Thăng trầm Kênh Nhà Lê 2

Mặc dù đã được đào thông suốt từ hơn 1.000 năm trước, nhưng do phía dưới là mỏ sắt, nên tuyến kênh nhà Lê đoạn qua núi Cấm không thể đào sâu, tàu thuyền cỡ lớn vì thế rất khó qua lại vào mùa cạn. Tuyến kênh chỉ dài chừng 20km, nhưng liên tục các triều đại nối tiếp nhau đã phải đào suốt hơn 800 năm mới có thể hoàn tất.

Kênh Nhà Lê từ sông Bùng đoạn qua xã Diễn Quảng đến xã Diễn An (Diễn Châu) gọi là kênh Đạu; từ xã Diễn An qua xã Nghi Yên (Nghi Lộc) gọi là kênh Sắt. Sách “Đồng Khánh địa dư chí lược Nghệ An tỉnh”, chép về đoạn kênh này như sau: “Một dòng kênh nhỏ, từ thôn Thổ Hậu qua xã Phú Hậu, tổng Quan Trung, xã Nho Lâm, tổng Cao Xá, ngoằn ngoèo chảy đến kênh Sắt bến đò sông Cấm rồi hợp dòng đổ xuống cửa biển, dài 9 dặm, rộng 7 trượng, triều lên sâu 5 thước, triều xuống sâu 3 thước”.

Kênh sắt đoạn qua xã Nghi Yên nằm giữa Quốc lộ 1A cũ và mới
Kênh sắt đoạn qua xã Nghi Yên nằm giữa Quốc lộ 1A cũ và mới

Theo nhà nghiên cứu Đào Tam Tỉnh, đoạn kênh này đi qua chân núi Sắt nên có tên là “kênh Sắt” và còn được gọi với nhiều cái tên khác như Thiết Giang, Thiết Cảng, Thiên Uy… Đoạn kênh này được nhiều đời tập trung đào, nhưng lòng kênh hẹp, nước nông cạn do có nhiều quặng sắt không đào được và các thuyền bè chở hàng do đó không thể đi qua được.

Cũng theo nghiên cứu của ông Đào Tam Tỉnh, đến đầu triều Nguyễn, tuyến kênh này vẫn chưa đào xong. “Việc tổ chức đào kênh Sắt rất gian nan, tốn kém. Thời Vua Tự Đức có bài vè “Đi phu đào kênh Sắt” đã cho biết, triều đình phải huy động dân phu cả ở Nghệ An lẫn Hà Tĩnh để phục vụ cho việc đào kênh Sắt”, ông Tỉnh viết trong cuốn Kênh Nhà Lê – Lịch sử và huyền thoại.

Cũng dưới triều Vua Tự Đức, khi Hoàng Tá Viêm được cử làm Tổng đốc An Tĩnh thì kênh Sắt mới được đào thông nhờ vào trí tuệ khoa học của nhà cách tân Nguyễn Trường Tộ và việc huy động dân phu rầm rộ đến mười hai huyện Nghệ Tĩnh như trong một bài vè đã mô tả. Rút kinh nghiệm các triều đại trước đã thất bại trong đào thông kênh Sắt, Hoàng Tá Viêm nghĩ ngay đến việc phải nhờ vào người có tri thức khoa học. Người đó chính là Nguyễn Trường Tộ, người đã từng qua Pháp học môn khoa học địa chất và là người có nhiều kiến thức, kinh nghiệm khoa học dân gian. Tổng đốc Hoàng Tá Viêm đã viết thư mời, nhờ Nguyễn Trường Tộ giúp đỡ. Nguyễn Trường Tộ lúc bấy giờ đang bị bệnh, đang điều trị ở nhà thờ Xã Đoài cách đó khoảng chục cây số, nhận được thư, ông đã nhờ người cáng đến nơi để thị sát hình thế để đề ra phương án đào kênh. Với kiến thức địa chất được học ở Pháp và kiến thức dân gian, Nguyễn Trường Tộ nhìn cây cối mọc ở trên thì biết được đoạn nào bên dưới không có quặng sắt, đoạn nào có. Vì thế mà ông cho người cắm tiêu theo một đường không có quặng sắt bên dưới để dân phu đào, và sau khoảng 1 tháng thì đoạn kênh này được khơi thông.

“Đường thủy theo Kênh Nhà Lê qua Thiết Cảng được nối thông từ Cửa Vạn cho đến sông Cấm. Hành trình ấy tính ra mất tới nghìn năm, với không biết bao xương máu, thân xác của nhân dân, kể cả oan khuất của các giai nhân như Công chúa của Hồ Qúy Ly. Nước của dòng Kênh Nhà Lê hợp lưu với sông Cấm như được tiếp thêm máu, để nguồn nước mạnh mẽ thêm, mở rộng thêm cho Cửa Xá, Cửa Lò”, nhà nghiên cứu Đào Tam Tỉnh kết luận trong đoạn viết về kênh Sắt.

Hành trình đào kênh gian nan, vất vả là vậy, thế nhưng bây giờ kênh Sắt lại đang đối diện với nguy cơ thành dòng “kênh chết”. Theo ghi nhận của phóng viên vào trung tuần tháng 4, nước ở đoạn kênh này có màu đen kịt, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Theo lãnh đạo chính quyền địa phương thì tình trạng ô nhiễm như thế này diễn ra thường xuyên. Cả một đoạn kênh dài không hề có một dấu hiệu sinh tồn của bất cứ một loài cá nào.

Dòng kênh bị ô nhiễm nghiêm trọng
Dòng kênh bị ô nhiễm nghiêm trọng

“Ngày xưa chúng tôi chiều nào cũng ra kênh tắm, rồi giặc áo quần ở đó luôn. Nhưng nhiều năm nay thì chẳng còn ai dám bén mảng lại gần chứ nói gì đến tắm. Ô nhiễm không thể chịu nổi”, ông Phan Thắng (73 tuổi, xã Nghi Diên) nói và cho hay, trước đây dưới lòng kênh rất nhiều cá, tôm những vài năm trở lại đây không ai còn đánh bắt được cá trên kênh này.

Trước đây, lòng kênh rộng hơn 10m, sâu từ 3 đến 4m để tàu thuyền qua lại. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên thì hiện nay một số đoạn chỉ rộng chưa đầy 1m, sâu chưa đến mắt cá chân người lớn. Dọc hai bờ kênh, cây cối, nhà cửa đang dần xâm lấn con kênh nghìn tuổi này. Mặc dù nằm trong đoạn đường công nhận là di tích cấp quốc gia, nhưng mới đây khi tiến hành xây cầu vượt Quốc lộ 1A, người ta còn phũ phàng làm hàng loạt trụ cầu, chặn ngang dòng kênh. Dù cách đó vài chục mét, là đài tưởng niệm Kênh Nhà Lê được xây dựng khá uy nghi!

Nhiều đoạn kênh Sắt bị cây cối xâm lấn, chỉ còn lại rất hẹp
Nhiều đoạn kênh Sắt bị cây cối xâm lấn, chỉ còn lại rất hẹp

Không chỉ có vai trò về giao thông, kênh Sắt còn có đóng góp không nhỏ vào hệ thống thủy lợi của những vùng xung quanh. Ông Đậu Xuân Lâm – Chủ tich UBND xã Nghi Yên cho biết, phần lớn đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã phụ thuộc vào nguồn nước tưới tiêu của kênh Sắt. “Tuy nhiên, những năm gần đây, kênh Sắt gần như cạn kiệt. Nhiều đoạn thậm chí mùa khô đã bị tắc, không còn dòng chảy, vì thế không đủ nguồn nước tưới tiêu phục vụ nông nghiệp trên địa bàn. Địa phương cũng rất mong muốn tuyến kênh này được quan tâm hơn nữa, được nạo vét để trở lại hiện trạng như ngày xưa”, ông Lâm nói.

Đoạn cuối kênh Sắt, nơi giao nhau với sống Cấm
Đoạn cuối kênh Sắt, nơi giao nhau với sống Cấm