Mô hình tổ tự quản đường biên, cột mốc là một cách làm hay trong thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTG ngày 9/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ “về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của người dân ở vùng “phên dậu” của Tổ quốc.
Để giúp đồng bào các dân tộc thiểu số hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền biên giới, cán bộ, chiến sỹ các đồn biên phòng đã thực hiện phương châm “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng nói tiếng đồng bào), tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc gắn với xóa đói, giảm nghèo.
Như ở Mỹ Lý – một xã vùng sâu của huyện Kỳ Sơn có đường biên giới dài 43 km (20 km đường bộ và 23 km đường sông), 9 mốc quốc giới, phía Bắc tiếp giáp với 3 cụm bản (Loọng Cắng, Mường Dương, Phà Đéng) của nước bạn (Lào). Đây là địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc Thái, Mông với 1.107 hộ/5.265 khẩu, trình độ nhận thức của nhân dân còn hạn chế, tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Địa hình rừng núi hiểm trở, bị chia cắt bởi nhiều suối sâu và núi cao, giao thông đi lại khó khăn.
Trước thực tế đó, Đồn Biên phòng Mỹ Lý chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, xây dựng quy chế, thành lập tổ tự quản đường biên, cột mốc phù hợp với điều kiện cụ thể của từng bản và tổ chức cho các cá nhân, hộ gia đình đăng ký tham gia. Đến nay, đã xây dựng được 3 tổ tự quản đường biên, cột mốc với 18 lượt người tham gia. Ngoài ra, còn có 4 hộ gia đình/20 khẩu đăng ký bảo vệ 4 đoạn đường biên mốc giới thuộc phạm vi do đồn quản lý. Các tập thể và hộ dân này đều cư trú, lao động, sinh hoạt gần khu vực đường biên, cột mốc, đảm bảo thuận tiện cho việc tham gia công tác tự quản.
Anh Xồng Pà Chò (SN 1984), Tổ trưởng Tổ tự quản đường biên, cột mốc bản Nhọt Lợt, xã Mỹ Lý cho hay: “Nhà tôi ở sát đường biên, gần cột mốc, hằng ngày, trong quá trình lên nương rẫy, lao động sản xuất nên bất cứ sự thay đổi bất thường nào ảnh hưởng đến dấu hiệu đường biên tôi thông báo cho cán bộ Đồn Biên phòng và chính quyền địa phương biết để kịp thời xử lý”. Chỉ tính riêng trong năm 2017, các tổ tự quản và các hộ đã cùng với Đồn Biên phòng Mỹ Lý phối hợp tuần tra, cắm chốt được 32 đợt/64 lượt người tham gia, hoạt động phát quang đường biên, cột mốc thu hút 4 đợt/9 lượt người tham gia. Qua công tác tuần tra đã kịp thời phát hiện xử lý tốt các tình huống xảy ra trên biên giới.
Tại nhiều địa bàn, hoạt động từ mô hình tổ tự quản đường biên không chỉ phát huy hiệu quả trong bảo vệ đường biên, mốc giới quốc gia mà còn góp phần thắt chặt tình đoàn kết quân dân nơi biên giới. Như ở xã Tà Cạ và Nậm Cắn (Kỳ Sơn), nơi tập trung phần lớn là đồng bào Mông, Thái, Khơ mú. Trước đây, tình trạng người dân tự ý vượt biên trái phép qua biên giới, vi phạm hiệp định quản lý, bảo vệ biên giới diễn ra nhiều. Ấy thế nhưng, từ khi 4 tổ tự quản đường biên cột mốc ở Nậm Cắn và 1 tổ tự quản ở Tà Cạ được thành lập, tình hình có chuyển biến tích cực thấy rõ. “Các tổ tự quản đường biên, cột mốc luôn duy trì và phối hợp chặt chẽ cùng Đồn Biên phòng Cửa Khẩu quốc tế Nậm Cắn trao đổi thông tin và tổ chức tuần tra, kiểm tra hiện trạng đường biên, cột mốc; tổ chức phát quang thông tầm nhìn, phát quang dấu hiệu đường biên giới quốc gia và các công trình quốc phòng- an ninh khu vực biên giới. Bên cạnh đó, thành viên của các tổ tự quản còn trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm Luật Biên giới quốc gia; các hiệp định, quy chế quản lý, bảo vệ biên giới đất liền Việt Nam – Lào, tích cực tham gia các hoạt động giao lưu đối ngoại nhân dân với các cụm bản đối diện của nước bạn Lào, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển”, ông Hờ Bá Chá – Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn chia sẻ.
Theo Đại tá Lê Như Cương – Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP: Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Bộ đội Biên phòng chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ 486,281 km đường biên giới đất liền. Đây là tuyến có địa hình hiểm trở, chủ yếu núi cao vực sâu, hệ thống đường biên, mốc quốc giới xa khu dân cư nên việc đi lại quản lý, bảo vệ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc xây dựng phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, BĐBP Nghệ An đã chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc thiểu số về vai trò, ý nghĩa, trách nhiệm, nghĩa vụ đối với việc tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, gắn với việc duy trì, thành lập các đội, nhóm tự quản cột mốc, đường biên. Đến nay, hoạt động của các tổ tự quản cơ bản đã đi vào nề nếp. Các hộ gia đình, cá nhân đã kết hợp tốt giữa nhiệm vụ sản xuất với việc tham gia bảo vệ biên giới ở gần khu vực sản xuất. Thông qua các mô hình tự quản về đường biên, cột mốc đã nâng cao được tính chủ động trong công tác phòng ngừa, phát hiện và giải quyết được kịp thời hơn đối với các vụ việc xảy ra trên biên giới.
Khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác bảo vệ đường biên cột mốc là tỉnh ta có đường biên giới dài, địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt nên việc đảm bảo nắm bắt sâu sát tình hình các địa phương và cuộc sống người dân ven tuyến biên giới rất phức tạp, có lúc chưa thể kịp thời. Nhiều thôn, bản chưa có điện lưới, chưa có sóng điện thoại nên việc hợp tác, trình báo với chính quyền, các lực lượng chức năng những sự cố liên quan đến đường biên, cột mốc của người dân gặp nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó là hạn chế về nguồn lực bởi hầu hết các địa phương vùng biên giới đều thuộc diện đặc biệt khó khăn nên hoạt động của các tổ tự quản cũng như của các hộ, cá nhân trong bảo vệ đường biên cột mốc vẫn dựa trên tinh thần tự giác, tự nguyện là chính, gần như chưa có bất kỳ sự hỗ trợ kinh phí nào từ phía chính quyền. Thêm vào đó, chất lượng đội ngũ cán bộ của ban quản lý các thôn, bản còn hạn chế. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thật sự quan tâm đúng mức đến việc thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ nên ở một số địa bàn hiệu quả chưa cao.
Vì vậy, theo Trung tá Nguyễn Tư Hóa – Chính trị viên Đồn Biên phòng Nậm Càn (Kỳ Sơn): Đối với những địa bàn đặc thù như khu vực biên giới cần phải vận dụng linh hoạt vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ, dòng tộc để tiến hành tổ chức tuyên truyền vận động quần chúng tự nguyện tham gia tự quản đường biên, mốc giới. Bên cạnh đó, chọn nhân tố nòng cốt cho tổ tự quản là những người có tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác cao, có nương rẫy sản xuất gần với khu vực đường biên, mốc giới. Cũng nhờ cách làm này mà ở Nậm Càn đã thành lập được 7 tổ tự quản đường biên cột mốc ở 7 thôn bản với 49 thành viên hoạt động hiệu quả.
Nhiều ý kiến khác cho rằng cần phải hỗ trợ kinh phí và có sự biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ tự quản và các hộ gia đình để động viên tinh thần trách nhiệm trong tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc ở khu vực biên giới. Bên cạnh đó, hàng năm nên khảo sát thực trạng các tổ tự quản để bổ sung, thay thế và có sự điều chỉnh nhân tố nòng cốt nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động một cách thiết thực nhất.
Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Phương – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhôn Mai (Tương Dương): Để phát huy hiệu quả phong trào toàn dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, các đồn biên phòng cần chủ động làm tốt công tác tham mưu, rút kinh nghiệm, chỉ ra những hạn chế, tồn tại, từ đó, đưa ra những phương hướng giải pháp phù hợp để các tổ và các hộ gia đình tự quản nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác bảo vệ đường biên, mốc giới được tốt hơn.
Ngoài công tác tuần tra song phương với lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn, một trong những hoạt động nhằm đảm bảo cho công tác bảo vệ đường biên, cột mốc được Bộ Chỉ huy BĐBP quan tâm là hoạt động đối ngoại nhân dân thông qua phong trào kết nghĩa giữa các cụm bản hai bên biên giới. Tính đến tháng 10/2018, đã có 19/19 cặp bản – bản hai bên biên giới của tỉnh Nghệ An (Việt Nam) và 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay (Lào) ký kết nghĩa, góp thêm mối gắn kết keo sơn giữa hai nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông.
Từ phong trào này, Ban quản lý các cặp bản kết nghĩa đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền cho nhân dân hai bên biên giới về ý nghĩa, mục đích của việc tham gia công tác tự quản đường biên, cột mốc hai bên biên giới; kết quả của công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới tuyến biên giới Việt – Lào; chính sách đối ngoại, các quy định của pháp luật mỗi nước… Anh Thò Nênh Rê – Trưởng bản Pung Vai cụm bản Phà Đéng, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn (Lào) – đơn vị kết nghĩa với bản Phà Chiếng của xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) cho hay, “giờ hai bản đã là anh em một nhà rồi, từ nay, không chỉ có đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau xóa cái đói, cái nghèo mà còn chung tay bảo vệ đường biên, mốc giới 2 bên biên giới của hai nước Việt – Lào anh em”.
Trong 5 năm qua, lực lượng chức năng, các tổ tự quản hai bên biên giới Việt – Lào đã tiến hành tuần tra song phương được 657 đợt với 6.357 lượt cán bộ, nhân dân của các cặp bản kết nghĩa tham gia; tổ chức tuần tra bảo vệ đường biên, phát quang 137 đợt/1.818 lượt cán bộ, nhân dân tham gia góp phần quan trọng giữ vững chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới của mỗi nước.
Để có được sự “chung tay” ấy có đóng góp rất lớn với vai trò “cầu nối” của các chiến sỹ quân hàm xanh. Bằng nhiều giải pháp, họ đã và đang hàng ngày vun đắp tình yêu thương, trân quý, sự sẻ chia, thấu hiểu với đồng bào các dân tộc thiểu số ở hai bên biên giới. Với họ điều quan trọng nhất là phải tạo dựng được “biên giới lòng dân”, lòng dân yên thì biên giới sẽ ổn định, chủ quyền lãnh thổ sẽ được giữ vững.
Còn với chúng tôi, kết thúc cuộc hành trình nhiều ý nghĩa, tạm biệt những cung đường tuần tra thấm đẫm tình quân dân, những mái nhà gỗ phủ nâu thân thuộc lấp ló trong màu xanh bất tận của núi rừng, trên đường về xuôi, lòng chợt đong đầy nỗi nhớ “Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ/Nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương/ Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn…”./.