Thế nên nhạc miền Trung dễ đi vào lòng người. Sáng đi ăn cháo lươn, uống chè chát ở Vinh nghe lao xao cứ như mọi người đang hát. Hồi nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo còn sống, tôi bảo bác là case lạ, là lại làm được bài “Làng quan họ quê tôi” vượt biên giới Nghệ ra Bắc Ninh đúng chất quan họ, chứ các ông Nghệ hay mang âm hưởng Nghệ đi khắp nơi. Thậm chí như ông nhạc sĩ Ngọc Tường ở Gia Lai có bài hát “Tình ca Măng Đen” nhiều người thích và hay được hát ở nhiều nơi, hay được yêu cầu phát lại trên đài, thì lại đặc âm hưởng Nghệ dù Măng Đen thuộc… Tây Nguyên, và ông Ngọc Tường không mảy may liên quan gốc rễ chi sơ gì tới Nghệ.
Có một thời, một số người, có tôi, cứ nghĩ nhạc Nghệ là phải có ông An Thuyên, ông Tạo. Nhắc ai thì nhắc, không thể không nhắc 2 ông này. Và cũng có một ngoại lệ là ông nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý làm cái “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” oanh liệt một thời, thì cứ loanh quanh mấy ông ấy, tới một hôm tự nhiên xem Youtube thấy Phó Thủ tướng (hồi ấy) Vương Đình Huệ hát ở Trường Đại học Hà Tĩnh bài “Câu đợi câu chờ”. Ban đầu tôi nghĩ bác này giọng thế thì… tốn điểm lắm nếu hát karaoke. Nhưng sau chợt chùng lại, bài hát hay quá. Thế là tìm hiểu tác giả. Và mới biết ông nhạc sĩ này có tới mấy bài hay. Những là “Câu đợi câu chờ”, những là “Lời quê”, những là “Mẹ”… vân vân. So với những là An Thuyên, Nguyễn Trọng Tạo, Ngọc Thịnh có vẻ “trầm” hơn, nhưng độ sâu lắng, lan tỏa, anh chả thua kém gì. Tất nhiên ông này người Hà Tĩnh. Nhưng có cái lạ, là dù Hà Tĩnh rất dày truyền thống, cả lịch sử và văn hóa nghệ thuật, thế mà người ta hay nhắc chung là “xứ Nghệ” khi có liên quan tới Hà Tĩnh. Và quả là có thời hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã thành Nghệ Tĩnh…
Và có một điều tôi nhận ra, con sông Lam trở thành dây neo tâm hồn của các nhạc sĩ, nhà thơ xứ Nghệ. Ông Lê Huy Mậu có hẳn một bài thơ dài “Khúc hát sông quê” chỉ để viết về sông Cả, tức sông Lam. Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo rất tài khi nhặt ra những câu… dở nhất của bài thơ ghép lại thành một bài hát hay, ví dụ nhé, thơ là phải bất ngờ, chứ thật thà “con cá dưới sông cây trồng trên bãi” thì nó chả thơ. Nó là sự tất nhiên, vì cá không thể trong… nồi và cây không thể trên mái nhà. Lúa không để lại rơm thì để lại cái gì, vân vân. Nhưng ghép lại, nó lay động lòng người đến thế, nó tung hoành khắp nơi đến thế. Thực ra, bài thơ của ông Mậu rất hay, rất xúc động, chất triết lý rất cao (ông này học Triết):
“Xin bắt đầu từ hạt phù sa/ ta cúi nhặt tình cờ bên bờ sông tháng Chạp/ ôi! Phù sa/ những cá thể tự do trong hành trình của đất/ đêm nao chớp bể, mưa nguồn/ trong cơn thác lũ/ trong sóng đỏ/ đất đi/ kiến tạo/ sinh thành…
Em ơi!/ quả ớt cay bổi hổi/ trên bãi sông thuở chưa dấu chân người/ anh nghe nói có một thời/ tất cả còn hoang dại/ tổ tiên ta chỉ hái lượm mà thôi/lại nghe nói/ thuở ta chưa biết ăn gì cả/ ta cùng cây cỏ sinh đôi/ rồi cây cỏ ăn ta/rồi ta ăn cây cỏ/ cũng là khi cay đắng, ngọt bùi/ ta và đất kết giao/ lấy dòng sông làm lời thề non nước…
Này dòng sông!/ ai đã đặt tên cho sông là sông Cả?/ ai đã gọi sông Cả là sông Lam?/ ta đơn giản chỉ gọi là con sông quê hương/ tháng Ba phù sa sóng đỏ/ cá mương đớp ngọn lúa đòng đòng/ tháng Năm/ ta lặn bắt cá ngạnh nguồn/tháng Chín/ cá lòng bong/ ta thả câu bằng mồi con giun vạc/ tháng Chạp/ ta nếm vị heo may trên má em hồng…
Để rồi ta đi khắp núi sông/ ta lại gặp/ tháng Ba… tháng Năm… tháng Chạp/ trong vị cá sông/ trên má em hồng…”.
Tự đọc to lên mà xem, rất hay. Nhưng phải đúng giọng ông Mậu đọc, trời ơi nó thấm, nó ngấm, dù nói thật, nhìn ông Mậu không thấy đâu sự hoành tráng của… sông Lam! Chính tôi là người hay xúi ông Mậu trong các cuộc ăn nhậu mà dứt khoát có món tráng miệng, thậm chí là khai tiệc “Khúc hát sông quê” rằng bác phải đọc lại bài ấy sau khi mọi người nghe hát. Rằng bài thơ của bác nó có giá trị độc lập chứ không phải là… ăn theo nhạc của bác Tạo. Ông Mậu đọc, tôi thấy khá nhiều người Nghệ từng rơm rớm mắt.
Nói đến thơ Nghệ lại có thêm một ông không thể không nhắc đến là Hoàng Trần Cương. Anh Cương có thể nói là một người Nghệ tới tận… Nghệ, tận cùng Nghệ. Từ con người, tính cách, tới thơ. Những câu thơ tận cùng Nghệ như thế này: “Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt/ Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ/ Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ/ Không ai gieo mọc trắng mặt người” cho dù mới đây tôi phát hiện là, cái câu “mồng tơi không kịp rớt” ấy có vẻ như nó không nói về hạt mồng tơi mà nói về cái mồng của áo tơi, nhưng có hề chi, bởi cái liên tưởng của thi sĩ Hoàng Trần Cương quá tuyệt vời. Phải lặn vào đau khổ, lặn vào ký ức, lặn vào những gì Nghệ nhất, anh mới có cái liên tưởng kỳ tài đến sửng sốt ấy. Chưa hết, câu này không kinh à: “Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa/ Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam”. Chả có hình ảnh nào vừa kỳ vĩ đau thương vừa đẹp đến như thế, và cũng khó có nhà thơ nào chuốt mình đến tận cùng để có câu thơ thần thánh đến thế.
Các nghệ sĩ sáng tác về xứ Nghệ thường hay có hình ảnh “Gừng cay muối mặn”, dù khá nhiều người trẻ bây giờ khi tôi hỏi nghĩa cụ thể của cụm từ ấy thì một số ngắc ngứ. Nó vừa là thói quen ngôn ngữ, nhưng cũng là dấu ấn một thời. Quyện nhau, bện nhau, chung thủy… như gừng như muối, những thứ giản dị bần hàn. Chứ như giờ, người Nghệ giàu rồi, thì có khi lại ví như nhẫn với ngón tay, như tiền với ví, như thẻ với ATM, như ô tô với… vô lăng… Gừng cay muối mặn nó trở thành “thương hiệu Nghệ”, cũng như cà muối chè xanh.
Lại nhắc cà muối. Một chú em ở Hoàng Mai đi công tác Buôn Ma Thuột, biết tôi thích cà Nghệ bèn làm một việc “vô tiền khoáng hậu” là xách cho tôi hai hũ cà muối sẵn. Chuyện không có gì đáng nói lắm nếu như không biết hành trình của anh: Bay từ Vinh vào Buôn Ma Thuột, vì Vinh chưa có tuyến Pleiku, nơi tôi ở. Từ Buôn Ma Thuột anh đi xe đò sang Pleiku, mang hai lọ cà cho tôi, rồi bay từ Pleiku ra Hà Nội, rồi từ Hà Nội bay lại vào Vinh. Cà muối thì cả nước mình ăn. Nhưng để trở thành thương hiệu thì cứ phải là cà Nghệ. Và cái hành trình của lọ cà mà tôi vừa kể lại chả phải là một hành trình của… văn hóa ư. Văn hóa, nghĩ cho cùng, chính là cái phần ký ức tốt đẹp của con người, phần tinh hoa nó để lại, là cái mà nó có thể đánh thức phần lương thiện, phần tinh hoa mà ai cũng có nhưng có thể nó ngủ quên đâu đấy. Nhận lọ cà, cả một miền ký ức của tôi sống lại, ùa về. Không chỉ ký ức Nghệ, dù 600 năm trước, ông tổ họ Văn của tôi đã khởi nghiệp (hiện đại giờ gọi là Startup) ở Hoàng Mai, xứ Nghệ, mà nó là cả một vùng ký ức Việt, văn hóa Việt, không chỉ từ thời Thánh Gióng với 3 nong cơm cà…
Cuộc sống hiện đại, vô cùng cần những nốt lặng. Những nốt lặng cứu rỗi con người, làm bình an con người, làm con người sống đẹp hơn, tốt hơn… Thì thi ca âm nhạc, thì ký ức gừng cay muối mặn, thì cà muối chè xanh, và những dòng sông, những thi nhân… chẳng đã, đang và sẽ làm những việc hết sức ý nghĩa ấy hay sao?