“Chúng ta đang nuôi dạy một thế hệ những đứa trẻ được nâng đỡ, cưng nựng và bị giám sát kỹ nhất từ trước đến nay” – Carl Honoré – tác giả cuốn “Tuổi thơ tìm thấy” – một trong những best seller trong trào lưu Slow parenting (Dạy con trong từ tốn) viết.
“Việc của con không phải là rửa bát, quét nhà. 7h rồi, ngồi vào bàn học đi!”; “Bố mẹ quyết định thế là vì tốt cho con. Trứng đừng đòi khôn hơn vịt”; “Mua ô tô chủ yếu là để chở con đi học, vay mượn mấy trăm triệu bố mẹ gắng được, nhưng con phải biết để mà lo học hành nên thân”; “Uống vitamin đúng giờ chưa? Lùn hơn các bạn có thấy xấu không hả?”
Bạn thấy quen không? Những lời nói rất đỗi bình thường ấy hàng ngày, hàng giờ vẫn được nhiều ông bố, bà mẹ thốt lên với con mình. Những lời nói nhuốm đầy yêu thương và toan lo, nhưng cũng ẩn chứa bao áp lực nặng nề. Con phải cao, con phải học giỏi, con phải vào lớp chọn, con phải đỗ đại học… Con không được yêu người này, con không được chọn học hát, con không được mặc đồ màu đen, con không được cắt tóc ngắn… 1.001 điều con phải và con không được, bố mẹ nói vậy là vì bố mẹ yêu thương con, lo cho con chứ cho ai! Bố mẹ nói vậy vì bản thân bố mẹ cũng lớn lên trong những lời răn dạy của ông bà như vậy: Chúng tao lo cho mày nên mới nói thế, làm thế. Mày dám làm khác đi thì mày khổ, mày chịu!
Bố mẹ có bao giờ nghĩ, tình yêu sai cách ấy vô thức đã trở thành gánh nặng kinh khủng với con?
Nhiều đứa trẻ ngày nay vẫn đang được, bị đo lường bởi chuẩn mực chung của xã hội. “Cháu nó ngoan lắm!”, “Thằng bé nhà chị học giỏi thật đấy!” – Từng đó dường như đã đủ để bố mẹ vui vì con mình được mọi người ghi nhận. Lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, thành công của con được đo bằng những Giấy khen, tặng thưởng… trong các cuộc thi. Lớn lên, con được coi là thành công nếu con có một công việc ổn định, thu nhập cao, dựng vợ, gả chồng đúng tuổi. Những thước đo hữu hình ấy dường như mang lại sự an tâm, sự thở phào nhẹ nhõm cho bố mẹ. Hiếm ai đo sự thành công bằng các chỉ số vô hình, ví dụ như hạnh phúc, như đam mê…
Cá là nhiều ông bố, bà mẹ không nhớ nổi lần cuối cùng con mình vui chơi ngoài trời là từ bao giờ, bởi khi bố mẹ về nhà, điều quan tâm đầu tiên là con đã làm xong bài tập chưa. Phải chăng chúng ta đang nuôi dưỡng một thế hệ lớn lên với nỗi lo sợ thất bại, oằn xuống bởi kỳ vọng quá sức? Không ít bậc cha mẹ ngày nay nuôi ước vọng con cái lớn lên trở thành những vĩ nhân, thiên tài. Ra hiệu sách, vô vàn đầu sách về nuôi dạy con, với những tiêu đề thật “kêu”; xem hoạt hình cũng những siêu anh hùng với trí tuệ hoặc sức mạnh siêu đẳng; chương trình truyền hình xuất hiện nhiều những trò chơi trí tuệ, với vương miện đội đầu cho người chiến thắng… Nhưng thế giới này làm gì có nhiều vĩ nhân đến thế; và thậm chí nếu có, thì sẽ đi đến đâu nếu ai cũng là thiên tài, ai cũng là siêu anh hùng?
Việc chấp nhận con như nó vốn có, cả những ưu và khuyết điểm; lắng nghe và tôn trọng, khích lệ và định hướng là điều mà nhiều đứa trẻ ao ước được ứng xử. Chấp nhận con có nhiều năng lực, sở thích và rất nhiều con đường để trưởng thành. Cuộc sống không kết thúc kể cả khi con không đỗ đạt, không thành ông nọ, bà kia như bố mẹ mong ước. Và hơn cả, xin bố mẹ hiểu rằng, yêu thương luôn là món quà, chứ không phải là gánh nặng. Món quà tình yêu dịu dàng, nhẫn nại và bao dung sẽ giải thoát con khỏi những áp lực không cần thiết, để con được sống với đam mê, trọn vẹn hạnh phúc như con muốn.
Bài: Phước Anh
Ảnh minh họa: Tư liệu