Trong bối cảnh chung của cả nước, tỉnh Nghệ An bước vào nhiệm kỳ mới với nhiều thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến mọi mặt của đời sống, kinh tế – xã hội. Năm 2021, cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân tỉnh nhà đã nỗ lực phấn đấu, đạt được những kết quả khả quan; tạo tiền đề để quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022.
Nhìn lại năm 2021, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ, Chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân tỉnh nhà đã chủ động, tích cực, vừa tập trung phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Các cấp, các ngành đã chủ động, tích cực và kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
UBND tỉnh đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra và đạt được những kết quả quan trọng: Dự kiến đến hết năm 2021 có 22/28 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và vượt kế hoạch; Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 ước đạt 6,2%, đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 5,59%, công nghiệp – xây dựng ước tăng 13,59% và dịch vụ ước tăng 1,26%. Mặc dù không đạt được mục tiêu HĐND tỉnh giao (7,5-8,5%) nhưng trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước thì đây là kết quả rất tích cực.
Dự kiến đến cuối năm thu ngân sách đạt hơn 18.000 tỷ đồng, vượt 28,6% dự toán. Xuất khẩu là điểm sáng, ước cả năm 2021 kim ngạch xuất khẩu hơn 2 tỷ USD, vượt xa so với mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đến năm 2025 là 1,765 tỷ USD. Thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, tính đến 15/12/2021, đã cấp mới cho 115 dự án, điều chỉnh 147 lượt dự án, tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là hơn 39.300 tỷ đồng, tăng 41,97% về số lượng dự án và gấp 3,16 lần về tổng mức đầu tư so với cùng kỳ năm 2020. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, nhất là công tác phòng chống dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội. Quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhất là các ngành dịch vụ; một số hạ tầng chiến lược như cảng biển, sân bay chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, đang là điểm nghẽn trong chiến lược phát triển của tỉnh; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực vẫn còn bất cập; cải cách hành chính mặc dù đã được chỉ đạo quyết liệt nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra; việc làm, đời sống của một bộ phận doanh nghiệp, người dân còn gặp nhiều khó khăn. Đây là những khó khăn, tồn tại, hạn chế cần phải tập trung nỗ lực khắc phục trong năm 2022.
Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 36/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Đây sẽ là một trong những động lực quan trọng giúp tỉnh Nghệ An có điều kiện để bứt phá, với việc bổ sung 3 nhóm cơ chế, 6 chính sách để huy động các nguồn lực, khuyến khích mạnh mẽ các thành phần tham gia đầu tư, góp vốn xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; đồng thời, phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả quản lý, chủ động hơn trong điều hành một số lĩnh vực, nhất là về thu hút đầu tư.
Từ tình hình thực tế, trên cơ sở nhận diện đầy đủ những khó khăn, thách thức cũng như những thời cơ, thuận lợi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thông qua và HĐND tỉnh giao mục tiêu tăng trưởng GRDP của năm 2022 từ 8,5%-9,5%, thu ngân sách 14.997 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 2,2 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người khoảng 50-51 triệu đồng,… Để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra, đòi hỏi sự chủ động, tích cực, nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Tỉnh Nghệ An tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. Thực hiện tốt phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả, vừa ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Thứ hai, tập trung xây dựng và triển khai nhanh, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, tập trung hoàn thành các nội dung lớn như: Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội; chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị gắn với đề xuất Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới với các chính sách đặc thù, tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh.
Thứ ba, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ thu hút đầu tư; tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư. Tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện thủ tục các dự án, nhất là các dự án hạ tầng Khu công nghiệp: KCN Hoàng Mai II, KCN VSIP II, các dự án của các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất điện tử,… Chủ động chuẩn bị các điều kiện xây dựng Đề án điều chỉnh mở rộng Khu kinh tế Đông Nam để hình thành Khu kinh tế Nghệ An.
Thứ tư, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, bố trí nguồn vốn có trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; ưu tiên đầu tư hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông quan trọng, đặc biệt là các nút thắt như cảng biển, sân bay. Đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm có tính kết nối, lan tỏa. Tích cực chỉ đạo, chủ động phối hợp để triển khai các dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn qua tỉnh Nghệ An; Cảng hàng không quốc tế Vinh, cảng Cửa Lò,… Triển khai thực hiện có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn.
Thứ năm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính. Tỉnh Nghệ An chọn năm 2022 là năm chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực liên quan đến thủ tục cho doanh nghiệp, người dân, các dịch vụ công. Chỉ đạo các sở, ngành xử lý công việc được giao theo tinh thần “nhanh – đúng – hiệu quả”, với phương châm “nghiêm túc lắng nghe – chủ động triển khai – nỗ lực hành động” gắn với đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Nắm bắt thông tin và kiến nghị từ cơ sở để có phương án, biện pháp xử lý kịp thời. Quan tâm giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri; các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của HĐND tỉnh.
Năm 2022 dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, song chúng ta tin tưởng rằng, Đảng bộ, Chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân tỉnh nhà sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng, với niềm tin, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng tốt thời cơ, đưa Nghệ An phát triển nhanh, bền vững, nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu, tạo nền tảng vững chắc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 5 năm (2021-2025), nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.