Tạo sự đồng thuận cao, chuyển biến mạnh mẽ từ cơ sở

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất và dân số đứng thứ 4 cả nước sinh sống trên địa bàn 460 xã, phường, thị trấn, thuộc 21 huyện, thành phố, thị xã. Đặc điểm đó tạo nên sự khác biệt về vùng miền, điều kiện kinh tế – xã hội trong quá trình phát triển của tỉnh, càng cho thấy vai trò rất quan trọng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Đánh giá đúng vai trò, tầm quan trọng của những cán bộ ở cơ sở, tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở; đồng thời tăng cường công tác gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, cấp huyện với đội ngũ cán bộ cấp xã nhằm nắm bắt được nội tại từng cơ sở và nhu cầu, mong muốn, cũng như khó khăn để giải quyết, tạo sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Một trong những hoạt động điểm nhấn là ngày 26/5/2018, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức gặp mặt người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng; trao đổi về vai trò, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương trong phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng đảng và nhiều vấn đề khác đang nảy sinh từ thực tiễn cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển tỉnh nhà.

Thường trực Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Đối thoại với lãnh đạo quản lý cấp phòng và chuyên viên trong Khối Các cơ quan tỉnh. Ảnh: Thành Cường
Thường trực Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Đối thoại với lãnh đạo quản lý cấp phòng và chuyên viên trong Khối Các cơ quan tỉnh. Ảnh: Thành Cường

Đến nay, sau 5 năm nhìn lại, dư âm và sức lan tỏa của chương trình gặp mặt đã thể hiện được hiệu quả trong thực tiễn rất rõ nét. Đặc biệt, cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong toàn tỉnh, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã có đóng góp hết sức quan trọng trong thành tựu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng đảng của tỉnh.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt khá cao qua từng năm; quy mô nền kinh tế không ngừng mở rộng, đến hết năm 2022 đạt 175.740 tỷ đồng, đứng thứ 10 cả nước. Thu ngân sách Nhà nước lần đầu tiên vượt mốc 20.000 tỷ đồng, đạt 21.805 tỷ đồng năm 2022. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 2,54 tỷ USD, vượt xa mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (đến năm 2025 đạt 1,765 tỷ USD). Thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng tăng cả về số lượng, quy mô và chất lượng dự án. Năm 2022, tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm của các dự án đạt 45.764,5 tỷ đồng. Trong 7 tháng đầu năm nay, Nghệ An đã cấp mới cho 69 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 21.839,4 tỷ đồng; điều chỉnh 92 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 27 dự án (tăng 2.712,4 tỷ đồng). Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 24.551,8 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2022, số dự án cấp mới tăng 4,55%, tổng vốn đăng ký cấp mới tăng 1,33 lần. Nghệ An thuộc nhóm 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước trong năm 2022, đạt 961,3 triệu USD và từ đầu năm 2023 đến nay, Nghệ An thu hút được hơn 890 triệu USD, đứng thứ 8/63 cả nước. Văn hóa – xã hội có nhiều điểm sáng, định hình rõ là trung tâm về giáo dục và đào tạo, tài chính – ngân hàng, y tế của khu vực Bắc Trung Bộ. Công tác an sinh xã hội được thực hiện kịp thời. Xã hội đồng thuận, an yên; tinh thần đoàn kết trong nhân dân, đoàn kết đồng bào lương – giáo, miền núi – đồng bằng được phát huy, lan tỏa rộng rãi.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu dự lễ khánh thành cầu dân sinh ở xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương. Ảnh: Thành Cường
Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu dự lễ khánh thành cầu dân sinh ở xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương. Ảnh: Thành Cường

Đặc biệt, trong điều kiện của tỉnh rất khó khăn, miền núi rộng lớn chiếm trên 80% diện tích cả tỉnh; điểm xuất phát ở nông thôn thấp, song Nghệ An thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được đánh giá là hiệu quả, có cách làm mới, sáng tạo. Đến nay, toàn tỉnh có 309/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 75,18%; 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao tương đương 17,15%; 6 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, tương đương 11,32 %; Số tiêu chí bình quân các xã đạt 16,98 tiêu chí/xã. Có 197 thôn/bản đạt chuẩn nông thôn mới; có 7 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (2 thị xã: Thái Hòa, Hoàng Mai, cùng thành phố Vinh và 4 huyện: Nam Đàn, Yên Thành, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu); 2 huyện Đô Lương, Diễn Châu đã hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương để bỏ phiếu công nhận đạt chuẩn. Đồng thời, tỉnh ta thuộc tốp 5 địa phương thực hiện tốt nhất Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên cả nước, đã có 403 sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao trở lên.

Một góc nông thôn mới ở các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Hưng Nguyên và Diễn Châu. Ảnh tư liệu: Nhật Thanh - Thành Cường - Sách Nguyễn
Một góc nông thôn mới ở các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Hưng Nguyên và Diễn Châu. Ảnh tư liệu: Nhật Thanh - Thành Cường - Sách Nguyễn

Cấp xã là đơn vị cấp hành chính cuối cùng trong 4 cấp của hệ thống quản lý hành chính, là cấp thấp nhất theo sự phân cấp quản lý nhưng thấp nhất không đồng nghĩa với ít quan trọng nhất. Chúng ta thấy rằng, đội ngũ cán bộ xã là người giữ vai trò quyết định trong việc hiện thực hóa sự lãnh đạo và quản lý của Đảng và Nhà nước về mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội ở cơ sở; giữ vai trò quyết định trong việc quán triệt, tổ chức thực hiện mọi quyết định của cấp ủy cấp trên, cấp ủy cùng cấp và mọi chủ trương, kế hoạch, sự chỉ đạo của chính quyền cấp trên, cũng như mọi chương trình, kế hoạch của chính quyền xã. Cán bộ xã còn là cầu nối quan trọng nhất giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; đồng thời giữ vai trò quyết định trong việc xây dựng và thúc đẩy phong trào cách mạng của quần chúng ở cơ sở.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu trao đổi cùng cán bộ và người dân tại điểm hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa. Ảnh: Thành Duy
Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu trao đổi cùng cán bộ và người dân tại điểm hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa. Ảnh: Thành Duy

Tuy nhiên, bức tranh chung về đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở tỉnh ta vẫn còn những điều băn khoăn, trăn trở; có nơi trình độ của đội ngũ cán bộ ở xã vẫn còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên ở cấp xã suy thoái về chính trị, vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng, thậm chí có người bị khởi tố.

Trong khi đó, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong bối cảnh mới, tình hình mới đối với hệ thống chính trị tỉnh ngày càng cao, đặc biệt là ở cấp xã. Năm 2023 là thời điểm đánh dấu những dấu mốc rất quan trọng đối với sự phát triển của Nghệ An, khi đây là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Tỉnh cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những định hướng phát triển mới.

Lãnh đạo xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương kiểm tra mô hình trồng bưởi da xanh trên đồng đất chuyển đổi. Ảnh: Mai Hoa
Lãnh đạo xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương kiểm tra mô hình trồng bưởi da xanh trên đồng đất chuyển đổi. Ảnh: Mai Hoa
Lãnh đạo xã Quỳnh Diễn kiểm tra, đốc thúc hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Ảnh: Mai Hoa
Lãnh đạo xã Quỳnh Diễn kiểm tra, đốc thúc hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Ảnh: Mai Hoa

Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tầm nhìn đến năm 2045, Nghệ An là tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh và hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ.

Có thể nói Nghệ An đang ở một thời điểm: “Thiên thời, địa lợi và nhân hòa” để phát triển nhanh, mạnh, đột phá, bền vững hơn. Nếu chúng ta không tận dụng để vượt lên thì sẽ lỡ cơ hội phát triển. Với một bối cảnh, thời điểm như vậy, rất cần sự đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, quyết tâm cao trong cán bộ, đảng viên, tầng lớp nhân dân; trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền 460 xã, phường, thị trấn, để tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ cho nền kinh tế, xã hội của tỉnh.

Hình ảnh minh họa: Tư liệu
Hình ảnh minh họa: Tư liệu

Thực tiễn đã chứng minh, để hệ thống chính trị mạnh, xã hội ổn định, các phong trào ở cơ sở có hiệu quả, đòi hỏi đội ngũ cán bộ cơ sở phải thực sự là “thủ lĩnh”, có khả năng tổ chức thực hiện, lôi cuốn, phát động; có khả năng theo dõi, kiểm tra và nhân rộng các phong trào, việc làm tốt, những cá nhân điển hình, tiên tiến; biết khai thác tối đa nguồn lực vật chất, tinh thần nội lực ở cơ sở. Hiệu lực của bộ máy Nhà nước ở cơ sở cũng tùy thuộc trước hết vào năng lực của đội ngũ cán bộ này.

Do đó, ngay sau thành công của Hội nghị đối thoại với lãnh đạo quản lý cấp phòng và chuyên viên trong Khối Các cơ quan tỉnh tổ chức vào ngày 11/5/2023, Thường trực Tỉnh ủy tiếp tục tổ chức Chương trình gặp mặt, đối thoại với 1.022 đồng chí bí thư cấp ủy, chủ tịch HĐND, UBND của 460 xã, phường, thị trấn, đại diện cho 9.382 cán bộ, công chức đang làm việc ở cấp xã trong toàn tỉnh, với chủ đề: “Đoàn kết – Dân chủ – Sáng tạo – Phát triển”.

Cán bộ xã Nghi Thuận (Nghi Lộc) trao đổi về công tác giải phóng mặt bằng triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn. Ảnh: T.L
Cán bộ xã Nghi Thuận (Nghi Lộc) trao đổi về công tác giải phóng mặt bằng triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn. Ảnh: T.L

Có thể thấy, so với lần tổ chức đầu tiên năm 2018 có tính chất là gặp mặt, thì năm nay chương trình được mở rộng nội hàm, không chỉ gặp mặt, mà còn mang tính chất đối thoại. Thường trực Tỉnh ủy rất mong muốn thông qua chương trình vừa thể hiện sự ghi nhận của lãnh đạo tỉnh đối với những cố gắng của các lãnh đạo ở cơ sở; đồng thời vừa tạo diễn đàn để cập nhật thêm các quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; cũng như chia sẻ, thảo luận, trao đổi giữa lãnh đạo tỉnh và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở.

Đây cũng là dịp mở ra một cơ hội để đội ngũ cán bộ cấp xã giao lưu, trao đổi, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau; tìm hiểu hoàn thiện hơn chủ trương, chính sách, phương pháp công tác, sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; phát huy vai trò, sức mạnh cơ sở; tăng cường khối đoàn kết nhất trí; xây dựng niềm tin, ý chí chính trị, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp từ cơ sở đến tỉnh và Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Do đó, trong khuôn khổ chương trình, Thường trực Tỉnh ủy sẽ dành một buổi mời lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương thông tin thêm về tình hình thời sự, chính trị trong nước, quốc tế và lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương quán triệt nội dung cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tiếp đó sẽ là Chương trình đối thoại với toàn thể đại biểu do Thường trực Tỉnh ủy chủ trì, điều hành tập trung vào các chủ đề về công tác xây dựng đảng; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình hình nhân dân.

Có thể khẳng định, sự nghiệp phát triển của tỉnh nhà muốn thành công thì yếu tố quan trọng là phải tạo sự đồng thuận cao, chuyển biến mạnh mẽ từ cơ sở; mà điều đó lại phụ thuộc rất nhiều ở nhân tố quyết định là đội ngũ cán bộ, đặc biệt là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở. Thường trực Tỉnh ủy tin tưởng rằng, với những sự đổi mới trong hình thức, phương pháp tổ chức này, Chương trình gặp mặt, đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã sẽ thành công, mang lại hiệu quả cao; góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, tạo sức mạnh tổng hợp nhằm vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân; cùng thống nhất quan điểm, mục tiêu, hành động trong hệ thống chính trị. Đồng thời, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm cho cán bộ chủ chốt ở cơ sở; tạo quyết tâm cao trong toàn hệ thống chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển tỉnh./.

Một góc thành phố Vinh. Ảnh: T.D
Một góc thành phố Vinh. Ảnh: T.D