm dầu cho tàu ngay giữa lòng sông Mai Giang. Sau mỗi lần bơm dầu, chủ tàu dầu đều ghi nợ tiền với chủ tàu.
Một chiếc tàu dầu đang bơm dầu cho tàu ngay giữa lòng sông Mai Giang. Sau mỗi lần bơm dầu, chủ tàu dầu đều ghi nợ tiền với chủ tàu.

Nghĩ vậy, nhưng nhiều tàu cá vẫn phải chấp nhận vào các cây dầu “chui” để bơm dầu, vì có thể được mua nợ và thực tế là thuận lợi hơn rất nhiều so với mua từng can dầu trên bờ rồi chở xuống đổ vào tàu cá. “Không mua dầu ở các tàu dầu này thì biết mua ở đâu cho tiện. Những cây dầu trên bờ thì cách xa vị trí tàu thuyền neo đậu. Còn về chất lượng xăng, dầu như thế nào, hoạt động có phép hay không phép thì ngư dân chúng tôi đâu được rõ” – ngư dân Hoàng Ngọc Thái ở phường Quỳnh Phương (TX. Hoàng Mai) bộc bạch.

Dù gì, việc xóa bỏ các cơ sở kinh doanh xăng, dầu “chui” là bức thiết để đảm bảo công bằng giữa các cơ sở kinh doanh, chống thất thu thuế và đảm bảo an toàn về cháy nổ cùng các yêu cầu khác.

Theo quy định, các điểm bán xăng, dầu đúng quy định pháp luật đều phải đảm bảo các yếu tố: Có điểm đỗ, có vị trí neo đậu an toàn, có phương án phòng, chống cháy nổ, có các phương tiện chống sự cố tràn dầu và đảm bảo không ô nhiễm môi trường… (được cấp giấy chứng nhận hợp pháp theo quy định của pháp luật).

Đặc biệt, không được phép di chuyển bán xăng, dầu ngoài khu vực đã được cấp phép. Tất cả những phương tiện không được cấp phép hoạt động đều là trái quy định của pháp luật.

Bà Trần Thị Mỹ Hà – Trưởng phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương) cho biết: Từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh đã có nhiều công văn, văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương khắc phục tình trạng kinh doanh xăng, dầu không phép. Theo đó, đã có trên 70 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trái phép được khắc phục, xóa bỏ. Hiện Sở Công Thương đang phối hợp với các

ngành, UBND các huyện, thị xã, tích cực triển khai khắc phục các tồn tại và tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh.

Cũng theo bà Hà, để xử lý dứt điểm các cây xăng, dầu, tàu kinh doanh dầu trái phép là rất khó, bởi nhu cầu về nhiêu liệu dầu để đánh bắt hải sản của ngư dân hàng ngày là rất lớn. Trước khi xử lý dứt điểm các cửa hàng kinh doanh dầu trái phép này, chính quyền địa phương, đặc biệt là UBND tỉnh cần có giải pháp cung cấp xăng, dầu cho vùng ven biển để cung cấp nhiên liệu phục vụ nghề đánh bắt hải sản của ngư dân.

Có ý kiến cho rằng, nếu địa phương không còn diện tích đất để xây dựng các cửa hàng xăng, dầu đạt tiêu chuẩn, thì nên tạo điều kiện cho người dân đầu tư những con tàu dầu đủ các điều kiện kinh doanh xăng, dầu; hoặc Nhà nước xây dựng cây dầu đạt tiêu chuẩn ngay tại các cảng cá sau khi đã được đầu tư nâng cấp cảng.

Thế nhưng thực tại, theo chúng tôi, bài toán để xử lý phù hợp, dứt điểm thực trạng nêu trên thì lời giải vẫn đang “để ngỏ”.

Hàng ngàn tàu cá của Nghệ An cần có phương án cấp dầu đám bảo.
Hàng ngàn tàu cá của Nghệ An cần có phương án cấp dầu đám bảo.