Các thế hệ cha ông đã đổ xương máu để có thể thông suốt một dòng kênh, và dòng kênh đó cũng đã đóng góp không nhỏ vào lịch sử phát triển của địa phương nói riêng, đất nước nói chung. Thế nhưng, hiện nay chỉ vì lợi ích của một số ít cá nhân, dòng kênh bị bức tử, chặn lại chỉ để làm nơi nuôi trồng thủy sản trái phép.
Không giống như các huyện ở phía Nam tỉnh, kênh Nhà Lê chạy qua các địa bàn Quỳnh Lưu, Hoàng Mai không có đoạn nào mang tên “kênh Nhà Lê” mà là một hệ thống kênh đào kết hợp với sông tự nhiên rất phức tạp. Ở mỗi đoạn, đi qua mỗi làng thường có một tên gọi khác nhau.
Theo các tài liệu lịch sử, từ ranh giới phía Bắc Nghệ An, Vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) cho đào kênh Bà Hòa (thuộc xã Tân Trường, Thanh Hoá) theo hướng Nam, rồi men theo chân núi Xước, nối với sông Hoàng Mai và kênh Xước. Kênh này đổ vào sông Hoàng Mai ở phía Bắc làng Ngọc Huy và gọi là kênh Son. Từ Ngọc Huy, kênh chảy qua các xã vùng Bãi Ngang gọi là kênh Mơ (còn gọi là kênh Mai Giang, kênh Ngọc Để) rồi đổ ra Lạch Quèn. Dòng kênh này men theo dòng nước chảy là khe Nước Lạnh, chạy dọc xã Quỳnh Lộc (thị xã Hoàng Mai) để nối với lạch Cờn tại phường Quỳnh Phương.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, thì kênh Nhà Lê qua Nghệ An cũng được đào cùng lúc với kênh Nhà Lê ở Thanh Hóa. Đến năm 1003, vua Lê Đại Hành tổ chức cho nạo vét, mở rộng kênh Đa Cái chảy qua phía Nam Nghệ An. Hệ thống kênh đào này đã nối thông các con sông tự nhiên tạo thành hệ thống đường thủy thông suốt từ Thanh Hóa cho đến sông Lam ở phía Nam Nghệ An. Nhưng có vẻ như hệ thống kênh thời điểm đó vẫn còn rất sơ khai, tàu thuyền qua lại chưa được thuận tiện.
Theo nhà nghiên cứu Đào Tam Tỉnh, đến thời nhà Lý, Triều đình giao Lý Nhật Quang làm Tri châu Nghệ An và tổ chức lập trại Bà Hòa, làm căn cứ tích trữ lương binh, chuẩn bị cho công cuộc chinh phục phương Nam. Để xây dựng trại Bà Hòa vững chắc, có đường bộ, đường thủy đi lại thuận tiện, Lý Nhật Quang đã huy động quân đội và dân phu được chiêu tập từ Bắc vào để khơi đào kênh Xước, lập ra cảng Xước (nay là cảng Lạch Cờn). Cảng này còn có tác dụng làm nơi trú gió bão của tàu thuyền.
Kênh Xước, cảng Xước được làm xong thì các làng quê mới cũng được hình thành ở hai bên kênh. Vì thế, để nhớ ơn Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, nhân dân các làng xã mới này đều lập đền thờ ông là Thành Hoàng làng. Có lẽ cũng vì vậy mà ở tỉnh Nghệ An, có đến hàng trăm ngôi đền thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.
Tuy vậy, việc đào kênh không phải chỉ được tiến hành một vài lần rồi thôi. Vì địa hình sông núi nước ta dốc từ Tây sang Đông, mỗi khi đến mùa mưa lũ, cát từ đại ngàn lại đổ về thường làm cạn các con sông đào. Do đó, các triều đại phải thường xuyên huy động nhân dân đào vét sông, trong khi công việc này không phải là việc dễ dàng, khiến cho người dân khổ cực trăm đường. Theo ông Đào Tam Tỉnh thì dù mùa màng thất bát, không có cái ăn nhưng người dân vẫn buộc phải đi phu đào kênh. Việc này được nhắc tới qua các bài thơ, bài vè như bài “Bắt dân xứ Nghệ ra đào khe Son”, trong đó có đoạn như “…Dân tình khốn nạn đã nao/ Bắt dân xứ Nghệ ra đào khe Son/ Đào từ Nước Lạnh về Cơn/ Khiêng bùn đội đất trăm đường chua cay…”.
Từ sông Hoàng Mai đổ ra cửa Cờn, Nhà Lê tiếp tục cho đào một nhánh kênh chạy dọc biển, hướng về phía Nam dài chừng 14km, xuyên qua các xã vùng Bãi Ngang thuộc huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai là Quỳnh Phương, Quỳnh Liên, Quỳnh Minh, Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy…
Theo nhà nghiên cứu Đào Tam Tỉnh, vùng Bãi Ngang này hình thành khu dân cư đông đúc từ thế kỷ thứ 10, khi Lê Hoàn cho đào kênh Mai Giang nối ba cửa lạch: Cờn – Quèn – Thơi. Đoạn kênh này đã mang lại cho người dân Bãi Ngang nhiều thuận lợi trong sản xuất, đánh bắt cá và đi lại. Trải qua các triều đại sau đó, với nhiều lần nạo vét, mở rộng kênh, vùng Bãi Ngang ngày càng trở nên đông đúc, trù phú với các nghề ngư, diêm, nông, thương mại đường biển, đường sông. Người dân địa phương gọi đoạn kênh này là sông Mơ. Hiện, sông Mơ rộng chừng 10-12m, mực nước phụ thuộc vào thủy triều. Sông Mơ đang là nguồn cung cấp nước cho việc nuôi trồng thủy, hải sản của cư dân các xã vùng Bãi Ngang.
Từ cửa Quèn tại xã Tiến Thủy, kênh Nhà Lê tiếp tục nối với cửa Thơi ở xã Sơn Hải, với chiều dài khoảng 4km. Đoạn này hiện đã bị bồi lấp khá nhiều và khi nước thủy triều rút, nhiều đoạn kênh trơ đáy. Theo người dân thì trước đây, đoạn kênh này nước rất sâu; cư dân trong vùng thường dùng kênh để vận chuyển muối, gạo. Do lâu ngày không được nạo vét, người dân sống hai bên kênh lấn chiếm nên lòng kênh cạn dần, chỉ khi thủy triều lên cao, thuyền bè mới có thể vào được.
Phía Nam cửa Thơi là xã Quỳnh Thọ, từ đây, Nhà Lê tiếp tục cho đào đoạn kênh dài 13km nối với sông Bùng ở cửa Vạn thuộc xã Diễn Bích. Người dân địa phương gọi đoạn này là kênh Mi.
Để thông suốt kênh đào, trải qua thăng trầm hơn nghìn năm, các thế hệ cha ông đã đổ biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả máu, nhưng hiện nay nhiều đoạn kênh lại đang bị xâm hại nghiêm trọng trước sự bất lực của chính quyền địa phương. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nghệ An, tại nhiều khu vực gần như dòng kênh đã bị cô lập hoàn toàn, không còn dòng chảy. Nhiều đoạn thì cạn kiệt, bị nhà cửa hai bên bờ lấn chiếm, hay thành nơi tập kết rác thải.
Ngay tại điểm địa đầu xứ Nghệ, nơi hơn 1.000 năm trước, vua Lê Đại Hành cho khoét dòng khe Nước Lạnh để trở thành kênh đào, bây giờ đã bị bồi lắng hoàn toàn. Dòng nước bị chặn lại ngay Quốc lộ 1A, đoạn gần trạm thu phí Hoàng Mai.
Còn tại thôn 3B, xã Quỳnh Lộc (thị xã Hoàng Mai), nhiều năm nay kênh Nhà Lê đã bị xâm hại nghiêm trọng. Nhiều hộ dân ở thôn này đã ngang nhiên chặn dòng kênh để làm hồ nuôi trồng thủy sản. Có hộ dân thậm chí còn xây nhà, lấn chiếm hết nửa lòng kênh.
Theo một lãnh đạo xã Quỳnh Lộc, tình trạng xâm hại kênh Nhà Lê diễn ra từ lâu, chính quyền xã cũng đã nhiều lần báo cáo lên thị xã Hoàng Mai nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. “Không chỉ chặn dòng làm hồ nuôi tôm. Nhiều hộ dân sống hai bên kênh cũng thường xây dựng trái phép, rồi trồng cây bên kênh lấn chiếm lòng kênh. Cán bộ xã xuống lập biên bản thì không chịu ký, xử phạt thì không đóng tiền. Chúng tôi cũng bất lực”, vị này lắc đầu ngao ngán.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều đoạn kênh thậm chí bị lấn chiếm khiến bây giờ bề rộng chỉ còn khoảng vài mét. Ông Lê Tuấn Anh – Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Lộc cho rằng, chưa nói đến giá trị về lịch sử, việc kênh Nhà Lê bị xâm hại đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân địa phương trong những năm qua. “Việc chặn dòng kênh như vậy làm tăng tình trạng xâm nhập mặn, khiến người dân gặp khó khăn trong canh tác. Rồi vào mùa mưa thì do lượng nước đổ từ trên núi xuống, nhưng kênh đã bị chặn nên thoát không kịp, gây ra tình trạng ngập úng. Chúng tôi cũng mong muốn sớm khắc phục tình trạng này”, ông Lê Tuấn Anh nói.