Tháng Chạp

“Giêng, Hai, Một, Chạp” là cách mà người xưa vẫn thường dùng để chỉ gọi các tháng quan trọng trong năm. Sau tháng Giêng là tháng Hai, sau tháng Hai là tháng Ba… Cứ thế cho đến tháng Mười. Và sau tháng Mười sẽ là tháng Một chứ không phải tháng Mười Một như cách gọi ngày nay. Nối tiếp tháng Một là tháng Chạp. Tất nhiên, trước đây các cụ tính theo lịch âm, chứ không phải lịch dương như hiện nay.

Với tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) có lẽ là thời gian khó khăn nhất nhưng cũng được chờ đợi nhất trong năm. Bởi vào tháng này, giữa tiết trời buốt giá, bà con nông dân bắt đầu xuống đồng cày, bừa, bắc mạ để chuẩn bị cấy vụ lúa đông – xuân, vụ mùa quan trọng nhất trong năm. Mặc dù mỗi năm người nông dân có 2 vụ gieo cấy là đông – xuân và hè – thu, nhưng vụ mùa này được xem là quan trọng hơn cả.

Lúa má, cày cấy xong cũng là thời điểm đón ông Công, ông Táo. Có những gia đình vì neo người có khi mãi tận ngày hai tám, hai chín Tết mới kịp cấy xong . Thế là cả làng, cả xã vắt chân lên lo Tết. Dăm nhà tụ tập cùng nhau “đụng” chung một con lợn. Rồi nếp, rồi gạo, rồi bánh trái, hoa quả… Trăm thứ phải lo. Gia đình nào giữ được vài chục quả bưởi, cam trên cây thì cắt lấy mang ra chợ bán. Nhà nào có ao cá thì đây cũng là lúc quét lưới… Tất cả dồn cho ba ngày Tết.

Tháng Chạp cũng là tháng đoàn viên. Người già, người trẻ, thanh niên, học sinh làm ăn tứ xứ chờ đợi để trở về quê. Áo đỏ, áo xanh rộn ràng xóm dưới, làng trên. Tiếng thăm hỏi, chuyện trò xôn xao suốt đường làng.

Nhưng năm nay tháng Chạp lặng lẽ hơn rất nhiều. Đại dịch Covid-19 đã khiến cho ngày hội đoàn viên không trọn vẹn. Sau hơn 5 làn sóng dịch bệnh, kể từ những tháng cuối năm 2021, có hơn 100.000 người Nghệ An trở về quê tránh dịch. Phần lớn trong số đó đã bỏ dở công việc, buộc phải tự thanh lý hợp đồng lao động để về quê. Và họ gần như không còn gì trong tay khi phải dắt díu cả gia đình, vợ, con hồi hương. Chưa có lần trở về nào khốn khổ, buồn tủi đến thế. Rồi cũng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tích gây chết người trên hành trình trở về quê mẹ. Nhiều người khác đã tử vong do mắc phải virus SASR-CoV-2. Chưa hết, có những người ông, người bà vào miền Nam chăm cháu nội, cháu ngoại giúp con cái, vì mắc phải Covid-19 nên khi trở về chỉ còn là nắm tro tang thương cả mùa Đông. Đó có thể nói là chuyến hành trình cuối đời của số phận…

Nhưng tháng Chạp mỗi năm vẫn đến chẳng lỗi hẹn bao giờ. Và cuộc sống vẫn phải trôi đi như vốn phải thế. Tháng Chạp năm nay, đâu đó trong không gian trầm hương tỏa ngát, vẫn lặng lẽ những hồn quê về nương náu nơi này.

Tranh minh họa. Nguồn: baonamdinh.com.vn
Tranh minh họa. Nguồn: baonamdinh.com.vn

Giờ đã là giữa tháng Chạp.

Tôi mới mua về một cành mận.

Đã thành cữ rồi. Cứ tầm đầu tháng Chạp trở đi thì người ta đã bắt đầu chở mận, đào, lê từ miền núi về bán. Nghĩa là có thể “chơi Tết” từ rất sớm.

Càng ngày khái niệm Tết sẽ càng đơn giản đi. Ăn Tết, chơi Tết cũng thay đổi cả nội dung, hình thức. Và thực ra, cái cảm giác “Tết đến” khiến ai ai cũng thấy xốn xang, chộn rộn trong lòng nó phải đến từ đầu tháng Chạp. Người ta bắt đầu đếm ngược, còn ba tuần nữa, nửa tháng nữa, năm – bảy ngày nữa… để cuối cùng sẽ đến cái lúc ấy, nói lời chào năm mới.

Một trong những điều lạ lùng nhất là kể từ sau ngày 23, tức ngày ông Công ông Táo, thì người ta quên biến mất ngày dương lịch. Từ hôm ấy sẽ gọi là Hai Tư Tết, Hai Lăm, Hai Sáu Tết… cho đến tận ra Giêng, vẫn không ai bận tâm ngày dương lịch là ngày nào tháng nào. Cũng cái tháng này, không ai còn nguyên vẹn tâm trạng để làm lụng nữa. Dù ăn uống chẳng bao nhiêu nhưng ai ai cũng có cái thói quen sắm sanh sửa soạn. Tôi rất thích cái tâm trạng ấy và thích quan sát cuộc sống trong những ngày này. Người ta dù bận rộn đến đâu đi nữa cũng muốn thu vén mọi thứ cho gọn gàng, đâu vào đấy để còn đón năm mới. Thôi thì vất vả cả năm trời rồi, cuối năm là phải tươm tất nhất có thể. Nợ nần ai cũng lo trả cho bằng hết kẻo để vắt qua năm mới sẽ không may mắn cho cả người nợ lẫn người bị nợ.

Từ căn chung cư của tôi nhìn xuống là con sông được mệnh danh là sông Cái, con sông lớn nhất đồng bằng Bắc Bộ. Tháng Chạp, những chiếc sà lan nặng trĩu ngược xuôi đông đúc hơn vào đầu tháng và sẽ thưa thớt dần đi vào giữa và cuối tháng. Người ta sẽ chạy những chuyến cuối cùng để kịp về ăn Tết với gia đình. Dòng sông trở nên yên tĩnh và lạnh giá hơn trong tiết trời cuối Đông. Hồi xưa, tàu bè nhiều hơn, sẽ có những cái bè lớn mà trên đấy chở đầy lá dong cho người miền xuôi gói bánh chưng. Giờ đường bộ tiện lợi hơn, người ta hầu nhưng không còn chở hàng tết bằng đường sông nữa. Từ nhà tôi ra bến sông gần lắm. Những ngày này bọn tôi lũ lượt lên rừng chặt lá dong, cứ đếm 50 tàu lại cuộn thành một bó rồi vác ra sông. Bè nứa sẽ ghé vào, đếm bó trả tiền. Lại lấy tiền ấy mà mua sắm đồ tết. Cũng hồi xưa, mẹ tôi hay lẩm bẩm đọc mấy câu ca dao: Khó thay công việc nhà quê/ Quanh năm khó nhọc dám hề khoan thai/ Tháng Chạp thì mắc trồng khoai/ Tháng Giêng trồng đậu tháng Hai trồng cà…

Những bông hoa mận đầu tiên sẽ nở ra vào khoảng tuần cuối cùng của tháng này và nở vắt ra Giêng, thậm chí còn đậu một ít quả. Tôi sẽ chơi cành hoa ấy suốt từ năm cũ qua năm mới với cảm giác Xuân đang tràn về từng bước một, rất khẽ.