Thế giới chờ đợi gì ở năm 2019?

Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an trao đổi với Báo Nghệ An những dự báo về tình hình thế giới năm 2019.

P.V: Năm 2018 thế giới đã trải qua nhiều biến động và những thay đổi mang tính lịch sử, với vai trò là một nhà nghiên cứu, Thiếu tướng có thể đưa ra những nhận định, dự đoán về thế giới năm 2019?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Để nhận định, dự báo về tình hình thế giới năm 2019, chúng ta cần quan tâm đến các vấn đề sau: Đó là tình hình kinh tế thế giới năm 2019 sẽ như thế nào? Diễn biến ở các khu vực châu Âu, Trung Đông, Đông Á – Tây Thái Bình Dương, châu Mỹ Latinh; mối quan hệ giữa các nước lớn Mỹ – Nga, Mỹ – Trung; tình hình các cường quốc Mỹ, Trung, Nga trong năm 2019.

Về kinh tế, chúng ta phải đi từ các trung tâm kinh tế lớn của thế giới hiện nay là Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, đây là 4 trụ cột của nền kinh tế toàn cầu. Nếu nền kinh tế của 4 trụ cột này phát triển vững vàng thì sẽ kéo theo nền kinh tế toàn cầu phát triển.

Có thể nói, năm 2018 là đỉnh cao của nền kinh tế Mỹ, đây là thành tựu lớn nhất của ông Trump trong năm thứ 2 làm tổng thống. Tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất, lạm phát thấp nhất trong 30 năm qua là kết quả từ một loạt chính sách kinh tế mới của Tổng thống Trump, trong đó nổi bật nhất là giảm thuế. Bước sang năm 2019, nền kinh tế của Mỹ sẽ đi ngang, nếu không muốn nói là đi xuống, bộc lộ những yếu kém, bất cập trong nội tại của nó, về những hậu quả chính sách kinh tế của Tổng thống Trump.

Nền kinh tế Mỹ phát triển là thành tựu lớn nhất của ông Trump trong năm thứ 2 làm tổng thống.
Nền kinh tế Mỹ phát triển là thành tựu lớn nhất của ông Trump trong năm thứ 2 làm tổng thống.

Kinh tế Mỹ năm 2019 không có hy vọng phát triển như năm 2018 – nhiều nhà kinh tế học dự báo như vậy, và tôi cũng cho là đúng. Ngay trong nền kinh tế Mỹ hiện nay còn rất nhiều vấn đề mà Tổng thống Donald Trump không dễ dàng giải quyết trong năm 2019; đây là năm quan trọng nhất đối với ông và ông sẽ tập trung toàn bộ cho vấn đề kinh tế. Nếu nền kinh tế Mỹ trong năm 2019 đi xuống, thì chắc chắn năm 2020 ông Trump sẽ thất cử trong cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo. Lịch sử nước Mỹ đã chỉ ra các tổng thống Mỹ bị thất bại trong cuộc tái tranh cử chủ yếu là do nền kinh tế Mỹ bị sa sút, đi xuống. Nhưng như đã nói, cho dù ông Trump có nỗ lực bao nhiêu, thì nền kinh tế Mỹ năm 2019 vẫn ảm đạm hơn năm 2018.

Nền kinh tế thứ 2 là Trung Quốc, hiện đang gồng mình để đối phó với cuộc chiến tranh thương mại của Mỹ. Năm 2019, Chính phủ Trung Quốc phải tiến hành điều chỉnh hàng loạt chính sách kinh tế cả trong nước và ngoài nước. Thách thức lớn nhất, đe dọa lớn nhất đối với Chủ tịch Tập Cận Bình chính là cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ phát động. Từ cuộc chiến tranh thương mại này buộc Trung Quốc phải xem xét lại toàn bộ kế hoạch kinh tế của họ, nếu muốn tồn tại phải thay đổi. Nhiều vấn đề đi ngược hoàn toàn với kế hoạch đã có, hàng loạt vấn đề Trung Quốc phải giải quyết: mở cửa hơn nữa với nước ngoài, giảm hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp chủ chốt…

Container chất tại cảng nước sâu Dương Sơn ở Thượng Hải, Trung Quốc.
Container chất tại cảng nước sâu Dương Sơn ở Thượng Hải, Trung Quốc.

Có thể nói, năm 2019 là năm Trung Quốc buộc phải tiến hành tổng điều chỉnh về kinh tế, cả cơ chế quản lý, chính sách, cơ cấu kinh tế để đối phó với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Vì thế, năm 2019 kinh tế Trung Quốc sẽ khó phát triển ngoạn mục. Nếu xử lý giỏi, Trung Quốc cũng chỉ giữ được tốc độ tăng trưởng 6% là tốt lắm rồi, nếu không muốn nói là đi xuống.

Nền kinh tế châu Âu năm 2019 cũng sẽ không sáng sủa gì so với năm 2018, thậm chí còn tệ hơn. Vì hàng loạt sự kiện như: Phong trào áo vàng ở Pháp đến những vấn đề khó khăn của Italia, vấn đề Brexit, nên nền kinh tế châu Âu sẽ khó khăn hơn năm 2018. Nền kinh tế Nhật Bản vẫn tiếp tục trì trệ trong năm 2019. Thủ tướng Abe đã có nhiều điều chỉnh, nhưng khó tạo được sự phát triển ấn tượng, giỏi lắm thì cũng bằng năm 2018. Ngoài ra các nền kinh tế khác: Ấn Độ có thể phát triển, kinh tế châu Mỹ Latinh đi ngang, kinh tế Nga khó khăn… Từ đó kết luận rằng, nền kinh tế toàn cầu năm 2019 là năm khó khăn, ấp ủ những nhân tố có thể dẫn đến sự suy thoái mới.

P.V: Vậy tình hình các khu vực ở trên thế giới năm 2019 sẽ như thế nào, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Về khu vực châu Âu, năm 2019 sẽ có hàng loạt sự kiện tác động đến liên minh EU. Thứ nhất, nước Anh sẽ ra khỏi châu Âu, điều này tác động đến toàn bộ châu Âu. Điều thứ 2 tác động đến châu Âu, chính là lực lượng cực đoan theo tư tưởng dân túy, chủ nghĩa cực đoan trỗi dậy. Đây là điều đang đe dọa sự ổn định, toàn vẹn của châu Âu. Trong năm 2019, châu Âu tiến hành hàng loạt cuộc bầu cử. Đặc biệt là tháng 5/2019, bầu cử Nghị viện châu Âu (có vai trò quan trọng đặc biệt trong việc phát triển và ổn định châu Âu). Các lực lượng cực đoan ở Đức, Áo, Pháp, Hà Lan, Bỉ… đang tập hợp lực lượng chống lại liên minh EU, khôi phục lại chủ quyền toàn vẹn các quốc gia.

Năm 2019 sẽ có hàng loạt sự kiện tác động đến liên minh châu Âu.
Năm 2019 sẽ có hàng loạt sự kiện tác động đến liên minh châu Âu.

Năm 2019 này sẽ là một cuộc cọ xát giữa lực lượng ủng hộ châu Âu và lực lượng phản đối châu Âu. Tháng 10/2019 sẽ bầu cử Chủ tịch Ủy ban châu Âu; tháng 11/2019 bổ nhiệm Chủ tịch Ngân hàng châu Âu; tháng 12/2019 bầu Chủ tịch mới của Hội đồng châu Âu… Chưa bao giờ châu Âu đứng trước thách thức, khó khăn chồng chất như hiện nay. Trước hết là về chính trị, trong từng nước bị chia rẽ và giữa các nước chia rẽ, giữa Bắc Âu và Nam Âu mất lòng tin với nhau, giữa nước giàu, nước nghèo, giữa Đông Âu và Tây Âu… Trong bối cảnh như vậy, hai trụ cột Đức, Pháp là người đứng ra dàn dựng, thiết kế và cải cách châu Âu đều đang gặp khó. Nên châu Âu năm 2019 là ảm đạm, mờ mịt, thậm chí có lúc, có nơi rơi vào khủng hoảng trầm trọng.

Về khu vực Trung Đông, vấn đề số 1 là việc Tổng thống Trump rút quân khỏi Syria. Đây là sự kiện để lại hậu quả rất lớn. Lực lượng dân quân người Kurd ở Syria, chính là lực lượng được Mỹ hậu thuận, hỗ trợ cung cấp vũ khí, tài chính. Liên minh chống khủng bố ở Syria do Mỹ dẫn dắt chủ yếu là lực lượng dân quân người Kurd. Khi Mỹ rút quân khỏi Syria, lực lượng dân quân người Kurd như bị “đâm sau lưng”, họ kinh hoàng, đặt ra một vấn đề về sự trung thành của Mỹ đối với đồng minh. Chính việc Mỹ rút quân khỏi Syria làm cho Nga vừa có lợi, vừa có khó khăn, thách thức. Phía sau quyết định rút quân của Tổng thống Trump đã để lại cho Nga muôn vàn khó khăn, hơn là “quà tặng” cho Nga. Mỹ rút khỏi Syria, Nga và Iran có nhiều thuận lợi, nhưng thách thức của Nga và Iran lớn hơn là thuận lợi. Phải chăng Mỹ rút để buộc Nga lún sâu, sa lầy tại Syria? Nga phải gồng mình để đánh lại IS? Theo tôi, có lẽ đây là ý đồ muốn nhấn chìm, bắt buộc Nga sa lầy ở Syria. Vì thế vấn đề Trung Đông năm 2019 sẽ cực kỳ phức tạp.

Vấn đề Trung Đông năm 2019 sẽ cực kỳ phức tạp.
Vấn đề Trung Đông năm 2019 sẽ cực kỳ phức tạp.

Về khu vực Đông Á – Tây Thái Bình Dương, nổi bật nhất là quan hệ Mỹ – Triều Tiên. Ngày 12/6/2018, Mỹ – Triều Tiên đã ký tuyên bố chung ở Singapore, nhưng đến giờ phút này cả Mỹ và Triều Tiên đều diễn giải tuyên bố chung này theo hai cách khác nhau. Chính quyền Trump yêu cầu Triều Tiên giải giáp hạt nhân toàn diện, có kiểm chứng và không đảo ngược. Nhưng Triều Tiên lại cho rằng, Mỹ cần phải triệt thoái tất cả căn cứ chiến lược ở Hàn Quốc, Nhật Bản, đặc biệt là những căn cứ hạt nhân. Quan niệm của Triều Tiên triệt thoái vũ khí hạt nhân là bắt đầu từ Mỹ, từ bỏ các căn cứ quân sự lớn, nhất là các căn cứ tên lửa đạn đạo và hạt nhân, thì khi ấy Triều Tiên mới từ bỏ vũ khí hạt nhân. Cho nên quan hệ Mỹ – Triều sẽ trở lại căng thẳng vì Triều Tiên không từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Quan hệ Mỹ – Triều sẽ trở lại căng thẳng dù đã ký tuyên bố chung tại Singapore, ngày 12/6/2018.
Quan hệ Mỹ – Triều sẽ trở lại căng thẳng dù đã ký tuyên bố chung tại Singapore, ngày 12/6/2018.

Một khu vực khác được quan tâm là khu vực Mỹ Latinh, trong năm 2018, các ứng cử viên cực hữu đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử ở các nước lớn như Braxin, Paragoay, Chilê… Năm 2018 là một năm lực lượng cực hữu nắm quyền lực chi phối Mỹ Latinh. Điều này có nghĩa là quan hệ Mỹ – Mỹ Latinh được củng cố, cánh tả buộc phải lùi, cánh hữu lên sẽ phá bỏ chủ trương, chính sách của cánh tả, chưa chắc đã khắc phục được những hậu quả, sai lầm mà cánh tả để lại mà sẽ làm rối loạn lên, nên năm 2019, khu vực Mỹ Latinh cũng sẽ ảm đạm.

P.V: Thiếu tướng có dự đoán gì về “sức khỏe” của các “nước lớn” trong năm 2019?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nói về các “nước lớn” trong năm 2019, chúng ta có thể bắt đầu từ Mỹ. Năm 2019, nước Mỹ tiếp tục bị chia rẽ, phân tâm, các chính sách của Tổng thống Trump bị phanh hãm, do đảng Dân chủ chi phối hạ viện. Trọng tâm năm 2019 của Tổng thống Trump là tập trung cho kinh tế trong nước, để tránh khỏi sự thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020. Dự báo năm 2019 sẽ không sáng sủa cả về kinh tế, chính trị và đối ngoại đối với Tổng thống Trump.

Năm 2019 cũng là một năm đầy khó khăn và thách thức với Trung Quốc do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Năm 2019, chính quyền Tập Cận Bình buộc lòng phải thay đổi chính sách đối ngoại, đối nội, nhất là về kinh tế để đương đầu với cuộc chiến thương mại. Năm 2019 là năm điều chỉnh lớn của Trung Quốc.

Dự đoán năm 2019, nền kinh tế Nga có bước phát triển nhỏ.
Dự đoán năm 2019, nền kinh tế Nga có bước phát triển nhỏ.

Đối với Nga, năm 2019 cũng là một năm thử thách, nhưng xem ra trong các “nước lớn” thì có vẻ như nền kinh tế Nga có khả năng ổn định hơn. Vì đáy thấp nhất của Nga là các năm 2015, 2016. Nhưng dự đoán năm 2019, nền kinh tế Nga cũng chỉ có bước phát triển nhỏ. Đời sống người dân Nga vẫn khó khăn, dẫn đến các vấn đề xã hội khác, Tổng thống Putin có nguy cơ giảm sút niềm tin, nhưng với tài năng của mình, ông Putin sẽ chèo chống được, đảm bảo sự ổn định của nước Nga.

P.V: Theo Thiếu tướng, trong năm 2019, mối quan hệ tay đôi giữa các cường quốc có biến động gì hay không?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Theo tôi, quan hệ Mỹ – Nga năm 2019 sẽ có phần xấu hơn năm 2018. Cần lưu ý rằng, Mỹ khó sử dụng các nước Ban-tích và Đông Âu để khiêu khích Nga, nhưng Mỹ và lực lượng cực hữu ở châu Âu sẽ dùng Ukraine như một con bài để tạo cớ, tiếp tục làm quan hệ Nga – châu Âu ngày càng băng giá. Năm 2019, quan hệ Mỹ – Nga sẽ ít có thay đổi lớn dù có những mâu thuẫn đối kháng, thù địch, nhưng họ vẫn cần nhau trên nhiều lĩnh vực.

Quan hệ giữa Mỹ - Nga, Mỹ - Trung năm 2019 sẽ không tiến triển, thậm chí sẽ xấu hơn.
Quan hệ giữa Mỹ - Nga, Mỹ - Trung năm 2019 sẽ không tiến triển, thậm chí sẽ xấu hơn.

Về quan hệ Mỹ – Trung, năm 2019, cuộc chiến thương mại giữa hai nước này sẽ hạ nhiệt, Trung Quốc sẽ xuống thang, chấp nhận một số yêu cầu của chính quyền Trump, nhả ra một số lợi ích cho Trump. Mỹ cũng cần ổn định quan hệ với Trung Quốc để chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 2020. Về phía Trung Quốc nếu làm căng với Mỹ sẽ ảnh hưởng đến “giấc mộng Trung Hoa”. Vì lợi ích, hai bên sẽ xuống thang, nhưng Trung Quốc sẽ xuống thang nhiều hơn, vì Trung Quốc sẽ không đủ sức để đối đầu với Hoa Kỳ. Dự báo cuộc chiến thương mại vào giữa năm 2019 sẽ đi vào hồi kết. Nhưng quan hệ Mỹ – Trung về chính trị, quốc phòng vẫn càng ngày càng căng thẳng.

Với những nhận định trên, có thể nói, trên phạm vi toàn cầu năm 2019, là một năm thế giới ảm đạm cả về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng. Bức tranh thế giới năm 2019 không sáng sủa hơn năm 2018, thậm chí có nơi còn kém hơn, nhưng sẽ không có chiến tranh, xung đột lớn. Đây vừa là điều kiện, vừa là cơ hội và là thách thức đối với Việt Nam.

Trong bối cảnh quốc tế như vậy, vấn đề quan trọng là chúng ta phải nhận biết được cơ hội ở đâu, từ đâu đến và như thế nào để tận dụng, và phải nhận rõ, tỉnh táo về thách thức từ đâu đến, để chủ động ứng phó và vượt qua.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!