Theo bước chân tuần tra – Bài 2: “Tai, mắt” của BĐBP nơi đường biên, mốc giới

Trên những nẻo đường tuần tra của BĐBP, luôn có sự đồng hành ấm áp, thắm tình quân – dân của đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây xứ Nghệ. Ấy là nhờ phong trào tự quản đường biên, cột mốc khu vực biên giới được Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An phối hợp với chính quyền địa phương triển khai sâu rộng từ nhiều năm nay. Thông qua “dân vận khéo”, đồng bào các dân tộc đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ đường biên, mốc giới, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia…

Anh Lữ Bá Khăm (bản Huồi Phong, xã Mường Ải) phát quang đường biên cột mốc cùng Đồn Biên phòng Mường Típ.
Anh Lữ Bá Khăm (bản Huồi Phong, xã Mường Ải) phát quang đường biên cột mốc cùng Đồn Biên phòng Mường Típ.

Trên những nẻo đường biên giới, chúng tôi đã gặp rất nhiều người mang trái tim “nóng” , ý thức, trách nhiệm cao với chủ quyền mốc giới của quê hương. Ấy là chàng trai trẻ người Mông Lữ Bá Khăm ở bản Huồi Phong, xã Mường Ải (huyện Kỳ Sơn) người luôn tự hào vì được Đồn Biên phòng Mường Típ và chính quyền tin tưởng giao làm tổ trưởng tổ tự quản đường biên, cột mốc. Tổ của Khăm gồm 6 người, chịu trách nhiệm bảo vệ các cột mốc thuộc phạm vi của bản mình. “Mỗi lần đi tuần tra, đứng trước cột mốc biên giới em đều có cảm giác rất thiêng liêng, như máu thịt của mình vậy”- Khăm bộc bạch.

Tuyến đường tuần tra biên giới đi qua địa bàn các xã Mường Típ, Mường Ải của huyện Kỳ Sơn có chiều dài hơn 20 km, từ năm 2018 đã được đổ bê tông khá kiên cố. Song, các đợt mưa lũ xảy ra liên tiếp khiến cho tình trạng sạt lở xảy ra nghiêm trọng, dẫn đến nhiều đoạn của tuyến đường này bị hư hỏng, vùi lấp. “Trước đây, đi hết quãng đường tuần tra này chỉ mất khoảng 1 giờ đồng hồ bằng xe máy nhưng từ khi tình trạng sạt lở diễn ra phải mất hơn 2 tiếng. Chưa kể, nhiều đoạn bị đứt gãy hoặc bị đất đá vùi lấp hoàn toàn, phải xuống xe dắt bộ hoặc có sự hỗ trợ của người ngồi phía sau, vất vả lắm nhưng nhiệm vụ mà, vẫn vui vẻ đi thôi…”, vừa giúp chúng tôi “vòng qua” những đoạn sạt lở để đến cột mốc 415, Lữ Bá Khăm vừa chia sẻ trong cái lạnh se sắt lẫn với làn sương mù dày đặc của buổi sáng sớm.

Theo Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Mường Típ (đơn vị quản lý 2 địa bàn Mường Típ, Mường Ải), Đại úy Trần Văn Thế thì: Do địa hình rừng núi phức tạp, rộng lớn lại ở địa bàn trọng yếu nên việc nắm bắt thông tin, xử lý các vấn đề đột xuất, bất thường ở khu vực biên giới vô cùng cần thiết. Bởi vậy, không ai khác chính những người dân nơi đây là “tai mắt” tin cậy của lực lượng biên phòng trong việc bảo vệ biên giới quê hương.

Cán bộ Đồn Biên phòng Mường Típ tuyên truyền cho người dân và chiến sỹ mới ý nghĩa của cột mốc.
Cán bộ Đồn Biên phòng Mường Típ tuyên truyền cho người dân và chiến sỹ mới ý nghĩa của cột mốc.

Miền núi Nghệ An có diện tích rộng 13.745km2, có 27 xã giáp biên giới Việt – Lào với 486,281km đường biên. Những năm qua, nhờ lực lượng biên phòng và chính quyền địa phương thực hiện tốt việc tuyên truyền về đường biên, mốc giới, nên đồng bào các dân tộc có tinh thần cảnh giác cao. Khi đi rừng, đi nương qua đường biên, cột mốc, phát hiện có các dấu hiệu bất thường, bà con về báo với xã và đồn biên phòng để có hướng xử lý. Cũng nhờ tự quản tốt đường biên, mốc giới, người dân ở các thôn, bản dọc biên giới yên tâm lao động, sản xuất để ổn định cuộc sống lâu dài, hạn chế tình trạng di canh, di cư.

Như ở Mường Ải – xã biên giới còn nhiều khó khăn của huyện Kỳ Sơn với 441 hộ, 2.435 nhân khẩu, chủ yếu gồm 3 dân tộc Khơ mú, Thái, Mông sinh sống. Địa bàn trải rộng trên 14 km đường biên giới (trên sông), 3 cặp cọc dấu, 22 km đường biên giới (trên bộ), 9 cột mốc. Do vậy, hiện nay, toàn xã có 9 tổ tự quản với 61 thành viên, nòng cốt là bí thư chi bộ, trưởng bản, công an viên… Ông Lữ Quang Hưng – Chủ tịch UBND xã Mường Ải cho biết: “Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đồng bào các dân tộc nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình, đồng hành với chiến sỹ biên phòng trong phát triển kinh tế – xã hội gắn với công tác bảo vệ đường biên, mốc giới”.

Một góc Bản Ái Khe, xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn.
Một góc Bản Ái Khe, xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn.

Xã Nhôn Mai (Tương Dương) có đường biên giới dài 15 km với 5 cột mốc từ Mốc 381 đến Mốc 385 và có 3 bản giáp biên, đó là bản Huồi Cọ, bản Huồi Măn, bản Phà Mựt (giáp với cụm bản Phà Đánh, huyện Mường Quán, tỉnh Hủa Phăn, Lào). Chính vì vậy, phong trào tự quản đường biên, cột mốc được Đồn Biên phòng Nhôn Mai và cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm. Đến nay đã có 8 hộ (16 thành viên) và 2 tập thể (8 thành viên) tự nguyện đăng ký tham gia. Tương tự ở xã Mai Sơn có đường biên giới dài 9,5 km với 3 cột mốc từ Mốc 386 đến Mốc 388 và có 2 bản giáp biên, đó là bản Piêng Coọc, bản Phá Kháo cũng đã thành lập được 3 tổ tự quản đường biên, cột mốc với 15 thành viên. Ấy thế nhưng, không chỉ riêng các thành viên tổ tự quản đường biên, cột mốc mà bất cứ người dân nào trong các thôn, bản khi phát hiện có dấu hiệu gì bất thường ở khu vực đường biên, cột mốc đều thông báo cho lực lượng biên phòng xử lý kịp thời. Thượng tá Nguyễn Xuân Phương- Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhôn Mai cho hay: Nhiều vụ việc xảy ra trên biên giới như: Xâm hại cột mốc; xâm canh; vượt biên trái phép; khai thác lâm, thổ sản, chăn thả trâu, bò… đều được nhân dân khu vực biên giới kịp thời phát hiện thông báo và phối hợp cùng các đồn biên phòng đấu tranh có hiệu quả.

Có thể nói, bảo vệ đường biên, cột mốc đã trở thành phong trào của toàn dân và thấm sâu vào nếp nghĩ của nhân dân khu vực biên giới. Gia đình anh Hờ Bá Chùa, trú tại bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) có gần 2 ha đất canh tác gần cột mốc 406, đoạn biên giới tiếp giáp với Lào. Hằng ngày, ngoài việc trồng trọt, chăn nuôi trên rẫy, gia đình anh thường xuyên kiểm tra hiện trạng cột mốc, đoạn biên giới được giao bảo vệ. “Từ ngày được giao tự quản đường biên, cột mốc, người dân trong bản vui lắm. Bà con nhận thức đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm cao quý của người dân vùng biên. Bảo vệ đường biên, cột mốc là bảo vệ bản làng. Biên giới có ổn định thì người dân mới yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế…”, anh Hờ Bá Chùa tâm sự.

Cán bộ, chiến sỹ biên phòng thăm hỏi người dân sống ở khu vực biên giới.
Cán bộ, chiến sỹ biên phòng thăm hỏi người dân sống ở khu vực biên giới.

Dọc đường tuần tra biên giới, đến với những cột mốc thiêng liêng phân định chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc trên những đỉnh núi cao vời vợi, mờ sương, càng lên cao càng lạnh, điểm dừng chân của người lính biên phòng luôn là những nếp nhà gỗ quấn quýt khói bếp, những lán trại của người dân dựng lên phục vụ cho sản xuất, chăn nuôi. Đó cũng chính là nơi chứng kiến những câu chuyện thắm đượm tình quân – dân. Đằng sau những cái bắt tay, lời hỏi thăm tình hình sức khỏe, tình hình sản xuất của bà con là những câu chuyện, những thông tin quý giá về những vấn đề xảy ra xung quanh khu vực đường biên, mốc giới. Già Lỳ Y Tổng (78 tuổi) ở bản Tiền Tiêu đã nhiều năm sống gần khu vực mốc giới, mỗi lần BĐBP Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đi tuần tra, đều ghé thăm ông. Lần nào ông cũng đón tiếp vồn vã như khách quý, lần này cũng vậy, chia tay đoàn tuần tra, ông cứ nắm chặt tay Đại úy Nguyễn Cảnh Thảo – Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn mà dặn dò: “Cán bộ à, đồng bào Mông với BĐBP như anh em một nhà thôi, mai mốt đi tuần tra lại ghé nhà ta chơi nhé…”.

Cùng với lực lượng biên phòng, những người dân sinh sống, lao động, sản xuất ở khu vực biên giới với tấm lòng son sắt, thủy chung như già Lỳ Y Tổng đã và đang tạo nên những “hàng rào chắn”, “cột mốc sống” vững chắc, góp phần bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia…

Người dân tham gia tuần tra đường biên cột mốc cùng cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn.
Người dân tham gia tuần tra đường biên cột mốc cùng cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn.