Tập trung phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Bệnh cúm gia cầm là một bệnh truyền nhiễm ở loài chim (bao gồm cả gia cầm và chim hoang dã) và động vật có vú (bao gồm cả người); bệnh gây ra bởi vi rút cúm típ A. Căn cứ vào độc lực, vi rút cúm gia cầm được phân loại thành các chủng vi rút cúm gia cầm độc lực cao (bao gồm các chủng H5, H7) và các chủng vi rút cúm gia cầm độc lực thấp. Tuy nhiên, việc phân loại có tính tương đối, phụ thuộc các đặc điểm dịch tễ, tình trạng miễn dịch của mỗi cá thể động vật.

Cán bộ thú y chuẩn bị lấy mẫu và tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm.
Cán bộ thú y chuẩn bị lấy mẫu và tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm.

Các loài chim hoang dã có thể mang vi rút cúm gia cầm và là nguồn lây lan dịch bệnh chủ yếu cho gia cầm nuôi. Trong chăn nuôi, gà thường bị mắc bệnh rất nặng, vịt thường mang mầm bệnh nhưng ít khi có biểu hiện triệu chứng lâm sàng và là nguồn chủ yếu gieo rắc vi rút cúm gia cầm ra môi trường, lây nhiễm bệnh chính cho gia cầm nuôi nhốt.

Hiện nay có một số chủng vi rút cúm gia cầm đang lây lan dịch là: A/H5N1, A/H5N6, đặc biệt từ giữa tháng 6/2021 xuất hiện chủng vi rút cúm gia cầm A/H5N8 lần đầu tiên xâm nhiễm vào Việt Nam. Đây là chủng vi rút nguy hiểm, có khả năng lây sang người và lây lan nhanh cho đàn gia cầm và trong thời gian ngắn đã lây lan cho 10 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 23.446 con gia cầm.

Phun hóa chất ở điểm phương tiện ra vào vùng dịch; Phun thuốc khử khuẩn và tiêu hủy gia cầm bị dịch bệnh.
Phun hóa chất ở điểm phương tiện ra vào vùng dịch; Phun thuốc khử khuẩn và tiêu hủy gia cầm bị dịch bệnh.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 2 chủng vi rút cúm gia cầm là A/H5N1 và A/H5N6. Ông Nguyễn Viết Lương – Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cho biết: “Động vật mắc bệnh cúm gia cầm là các loài gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng, chim cút, bồ câu, đà điểu, chim hoang dã và động vật có vú thuộc mọi lứa tuổi. Đặc biệt vi rút có thể lây nhiễm và gây bệnh cho người. Bệnh có thể lây trực tiếp do tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh cúm hoặc lây gián tiếp qua dụng cụ chăn nuôi, thức ăn, nước uống, lồng nhốt, quần áo, phương tiện vận chuyển, xác gia cầm, phân, thức ăn xanh trên các sông, hồ, kênh, mương… có vi rút gây bệnh”.

Gia cầm mắc bệnh thường bị chết đột ngột. Tỷ lệ chết có thể lên tới 100% tổng đàn trong vòng vài ngày. Gia cầm đi không bình thường, loạng choạng, lắc đầu, run rẩy, mệt mỏi, nằm tụ tập từng đám. Có các biểu hiện ở đường hô hấp như ho, khó thở, chảy nước mắt, sổ mũi, hắt  hơi, thở khò khè. Sưng phù đầu và mặt, sưng mí mắt, mào và tích tím tái. Xuất huyết dưới da, đặc biệt ở những chỗ da không có lông; tiêu chảy (phân loãng màu trắng hoặc trắng xanh), giảm đẻ.

Do tổng đàn gia cầm  của Nghệ An là rất lớn (hiện có trên 28 triệu con) nhưng chủ yếu chăn nuôi nông hộ, thả đồi, thả đồng, trong khi đó tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm chưa cao, cùng với đó, thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sức đề kháng của gia cầm; đường truyền lây lại đa dạng, khó kiểm soát do các loài chim hoang dã có thể nhiễm vi rút cúm gia cầm…  nên công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm gặp khó khăn.

Ông Đặng Văn Minh –  Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cho biết: “Bệnh cúm gia cầm gây thiệt hại nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi và ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, bởi vậy người dân cần nắm rõ một số biện pháp quan trọng phòng, chống bệnh cúm gia cầm, đó là:

– Chọn mua gia cầm về nuôi phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, từ đàn bố mẹ đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định, tại các cơ sở uy tín, đã qua kiểm dịch.

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra công tác phòng chống dịch ở địa phương.
Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra công tác phòng chống dịch ở địa phương.

– Bệnh Cúm gia cầm không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có tiêm phòng vắc xin để tạo miễn dịch chủ động chống lại mầm bệnh. Do đó, bà con cần lưu ý tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm, đặc biệt là vắc xin cúm gia cầm.

– Chuồng trại, khu vực chăn nuôi phải có lưới, tường rào… bao quanh nhằm kiểm soát được người và động vật, chuột… ra vào trại; có biện pháp không để chim hoang dã tiếp xúc với đàn gia cầm.

– Trước cổng trại, các lối ra vào các dãy chuồng phải có hố, khay sát trùng và định kỳ thay thuốc sát trùng hoặc vôi bột; các phương tiện, dụng cụ, người chăn nuôi trước khi vào trại phải được phun tiêu độc khử trùng.

– Thực hiện tốt “5 không” trong phòng, chống dịch (là không giấu dịch; không mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm mắc bệnh; không bán chạy gia cầm mắc bệnh; không chăn thả rông hoặc vận chuyển gia cầm bị mắc bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt xác gia cầm bừa bãi ra môi trường).

– Báo ngay cho cán bộ thú y, UBND cấp xã khi thấy gia cầm có hiện tượng ốm, chết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định.

Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi & Thú y và các địa phương đang tập trung cho công tác tiêm phòng vụ Thu 2021, thời gian tiêm phòng là từ ngày 15/9 -15/10/2021. Nếu đàn gia súc, gia cầm không được tiêm phòng hoặc tỷ lệ tiêm phòng thấp sẽ không có miễn dịch bảo hộ chống lại mầm bệnh, nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi xảy ra trong thời gian tới là rất cao. Do vậy, các địa phương cần tiến hành rà soát, thống kê lại tổng đàn gia súc, gia cầm trong diện tiêm để khẩn trương đăng ký mua các loại vắc xin để tiêm phòng; bố trí kinh phí, nguồn lực để tổ chức tiêm phòng đạt kết quả cao.

Trang trại chăn nuôi gia cầm; Tập huấn kỹ thuật tiêm vắc-xin cho gia cầm; Tiêm phòng cho gia cầm tại trang trại chăn nuôi ở Diễn Trung (Diễn Châu) và xã Nghi Kiều (Nghi Lộc).
Trang trại chăn nuôi gia cầm; Tập huấn kỹ thuật tiêm vắc-xin cho gia cầm; Tiêm phòng cho gia cầm tại trang trại chăn nuôi ở Diễn Trung (Diễn Châu) và xã Nghi Kiều (Nghi Lộc).